Hình ảnh con rồng trong Huy Hiệu Dòng Thánh Tâm Huế
Gần đây có nhiều thắc mắc về hình ảnh con rồng trên huy hiệu của Dòng Thánh Tâm. Nhiều người cho rằng theo Thánh Kinh con rồng là biểu tượng sự xấu và sự dữ tại sao Dòng Thánh Tâm Huế lại dùng trên huy hiệu của mình. Có người lại cho rằng rồng là biểu tượng thiên về Phật Giáo nên không thích hợp sử dụng trong huy hiệu của một Hội Dòng Công Giáo.
Xin cảm ơn sự quan tâm và những ý kiến của anh chị em. Bài viết này xin cố gắng trả lời cho những băn khoăn và ưu tư của anh chị em về vấn đề này.
Trước tiên, tôi đồng ý với ý kiến của anh chị em rằng theo Thánh Kinh, con rồng là một quái vật, là biểu trưng sức mạnh của ma quỷ. Điều này đã được phân tích nhiều và chắc chắn anh chị em cũng đã đọc nên mới thắc mắc như vậy. Vì thế nên tôi xin không nhắc lại để khỏi trở nên dài dòng.
Tuy nhiên, hình ảnh con rồng trong văn hóa Á Đông lại là một hình tượng tốt. Rồng trong văn hóa Việt Nam (không phải là của riêng Phật Giáo) là loài vật tưởng tượng, mình dài như rắn, có chân, có mào, có sừng, biết bay, và là biểu tượng cao quý thiêng liêng. Nó đứng đầu tứ linh là: Long, Lân, Quy (Rùa) và Phụng
Theo truyền thống văn hóa, người Việt Nam nhận mình là con rồng, cháu tiên theo sự tích Lạc Long Quân và Âu Cơ, vì vậy người Việt tự hào mình là dòng giống rồng tiên, dòng giống cao quý, oai phong, dũng cảm.
Ngày xưa, hình ảnh con rồng hiện diện trong các đình, chùa, đền, miếu, am, tháp, lăng tẩm và cung điện các vua. Rồng như hình ảnh đại diện của người đứng đầu đất nước: Dòng giống nhà vua được gọi là “long chủng” nghĩa là “giống nòi rồng”. Những thứ của vua đều được gắn với chữ long như: long thể, long nhan, long bào, long sàng, long phi, long liễn .v.v.
Không chỉ dành cho bậc quân vương cao quý, rồng còn là hình tượng nói lên sự nổi nang trổi vượt. Những người trổi vượt về các kỹ năng cũng được sánh ví như rồng: ăn như rồng cuốn, nói như rồng bay, nét chữ như rồng bay phượng múa, sự thành đạt của con người được cũng được ví như “cá chép hoá rồng” …
Không chỉ loài người, mà cả đất đai, sức mạnh thiên nhiên trổi vượt cũng được gắn với hình rồng, hay hổ: thế đất đẹp và quan trọng được gọi là “long bàn hổ cứ” – “rồng cuộn hổ ngồi”; đất có nhân tài ẩn cư gọi là “ngoạ hổ tàng long”. Rồng được nhìn nhận là tác giả của trời mưa. Trời mưa hay nắng được quy gắn là do ý muốn và sự điều tiết của Long Vương …
Ngày nay, không chỉ in đậm trong tâm thức và văn hoá mà rồng vẫn còn là hình ảnh rất phổ biến trong các công trình hay tác phẩm ở Việt Nam chúng ta: tại các khu vui chơi, nhà văn hóa, công viên, tiệm tạp hóa, cho đến các nhà hàng hiện đại, và cao ốc chọc trời…. Con rồng hiện diện trong văn học, trong nghệ thuật điêu khắc, chạm trổ, tranh ảnh. Nhiều địa danh ở Việt Nam mang tên con rồng như bến Hàm Rồng, vịnh Hạ Long, kinh thành Thăng Long… và các công trình kiến trúc như cầu Long Biên, cầu Hàm Rồng…
Vì vậy có thể kết luận, đối với tâm thức người Việt chúng ta, rồng là một biểu tượng của sự cao quý, tốt đẹp, sự trổi vượt, thế lực mạnh mẽ, khả năng phong phú, tài ba lỗi lạc.
Như thế, chúng ta thấy rõ ràng tồn tại hai lập trường đối lập giữa văn hóa Việt Nam và quan điểm Kinh Thánh về hình ảnh con rồng. Người phương tây có đặt tên cho một vài giống bò sát là rồng. Tuy nhiên, hình ảnh rồng đó giống với hình ảnh khắc hoạ trong Thánh Kinh hơn hình ảnh rồng trong văn hoá Á Đông nói chung và Việt Nam nói riêng.
Vậy rốt cuộc rồng là thứ tốt hay xấu?
Thưa: Rồng là loài tưởng tượng, không có thật. Nó chỉ là hình ảnh biểu trưng và được sử dụng tùy theo văn hóa mà thôi. Còn tốt hay xấu là do ý định mà người viết hay người nói chỉ định đến.
Để hiểu vấn đề thì ta cần trả lời được câu hỏi: Tại sao Kinh Thánh lại dùng hình con rồng để nói về sự dữ?
