Thánh Georges “vị thánh tử đạo vĩ đại” như người Phương Đông thường gọi, được tôn kính tại Lydda (Lod) xứ Palestina từ hậu bán thế kỷ IV, trong một thánh đường xây trên ngôi mộ của ngài. Ngài thường được Tổng phó tế Théodose và tác giả vô danh thành Plaisance nhắc đến. Lễ của ngài được Giáo hội Byzantin cử hành cùng ngày này và liên kết với lễ đã cử hành tại Rô-ma, sau khi Đức Giáo Hoàng Lêô II (682 – 683) dâng kính ngài một đại giáo đường ở Vélabre.
Hạnh tử đạo của thánh Georges là một ngụy thư. Sách này kể rằng thánh Georges sinh tại Cappadoce và được mẹ giáo dục theo tinh thần Kitô giáo. Ngài đấu tranh chống ngoại giáo, phá hủy các ngẫu tượng và sát hại các tư tế chức sắc. Sau này, khi đã trở thành chiến binh và thủ lĩnh trong đạo quân của đế quốc Rôma, ngài kháng cự lại Dioclétien người bách hại tàn bạo các kitô hữu. Hoàng đế này cho tra tấn và ra lệnh chặt đầu ngài vào năm 303.
Ở Tây Phương, người ta phổ biến rộng rãi câu chuyện ngắn về cuộc Tử đạo của thánh nhân. Các thập tự quân cũng phổ biến lòng tôn sùng ngài tại Phương Tây. Vì thế, vị thánh hiệp sĩ của chúng ta trở thành đấng bảo trợ không những miền Géorgie mà còn cả Catalogne, Aragon. Bồ Đào Nha, Anh quốc…và vài thành phố khác như Gênes, Barcelone … hay bảo trợ cho các binh đoàn và rất nhiều Dòng hiệp sĩ. Sau cùng, ngài được Baden Powell chọn làm thánh bảo trợ cho hướng đạo sinh.
Nghệ thuật ảnh tượng biểu hiện thánh Georges hoặc đang đứng, mình mặc giáp trụ thập tự quân (tượng tại thánh đường Chartres), hoặc đang cỡi ngựa (quần tượng của Frémiet, Petit Palais). Trên các bích họa thế kỷ XIV tại thánh đường Clermont, người ta vẽ các biến cố tuần tự trong cuộc đời thánh nhân, còn điện Louvre trưng bày bức ảnh thánh Georges giao chiến với con rồng (của danh họa Raphael). Hình thánh Georges đang xung phong trước đoàn thập tự quân được xuất hiện trên những bức bích họa tại Poncé (Loir và Cher), Cressas (Charente) và tại Clermont-Ferrand. Biểu hiện của thánh Georges là Thánh giá đỏ trên nền trắng.
Thông điệp và tính thời sự
a. Thánh Georges được tôn kính tại Đông Phương như là vị “tử đạo vĩ đại”, một trong “Mười bốn thánh Bảo trợ” và là thánh quan thầy các quân nhân. Ngài cũng được mừng kính trên toàn thế giới trong tư cách người hiệp sĩ gương mẫu và người bảo vệ các phụ nữ. Theo truyền thuyết, thánh nhân đã giết con rồng để giải cứu công chúa đang bị tế cho rồng. Vì thế thánh Georges trở nên mẫu gương cho các hiệp sĩ. Tuy nhiên, ngày lễ của ngài nhằm vào mùa Phục Sinh, gợi lại không những sự giúp đỡ, mà còn lòng quảng đại và dũng cảm của ngài khi họa lại cuộc Thương khó của Chúa Giêsu (lời nguyện đầu lễ). Thật thế, khi đổ máu mình vì Đức Kitô, các vị tử đạo được tham dự vào mầu nhiệm vượt qua của Người. Vì lợi ích cho nhiệm thể Người là Hội thánh, họ hoàn tất trong thân xác mình những gì còn thiếu nơi những gian nan thử thách Đức Kitô còn phải chịu (Cl 1,24). Bài tin mừng Thánh lễ nói lên những thành quả do cuộc tử đạo mang lại, qua biểu tượng hạt lúa gieo vào lòng đất, phải chết đi mới sinh được nhiều hạt khác (Ga 12, 24-26).
b/ Trong bài giảng ngày lễ thánh Georges (các Bài đọc-Kinh sách), thánh Phêrô Damien cổ vũ chúng ta như sau: “Anh em thân mến, chúng ta không chỉ cảm phục, nhưng còn phải noi gương người chiến binh của đạo quân thiên quốc … Vậy, một khi đã được tẩy sạch mọi vết nhơ tội xưa, và được bừng sáng nhờ đời sống mới, chúng ta phải cử hành mầu nhiệm vượt qua cách xứng đáng và phải thực sự noi theo gương sáng các vị tử đạo.”
Lời xướng đáp kết thúc bài đọc như sau: “Chúng ta hãy nắm vững trong tay khiên mộc đức tin và thanh gươm lời Chúa… để bắt mọi trào lưu tư tưởng tuân phục Đức Kitô”.