Các nguyên tắc về quyền bính của Bề trên
trong việc phục vụ cộng đoàn (đ. 618)
Tuấn Vũ, CSC.
Dẫn nhập
Điều 618 của bộ Giáo Luật 1983 đã lấy lại những chỉ dẫn về đức vâng lời trong Sắc Lệnh về Canh Tân và Thích Nghi Đời Sống Dòng Tu Perfectae Caritatis, số 14 của Công Đồng Vatican II. Theo sự chỉ dẫn này, quyền bính của Bề Trên cần được thực hiện theo các nguyên tắc sau: 1) tinh thần phục; 2) mẫu gương phục vụ của Chúa Giêsu; 3) tôn trọng phẩm giá của con cái Thiên Chúa; 4) lắng nghe và đối thoại; 5) phục vụ vì lợi ích của tu hội và của Giáo Hội.
1. Tinh thần phục vụ
Điều 618 khẳng rằng quyền bính của Bề Trên xuất phát từ Thiên Chúa qua thừa tác vụ của Giáo Hội[1] chứ không phải bởi ai khác hay bởi cá nhân của Bề Trên. Vì thế, quyền bính ở đây để phục vụ chứ không phải để cai trị hay thống trị[2]. Bề Trên có quyền hạn do luật định và phải thi hành các quyền đó theo cách thức của luật phổ quát và luật riêng của tu hội[3] với tinh thần phục vụ.
Cụm từ “quyền bính như phục vụ” có ý nghĩa tinh thần riêng của nó, biểu thị thái độ bên trong, tinh thần của những người nắm quyền và sau đó chuyển thành thái độ và hành vi bên ngoài tương ứng. Đây là điều mà giáo luật muốn nhấn mạnh khi tuyên bố: “Các Bề Trên phải thi hành trong tinh thần phục vụ” thẩm quyền mà họ đã nhận được[4]. Vấn đề không chỉ ở trong quyền bính của Bề Trên, mà là hành động theo tinh thần Phúc Âm; vấn đề không còn là ý nghĩa của quyền bính, nhưng là về tinh thần phục vụ nội tại mà Bề trên phải có khả năng biểu đạt. Đó chính là tinh thần phục vụ mà Chúa đã nói, đã làm và nó phải là điểm quy chiếu cho các Bề Trên trong cộng đoàn. Không giống như những cộng đồng xã hội, Bề Trên phải hành động theo mẫu gương của chính Thầy Giêsu: “Các ông còn cãi nhau sôi nổi xem ai trong nhóm được coi là người lớn nhất. Đức Giêsu bảo các ông: Vua các dân thì dùng uy mà thống trị dân, và những ai cầm quyền thì tự xưng là ân nhân. Nhưng anh em thì không phải như thế, trái lại, ai lớn nhất trong anh em, thì phải nên như người nhỏ tuổi nhất, và kẻ làm đầu thì phải nên như người phục vụ. Bởi lẽ, giữa người ngồi ăn với kẻ phục vụ, ai lớn hơn ai ? Hẳn là người ngồi ăn chứ ? Thế mà, Thầy đây, Thầy sống giữa anh em như một người phục vụ” (Lc 22, 24-27).
Vì vậy, Bề Trên phải luôn có những phẩm chất và tinh thần tận tụy, hòa nhã, và khiêm nhường (x. Mt 11, 29) trong việc thi hành quyền bính. Bề Trên phải thực thi quyền hạn bất cứ khi nào cần thiết vì lợi ích chung của cộng đoàn. Họ được đặt đứng đầu cộng đoàn với tư cách là Bề Trên và việc thực thi quyền hành là điều bắt buộc đối với họ, nhưng luôn theo tinh thần của Tin Mừng.
2. Phục vụ theo mẫu gương của Thầy Giêsu
Quyền bính của Bề Trên, giống như mọi thẩm quyền trong Giáo Hội, có đặc tính chung đó là tinh thần phục vụ theo gương Thầy Giêsu, Ngài đã nói: “Vì Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ, và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người” (Mc 10,45).
