Mầm sống từ sự chết

Cái chết! lại bàn về cái chết! Đây hẳn là một đề tài có thể được coi là “xưa như trái đất”. Điều mà con người xưa nay chẳng lấy làm lạ nhưng lại không ngừng suy tư về nó. Chết là một mầu nhiệm, mặc dù nó là một thực tế không ai chối cãi. Bàn về cái chết trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang hoành hành trên khắp thế giới. Thiết nghĩ, đó lại là điều chẳng mấy tươi đẹp, lạc quan cho lắm. Tuy nhiên, bấy nhiêu lý do đó là chưa đủ để ngăn cản những dòng suy tư này được hoài thai. Mang trong mình phận người, ưa sống theo thói quen và thích đi trên những lối mòn, chúng ta thường muốn tìm cách bám víu và chọn lựa những gì mình hiểu rõ nhất. Vậy mà chúng ta lại đang nói về cái chết, một sự vắng mặt mà chúng ta không thể nắm bắt, một sự vắng mặt tuyệt đối.
Nguồn ảnh: Nét đẹp Công giáo
Người ta ngại nhắc đến cái chết, đặc biệt đối với người Á Đông, không chỉ vì người ta không muốn nói đến nỗi đau cùng cực cho bằng không muốn nhắc đến một “nhân vật vắng mặt” trong tấn bi kịch của của cuộc đời. Trước đây, có thể chúng ta nghĩ hay kinh nghiệm cái chết trên bình diện sinh học, “sinh lão bệnh tử”. Cái chết đơn giản chỉ là chuỗi những quy luật hoạt động của phần tự nhiên bên trong cơ thể của chúng ta, sống là chết dần, chết dần từng ngày. May thay, chúng ta còn có kinh nghiệm được một cái chết không liên quan đến quá trình già đi hay sự tan rữa về mặt sinh học, đó là cái chết của người khác. Quả vậy, kinh nghiệm về cái chết của “ người hàng xóm” chính là xuất phát điểm cho những suy tư cá nhân về cái chết. Cái chết của người khác đang dần hoàn thiện quan niệm và vun vén cho cái chết đang chờ đợi mỗi người.
Ai trong chúng ta lại đã không hơn một lần chứng kiến cái chết hay dự đám tang của một người thân quen. Từ khi tắt thở chẳng ai nói gì với chúng ta nữa. Nhưng qua cái chết, họ lại nhắn gửi chúng ta nhiều điều đáng trân quý. Có những cái chết qua đi mà người ta không còn hoài niệm hoặc không muốn nhớ đến, nhưng cũng có những cái chết làm nên tên tuổi, lịch sử và sống mãi trong lòng người khác. Trong triết học, chúng ta đã từng biết đến cái chết huyền thoại của Socrates. Ông chưa từng viết một dòng nào, thế nhưng cái chết của ông vẫn là một kiệt tác và làm cho tên tuổi của ông sống mãi. Cái chết dường như không phải lúc nào cũng có nghĩa là sự phủ định đời sống, nhưng lắm lúc nó còn mang sứ mạng là củng cố chính đời sống này. Hay nói một cách khác, cái chết phả một sự sống mới, một luồng sinh lực mới vào chính bản thân đời sống. Sự sống ươm mầm, nảy sinh từ cái chết. Và thật công bằng khi chúng ta khẳng định rằng, đời sống này cần đến cái chết.
