ĐTC Phanxicô tham gia cuộc gặp gỡ “Đức tin và khoa học: hướng đến COP26”

 
Trong bài phát biểu trước các lãnh đạo và đại diện các tôn giáo tham dự cuộc gặp gỡ “Đức tin và khoa học: hướng đến COP26”, hôm thứ Hai 04/10, Đức Thánh Cha nói đến ba khái niệm để suy tư về sự hợp tác: (1) cái nhìn của sự lệ thuộc và chia sẻ, (2) động lực của tình yêu; (3) và lời mời gọi tôn trọng.
 

Ngọc Yến – Vatican News

Cuộc gặp gỡ giữa các lãnh đạo tôn giáo và các khoa học gia là sáng kiến của đại sứ quán Anh và Ý cạnh Toà Thánh, với mục đích đưa ra lời kêu gọi bảo vệ trái đất tới các tham dự viên của Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu COP26 sẽ diễn ra từ ngày 01 đến 12/11 tại Glasgow, Scotland.

Đức Thánh Cha bắt đầu bài phát biểu, nói về sự lệ thuộc và chia sẻ trong sự hợp tác. Ngài nhận định rằng, trong thế giới, mọi thứ đều được kết nối với nhau. Điều này không chỉ có trong lĩnh vực khoa học, nhưng cả trong niềm tin và truyền thống thiêng liêng, tất cả có mối liên hệ với phần còn lại của thụ tạo. Thực vậy, không có thụ tạo nào có thể tự tồn tại, mỗi thụ tạo chỉ hiện hữu trong sự phụ thuộc vào các thụ tạo khác. Và tất cả thụ tạo được hướng dẫn bởi một luật do Thiên Chúa ghi khắc nơi chúng vì lợi ích của tất cả.

Khi hiểu được mọi thứ đều kết nối với nhau, chúng ta không chỉ nhận ra những hậu quả tai hại do chúng ta gây ra, nhưng còn xác định các hành vi và giải pháp phải được thực hiện trong sự liên kết với nhau. Chính vì vậy, cuộc gặp gỡ “Đức tin và khoa học: hướng đến COP26” của những người có niềm tin và truyền thống thiêng liêng riêng, nhưng không có biên giới và rào cản văn hoá, chính trị và xã hội, nhằm đem lại ánh sáng cho cái nhìn này, tất cả đều muốn dấn thân vì một tương lai được định hình từ sự lệ thuộc và đồng trách nhiệm.

Đức Thánh Cha nói đến khái niệm thứ hai: Động lực của tình yêu. Ngài giải thích: “Từ tận thâm tâm mỗi người, tình yêu tạo ra sự liên kết và mở rộng sự hiện hữu khi tình yêu làm cho con người ra khỏi chính mình và hướng đến người khác”. Tuy nhiên, theo Đức Thánh Cha, động lực này không ở trạng thái tĩnh, cần phải được làm sống lại mỗi ngày. Chính đức tin và truyền thống thiêng liêng có thể tạo thuận lợi cho sự thay đổi cần thiết này.

Về khái niệm thứ ba để suy tư về sự hợp tác giữa các tôn giáo trong việc chăm sóc thụ tạo, Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng, sự chăm sóc này là một lời mời gọi tôn trọng. Không chỉ tôn trọng thụ tạo, người thân cận, chính mình và Đấng Tạo Hoá, nhưng còn phải tôn trọng giữa đức tin và khoa học, để “bước vào một cuộc đối thoại hướng đến việc chăm sóc thiên nhiên, bảo vệ người nghèo, xây dựng mạng lưới tôn trọng và tình huynh đệ”.

Đức Thánh Cha kết luận: “Trên đây là ba chìa khoá để hiểu các hoạt động chăm sóc ngôi nhà chung. COP26 ở Glasgow được kêu gọi khẩn cấp đưa ra các ứng phó hiệu quả đối với cuộc khủng hoảng sinh thái chưa từng có, và cuộc khủng hoảng về các giá trị mà chúng ta đang sống, và do đó mang lại hy vọng cụ thể cho các thế hệ tương lai”. (CSR_6685_2021)