Từ Chúa nhật, ngày 05 tháng Sáu này, Lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống, Tông hiến mới về Giáo triều Roma, ‘Praedicate Evangelium’, Các con hãy loan báo Tin mừng, được Đức Thánh cha Phanxicô công bố ngày 19 tháng Ba năm nay, sẽ bắt đầu có hiệu lực, thay thế Tông hiến ‘Pastor Bonus’, Mục tử nhân lành, do thánh Gioan Phaolô II ban hành cách đây 34 năm (6/1988).
G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA
Việc áp dụng Tông hiến mới sẽ trải qua vài năm thử nghiệm và những năm tới đây, người ta sẽ thấy sự thành công hay thất bại của Văn kiện mới trong việc cải tổ giáo triều.
Trong thời gian tới đây, Đức Thánh cha sẽ tiến hành những bổ nhiệm mới cho giáo triều để thực thi chương trình cải tổ. Một số vị sẽ được củng cố trong nhiệm vụ hiện tại, như Đức Hồng y Michael Czerny, dòng Tên, đã 75 tuổi, nhưng mới được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Bộ Phát triển nhân bản toàn diện. Một số khác, nhất là những vị cao tuổi sẽ rời bỏ chức vụ. Ví dụ, Đức Hồng y Leonardo Sandri đã 78 tuổi và làm Tổng trưởng Bộ các Giáo hội Công giáo Đông phương từ 14 năm nay, tức là ba nhiệm kỳ, hoặc Đức Hồng y Lui Ladaria, dòng Tên, 78 tuổi, Tổng trưởng Bộ Giáo lý đức tin.
Một nhận xét khác: chín năm sau khi Đức Giáo hoàng Phanxicô lãnh đạo Giáo hội, Giáo triều Roma vẫn có đại đa số là người Âu châu, chiếm 79% các chức vụ lãnh đạo, trong đó gần một nửa là người Ý. Tiếp đến là Tây Ban Nha 8%, Pháp và Hoa Kỳ mỗi nước chiếm 6%. Hiện thời, không có vị lãnh đạo nào người Phi châu hoặc từ Úc châu. Đức Hồng y Peter Turkson, người Ghana, trước đây làm Bộ trưởng Phát triển nhân bản toàn diện, nhưng không được Đức Thánh cha gia hạn, và hiện làm Chủ tịch các Hàn lâm viện Tòa Thánh về khoa học và khoa xã hội, một vai trò “khiêm nhượng” hơn nhiều so với trước kia.
Theo một số chuyên gia, sự thành công của giáo triều mới tùy thuộc những người sẽ được Đức Thánh cha bổ nhiệm đứng đầu các cơ quan giáo triều, đặc biệt là các bộ tân lập. Đức Hồng y Oscar Rodriguez, Tổng giám mục Tegucigalpa, Honduras, Điều hợp viên Hội đồng bảy hồng y cố vấn của Đức Thánh cha, nhấn mạnh tầm quan trọng quyết định của việc bổ nhiệm các vị lãnh đạo mới trong giáo triều.
Theo Đức Hồng y, sự kết thúc tiến trình lâu dài, chín năm, phức tạp và tế nhị của Hội đồng Hồng y cố vấn, tạo điều kiện để tiến bước, đương đầu với các vấn đề khác không kém phần quan trọng và không trì hoãn được, đó là tu chính bộ giáo luật, và các qui luật cần áp dụng trong trường hợp Tòa Thánh trống tòa do sự từ chức của Đức Giáo hoàng.
Trong cuộc phỏng vấn dành cho Đài Vatican, ngày 06 tháng Năm vừa qua, để trình bày cuốn sách mới về những cải tổ của Đức Thánh cha Phanxicô, Đức Hồng y Rodriguez nói: “Giờ đây, điều bình thường là vấn đề từ nhiệm của một vị Giáo hoàng, cũng như tu chính bộ giáo luật”.
(sismografo 2-6-2022)