Đức Thánh Cha: Không là những người lãnh đạo trên máy tính

Đức Thánh Cha gửi sứ điệp đến Diễn đàn Công giáo Tiến hành (FIAC), mời gọi ban lãnh đạo mới biết lắng nghe mọi người, không là những nhà lãnh đạo trên máy tính, giấy tờ, hay Zoom, và không để mình bị rơi vào cám dỗ của cơ cấu thể chế.
 

Ngọc Yến – Vatican News

Hội nghị lần thứ VIII của Diễn đàn Quốc tế Công giáo Tiến hành với chủ đề “Công giáo Tiến hành. Niềm say mê vì một nhân loại được canh tân trong Chúa Kitô”, kết thúc vào Chúa nhật 27/11. Trong dịp này phong trào cũng đã bầu ban điều hành mới cho giai đoạn 4 năm 2023-2026.

Trong sứ điệp, trước hết, Đức Thánh Cha nhắc đến Đức Hồng Y Eduardo Pironio, và trực giác của ngài cách đây 30 năm trong việc tạo ra Diễn đàn để Công giáo Tiến hành đóng góp cho thách đố mới của công cuộc loan báo Tin Mừng. Và nhìn vào những thách đố hôm nay, với bạo lực gia tăng làm xói mòn ước muốn tình huynh đệ phổ quát, Đức Thánh Cha khích lệ mọi người trở thành dấu hiệu ánh sáng loan truyền hy vọng, cùng nhau bước đi theo tinh thần hiệp hành mà toàn thể Giáo hội đang sống. Nghĩa là học cách lắng nghe chính mình, học lại nghệ thuật đối thoại với người khác, không thành kiến với mọi người, đặc biệt với những người ở bên lề xã hội, để cố gắng gần gũi như Chúa đã thực hiện.

Trong bối cảnh này, Đức Thánh Cha khuyến khích ban lãnh đạo mới là những người biết lắng nghe, hy vọng họ không là những nhà lãnh đạo trên máy tính, giấy tờ, hay Zoom, và không để mình bị rơi vào cám dỗ của cơ cấu thể chế. Ngài đặc biệt nhấn mạnh đến việc lắng nghe.

Thứ nhất, lắng nghe mọi người trong hoàn cảnh thực tế, trong tiếng kêu thầm lặng thể hiện qua ánh mắt và tiếng khóc sâu thẳm của họ. Chú ý lắng nghe để không trả lời cho những điều mà chẳng ai hỏi, hoặc nói những lời mà chẳng ai muốn nghe. Lắng nghe bằng đôi tai mở ra với những điều mới và với trái tim của người Samari nhân hậu.

Thứ hai, lắng nghe nhịp đập của những dấu chỉ thời đại, Giáo hội không thể đứng bên ngoài lịch sử. Giáo hội được mời gọi lắng nghe và nhìn thấy những dấu chỉ của thời đại, để làm nên lịch sử, với những phức tạp và mâu thuẫn của nó, một lịch sử cứu độ. Giáo hội cần phải mang tính ngôn sứ sống động, từ những dấu hiệu và cử chỉ cho thấy có một khả năng khác của sự chung sống, tương quan, công việc, tình yêu, quyền bính và phục vụ.

Và cuối cùng, để có thể thực hiện được điều này, theo Đức Thánh Cha, Giáo hội cần lắng nghe tiếng nói của Thánh Thần. Ngài viết: “Trong mọi thời đại, Thánh Thần mở ra cho Giáo hội sự mới mẻ của Người. Trong khi tinh thần thế gian thúc đẩy chúng ta chỉ tập trung vào các vấn đề và lợi ích của cá nhân và của nhóm, thì Thánh Thần giải thoát chúng ta khỏi ám ảnh về những điều trước mắt, và mời gọi chúng ta bước đi trên những con đường mới: con đường làm chứng, nghèo khó và sứ vụ, để chính mình được giải thoát và được sai đến với thế giới”. (CSR_5065_2022)