Văn Yên, SJ – Vatican News
Sứ điệp gợi mở từ sự ngạc nhiên của trẻ em trước những điều xuất hiện trước mắt chúng, trái ngược với thời đại thay đổi chóng mặt và chạy theo năng suất, vốn làm cho người ta không còn đủ thời gian để ngạc nhiên. Chúa Giêsu mời gọi các môn đệ trở nên giống trẻ em để có được sự ngạc nhiên này.
ĐHY Parolin trích lời của Đức Thánh Cha: “cuộc sống không có sự ngạc nhiên sẽ trở nên xám xịt, theo thói quen; đức tin cũng vậy. Và Giáo Hội cũng cần phải làm mới lại sự ngạc nhiên để trở nên nơi cư ngụ của Thiên Chúa hằng sống, Hiền Thê của Chúa, và là Mẹ sinh ra con cái”. (Bài giảng ngày 01/01/2019).
Trong những tháng gần đây, nhân loại kinh ngạc cảm nhận được lòng trắc ẩn của các bác sĩ, các nhân viên y tế trước những đau khổ và mong manh của sự sống, khi chính họ đã phải đối mặt với thử thách về sự sống của họ để cống hiến hết mình; hay tình cảm chan chứa của thầy cô dành cho học trò trong việc dạy học từ xa.
Do đó, chủ đề của Cuộc gặp gỡ lần này tạo nên một lời kêu gọi mạnh mẽ đi vào sâu thẳm trái tim con người, nhờ sợi dây ngạc nhiên. Sự ngạc nhiên thực sự là con đường để thu lượm những dấu chỉ của sự vĩ đại.
Nếu một cái nhìn với sự ngạc nhiên không được trau dồi, thì người ta trở nên mù loà trước sự hiện hữu của mình: khép kín chính mình, bị thu hút bởi sự phù du và ngừng đặt câu hỏi về thực tại. Ngay cả trong sa mạc của đại dịch, những câu hỏi thường bị lãng quên nay tái xuất hiện: ý nghĩa của cuộc sống là gì? Nỗi đau, sự chết là gì? “Con người không thể hài lòng với những câu trả lời bị cắt giảm hoặc một phần, buộc mình phải bị kiểm duyệt hoặc quên đi một số khía cạnh của thực tại. Nơi bản thân, con người sở hữu một khao khát vô hạn, một nỗi buồn vô hạn, một nỗi nhớ mà chỉ được thỏa mãn bằng một câu trả lời vô hạn tương xứng.”
Chủ đề cho Cuộc gặp gỡ đưa ra một thách đố quyết định đối với các Kitô hữu, đó là được kêu gọi để làm chứng cho sức hấp dẫn sâu xa mà đức tin tạo nên nhờ vẻ đẹp của nó: “sức hấp dẫn của Chúa Giêsu”. Khám phá tuyệt vời về vẻ đẹp này là đóng góp lớn nhất mà Kitô hữu có thể làm để duy trì niềm hy vọng của loài người.
Cuối cùng qua Đức Hồng Y, Đức Thánh Cha ban phép lành cho các tham dự viên và ngài xin họ cầu nguyện cho ngài. (CSR_5974_2020)