Trước hết, chúng ta cần đến cái chết, để khám phá những tiềm năng của chính đời sống. Kinh nghiệm thường nhật thấy rằng, chúng ta chỉ nhận ra sự quý giá của một vật hay một người nào đó khi ta đã, hay sắp để vụt mất. Thế nên, chính sự cận kề của cái chết bên đời sống vô tình mang lại sức mạnh mới cho chính hành động sống của mình. Đến đây, chúng ta tự vấn rằng, nếu chỉ còn một ngày nữa để sống, tôi sẽ phải làm gì? Câu trả lời chính là những động lực khi chúng ta đặt bản thân bên bờ vực của sự chết. Đại dịch Covid -19 trong thời điểm hiện tại là một ví dụ điển hình giúp ta thấy rõ hai thái độ sống khác nhau của con người. Trước những thảm cảnh chết chóc, đói khổ… con người khát khao được ở bên cạnh người thân, gia đình. Họ muốn được nói lời yêu thương, gửi tặng nhau những lời động viên, san sẻ trong những ngày đen tối. Tuy nhiên,  bên cạnh những khát khao của những tâm hồn thiện chí còn tồn vong những con người có xu hướng buông mình cho những lạc thú trần thế. Họ hối hả, ngấu nghiến cả thời gian, tiền bạc…vào lúc cái chết đến gần họ hơn bao giờ hết. Đời sống của họ không khác gì sự hiện hữu của cái chết. Bởi vậy, con người cần đến cái chết để nhận ra giá trị của bản thân và tạo nên sức mạnh trong những hành động của mình.
Thứ đến, chúng ta cần cái chết để đời sống này có được ý nghĩa sâu sắc hơn. Đã bao giờ bạn nghiêm túc đặt câu hỏi cho chính mình rằng, cuộc sống của con người rẽ ra sao nếu như không có cái chết hiện hữu? Đó hẳn là cuộc sống không ranh giới, không hình dạng và có thể rất vô vị. Đời người nếu là một cái gì đó vô hạn, thiết nghĩ nó sẽ tồn tại như khoáng sản, địa chất…một thứ gì đó lạnh lùng, đơn độc và nhàm chán. Có ai đó đã từng nói rằng, nếu con người chúng ta trở thành bất tử, điều đó cũng đồng nghĩa với việc chúng ta có thể chết vì sự vô nghĩa ngay ngày hôm sau. Cũng giống như một câu chuyện sẽ không còn là câu chuyện nếu không có kết thúc. Một đời sống mà không có cái chết cũng sẽ trở nên vô nghĩa. Ngoài ra, cái chết có thể điều chỉnh chính những động lực sống của chúng ta. Đó chính là kiểu cái chết của người lựa chọn “chết cho một lý do nào đó”, chết cho một thứ gì đó lớn lao hơn chính đời sống của mình. Một cái chết tự nguyện như vậy sẽ có sức ảnh hưởng rất lớn đến cuộc đời của những người còn đang sống một cách sâu sắc và bền bỉ.
Cái chết cho một lý do nào đó được nói ở trên hẳn đã xuất hiện ngay từ khi con người hiện hữu và dưới nhiều lý do khác nhau. Tuy nhiên, chúng ta ngưỡng vọng để nhìn lên cái chết của Đức Giêsu Kitô, Đấng là con người thật, nhưng cũng là Thiên Chúa thật. Một cái chết vượt lên những tính toán, suy tư của con người. Đó là cái chết vì yêu, tình yêu của một Thiên Chúa dành cho nhân loại. Cái chết của Đức Giêsu khác biệt và trổi vượt trên cái chết của những triết gia hay anh hùng dân tộc, họ chọn cái chết để bảo vệ lý tưởng và lên án thù địch.
