Chúa nhật 21 Thường Niên Năm B: Bỏ Ngài con biết theo ai

Lời Chúa : Ga 6,54A.60-69
Tại hội đường Ca-phác-na-um, Đức Giê-su đã tuyên bố : “Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn đời”. Nghe vậy, nhiều môn đệ của Người liền nói: “Lời này chướng tai quá! Ai mà nghe nổi ?” Nhưng Đức Giê-su tự mình biết được là các môn đệ đang xầm xì về vấn đề ấy, Người bảo các ông : “Điều đó, anh em lấy làm chướng, không chấp nhận được ư? Vậy nếu anh em thấy Con Người lên nơi đã ở trước kia thì sao ? Thần khí mới làm cho sống, chứ xác thịt chẳng có ích gì. Lời Thầy nói với anh em là thần khí và là sự sống. Nhưng trong anh em có những kẻ không tin”.
Quả thật, ngay từ đầu, Đức Giê-su đã biết những kẻ nào không tin, và kẻ nào sẽ nộp Người. Người nói tiếp : “Vì thế, Thầy đã bảo anh em: không ai đến với Thầy được, nếu Chúa Cha không ban ơn ấy cho”. Từ lúc đó, nhiều môn đệ rút lui, không còn đi theo Người nữa.
Vậy Đức Giê-su hỏi Nhóm Mười Hai : “Cả anh em nữa, anh em cũng muốn bỏ đi hay sao?” Ông Si-môn Phê-rô liền đáp : “Thưa Thầy, bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai? Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời. Phần chúng con, chúng con đã tin và nhận biết rằng chính Thầy là Đấng Thánh của Thiên Chúa !”.      
BỎ NGÀI CON BIẾT THEO AI ?
Thánh tử đạo Đaminh Nguyễn Văn Hạnh (1772-1838) là một linh mục Dòng Đaminh, sinh tại làng Năng A, tỉnh Nghệ An. Năm 1838, cha đến phục vụ ở làng Quần Anh Hạ. Tới khi tình hình ở đó căng thẳng, cha di chuyển qua làng Trung Thành ngày 7-7. Nhưng trên đường đi thì bị bắt nộp cho quan. Sau khi điều tra tên tuổi, quê quán, việc làm, quan hỏi: “Tại sao không bước qua thập tự?” – “Thưa quan, thập tự đối với chúng tôi là hình Thánh Giá, tượng trưng cho ơn cứu chuộc, nên không ai được chà đạp, vì đó là một trọng tội” – “Xem kìa, đạo trưởng Duyệt đã chịu bỏ đạo rồi được tha về, ông cứ làm như thế ta sẽ tha cho”. (Linh mục Duyệt là một người trước đó mang nhiều tiếng xấu. Ông đã bị bắt và đã bỏ đạo). Nhưng cha Đaminh Hạnh cương quyết không chịu đạp lên Thánh Giá. Cha bình tĩnh giải thích cho quan các lẽ đạo rồi kết luận: “Kẻ trung thành với Chúa Giê-su, khi chết sẽ được lên Thiên Đàng”. Cha Hạnh còn phải ra tòa nhiều lần nữa. Một lần có linh mục Duyệt hiện diện. Khi quan bảo bước qua Thập Giá, linh mục Duyệt vâng ngay, bước qua bước lại mấy lần. Cha Hạnh thấy thế nổi nóng chỉ thẳng vào mặt nói: “Bớ ông kia! Hãy xem đầu mình đã bạc, còn sống được bao năm nữa mà cả lòng bỏ Chúa mình vì dăm ba ngày tháng chóng qua? Ông làm ô danh đấng bậc mình để được lòng vua dữ, gây cực lòng cho Giáo Hội đã nuôi nấng dạy dỗ bấy lâu, đi làm bạn với ma quỷ, chực làm hại đời mình”. Nhưng kẻ phản bội quay qua cười chế nhạo và nói: “Tôi là khôn, chỉ có ông là dại dột”. Sau cùng, vì “cố chấp” trong sự “dại dột” đó mà cha Hạnh đã bị xử tử ngày 1-8 tại pháp trường Bảy Mẫu.
Cha Hạnh đúng là đã trải qua cùng một kinh nghiệm y như các Tông đồ trong câu chuyện Tin Mừng hôm nay. Hôm nay, chúng ta đi đến phần cuối của “Diễn từ Bánh Sự Sống”. Nhờ chính ngòi bút của một chứng nhân đích thân mục kích, ta sắp thấy hiệu quả của bài giảng Đức Giê-su trên cử tọa. Một bên, đại đa số công phẫn và chối từ; bên kia, Nhóm Mười Hai trung thành trong khiêm tốn và tin tưởng.
