DÒNG THÁNH TÂM HUẾ 

CONGREGATIO SACRATISSIMI CORDIS   

1. Nguồn gốc Nhà Dòng

Dòng Thánh Tâm Huế được Đức Cha Eugène Marie Joseph Allys (Lý), Giám mục Giáo phận Huế, thành lập vào ngày 09/10/1925. Đây là giai đoạn mà Giáo hội Công giáo Việt Nam đang vui hưởng sự bình an, sau những tháng năm dài bị cấm cách và bách hại. Lúc này Giáo hội đang từng bước củng cố và phát triển về mọi phương diện. Đó cũng chính là lý do mà Dòng Thánh Tâm Huế đã ra đời, nhằm đáp ứng nhu cầu giáo dục thanh thiếu niên thời bấy giờ về cả hai phương diện tri thức lẫn đạo đức. 

2. Tiểu sử vị sáng lập Dòng

2.1. Thời thơ ấu và tuổi trưởng thành 

Đức Cha Eugène Marie Joseph Allys (Lý) sinh ngày 12/02/1852, trong một gia đình ngoan đạo, tại làng Cannée, giáo xứ Paimpont, thuộc Giáo phận Rennes, nước Pháp. Cha mẹ ngài có 8 người con; trong đó có hai con trai về sau trở thành Linh mục và một con gái trở thành nữ tu. 

Ngài khởi đầu việc học tại Bretagne, được tiếp nhận nền giáo dục của các sư huynh Jean de La Mennais. Sau đó, ngài gia nhập Tiểu Chủng Viện St Méen, rồi Đại Chủng Viện Rennes, tiếp đến là chủng viện hội Thừa sai Paris (MEP), và đã được thụ phong Linh mục vào ngày 10/10/1875. Chỉ hai tháng sau đó, ngài đã tình nguyện sang truyền giáo tại Việt Nam vừa lúc 23 tuổi. 

Khi đến Việt Nam, Cha Allys đã lần lượt được bổ nhiệm giữ các chức vụ: Cha phó xứ Kim Long, tuyên uý viện Dục Anh Kim Long, Giám đốc đại Chủng Viện Thợ Đúc, chánh xứ Dương Sơn, chánh xứ Phủ Cam và quản hạt Bến Thủy. 

Cuối cùng, ngài được bổ nhiệm làm Giám mục Giáo phận Huế vào năm 1908 với khẩu hiệu: “Diligo Omnes” (Tôi yêu mến mọi người). Năm 1920, ngài lập Dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm. Đến năm 1925, ngài đã lập Dòng Anh Em Hèn Mọn Trái Tim Chúa Giêsu, nay gọi là Dòng Thánh Tâm Huế. 

2.2. Đời sống truyền giáo và mối ưu tư cho việc giáo dục giới trẻ 

Tố chất nổi bật của Đức Cha Allys là nhiệt tâm truyền giáo. Ơn gọi truyền giáo ấy đã được gợi hứng bởi bầu khí đạo đức của gia đình, của chủng viện, đặc biệt của Hội Thừa Sai Paris. Vì thế, kể từ khi đến Huế, mãi đến lúc qua đời, trải qua biết bao cam go, thử thách, nhưng nhiệt tâm rao giảng Tin mừng của ngài cho con dân đất Việt vẫn không hề suy giảm. 

Với nhiệt tâm truyền giáo, và để có thêm nhiều nhân sự cho công cuộc Phúc âm hoá, Đức cha Allys rất quan tâm đến việc đào tạo Giáo lý viên, Tu sĩ và Linh mục. Ngài đã bổ nhiệm và hỗ trợ tiền tài, vật lực cho các Linh mục đến mục vụ truyền giáo tại các vùng lương dân, thành lập nhiều giáo xứ. Ngài cũng mời các Dòng tu đến thiết lập nhiều trường học và cơ sở bác ái.  

Nếu tâm huyết của Đức Cha Allys là công cuộc truyền giáo, và nếu đây là nguồn mạch và động lực cho nhiệt tâm mục vụ, thì tương tự, chính nhiệt huyết của sứ mạng mục tử đã nảy sinh nơi Ngài một cam kết mạnh mẽ cho việc giáo dục giới trẻ. Đây là mối ưu tư đặc biệt của ngài giữa biết bao những bận tâm cho công tác truyền giáo và mục vụ của một Giám mục.

3. Lịch sử Dòng Thánh Tâm Huế

3.1. Giai đoạn hình thành 

Xuất phát từ mối ưu tư truyền giáo, nâng cao trình độ tri thức và tinh thần đạo đức cho giới trẻ, Đức cha Allys muốn thiết lập một Dòng tu bản địa phỏng theo hình thức của Dòng Ploermel, đã được chân phước Jean de La Mennais thiết lập tại Pháp. 

Vào năm 1923, Đức Cha Allys đã gởi một bức thư đến Đức Hồng Y Van Rossum, Tổng trưởng Thánh Bộ Truyền Bá Đức Tin để trình bày thỉnh nguyện lập Dòng của ngài. Đức Hồng Y Tổng trưởng đã tỏ ý khen ngợi và chúc lành cho công việc tốt lành này. 

Vào đầu năm 1924, trong kỳ tĩnh tâm của các Linh mục tại Đại Chủng viện Huế, Đức Cha Allys đã trình bày với hội đồng Linh mục về ý định thiết lập Dòng Thánh Tâm Chúa Giêsu. Ngài đã chỉ định Cha Đaminh Hồ Ngọc Cẩn làm Bề trên tiên khởi của Dòng, để cộng tác với Ngài trong việc thành lập và quản trị Hội dòng mới. 

Đức Cha Allys đã chọn ngày 09/10/1925 làm ngày khai sinh của Dòng Thánh Tâm. Sở dĩ Đức Cha chọn ngày này, vào dịp lễ thánh Denis, là để tỏ lòng biết ơn ông bà Denis Lê Phát An, vị đại ân nhân của Hội Dòng. 

Đã có 25 ứng sinh đầu tiên được nhận vào Dòng trong dịp khai sinh này. Vào ngày 08/9/1929, có 6 tập sinh đầu tiên được khấn lần đầu. