Lễ Giỗ lần thứ 87 của Đức Cha Eugène Marie Joseph Allys
CHỦ ĐỀ: ĐỨC CHA ALLYS LÝ – NGƯỜI CON CỦA ĐỨC MARIA
Ts. Phêrô Nguyễn Xuân Sơn, CSC
Ngày 23.4 hằng năm là ngày giỗ của Đức Cha Allys (Lý) – Đấng Sáng Lập Dòng Thánh Tâm Huế. Ngày giỗ là dịp thuận tiện để mỗi người con tinh thần của Đức Cha tưởng nhớ, thắp nén hương trước công đức và đạo hạnh của người cha khả kính. Với lòng tri ân chân thành, người viết hướng về nguồn với tâm tình tri ân Đấng Sáng Lập trong lần giỗ thứ 87 này với chủ đề: Đức Cha Allys Lý là người con của Đức Maria. Để làm rõ về chủ đề này, người viết đề cập tới ba khía cạnh chính yếu về lòng yêu mến Đức Maria của ngài như sau: (1) Đức Cha Allys Lý – lòng yêu mến Đức Mẹ trong cuộc sống đời thường; (2) Đức Cha Allys Lý – lòng yêu mến Đức Mẹ qua Đời Sống Thánh Hiến; và (3) Đức Cha Allys Lý – Người xây dựng đền thánh La Vang toàn quốc.
1. Đức Cha Allys Lý – lòng yêu mến Đức Mẹ trong cuộc sống đời thường
Đã hẳn, người tín hữu khi lãnh nhận đức tin cũng được chỉ bày yêu mến Đức Maria – Mẹ Thiên Chúa và cũng là Mẹ con người. Thế nên ngay trong truyền thống của người Việt, với lòng đạo đức bình dân vẫn thường ngâm nga câu đồng dao: “Con ai? Con Bà. Bà nào? Bà Maria”. Từ lòng yêu mến Đức Mẹ bằng tâm thức của người Công giáo Việt nam, chúng ta có thể nhìn thấy lòng yêu mến đó trong tâm khảm, trên môi miệng của mọi Kitô hữu hoàn cầu.
Vì thế, việc Đức Cha Allys Lý có lòng yêu mến Đức Mẹ là lẽ thường tình. Người viết được nghe kể rằng, lúc thiếu thời, cậu Eugène Marie Joseph Allys siêng năng cầu nguyện với Đức Mẹ tại nhà thờ xứ và hang đá Đức Mẹ[1]. Có lẽ từng lời kinh Kính Mừng đơn sơ nhưng chuyên cần của chàng thanh niên người giáo xứ Paimpont, nước Pháp đã giúp cậu mỗi ngày mến Chúa hơn và vững vàng trong đời sống đức tin. Lòng yêu mến của ngài đối với Đức Mẹ được thừa hưởng từ Giáo xứ Bretagne, đặc biệt là chịu ảnh hưởng từ Tu viện Ploemel do các thầy Lasan giảng dạy[2]. Thói quen đạo đức đó theo Đức cha đến suốt cuộc đời. Ngài siêng năng lần hạt nhất là lúc về già, những lúc rảnh rỗi trên tay luôn cầm chuỗi tràng hạt.
Chuyện rằng, khi ngài nhận được 2 huy chương ân thưởng công do nước Pháp và Việt Nam trao tặng là Bắc Đẩu Bội Tinh[3], tâm trí ngài nảy sinh một ý tưởng rất cao đẹp. Ý tưởng đó vừa ngộ nghĩnh vừa biểu lộ tình yêu của ngài đối với Đức Mẹ ở Paimpont – Giáo xứ quê hương thân yêu của Ngài. Đức Cha đã gửi 2 huy chương về Paimpont nhờ cháu xin cha xứ đeo vào cổ tượng Đức Mẹ và tượng Chúa Giêsu đặt trong nhà thờ xứ[4].
Như vậy, dù ở đâu, làm gì Đức Cha Allys Lý luôn hướng về Đức Mẹ với lòng yêu mến chân thành, dịu dàng như người con đặt trong tay Mẹ với tất cả nỗi lòng và cuộc sống của mình. Có lẽ vì thế mà Đức Maria luôn hiện diện trong cuộc đời ngài, trao ban cho ngài biết bao ân huệ từ trời.
2. Đức Cha Allys Lý – lòng yêu mến Đức Mẹ qua Đời Sống Thánh Hiến
Khi trở thành Linh mục và là một Giám mục, chắc chắn lòng yêu mến Đức Mẹ của Đức Cha Allys Lý càng tăng bội phần. Bởi lẽ không có tâm hồn nào khi dấn thân trong ơn gọi tu trì mà không ước ao được Đức Mẹ che chở, giữ gìn. Đặc biệt đối với một linh mục, sự gìn giữ và bảo hộ từ Mẹ Maria Rất Thánh càng thiết tha và quan trọng đến dường nào. Trong lá thư đầu tiên gửi các linh mục vào dịp Thứ Năm Tuần Thánh năm 1979 dưới triều đại Giáo Hoàng của mình, thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II viết: “Trong thiên chức linh mục thừa tác của chúng ta, có một chiều kích rất đẹp đẽ và sâu sắc về sự gần gũi giữa Mẹ Chúa Kitô và linh mục.”[5] Do đó, dù không được nói đến một cách minh nhiên, nhưng một số hoạt động mục vụ của Đấng Sáng Lập của chúng ta nói lên lòng mộ mến Đức Mẹ rất rõ ràng.
Trước hết, khi nhận thấy nhu cầu mục vụ của Giáo phận Huế cần có một trường học để giáo dục đức tin và thăng tiến văn hoá cho giới trẻ nữ, Đức cha Allys Lý từng bước hình thành và thiết lập Dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm tại Phú Xuân (1920)[6]. Ngài đã đặt Mẹ Maria Vô Nhiễm làm bổn mạng của Hội Dòng này. Điều đó cho thấy, Đức cha trao người con tinh thần của mình trong bàn tay từ ái của hiền mẫu Maria. Với ước ao những nữ tỳ thánh thiện này sẽ theo gót chân Mẹ, dâng hiến trọn vẹn cuộc đời cho Chúa và mưu ích cho tha nhân. Chắc hẳn đây là mong muốn của chính Đấng Sáng Lập. Như Mẹ đã bảo vệ, thêm sức mạnh cho ngài thế nào trong đời sống độc thân linh mục; thì bây giờ Đức cha cậy dựa Mẹ Chúa Trời bảo toàn đức khiết tịnh cho mọi con cái của ngài.
Như vậy, từ kinh nghiệm của mình, Đức cha Allys thấy được sự che chở và hướng dẫn của Mẹ Maria nên ngài cũng chuyển trao lòng yêu mến đó cho những người con tinh thần của ngài. Qua gương mẫu tuyệt hảo của Mẹ Maria, ngài có thể nhìn thấy mọi mối tương quan trong đời sống và sứ vụ linh mục của mình bằng đôi mắt, trái tim và trí não mới, để luôn bước đi trên con đường thánh thiện cần thiết.
Đặc biệt, lòng yêu mến đó được chuyển tải cho anh em Dòng Thánh Tâm Huế được nêu rõ trong Hiến Pháp: “Chuỗi Mân côi là một trong những phương thế giúp ta tôn kính Đức Trinh nữ, mẫu gương và là Đấng bảo trợ mọi cuộc đời tận hiến” (HP điều 55)[7]. “Lòng biệt tôn trái tim vô nhiễm Đức Mẹ nhắc chúng ta hồi tưởng tình yêu khăng khít và bền chặt đã hợp nhất Mẹ với Con Mẹ” (HP điều 54)[8]. Lòng sùng kính Đức Mẹ trở nên nguồn mạch của ơn Chúa và là dấu chỉ của lòng cậy trông. Hơn nữa, vào ngày thứ Bảy sau lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu còn là dịp anh em Dòng Thánh Tâm thể hiện lòng hiếu kính với Đức Maria bằng việc nâng thánh lễ lên bậc lễ kính (HP điều 53).