Qua mầu nhiệm sự chết của Đức Kitô, chúng ta thấy phảng phất đâu đó hình bóng tội lỗi của mình, nhưng ngước nhìn lên cao chúng ta lại được chiêm ngưỡng, đụng chạm và nhận lãnh tình yêu đích thực. Tình yêu của Đấng hiến mình vì yêu nhân loại. Cái chết của Đức Giêsu còn âm vang mãi và khơi nguồn mạch sống thần linh nơi con người, không chỉ ở trong quá khứ, hiện tại nhưng kéo dài, kéo dài mãi cho đến vô tận. Cái chết của Đức Giêsu không những là nền tảng đức tin của mọi Kitô hữu, nhưng còn là nguồn hy vọng cho trần thế. Bởi lẽ, Đức Kitô là Đấng đã chiến thắng sự chết và bước vào sự sống viên mãn, mở đường cho những ai bước theo Ngài trên con đường hiến dâng và phục vụ. Từ cái chết và mầu nhiệm Phục Sinh của Ngài, vẻ đẹp của đời sống mới bắt đầu được hoài thai. Từ mầu nhiệm tử nạn và Phục Sinh của Chúa, không những giúp chúng ta vượt qua nỗi sợ tự nhiên về cái chết, mà còn thôi thúc biết bao người ở mọi thời, mọi nơi sẵn sàng chết cho Đấng đã yêu và hiến mạng vì họ. Chỉ có đức tin vào Đấng đã từ cõi chết sống lại mới mang lại niềm hy vọng cho những người theo Chúa. Nhờ đó, họ sẵn sàng chịu mục nát, thối đi như hạt lúa miến ngõ hầu mong nảy sinh mầm sống mới. Ngược lại, nếu không có niềm tin vào Đức Kitô, thì không những con người không thể vượt qua nỗi sợ về cái chết của tự nhiên, mà người ta còn xem những người hiến dâng mạng sống vì lòng mến Chúa, yêu người là những kẻ đáng được đưa vào nhà thương điên. Các thánh tử đạo là chứng tá sống động về những dòng suy tư này. Các ngài là những con người sẵn sàng hiến dâng mạng sống, hiên ngang trước những thế lực bách hại đức tin và can đảm tuyên xưng tình yêu vào Đức Kitô. Cái chết là phương thế mà các ngài đã chọn để “kiếm sống”. Các ngài đã chọn bước trên con đường chẳng mấy ai đi. Thật đáng ngưỡng mộ!
Là những môn đệ theo sát Chúa Kitô (Sequela Christi), chúng ta được mời gọi đối mặt với những gian nan, thử thách và thậm chí cả cái chết đang rình chờ. Noi gương các thánh tử đạo đã hy sinh tính mạng của mình để quyết giành cho được sự sống mới từ Đức Kitô, chúng ta cùng cố gắng mô phỏng lại cái chết của Đức Kitô trong chính đời sống hy sinh, phục vụ của mình. Có thể chúng ta không được phúc đổ máu mình ra và chấp nhận cái chết như các ngài, nhưng chúng ta cũng có thể giành được vòng hoa công chính vì những hy sinh nhỏ bé, âm thầm trong cuộc sống đời thường. Đặc biệt, trước viễn cảnh u ám của đại dịch Covid-19, nó đang và sẽ lấy đi tính mạng của hàng ngàn người mỗi ngày. Có thể một thời điểm nào đó, chúng ta cũng sẽ là nạn nhân của đại dịch, nhưng chúng ta quyết không sợ hãi, âu lo, nhưng hãy luôn hiên ngang sống trọn vẹn con tim yêu thương cho hết mọi người.
Tình yêu của Đấng đã yêu mến và hiến mạng vì chúng ta sẽ là động lực giúp ta sẵn sàng cất bước lên đường phục vụ anh chị em của mình tại những nơi không an toàn nhất. Cho dẫu xác thân phải lại nơi đất khách quê người hay nơi các lò hỏa thiêu thì chúng ta cũng đã trở nên “ của lễ toàn thiêu” đẹp lòng Thiên Chúa. Điều mà không ít người nghĩ và băn khoăn rằng, Thiên Chúa không hoàn hảo khi để cho sự chết hiện hữu, thì lại hữu lý và nên hoàn hảo khôn lường khi có hàng hàng, lớp lớp người chọn hy sinh mạng sống vì Đức Kitô, Đấng là Thiên Chúa của kẻ sống và kẻ chết.
Bài viết: Phêrô Sinh Cung, CSC