1. Chối từ vì không thể chấp nhận
Ở đây chúng ta có một chứng từ lịch sử bậc nhất về cuộc sống Đức Giê-su. Ba tác giả Nhất lãm cũng đã ghi nhận rõ ràng khúc quanh quan trọng ấy trong sứ vụ của vị ngôn sứ làng Na-da-rét: khủng hoảng! Cho tới nay, quần chúng đã đi theo và kiếm tìm Người: nơi đây, Gio-an còn đi đến chỗ gọi họ là “môn đệ”. Thế nhưng các “môn đệ” này, vốn đã bắt đầu một đoạn đường với Đức Giê-su, thì nay lìa bỏ. Mạc khải về mầu nhiệm Thánh Thể làm phần lớn thính giả khó chịu. Cuối chương này, chúng ta sẽ đếm được “số sót” trong đám môn đệ còn bao nhiêu. Và Tin Mừng, không chút ngập ngừng, chẳng giấu giếm rằng Đức Giê-su đã thất bại trong toan tính làm cho thiên hạ hiểu “Bánh” của Người, bánh “đích thực”. Phần chúng ta, hai mươi mốt thế kỷ sau, chúng ta tiếp tục ngạc nhiên trước việc lắm kẻ nam nữ trẻ già từ chối đi theo Đức Giê-su đến chỗ “cầm lấy Bánh Người mà ăn, cầm lấy Rượu Người mà uống, thứ bánh và rượu mà Người bảo là thịt và máu Người”. Đôi khi ta còn tố cáo Giáo Hội vì đó: Ôi! nếu Giáo Hội đã không thay đổi nhanh như vậy… Ôi! nếu Giáo Hội đã thay đổi nhanh hơn… Ôi! nếu Giáo Hội theo lập trường của tôi đây này… Thật ra, chính “đức tin” là nguyên nhân gây nên điều ấy, chứ đâu phải là tập tục phụng vụ, văn hóa, xã hội này nọ. Và Đức GS sẽ nói lại cho ta điều ấy với một sự sáng sủa, chẳng chút nhượng bộ nào.
Người không cần phải nghe những lời xầm xì, vì đã biết trước. Chúng chẳng làm Người ngạc nhiên. Người chờ đợi sự thể như vậy. “Đức tin” quả khó khăn! Vì đấy là “từ chối kiểu tri thức thông thường bằng giác quan và trí tuệ” để “tín nhiệm vào một người khác”, vì đấy là “tin dù không thấy” thánh Gio-an sẽ nói thế nhiều lần[1]. Vâng, Đức Giê-su biết “điều đó, anh em lấy làm chướng, không chấp nhận nổi” “điều đó khiến anh em vấp vào Thầy như một hòn đá trở ngại”.
Sỡ dĩ thế vì ta luôn có xu hướng biến “đức tin” thành một thứ giáo huấn: nếu giải thích cho rõ, thanh niên sẽ đi dự lễ! Họ không đi bởi lẽ chẳng “biết” gì! Thế mà đối với Chúa Giê-su, chúng ta thấy đấy, đức tin luôn đụng chạm! Nó không tất nhiên! Nó gây khó chịu bực mình. Còn hơn là một bài học lặp đi lặp lại cách trung thành, tin là “dấn thân sống”, tin là “thực hành hữu hiệu”… tin là “cảm thấy bị hối thúc”: phải chịu từ bỏ các ánh sáng riêng gọi là khoa học để đón nhận mạc khải của một Đấng khác, mà các phương thế nhân loại của chúng ta không kiểm chứng nổi. “Tuyên tín” đích thực, nói cho cùng, không phải là đọc kinh Tin kính hay bất cứ công thức nào khác, dẫu là công thức thích hợp nhất cho tâm trí hiện đại của chúng ta, song là “làm” những gì Đức Giê-su đã dạy làm. Và mầu nhiệm trung tâm của đức tin chắc chắn là phép Thánh Thể. Khi định nghĩa đôi lần: “Ki-tô hữu là người đi lễ”, người ta không nói hết, song cũng nêu lên một cái gì chủ yếu, nếu người ta hiểu Thánh lễ như chúng ta cố gắng hiểu cùng với chính Đức Giê-su. Đức tin, đó là một “quyết định” = một: “ăn Bánh Sự Sống”, hai: “sống sự sống của Người, tức thật sự yêu thương”…
“Làm sao con người ấy có thể ban thịt mình cho ta ăn?” Chính vì ông ta đâu chỉ là một con người! Thay vì rút lại, giải thích hay làm dịu các khẳng định của mình, Đức Giê-su càng nhấn mạnh chúng bằng cách cố gợi lên cho ta một “mầu nhiệm” khác mà Thánh Thể chỉ là biểu hiện: “Điều đó, anh em lấy làm chướng, không chấp nhận được ư? Vậy nếu anh em thấy Con Người lên nơi đã ở trước kia thì sao?…”. Chúng ta thực ở trong lãnh vực của mầu nhiệm Thiên Chúa nhập thể, của việc Tinh Thần “mặc lấy xác thịt”. Đây đúng là một mầu nhiệm “thần linh”, thành thử sức con người không thể hiểu nổi. Đức Giê-su rõ ràng ám chỉ “hữu thể” thần linh của Người: Người sắp “lên nơi đã ở trước”. Vâng, phải vượt qua vẻ tối tăm, tầm thường, quen thuộc, thân phận con người hiện tại của Đức Giê-su để khám phá cho được vinh quang Ba Ngôi của Người: Người ngự bên hữu Chúa Cha, trong chuyển động sự sống của Thần Khí mà Người đã từ Cha nhận lãnh… “Như Chúa Cha là Đấng hằng sống đã sai tôi, và tôi sống nhờ Chúa Cha thế nào, thì kẻ ăn tôi, cũng sẽ nhờ tôi mà được sống như vậy”.
