Trái Tim Tình Yêu

Tình yêu là một loạt các cảm xúc, trạng thái tâm lý, và thái độ khác nhau dao động từ tình cảm cá nhân đến niềm vui sướng. Nó còn là một đức tính đại diện cho lòng tốt của con người, là lòng nhân ái, là sự thông cảm sẻ chia đối với người khác như thánh Thomas Aquinas từng viết “tình yêu tạo ra điều tốt lành cho người khác”.

Tôn giáo nào cũng dậy yêu thương. Giáo lý nhà Phật coi tất cả những gì trên đời này đều là phù du, chỉ có yêu thương lẫn nhau mới là thứ tồn tại vĩnh viễn, còn lại cuối cùng. Luật Môsê trong Cựu Ước cũng dạy: “Phải yêu thương tha nhân như chính mình”. Khi Chúa Giêsu xuống thế làm người, Ngài đã giảng dạy yêu thương và hơn thế nữa đã thực hiện tình yêu thương một cách trọn vẹn.

Tình yêu có nhiều cung bậc sâu thẳm trong trái tim con người, nhưng thường thì khi trao gởi tình yêu, người ta mong muốn được đáp lại. Nhưng tình yêu không hẳn lúc nào cũng công bằng như thế, có người trao đi và không được đáp lại, có người trao đi và chẳng cần được đáp lại.

Trái tim là biểu hiện, là trung tâm điểm của tình yêu. “Thiên Chúa là tình yêu”, nên khi nói tới tình yêu của Thiên Chúa, chúng ta liên tưởng ngay tới Trái Tim Chúa Giêsu. Tất cả mọi người, mọi thành phần đều có một chỗ nương tựa trong con tim yêu thương của Ngài. Tình yêu ấy đã trở nên vẹn toàn, trở nên cụ thể nhất khi “một người lính lấy giáo đâm vào cạnh sườn Người. Tức thì, máu cùng nước chảy ra.” (Ga 19,34).

Yêu trọn vẹn khiến Thánh Tâm nhận lãnh
Ngọn giáo đâm cho máu chảy tỏ tường
Chúng con nhìn mà kính lạy vết thương
Như bằng chứng của mối tình khôn tả.
(Thánh Thi Kinh Sách lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu)

Những giọt máu cuối cùng đó đã minh chứng tình yêu cao quí của Chúa dành cho chúng ta: yêu cách quảng đại, yêu trọn vẹn, cho đi tất cả, hiến dâng tất cả, không đòi hỏi cũng không giữ lại một chút gì cho bản thân Ngài. Trái tim bị đâm thâu của Chúa Giêsu là bằng chứng tuyệt vời về tình yêu tuyệt mỹ của Thiên Chúa. “Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình.” (Ga 15,13).

Trong thực tế cuộc sống hôm nay, vẫn còn rất nhiều người sống thiếu yêu thương. Hằng ngày, chúng ta chứng kiến biết bao cảnh bạo lực xảy ra trong gia đình, nơi học đường, ngoài xã hội. Những cảnh vợ chồng cãi vã, ăn thua đủ, thậm chí giết nhau trước ánh mắt kinh hoàng của con cái. Những video clip bạo lực học đường được chính các em học sinh ghi lại rồi tung lên mạng. Những cảnh kéo bè tụ nhóm thanh toán nhau xảy ra trên đường phố, nơi chợ búa, quán xá… mà nguyên nhân chỉ là những việc nhỏ nhặt xảy ra thường ngày.

Rồi những cảnh đói nghèo, bệnh tật không những ở những nơi vùng sâu, vùng xa mà còn ngay ở trong lòng những thành phố lớn. Những nữ tu chân yếu tay mềm bị đẩy ra khỏi nơi sinh sống hàng trăm năm, bị chiếm đoạt đất đai để nhường chỗ cho những dự án vì lợi ích nhóm. Người ta vẫn biết, vẫn thấy, vẫn nghe những tiếng kêu oan của họ. Nhưng người ta vẫn cứ làm ngơ không dám lên tiếng, hoặc vì bất lực, hoặc vì sợ liên lụy đến sự an toàn của bản thân. Cứ lẳng lặng chứng kiến những cảnh áp bức, cứ tìm cách thoái thác khi được mời gọi trợ giúp cho những hoàn cảnh đói nghèo, bệnh tật.