Rõ ràng là một mục tử sống trong những thời khắc đầy biến động và bách hại nhưng người cùng thời luôn nhìn thấy nét cương nghị, điềm tĩnh, ôn hoà trên khuôn mặt của Đức cha Allys Lý. Điều đó cho thấy ngài luôn kết hiệp sâu xa với Đức Kitô và khắng khít với Đức Maria. Là con cái của ngài, chúng ta cũng hãy noi gương bắt chước những thực hành đức tin của Đấng Sáng Lập để có thể sống trọn vẹn, hạnh phúc căn tính ơn gọi của mình. Như Đức Thánh Cha Biển Đức XVI từng thôi thúc chúng ta: “Tôi khuyên anh em hãy vào trường Đức Maria để học biết yêu thương và bước theo Đức Kitô trên hết mọi sự.”[9]
3. Đức Cha Allys Lý – Người xây dựng đền thánh La Vang toàn quốc
Như đã trình bày ở hai phần trên, lòng yêu mến Đức Maria của Đấng Sáng Lập thật sâu sắc và phong phú. Để có thể nói rằng Đức cha Allys Lý là “người con của Đức Maria.” Một người con thật đặc biệt bởi lẽ ngài luôn muốn điều xứng đáng nhất, cao đẹp nhất dành cho Mẹ mình trong tất cả khả năng ngài có thể.
Một trong những điều ngài làm để kính mến Đức Maria mà lịch sử không thể không lưu dấu, đó là khởi công xây dựng đền thánh La Vang. Hãy xem La Vang thời bấy giờ là vùng thiêng nước độc. Tuy đã có một nhà thờ ngói được xây dựng thời Đức cha Caspar Lộc nhưng trong dịp Đại Hội La Vang 8 (1923), Đức cha Allys Lý nhận thấy số giáo dân hành hương ngày một đông, ngôi nhà thờ ngói thì quá chật hẹp, lại đã xuống cấp, có thể sụp đổ bất cứ lúc nào nên đã quyết định xây dựng ngôi đền thánh rộng lớn tại La Vang. Đức cha đã giao phó trọng trách này cho cha sở Cổ Vưu[10].
Thật vậy, ngài nhận thấy lòng sùng kính Đức Maria không chỉ mang lại ơn ích thiêng liêng cho chính mình mà còn cho phần rỗi mọi Kitô hữu. Đó cũng chính là cầu nối, là máng chuyển thông ơn cứu độ của Thiên Chúa cho con cái Người. Khởi đi từ lòng thảo hiếu với Đức Mẹ và tấm lòng mục tử vì đoàn chiên, Đức cha đã dốc hết sức mình để có thể xây dựng ngôi nhà xứng đáng cho Mẹ Cả Chúa Trời. Vậy mà ròng rã gần bốn năm trời (1924 – 1928) với biết bao công sức tiền của đổ ra, công trình Đền Thánh La Vang vĩ đại đã hoàn thành ngoại trừ phần tháp chuông chưa xong. Phải thấy rằng, chỉ có sự bền bĩ với lòng yêu mến, Đức cha mới có thể kiên định với công trình này.