Chính Chúa Giêsu đã thể hiện mình là mẫu mực của quyền bính được hiểu là phục vụ, cả trong dụ ngôn người mục tử nhân lành hiến mạng sống vì đàn chiên (x. Ga 10, 11), và khi rửa chân cho các tông đồ trong bữa ăn tối cuối cùng ( x. Ga 13, 5).
Đặc biệt, các khía cạnh khác nhau của tinh thần phục vụ được nêu ra để chứng tỏ rằng sự vâng phục trung thành sẽ giúp các Bề Trên tỏ ra “vâng theo ý muốn của Thiên Chúa” khi thi hành tránh nhiệm của mình[5]. Bên cạnh đó, Bề Trên phải ý thức rằng nhừng người được giao cho mình chăm sóc, họ là những thụ tạo được Thiên Chúa yêu thương và tạo dựng nên giống hình ảnh của Ngài và đã được cứu chuộc trong máu của Chúa Giêsu[6]. Vì thế, mỗi Bề trên được kêu gọi làm sống lại một cách sống động, nơi anh chị em của mình, tình yêu mà Thiên Chúa yêu thương con cái mình. Để làm được điều đó, Bề trên nên tránh hành sử quyền bính như những đảng phái xã hội hay như một người gia trưởng, nhưng hãy lấy tình yêu, sự thật mà hành sử đối với con cái hay những người thuộc quyền của mình.
Tất cả những điều này có thể được thực hiện bằng cách đánh giá trách nhiệm của mỗi người, “khuyến khích sự vâng phục tự nguyện trong sự tôn trọng người đó”[7] và thúc đẩy đối thoại, luôn nhớ rằng sự vâng lời là cần thiết trong tinh thần đức tin và tình yêu, để noi gương sự vâng phục của Chúa Kitô”[8], chứ không phải vì bất kỳ lý do nào khác.
3.Tôn trọng phẩm giá của con cái Thiên Chúa.
Con người được tạo dựng theo hình ảnh và giống Thiên Chúa (x. St 1,26), “có khả năng nhận biết và yêu thương Đấng Tạo Hóa”[9]. Con người được kêu gọi để thực hiện kế hoạch của Thiên Chúa trong sự đối thoại và tự do vâng phục của tình yêu.
Sự tôn trọng phẩm giá của con người đòi hỏi quyền bính phải được thực thi trong sự tin tưởng, chân thành, sự thật và sự kiên nhẫn. Thiên Chúa dẫn dắt con người từ trong nội tâm, thúc đẩy ý chí của họ để đưa ra sự đáp trả một cách thâm sâu. Thiên Chúa hành động theo cách này với sự tôn trọng tự do của con người. Do đó, việc thực thi quyền hành phải được thực hiện bằng lời nói của trái tim và trong sự khôn ngoan để giúp họ đưa ra một quyết định với lương tâm của chính họ. Bề Trên cố gắng khuyến khích các người thuộc quyền tự nguyện vâng phục (x. đ. 618) trong sự tôn trọng phẩm giá của con người.
Vậy điều gì được được nhấn mạnh theo truyền thống vâng phục trong đời sống tu sĩ ? Ít nhất có hai khía cạnh: trước hết, sự vâng phục phải được thúc đẩy, duy trì và thực hiện trong môi trường đức tin. Thứ đến, sự vâng phục cần được phân định một cách cụ thể theo tiêu chuẩn của luật phổ quát, hiến pháp và những quy định hợp pháp của tu hội. Vậy các tu sĩ hãy khiêm tốn vâng phục Bề Trên của mình theo tiêu chuẩn qui luật và hiến chương, trong tinh thần tin kính và yêu mến đối với thánh ý Chúa, dùng tất cả năng lực trí tuệ, ý muốn cũng như năng khiếu và ơn Chúa ban để thi hành các giới lệnh và chu toàn những phận vụ đã được ủy thác cho mình, vì biết mình đang góp công xây dựng Thân Thể Chúa Kitô theo như ý định Thiên Chúa. Như thế, đức vâng lời trong đời tu trì chẳng những đã không giảm bớt phẩm giá, nhưng còn giúp nhân vị trưởng thành nhờ phát triển tự do của con cái Thiên Chúa[10]. Vì thế, khi thi hành quyền bính, Bề Trên cần nhìn nhận và trân trọng cá tính và mức trưởng thành của mỗi người, cũng như tìm hiểu các nhu cầu và các khó khăn của mỗi người[11].
