Hoa trái bình an và thánh thiện nơi tâm hồn Đức Cha Allys

Lẽ thường, giữa một rừng hoa đẹp, người ta sẽ hay bị hút hồn bởi những bông hoa rực rỡ sắc màu. Nhưng có những bông hoa lặng lẽ, nhỏ bé cứ khiến mọi người nhớ đến bởi chính vẻ đẹp giản dị mà lại dịu dàng tỏa hương thơm ngát. Có thể nói rằng, Đức Cha Tổ phụ Eugene Marie Joseph Allys của chúng ta cũng đã trở nên một “bông hoa” âm thầm, hy sinh, lặng lẽ tỏa ngát cho đời bằng những hương thơm nhân đức của ngài. Hương thơm ấy hẳn phải được tỏa ra ngào ngạt từ hoa trái của một tâm hồn bình an và thánh thiện. Đó cũng chính là sự bình an và thánh thiện mà thánh Phaolô đã nhắc đến khi kể về những hoa trái của Thần Khí, đó là: “…bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hòa và tiết độ” (x. Gl 5, 22-23). Đức Cha Eugene Marie Joseph Allys- một con người đã sống như mọi người nhưng lại toát lên sự bình an và thánh thiện đến lạ lùng.
Trước hết, Đức Cha Allys là một người có tâm hồn bình an từ trong lối sống, lối suy nghĩ, trong đời sống thiêng liêng và cả trong những ưu tư truyền giáo của ngài. Đó là sự bình an phát xuất từ Thiên Chúa, là món quà mà chính Đức Giêsu Phục sinh đã ban tặng cho các môn đệ của Ngài. Món quà lãnh nhận từ Đấng Phục sinh đã giúp Đức Cha Allys luôn an vui, lạc quan, trở nên can đảm mạnh mẽ, chấp nhận hi sinh, gian khổ thậm chí cả những hiểu lầm, chống đối.
Nhớ lại ngày ấy, nếu không được bình an và thanh thoát trước những chọn lựa, liệu rằng chàng thanh niên trẻ Allys có rời bỏ xứ sở để đến một nơi “đất khách quê người” khi tuổi đời vỏn vẹn 23 và còn đó biết bao mộng trẻ xây đời hay không? Với tâm hồn bình an và sức mạnh của Thần Khí, cậu thanh niên trẻ này đã mau mắn và hăng say lên đường để đem Tin Mừng bình an và cứu độ của Chúa Kitô đến cho những người nghèo khổ tại đất nước An Nam nhỏ bé. Với nét mặt luôn vui tươi duyên dáng, được kết tinh từ nụ cười chân thành và một tâm hồn bình an, đã giúp vị linh mục trẻ tạo được những mối tương quan tốt đẹp với cả chính quyền lẫn lương dân. Cha được Tòa Thánh và chính quyền hai bên trao tặng các huân chương cao quý. Những huân chương đó chắc chắn không làm Cha vui hơn hay có cái để tự hào hơn nhưng đó là chứng cứ cho thấy Cha là con người yêu chuộng hòa bình và nỗ lực xây dựng hòa bình. Chính Thánh Thần bình an đã dẫn Cha đi để tham dự vào cuộc lữ hành của Đức Kitô, chấp nhận tất cả những khác biệt, thiếu thốn, thử thách và đau khổ. Trên cuộc lữ hành ấy, dù phải đánh mất tất cả nhưng Cha Allys vẫn còn lại một tâm hồn bình an và một trái tim yêu thương. Người ta nói: “Ngài là vị Giám Mục mỉm cười”. Ngài không để cho mình bị đè nặng bởi âu lo thái quá. Đức Cha Chabanon cộng tác viên và là Giám mục Phụ tá nói rằng: “Khi Đức Cha Lý có điều gì ưu tư nặng lòng thì ngài hát lên. Cha đã sống thế nào để vị quan toàn quyền Pháp phải thốt lên trong bài diễn văn trong dịp trao huy chương cho Cha rằng: “…ngài mang những đức tính ấy với một lòng quả cảm không bao giờ tắt nụ cười trên môi với lòng nhiệt thành đến độ hăng say, với một sự lạc quan thổi vào những ngọn lửa đang chập chờn.” Với châm ngôn sống “Diligo Omnes” Đức Cha Allys đã trải rộng lòng mình để đi đến với lương dân. Dù có lúc bị người ta lợi dụng, ngài vẫn luôn mỉm cười bình an và nói “thà mất một vài đồng mà cứu được linh hồn ấy …”. Trái tim của ngài luôn rung nhịp yêu thương, bởi thế người ta thường gọi ngài là “ông tiên”, một ông tiên luôn mang hình ảnh Chúa Giêsu, mang hạnh phúc, bình an và tình yêu đến cho mọi người. Khi Cha Allys là Cha xứ Dương Sơn năm 1883, Đức Cha Caspar biết được tin Văn Thân sẽ giết hại người công giáo trong giáo phận, liền báo tin cho Cha Allys bảo ngài vào Kim Long để được an toàn hơn, nhưng ngài tự nguyện ở lại với đoàn chiên của mình để an ủi và mang sự bình an đến cho họ trong cơn túng quẫn ngặt nghèo. Vào những năm cuối đời, Cha sống trong âm thầm, khiêm tốn. Dẫu đau yếu và mù lòa, nhưng Cha luôn noi gương Mẹ Maria thể hiện “một tâm hồn không chất chứa sầu muộn.” Cha đã dùng những bài hát, những lời kinh, đặc biệt là nhiều giờ để trầm ngâm trước Thánh Thể Chúa hầu kín múc nguồn sống, giúp Cha luôn thanh thản, lạc quan và vui tươi với cuộc sống.