Không chỉ vậy, Đức cha Allys Lý còn từng bước nâng Thánh địa La Vang từ một điểm hành hương Giáo hạt, Giáo phận lên hàng toàn quốc. Cùng điểm lại những hoạt động mục vụ ngài thực hiện tại La Vang để thấy tấm lòng của Đức cha dành cho Đức Mẹ là ngần nào: Ngài đã tổ chức thành công tất cả sáu kỳ Đại hội La Vang, từ Đại hội 4 (1910) đến Đại hội 9 (1928). Từ Đại hội 6 (1917), Hành hương La Vang đã được cải cách từ một ngày lên ba ngày gọi là Tam nhật. Hai ngày đầu tổ chức tại La Vang, ngày thứ ba rước kiệu Đức Mẹ từ Cổ Vưu vào La Vang. Tiếp đó, ngài đã tổ chức thành công rực rỡ Đại hội La Vang lần thứ 9 (1928), Đại hội đầu tiên mang tính toàn quốc và Đông Dương. Từ Đại hội này, danh tiếng Đức Mẹ La Vang đã vượt Địa phận Huế đến với mọi miền, mọi xứ: Bắc, Trung, Nam, cả Ai Lao và Cao Miên.[11]
Hãy nghe các tín hữu thời đó cảm nhận niềm vui khi có thể đến chiêm ngắm Đức Mẹ La Vang, tỏ lòng yêu mến Mẹ như thế nào.
Còn có một lệ khác vui vẻ hơn xa chừng là hễ cách ba năm thì có cuộc Đại hội một lần… Vậy ngày ấy, ban thái tảo, ước giờ thứ tư rưỡi, dàn đội ngũ cứ thứ tự chiếu theo bảng yết, khỉ trình tại nhà thờ Cổ Vưu mà kiệu ảnh Đức Mẹ lên nhà thờ La Văng, đoạn nghe giảng, chầu hát lễ, chầu Phép lành Mình Thánh Chúa trọng thể như mọi năm… Chớ chi ngày ấy con cái Đức Mẹ khắp xa gần đến mầng Đức Mẹ cho sum vầy đông đắn, ắt Đức Mẹ sẽ vui mừng cùng sẵn lòng rộng tay xuống phước cho con cái Người là thể nào. Vậy xin mời ai nấy hết thảy hãy đến vui mừng trong Chúa mà ngợi khen Đức Mẹ. Hãy phụ lực làm rạng tiếng Mẹ lành giữa cõi Việt Nam. Hãy gia tâm làm thơm danh Cha Cả giữa dân ngoại giáo. Chớ ngại đàng xa dặm thẳm, chớ nài tốn của hao công. Một lời Đức Mẹ đưa đến Tòa Chúa Ba Ngôi có sức giúp ta qua khỏi trần gian trăm nỗi. Phương Tây có chốn Lộ Đức hằng thạnh đức, nước Nam nhờ cõi La Văng cũng oai vang. Đã hơn trăm năm nay nhiều người nhờ ơn lạ bao kể xiết, dầu không sách vở chép biên song còn tấm lòng ghi tạc. Người ngoại giáo còn đem dạ kính tin cùng xưng khen là nơi linh ứng, huống là con cái Đức Mẹ ai lại sờn lòng trông cậy mà chẳng đoái đến chốn La Văng.[12]
Những tâm tình trên cho chúng ta thấy rằng lòng sùng kính Đức Mẹ La Vang ban đầu rất hạn hẹp, sau được phổ biến khắp cõi. Và nơi nơi, người người đến với Đức Maria.
Tóm kết
Như vậy, về lòng kính yêu Đức Maria của Đấng Sáng Lập của Đức Cha Tổ Phụ không chỉ hiện thực hóa trên những chiều kích kiến thức nhưng còn diễn ra ngay trong thực tại đời thường với những lỗi diễn tả đơn sơ, chất phác, mộc mạc nhưng bộc bạch hết tâm tình của một người con đối với Đức Mẹ. Từ đời sống thực tiễn, Đức Cha diễn tả lòng yêu mến Đức Mẹ vào chiều kích đời sống ơn gọi tu trì, đặc biệt ngài thể hiện qua chiều kích đời sống Thánh Hiến nơi hai người con tinh thần mà cha đã tâm huyết gầy dựng. Điểm rõ nét hơn về lòng yêu mến của ngài được phổ quát hóa qua việc kiến thiết Trung Tâm Hành Hương La Vang và mở rộng trên bình diện toàn quốc. Ngài muốn gửi trọn cuộc đời cho Đức Mẹ, phó thác hai hội dòng trong tay Đức Mẹ và ngài trao phó Giáo phận cũng như mọi tín hữu trên khắp hoàn cầu dưới bàn tay từ ái của Đức Me.