Điều này không có nghĩa rằng tất cả mọi ý định, mọi dự án hoặc sự sắp đặt mà Bề Trên dự định đưa ra buộc phải tiết lộ cho mỗi người. Trật tự trong cộng đoàn, cũng như sự vâng lời không chỉ đơn giản là một hành động của lý trí và sự hiểu biết, nhưng, nó còn là một hành động của tình yêu có tính hợp lý riêng của nó. Sự tôn trọng phẩm giá của người khác đòi hỏi một hành động của lý trí và hiểu biết một cách sâu sắc bắt nguồn từ niềm tin, sự tin tưởng, tình yêu trong việc tôn trọng phẩm giá của con cái Thiên Chúa (x. đ. 618).
4. Lắng nghe và đối thoại
Có thể nói, lắng nghe và đối thoại là kết quả của sự tôn trọng phẩm giá con người. Với xác tín rằng, mọi người đều được Thiên Chúa tạo dựng như một chủ thể có ý thức và tự do, do đó cần phải hành động một cách có ý thức và tự nguyện để tìm kiếm thánh ý Thiên Chúa và hoàn thành sứ mệnh của mình.
Nói về điều này, Giáo luật khuyên các Bề Trên: “các Bề Trên phải sẵn sàng lắng nghe họ và phải cổ vũ họ cộng tác vì lợi ích của tu hội và của Giáo Hội, nhưng vẫn giữ nguyên quyền quyết định của mình cũng như quyền truyền dạy điều gì phải làm” (x. đ. 618)[12]. Trạng từ “sẵn sàng” không phải là một thỏa thuận mang tính tình cảm nhưng nhấn mạnh đến việc sẵn sàng đối thoại[13]. Vì vậy, để có đối thoại, cần phải lắng nghe. Lắng nghe ở đây thể hiện thái độ cởi mở, trân trọng và tiếp thu ý kiến của nhau. Chấp nhận ý tưởng của người khác cũng có nghĩa là sẵn sàng thay đổi suy nghĩ của mình. Đó là một hình thức đối thoại. Nhưng chúng ta không nên nhầm lẫn giữa việc tôn trọng ý kiến cá nhân và việc theo đuổi ý muốn của Thiên Chúa. Bề Trên không thể áp đặt một cách vô lý các quyết định của mình lên bất kỳ thành viên nào. Về phần mình, người tu sĩ không thể lạm dụng quyền tự do của mình mà không sẵn sàng thực hiện sứ mạng chung của nhà dòng.
Vì vậy, lắng nghe và đối thoại không phải là tìm kiếm và làm theo ý mình, nhưng trên hết, hãy tìm kiếm thánh ý Chúa, nhờ sự soi dẫn của Chúa Thánh Thần đối với cả bề trên và các thành viên. Hiến Pháp và Nội Quy của Dòng Thánh Tâm – Huế, điều 65 nhắc nhở rằng: “Đức Kitô hiện diện khi Tu sĩ Thánh Tâm cùng nhau đào sâu đức tin và sứ vụ của mình, cũng như khi tham dự các cuộc gặp gỡ, đối thoại và trao đổi huynh đệ”[14]. Lắng nghe và đối thoại giúp cho cả Bề Trên và các thành viên thực hiện sứ mạng riêng của mình trong sự tự do và trách nhiệm trước mặt Thiên Chúa và cộng đoàn[15].