Ta chẳng biết sự sống là gì trong thực tế, ngay cả sự sống tầm thường của thực vật hay của động vật. Chẳng một ai, chẳng nhà bác học nào đã có thể nói được “sự sống” là gì. Vậy thì “sự sống” của Thiên Chúa là chi? Các phương tiện tri thức con người có sẵn đều không thể giúp con người nhận thức mầu nhiệm ấy. Không! Chớ nên giải thích mầu nhiệm Thánh Thể chỉ qua lý trí con người: cao cả, khôn dò mầu nhiệm đức tin! Bởi lẽ, “Thần khí mới làm cho sống, chứ xác thịt chẳng có ích gì. Lời Thầy nói với anh em là thần khí và là sự sống”. Hơn tất cả mọi lời khác, các lời Đức Giê-su nói về Thánh Thể đều giả thuyết hoạt động của Thánh Thần. Chúng ta thật sự ở trung tâm Tin Mừng. Làm sao sau đó, còn có thể “giản lược” Tin Mừng vào một lời rao giảng luân lý, cho dẫu là quảng đại: Đức Giê-su là vĩ nhân, là hiền nhân, là ngôn sứ, là nhà giải phóng, nhà cách mạng, là phong trào xã hội… Hết thảy những điều ấy là thật. Nhưng chẳng phải là đặc điểm của Đức Giê-su. Có một khía cạnh độc đáo nơi Người, không thể giản lược, mà ta gọi là “khía cạnh thần linh”! Thành thử là vô hình, siêu vượt tất cả. Khía cạnh này cần phải đoán biết “qua xác thịt” của Người, vì thuộc lãnh vực Tinh Thần với một chữ hoa! thuộc lãnh vực Sự Sống với một chữ hoa.
2. Trung thành trong tin tưởng
“Từ lúc đó, nhiều môn đệ rút lui, không còn đi theo Người nữa. Vậy Đức Giê-su hỏi Nhóm Mười Hai: Cả anh em nữa, anh em cũng muốn bỏ đi hay sao?”. Thầy đâu giữ anh em lại… Người xem ra nói thế. Anh em được tự do! Trong các cuộc tranh chấp hiện thời giữa “nhiều” môn đệ “bỏ đi” và những kẻ ở lại với Thầy Chí Thánh, phải chăng ta nhớ lại lời này của Đức Giê-su, để biết thưa với Người: “Bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai? Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời”. Đức Giê-su là “bất khả thay thế” đối với các Tông đồ và cũng như vậy đối với ta. Tuy nhiên phải ghi nhận rằng Nhóm Mười Hai tối hôm trước đã có một kinh nghiệm soi sáng họ phần nào: giữa cuộc hóa bánh ra nhiều và diễn từ Bánh Sự Sống là Thân Thể Đức Ki-tô, họ đã thấy thân thể ấy “đi trên biển động và giông bão” (Ga 6,16-21). “Thân thể” ấy, Xác thịt ấy không bị trọng lực như chúng ta, vì là Thân thể của Đấng Thánh Thiên Chúa. Kinh nghiệm đó góp phần giúp Nhóm Mười Hai nói lên lòng trung thành của họ vào cuối câu chuyện. Tại sao giới hạn Thiên Chúa vào những gì chúng ta có thể hiểu? Người vượt quá chúng ta từ mọi phía. Điều đó thật quá hiển nhiên.
[1] Bài “Biết nhờ tin nhân chứng” của cùng tác giả trình bày rõ hơn về vấn đề này: biết nhờ dùng giác quan, biết nhờ dùng trí tuệ và biết nhờ tin nhân chứng.
Lm. Phêrô Phan Văn Lợi, TGP Huế