Hồng Thủy – Vatican News
Sắc lệnh mới Postquam Summus Pontifex của Bộ Phụng tự áp dụng tự sắc Magnum precisionium của Đức Thánh Cha Phanxicô, trong đó ngài sửa đổi điều 838 của Bộ Giáo luật. Sắc lệnh giải thích và minh định cách thức thực hiện những thay đổi do Đức Thánh Cha đưa ra, những điều có liên quan đến thẩm quyền của các giám mục và của Bộ Phụng tự trong việc dịch các bản văn phụng tự bằng tiếng Latinh sang các ngôn ngữ bản địa.
Trách nhiệm chính của Hội đồng giám mục
Sắc lệnh Postquam Summus Pontifex nhắc rằng vì các Giám mục có trách nhiệm chính đối với các bản dịch phụng vụ”, nên Hội đồng Giám mục phải trực tiếp đảm nhận nhiệm vụ này, với sự cộng tác cần thiết của những người phù hợp, bao gồm các chuyên gia được đào tạo về dịch thuật tiếng Latinh trong phụng vụ”. Mục đích là “đảm bảo rằng sự diễn đạt chính xác và toàn vẹn đức tin của Giáo hội Công giáo bằng một ngôn ngữ nhất định được truyền tải theo sự dạy dỗ của Giáo hội và với từ vựng thích hợp.”
Trách nhiệm của Bộ Phụng tự: Công nhận và phê chuẩn
Bộ Phụng tự chịu trách nhiệm công nhận (recognitio) và phê chuẩn (confirmatio) công việc của các giám mục. Việc công nhận (recognitio) bao gồm việc xét lại những gì đã được Hội đồng Giám mục chấp thuận (approved) và tính hợp pháp của thủ tục được tuân theo, “xét đến các lý do văn hóa, truyền thống của một quốc gia và nhu cầu mục vụ quy định”.
Việc phê chuẩn (confirmatio) bao gồm “sự chuẩn nhận của Tòa thánh cho bản dịch các bản văn Kinh Thánh và phụng vụ, sau khi đã xác định chắc chắn về tính hợp pháp của tiến trình chấp thuận (approval) được Hội đồng Giám mục thực hiện”.
Trong lá thư hồi tháng 10/2017 về việc giải thích đúng tự sắc, Đức Thánh Cha đã nói rõ rằng luật mới trao cho các Hội đồng Giám mục khả năng đánh giá chất lượng tốt và tính nhất quán của các bản dịch từ tiếng Latinh, “dù là trong sự đối thoại với Tòa Thánh”. Ngài giải thích, việc công nhận “chỉ để xác minh và bảo vệ tính hợp luật và sự hiệp thông của Giáo hội,” điều này “không nên dẫn đến thái độ ‘áp đặt’ cho các Hội đồng Giám mục một bản dịch nhất định do Bộ Phụng tự thực hiện, vì điều này sẽ làm tổn hại đến quyền của các giám mục”. Ngài lưu ý thêm rằng việc phê chuẩn “không còn giả định một cuộc kiểm tra chi tiết từng chữ, ngoại trừ trong những trường hợp hiển nhiên có thể được trình bày cho các giám mục để họ suy tư thêm”.