Bên cạnh đó, sẽ thật thiếu xót nếu như chúng ta chỉ chăm chú phác họa nên những nét chân dung của một tâm hồn tràn đầy bình an, vui tươi, lạc quan mà lại bỏ qua việc chiêm ngắm Đức Cha Tổ Phụ của chúng ta qua đời sống thánh thiện trổi vượt của ngài.
Trong Tông huấn Gaudete et Exsultate, Đức Thánh Cha Phanxicô đã quả quyết rằng :“Sự thánh thiện hệ tại ở sự mở ra thường xuyên với Đấng siêu việt, được diễn tả trong cầu nguyện và thờ phượng” (GE,147). Quả thật, sự thánh thiện của con người chỉ có được khi họ gắn bó với Thiên Chúa Ba Ngôi, được thông phần vào vẻ đẹp hoàn mỹ của Đấng thánh thiện tuyệt đối, được ánh sáng của Ngài chiếu soi vào những góc tối của tâm hồn. Sự hiệp thông với Thiên Chúa một cách hữu hiệu nhất qua con đường cầu nguyện. Đức Cha Allys yêu mến và trung thành với đời sống cầu nguyện. Với Đức Cha tổ phụ, việc tông đồ được đặt trên nền tảng của đời sống cầu nguyện. Cha tin tưởng vào sức mạnh của lời cầu nguyện nên đã bảo trợ cho việc thiết lập hai Đan viện trong giáo phận để hậu thuẫn cho công cuộc truyền giáo. Dù được biết đến là vị thừa sai hăng say không mệt mỏi cho việc truyền giáo nhưng Cha đã để lại dấu ấn đẹp khác đó là hình ảnh của vị mục tử lặng lẽ cầu nguyện một mình sau khi giải tán giáo dân. Đẹp hơn nữa là hình ảnh một vị giám mục già và mù lòa vẫn ngày ngày lên nhà nguyện chầu Thánh Thể và lần chuỗi Mân Côi cầu nguyện cho việc mở mang Nước Chúa và các nhu cầu của giáo phận. Đó là dấu chỉ của một tâm hồn kết hợp với Chúa liên lỉ trong cầu nguyện và hy sinh, một tâm hồn trung tín đến cùng. Sự nghiệp thừa sai của ngài cũng nói lên sự thánh thiện đó qua việc can đảm chấp nhận mọi thánh giá, thử thách của người tông đồ. Nụ cười trên môi chứng minh lòng phó thác của ngài giữa mọi gian truân thử thách khó khăn, vì ý thức rằng hạt lúa mì phải thối đi để sinh bông hạt, và không tình yêu nào lớn lao hơn tình yêu của người liều mạng sống vì kẻ mình yêu. Thánh giá cuối đời của ngài là mù hai mắt. Đối với ngài, một con người hăng say hoạt động thì đó là một thử thách lớn. Ngài nói: “Chúa nhân lành không thể nào gởi cho tôi một thánh giá nào lớn hơn nữa, xét theo tính khí của tôi.” Ngài đã can đảm chấp nhận vui tươi, nhẹ nhàng trong suốt 6 năm. Ngài tận tụy trong nhiệm vụ đến tiêu hao sức lực thể xác, nhưng những ngày hưu trí vẫn là chuỗi ngày hy sinh cầu nguyện cho công cuộc truyền giáo của giáo phận. Ngài thường nói: “Điều quan trọng là cầu nguyện và chịu đau khổ.” Nỗi lòng băn khoăn của cha trước lúc qua đời cho thấy cha say mê Thiên Chúa và say mê các linh hồn biết bao: “Ngày nào ra trước tòa phán xét, tôi chỉ sợ hai điều: một là khi sống đã không yêu phép Thánh Thể cho đủ, hai là không hết tình cứu giúp các linh hồn.” Lời xét mình ấy chỉ có thể được thốt lên từ tâm hồn của một con người đã dành cả cuộc đời để sống cho lý tưởng ấy. Phải, Đức Cha tổ phụ của chúng ta đã sống như thế. Sự thánh thiện thể hiện nơi hình ảnh một vị mục tử hết mình vì đoàn chiên và cũng nỗ lực hết mình để được ở gần bên Đấng là tình yêu và là sức mạnh của Ngài.
“Con nhà tông không giống lông cũng giống cánh.” Hôm nay đây, khi đọc lại những dòng tiểu sử về cuộc đời và những nhân đức của ngài, mỗi chúng ta là thế hệ hậu sinh cũng được thôi thúc trong lòng khi học hỏi về sự bình an và thánh thiện của Đức Cha Sáng Lập. Chúng ta cần tái khám phá động lực và sứ mạng của chính mình. Sẽ có thể “thất bại” nếu ta không tìm thấy được niềm vui và bình an trong đời sống dâng hiến và phục vụ. Làm sao chúng ta có thể sống cho “tròn đầy” nếu chúng ta không có một lòng “đam mê Thiên Chúa và đam mê con người” như ngài! Đây cũng chính là giáo lý tóm lược Thập Điều mà Thiên Chúa gửi đến cho nhân loại qua Môsê. Uớc gì tâm tình bình an và yêu mến của Cha được hoạ lại trong tâm hồn chúng ta, trong đời sống chúng ta. Để như ngài, chúng ta biết say mê Thiên Chúa và mến yêu đồng loại, dám dành một chỗ đứng nhất định, xứng đáng cho Chúa trong tâm hồn, dám yêu thương, dám phục vụ con nguời cho dù hoàn cảnh thuận lợi hay không, biết sống cho – sống với… để xứng với ơn ban đã được lãnh nhận suốt cuộc đời. 
Ngọc Hữu, Đình Giang, Tuấn Sang