5. Phục vụ lợi ích hội dòng và Giáo Hội
Các quyết định của Bề Trên không chỉ nhằm thỏa mãn mong muốn của cá nhân hay từng thành viên. Sau khi xem xét các lập luận, các khía cạnh trước mặt Chúa[16], Bề Trên phải có trách nhiệm đưa ra quyết định vì “lợi ích của hội dòng và của Giáo Hội” (x. đ. 618).
Thật vậy, ý nghĩa đầu tiên và chính yếu của việc phục vụ của Bề Trên là ở cấp độ cộng đoàn. Bề trên phải liên kết năng lực của tất cả mọi thành viên để hướng tới mục tiêu của cộng đoàn: nó giả định một mục tiêu chung mà tất cả đều hướng tới. Chức năng của thẩm quyền là hợp lực để hướng tới một mục tiêu chung, nó thúc đẩy hành động của mọi thành viên đến mục tiêu cuối cùng. Điểm quy chiếu là lợi ích của hội dòng và của Giáo hội, vì hội dòng là một phần của Giáo hội.
Do đó, Bề trên trong phận vụ của mình phải tuân theo ý muốn của Chúa, và vì vậy, ngài phải tham khảo, để biết mình phải làm gì hay không, vì lợi ích của hội dòng, nhất là những chương trình, dự án, sứ mạng đã được luật riêng xác định và được thẩm quyền Giáo Hội chuẩn nhận. Không ai được phép định đoạt gia sản của tu hội theo ý mình. Gia sản của tu hội, cũng là gia sản của Giáo Hội[17]. Bổn phận của Bề Trên phải gìn giữ và cổ võ một cách trung thành với tinh thần của Đấng sáng lập, tôn trọng Hiến Pháp, Nội Quy, các quyết nghị của Tổng Tu Nghị, cũng như những chỉ thị của Ban Quản trị của hội dòng. Bên cạnh đó, Bề Trên cũng phải vâng theo những giáo huấn và những chỉ thị của hàng Giáo Phẩm để tìm sự trọn lành Tin Mừng bằng sống đời thánh hiến cho Thiên Chúa ngày càng hơn và bằng tinh thần tông đồ đích thực[18].
Vì vậy, việc thi hành quyền bính này không chỉ nhắm đến lợi ích của mỗi thành viên trong cộng đoàn, mà trên hết nó phải định hướng mọi hoạt động hướng đến mục tiêu lợi ích chung của hội dòng và của Giáo hội.
Tạm kết
Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã viết rằng “Trong đời thánh hiến, vai trò của các bề trên nam nữ, trung ương cũng như địa phương, luôn luôn có một tầm quan trọng lớn đối với đời sống thiêng liêng cũng như đối với sứ vụ”[19]. Thật vậy, Thiên Chúa trao quyền cho các bề trên ngang qua thừa tác vụ của Giáo Hội (x. đ.618) để phục vụ anh em trong cộng đoàn thánh hiến. Để hoàn thành bổn phận của mình, Bề Trên hãy noi gương tinh thần và mẫu gương của Thầy Giêsu, Người đến để phục chứ không phải được phục vụ. Với vai trò là người đứng đầu cộng đoàn: “các Bề Trên phải sẵn sàng lắng nghe họ và phải cổ vũ họ cộng tác vì lợi ích của tu hội và của Giáo Hội, nhưng vẫn giữ nguyên quyền quyết định của mình cũng như quyền truyền dạy điều gì phải làm” (x. đ.618). Còn các thành viên hãy vâng lời và tùng phục các Bề Trên, vì họ chăm sóc linh hồn mỗi người và chính các Bề Trên cũng phải trả lẽ trước mặt Thiên Chúa[20]