Chúng ta biết Kinh Thánh không phải là pho sách do các thiên thần viết ra hay từ trên trời rơi xuống, mà là những tác phẩm được các tác giả là loài người viết ra dưới sự linh hứng của Thiên Chúa. Mà sự linh hứng ở đây không phải là kiểu đọc cho thư ký chép hay kiểu biến tác giả thành cái máy in rồi Chúa bảo sao thì viết vậy. Không, Chúa đã để cho tác giả viết theo khả năng của mình để trình bày về những điều Chúa mạc khải theo cách của con người. Vì thế khi các tác giả kinh thánh muốn trình bày cho dân hiểu một vấn đề, họ phải dùng những lối nói, những hình ảnh quen thuộc để dân có thể hiểu và đón nhận được ý muốn viết ra. (Tìm hiểu thêm về sự hình thành thánh kinh, sự linh hứng cho các tác giả Thánh Kinh.) Nói cách khác, Thánh Kinh cũng được trình bày theo kiểu thức văn chương và chịu ảnh hưởng của những nét văn hóa nơi mà Kinh Thánh được hình thành.
Vấn đề là khi cần dùng diễn tả một thế lực hung dữ và tàn ác thì các tác giả xưa đã lấy hình ảnh con rồng để biểu trưng theo văn hoá Hipri. Có lẽ vì đối với dân vùng lưỡng hà – khu vực dân Israel sống và các nước lân cận – thì biểu tượng về con rồng trong văn hóa của họ đã xác định là xấu. Trong thần thoại Phênêkia, ‘con rồng biển’ /lêviathan/ là giống thuỷ quái thời sơ khai hỗn mang, người bình dân của họ tin rằng, khi con quái vật trùng dương ấy thức giấc, nó phá tan trật tự hiện có trong vũ trụ. Con rồng biển này rất hung hãn, loài người không ai có thể làm gì được nó, cũng không thể dùng mồi mà dụ được nó, lại càng không thể dùng dây mà trói buộc được nó…
Như thế có thể nói rồng chỉ là hình ảnh tượng trưng, là cách diễn tả của văn chương Khải Huyền để nói về những thế lực hung dữ tàn ác cực lớn mà hoàn cảnh và thời cuộc không cho phép ai có thể chỉ tận tên tận mặt đích xác được.
Vậytại sao lại dùng hình ảnh con rồng trên huy hiệu Dòng Thánh Tâm?
Đối với người Việt Nam, rồng không phải là biểu trưng xấu như cách diễn tả của tác giả Thánh Kinh. Với những thế lực xấu xa và ma quỷ, người Việt Nam dùng những hình tượng khác chứ không dùng con rồng.
Hơn nữa, Dòng Thánh Tâm Huế là một dòng tu bản địa của Việt Nam, khai sinh tại Huế, đất của Vua Chúa và kinh kỳ. Hơn nữa mục đích của Dòng là hướng đến phục vụ Giáo hội Việt Nam trước tiên, nên các tu sĩ linh mục Thánh Tâm có sứ mạng đem Chúa vào văn hóa Việt Nam và cho chính người dân Việt. Việc sử dụng hình ảnh con rồng để diễn tả chính mình là muốn khẳng định Dòng Thánh Tâm là dân Việt Nam, cao quý, mạnh mẽ và một ước muốn luôn vươn lên, nên trổi vượt hơn.
Sử dụng hình ảnh con rồng cũng là một hình thức “rửa tội” cho một biểu tượng văn hóa. Rồng không có thật mà chỉ là biểu tượng. Văn hóa chúng ta cho rằng rồng biểu trưng cho sự tốt lành, vậy chúng ta có lý do gì mà không dùng nó để chỉ sự tốt lành? Giả sử nếu rồng có thật chẳng nữa thì cũng là một loài thụ tạo do Chúa dựng nên, chẳng có gì mà Chúa đã dựng nên lại không tốt đẹp cả.
Nếu chúng ta cứ khăng khăng theo quan điểm của văn tự kinh thánh để kết luận rồng là ma quỷ, là sự dữ… thì trước tiên chúng ta phải nhận là mình đã thiếu hiểu biết đúng đắn và đầy đủ về Kinh Thánh. Và nếu vậy thì Giáo hội truyền giáo đến Việt Nam làm gì? Dân này là con rồng cháu tiên mà! Chúng ta cũng là dòng giống ma quỷ hay sao? Không. Chúng ta là con cái Thiên Chúa cơ mà!
Vậy việc Dòng Thánh Tâm lấy hình ảnh con rồng để nói lên ước vọng vươn lên của chính mình, đem ngọn đuốc niềm tin thắp sáng tin mừng cho địa cầu, đặc biệt cho Việt Nam. Đây là một hình ảnh hội nhập văn hóa, rất ý nghĩa, rất sâu sắc và rất Việt Nam. Những ai đã học hỏi đúng đắn về Kinh Thánh và có hiểu biết về văn hóa đều dễ dàng hiểu được điều này.
Rửa tội cho những định kiến tức là trả lại cho biểu tượng hay ý tưởng đó, hoặc tạo nên cho nó những khái niệm đẹp hơn và công bằng hơn. Vì thói quen suy nghĩ hay sử dụng ngôn ngữ mang tính thiên kiến mà nhiều khi chúng ta đã vô tình hay cố ý gán cho những sự kiện, những sự vật, sự việc vốn không tốt cũng không xấu, thành những biểu tượng cho sự xấu sự ác mà thực ra vốn dĩ nó cũng là thụ tạo tốt lành do bởi Thiên Chúa mà ra. Vì thế khi ta tìm hiểu sâu và rộng hơn, ta sẽ thấy vấn đề thực ra không khó hiểu.
Hy vọng những ý trên đây có thể giúp bạn trả lời cho những câu hỏi mà các bạn đã đặt ra.