Đã có rất nhiều cuốn sách giúp chúng ta học ngoại ngữ cấp tốc, biết cách làm giàu nhanh giữa những hối hả của cuộc sống mưu sinh.Thế nhưng, khi đại dịch xuất hiện kèm theo những bất trắc cùng hiểm nguy, thì dường như mọi con người mới chân nhận được lẽ đáng quý mà họ vô tình quên lãng, đó là : “Hãy sống chậm lại”.
Nhân loại hôm nay đang phải đối mặt với tốc độ phát triển không ngừng và có nhiều thứ phải dùng tốc độ ánh sáng mới đo được. Những sản phẩm công nghệ siêu tiết kiệm thời gian ra đời đã giúp thế giới thu hẹp mọi khoảng cách để trở nên ngôi làng thu nhỏ. Khi đối diện với thực trạng cuộc sống đó, con người buộc lòng chạy theo đà tiến nhanh và hệ luận là chúng ta lao nhanh trong vòng xuyến chóng mặt của những phương tiện. Đôi lần, chúng ta quên mất rằng máy móc cũng cần bảo dưỡng, nói chi đến con người vốn nhiều bất toàn và giới hạn. Buông mình vào vòng quay đó, chúng ta mất hẳn chính mình khi bước quá nhanh mà không kịp nhìn tha nhân để nghe câu chuyện đời của họ và cái kết là những đáp số vô hồn của bài toán thường là tội lụy.
Những tháng qua, dân tộc Việt Nam đang phải đối mặt với tang sầu ly biệt mà vô tình nhân loại đã gây ra cho nhau. Con người dường như mất phương hướng, không biết mình là ai, mình sẽ đi về đâu và còn lại gì sau cuộc sống bất an này? Ngay trong những khoảng khắc này, ta có thể chọn cho mình một tâm thế đó là “sống chậm lại” .
Chậm lại giống như giống như tín hiệu vàng của chiếc đèn giao thông đèn vàng. Nếu như cuộc sống toàn là đèn xanh thì ai cũng lao thẳng về phía trước, chẳng mấy phút mà hết cả cuộc đời. Chúng ta đã không đủ kiên nhẫn để chờ vài giây khi đèn đỏ, để rồi phóng xe như ngất trí trên đường cùng chen lấn xô đẩy trở thành một “văn hóa”. Nhờ đèn vàng, mà chúng ta kịp nhận ra cảnh vật, con người hôm nay sao thật đẹp, thật “hóa nên thơ”…để rồi khiến mình thay đổi thái độ sống theo hướng tích cực hơn. Dĩ nhiên, sẽ có đôi người nhìn đèn vàng mà ra đèn xanh, thế nên cứ lao đi cho vội và nhìn đèn vàng mà hóa ra đèn đỏ, và rồi dừng chân mà không dám chạy tiếp. Cho nên, bản thân đèn vàng vốn dĩ đã nằm ở giữa khoảng an toàn và nguy hiểm, nên đó là lúc chậm lại, để con người có quyền dừng và nghĩ ngơi.
Cũng vậy, khi con người nhìn đại dịch Covid ở chiều kích nhân bản sẽ thấy áng sao của niềm hy vọng về cuộc sống hòa bình hơn giữa con người với nhau và với thiên nhiên.
Trong mùa đại dịch vừa qua, chúng ta đã tuân thủ luật giản cách xã hội. Thế nhưng, giãn cách cộng đồng và cách ly đã làm cho chúng ta tránh né nhau. Vừa sát khuẩn chúng ta ngại bắt tay, đeo khẩu trang xong chúng ta ngại nói. Mỗi người lo phần mình. Có lẽ không hoàn toàn bàng quan, nhưng chắc chắn là tự thủ. Càng xa càng hay, càng ít liên đới càng tốt. Không liên hệ để tránh liên lụy.
Sống chậm lại giữa đại dịch, giúp con người có thời gian trầm lắng để nhìn lại và ngộ ra cái lẽ dù giàu hay nghèo “chúng ta đang ở trên một con thuyền và không được ai bị bỏ lại”.
Phải chăng vì quá bấn loạn và hoang mang mà con người đã đặt ra câu hỏi Thiên Chúa ở đâu trong cơn đại dịch. Nhưng có lẽ, nhờ sống chậm lại đã giúp con người nhận ra một Thiên Chúa không muốn sống cách ly. Ngài không rửa tay, để vô can như Philatô, hoặc để rũ bỏ chúng ta như cách con người rũ bỏ một con virus! Ngài muốn liên lụy với chúng ta, vì chúng ta.
Lòng thương xót của Chúa luôn vượt xa vực thẳm tội lỗi của phận người. Nhưng Ngài vẫn ở đó và đưa vai gánh lấy tội lỗi của con người trong cơn dịch bệnh. Chúa ở trong tấm lòng các bác sĩ, nhân viên y tế, tình nguyện viên đang ngày đem chạy đua với Covid. Chúa trong trong các nhà hảo tâm luôn tìm mọi cách tốt nhất để không ai bị bỏ lại phía sau cuộc chiến. Chúa ở trong các linh mục và tu sĩ sẵn sàng từ bỏ cuộc sống an toàn trong bốn bức tường tu viện để đi vào tâm chấn đại dịch với ước mong xoa diệu phần nào nỗi đau phần xác và cũng để đồng hành với các bệnh nhân trong giờ phút sau cùng của anh chị em mình. Chúa ở trong các bệnh nhân F0 nhưng vẫn vui vẻ hăng say phục vụ những ai bệnh nặng hơn mình.
Quả thật, những gì Thiên Chúa đã làm, vượt xa mọi hình dung và tưởng tượng của con người. Vì Ngài đã đến quá gần chúng ta! Hãy giãn cách và chiến đấu với cơn dịch…Nhưng hãy để cho lòng xích lại nhau hơn trong những ngày này ! Hãy gần nhau trong Thiên Chúa. Đó cũng là lời mà tác giả thư Do Thái nhắc chúng ta: “Chúng ta hãy mạnh dạn tiến lại gần Ngai Thiên Chúa. Vì Thiên Chúa đã đến quá gần con người, nên chi hãy mạnh dạn”. Hãy giũ bỏ tâm thức kính nhi viễn chi.
Sống chậm lại để chiêm ngưỡng vẻ đẹp của Tạo Hóa, để tận hưởng thi vị của thiên nhiên mang lại, để tận hưởng thành quả do công sức của mình bỏ ra.
Sống chậm lại để không hối hả với bánh xe cuộc đời mãi quay vòng theo nhật nguyệt tháng năm, để thấy cho phận người chúng ta thật nhỏ bé, mỏng manh giữa vòng quay vạn biến đó.
Sống chậm lại để hiểu hơn người anh em bên cạnh mình , ngõ hầu xem họ là “một ai đó” hơn là “một cái gì đó” để biết yêu thương và cảm thông hơn.
Sống chậm lại để giúp ta bằng lòng với con người “đủ tốt” nơi mình để không quá tham vọng “hoàn hảo” như ta tưởng.
Và Sống chậm lại để nói lời tạ ơn với Thiên Chúa. Vì chỉ có lời tạ ơn mới diễn tả hết yếu tính con người trong mối tương giao với Thượng Đế.
Bài viết: Anh Tài, CSC