Câu chuyện Chúa Giê-su giáng sinh tại một hang đá nơi cánh đồng Bê-lem là hình ảnh rất quen thuộc với chúng ta, và chúng ta đã có nhiều cách hiểu không đúng với thực tế đã diễn ra cách đây 2022 năm. Bằng chứng cụ thể, là chúng ta vẫn còn nghe giảng về việc Thánh Giuse cố gắng đi gõ cửa các nhà trọ để tìm nơi cho Đức Maria sinh Chúa Giêsu và luôn bị từ chối. Chắc chắn, giai thoại trên không đúng với tường thuật của Kinh Thánh và bản gốc Hy Lạp. Vậy, phải hiểu thế nào về việc Thánh Giu-se không tìm được một chỗ trong nhà trọ ở Bê-lem, trong khi đó chính là quê hương của Ngài.
Trình thuật về biến cố vừa nêu được tìm thấy trong Luca :”Bà sinh con trai đầu lòng, lấy tã bọc con, rồi đặt nằm trong máng cỏ, vì hai ông bà không tìm được chỗ trong nhà trọ”(Lc 2,7).Vậy phải hiểu từ “nhà trọ” thế nào cho chính xác với từ gốc Hy Lạp trong bản dịch Kinh Thánh (LXX).
Theo bản văn Hy Lạp, từ mà Thánh Luca dùng trong đoạn văn trên là Κατάλυμα (kataluma) được dịch nghĩa là quán trọ. Trên thực tế, nghĩa đúng phải là “phòng khách”, không phải phòng trọ. Để nói về phòng trọ cho khách trú lại qua đêm, bản LXX sẽ dùng từ πανδοχεῖον (pandokheion).
Trong Luca 22,11 chúng ta sẽ gặp lại từ Κατάλυμα (kataluma:phòng khách), khi Chúa Giê-su truyền sai các Tông đồ đi chuẩn bị một phòng khách để ăn lễ Vượt Qua tại đó với các ông. Còn từ πανδοχεῖον (pandokheion: phòng trọ) chúng ta chỉ bắt gặp trong Luca 10,34 kể về dụ ngôn người Sa-ma-ri-ta-nô nhân lành.
Dựa trên những phát hiện khảo cổ học và ghi chép thời đó, những ngôi nhà vùng Giu-đê-a thường có phòng dành cho khách bên cạnh phòng sinh hoạt chung của gia đình hoặc trên lầu hai. Ở tầng dưới, gần cửa ra vào, có một khu vực, thường có nền đất, là nơi nhốt gia súc vào ban đêm. Điều này phục vụ hai mục đích. Trước hết, bảo vệ các loài động vật khỏi bị trộm cắp hoặc bị các động vật hoang dã tấn công. Thứ hai, thân nhiệt của động vật giúp sưởi ấm ngôi nhà của gia chủ vào những đêm lạnh giá. Bởi vì các con vật được nhốt ở khu vực thấp hơn cạnh cửa, nên chúng ta sẽ dễ dàng nhìn thấy những máng cỏ để đựng thức ăn hoặc nước uống. Máng cỏ đó cao hơn mặt đất, và được bằng đá.
Vậy tại sao những ngôi nhà của cư dân tại miền Giu-đê-a lại có một phòng khách? Đó là vì luật Do Thái yêu cầu phải tiếp đãi khách (x.Đệ Nhị Luật 10,19 và Lê-vi 19,33). Lòng hiếu khách của người Do Thái đối với người lạ vẫn không thay đổi cho đến ngày nay. Chính do cuộc điều tra dân số của hoàng đế (x. Luca 2,1-3) mà lượng người trở về Bê-lem ngày một đông. Do đó, tất cả các phòng dành cho khách ở đây đều quá tải. Đây cũng là lẽ thường tình.
Như đã nói, Bê-lem là quê hương của Thánh Giu-se, và hẳn tại đây Ngài có nhiều họ hàng thân thuộc. Hầu chắc hẳn Thánh Gia đã lưu lại nhà của người bà con thân thuộc. Và không thể có phòng nào khác ngoài phòng khách như đã nói trên.
Hơn nữa, Kinh Thánh cho biết Thánh Giuse và Đức Mẹ đã ở Bê-lem được vài ngày trước khi Mẹ sinh con: “Khi hai người đang ở đó, thì bà Ma-ri-a đã tới ngày mãn nguyệt khai hoa” (Lc 2,6). Theo Luca, đôi vợ chồng thánh đã ở Bêlem trước khi Đức Mẹ đến ngày sinh. Nói cách khác, không phải đến đêm Giáng Sinh thì hai người mới tốc tả đi tìm chỗ ở, mà thực ra là các Ngài đi tìm một chỗ khác thích hợp hơn để sinh con. Bởi vì cuộc điều tra dân số khiến Bê-lem trở nên đông đúc, phòng khách lại đông người, nên Đức Mẹ và Thánh Cả không thể tiếp tục ở đó khi thời gian sắp sinh nở đã gần kề. Như vậy, thay vì mời tất cả những người khác trong phòng khách ra khỏi nhà để sinh con, Đức Mẹ chọn cách đến một nơi riêng tư hơn, chính là nơi nhốt động vật, và đặt Chúa Giêsu vào máng cỏ ở đó.
Cách giải thích Kinh Thánh này khá khác biệt so với những gì chúng ta quen nghĩ từ nhỏ đến lớn, nhưng nó không làm thay đổi sự khiêm tốn của sự kiện Chúa Kitô giáng sinh. Người đã được sinh ra trong nơi nuôi nhốt động vật, trong một hang đá nghèo khó của nông dân ở Bêlem. Đó vẫn là một hình ảnh tuyệt đẹp có sức thay đổi thế giới.
Pet. Anh Tài, CSC.