Người Ki-tô hữu không chỉ được mời gọi chiêm ngắm, sùng kính mà còn phải trở nên chứng nhân tình yêu của Thánh Tâm Chúa trong thế giới hôm nay. Chính Đức Giêsu đã dạy: “Đây là điều răn của Thầy: anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em.” (Ga 15,12). Thánh Gioan Tông đồ cũng nhắc nhở chúng ta: “Anh em thân mến, chúng ta hãy yêu thương nhau, vì tình yêu bắt nguồn từ Thiên Chúa. Phàm ai yêu thương, thì đã được Thiên Chúa sinh ra, và người ấy biết Thiên Chúa. Ai không yêu thương, thì không biết Thiên Chúa, vì Thiên Chúa là tình yêu” (1Ga 4,7-8).

Là người môn đệ của Thánh Tâm Chúa Giêsu, chúng ta không thể chấp nhận thái độ vô cảm, dửng dưng. Cũng không chấp nhận chỉ nói về tình thương nhưng không sống yêu thương hoặc coi thường khinh bỉ những người tội lỗi. Vì vậy, chúng ta hãy xin Thánh Tâm Chúa thứ tha và xin Ngài ban cho chúng ta một quả tim mới, một quả tim biết yêu thương, biết thổn thức, biết rung động, biết đập với nhịp đập của Thánh Tâm Chúa để đền đáp phần nào tình yêu vô tận mà Chúa đã dành cho chúng ta.

Chúng ta hãy lấy lòng nhân từ cảm hóa những người tội lỗi giúp họ trở về đường ngay, nẻo chính. Hãy tha thứ, làm ơn và cầu nguyện cho kẻ làm hại chúng ta. Hãy thăm viếng những người đang sống trong cảnh túng nghèo quẫn bách, bệnh tật, tù đày, già cả, cô đơn, khuyết tật … để cứu chữa, hoặc làm giảm bớt những cơn đau của họ. Hãy hạn chế sử dụng và giảm bớt chi tiêu đối với những gì không cần thiết để giúp đỡ người nghèo hoặc các công trình tôn giáo và xã hội, tham gia những việc có ích cho cộng đồng. (Thư công bố Năm Thánh Tôn vinh các Thánh Tử Đạo Việt Nam của HĐGM VN ngày 1/5/2018)

Mừng kính Thánh Tâm Chúa Giêsu, chúng ta cùng cầu xin Chúa ban cho chúng ta có được một chút Trái Tim của Ngài. Trái tim không bao giờ cạn kiệt tình yêu, một tình yêu hy sinh tự hiến không đắn đo suy tính hơn thiệt với tha nhân. Một trái tim không ngủ yên, biết trăn trở quan tâm đến những vất vả, khó khăn, mệt nhọc, gian khổ… của những người chung quanh. Luôn tha thiết mong ước làm sao để những trái tim khác cũng nhận được hạnh phúc trong tình yêu.

Xin Chúa cho trái tim chúng ta không phải là trái tim mùa đông nhưng là một con tim nồng ấm tình người, cũng không phải là trái tim ngục tù nhưng là con tim quảng đại với anh chị em. Một trái tim đong đầy tình yêu sẽ làm cho con người chúng ta bung ra khỏi những cái vỏ ích kỷ, những cái khung nhỏ nhen chật hẹp để sống một trời mới đất mới với không gian lồng lộng và thời gian bao la rộng rãi. Trái tim đó làm cho chúng ta nhận ra mọi người là con cùng một Cha, anh em cùng một nhà trong Tình Yêu bao la của Thiên Chúa.

Jos. Hoàng Mạnh Hùng