Điểm qua vài nét về lòng kính yêu Đức Maria của Đấng Sáng Lập để chúng ta càng khắc đậm hơn chân dung người cha khả ái đã luôn sống gắn bó với Thiên Chúa và Mẹ Ngài. Qua mẫu gương đạo đức, hiền phụ của Đức cha như thôi thúc mỗi anh em Dòng Thánh Tâm Huế mỗi ngày chiêm ngắm và dõi theo bước Đức Giêsu và Mẹ Maria, để cuộc sống tu trì của mình trở nên thánh thiện hơn, tròn đầy hơn và triển nở hơn. Thắp nén hương trong ngày giỗ Đấng Sáng Lập để cùng nhìn lại lòng yêu mến Mẹ Maria của ngài, mỗi người chúng ta như đang được mời gọi: Chúng ta cần tăng cường lòng sùng kính Đức Mẹ. Sự hiện diện từ mẫu của Mẹ luôn là sự nâng đỡ cho chúng ta. Mẹ đã luôn theo sát Chúa Giêsu Con Mẹ, bây giờ Mẹ vẫn tiếp tục đồng hành cùng chúng ta, những Kitô khác.
Nguyện xin Đức Maria, Đấng mà Đức Cha Tổ Phụ mời gọi chúng ta hãy luôn nuôi dưỡng lòng sùng kính và yêu mến, đồng hành và liên lỉ che chở chúng ta mọi ngày.
PET SON
[1] x. Lịch sử Dòng Thánh Tâm Huế, Lưu hành Nội bộ, tr.137.
[2] x. Trần Quang Chu, Hành Hương Giáo phận, tập 2, Lưu hành Nội bộ, tr.330.
[3] là huân chương cao quý của nhà nước Pháp lập ra để tặng thưởng cho những cá nhân hoặc tổ chức có đóng góp đặc biệt cho nhà nước Pháp. Những người được tặng thưởng huy chương này trở thành một thành viên danh dự trong Légion d’honneur (quân đoàn danh dự) và được gọi là légionnaire. Chữ “tinh” có nghĩa là “ngôi sao”, “bội” có nghĩa là “đeo”. Bắc Đẩu chỉ nhóm bảy ngôi sao xếp thành cái đẩu ở phía Bắc bầu trời, được dùng để ví với người được mọi người tôn kính, ngưỡng mộ.
[4] x. Lịch sử Dòng Thánh Tâm Huế, Lưu hành Nội bộ, tr.125.
[5] x. https://tgpsaigon.net/bai-viet/bi-quyet-song-trung-tin-va-thanh-cong-trong-su-vu-linh-muc-33936, truy cập ngày 18.4.2023.
[6] x. Lịch sử Dòng Thánh Tâm Huế, Lưu hành Nội bộ, tr.118.
[7] x. Dòng Thánh Tâm Huế, Hiến Pháp & Nội Quy, Lưu hành Nội Bộ, 2022, tr.45.
[8] Sđd, …
[9] x. https://tgpsaigon.net/bai-viet/bi-quyet-song-trung-tin-va-thanh-cong-trong-su-vu-linh-muc-33936, truy cập ngày 18.4.2023.
[10] x. https://lavang.com.vn/cong-cuoc-kien-thiet-trung-tam-thanh-mau-la-vang-2/, truy cập ngày 18.4.2023.
[11] x. https://tonggiaophanhue.net/la-vang/gioi-thieu-la-vang/tap-sach-trung-tam-thanh-mau-toan-quoc-la-vang-chuong-6-phan-1/, truy cập ngày 18.4.2023.
[12] x. Le Directeur du Pèlerinage à Cổ Vưu, près Quảng Trị: Định ngày kiệu chung lên La Văng. Tb. Nam Kỳ địa phận. Số 234, ngày 3-7-1913, tr.506-507.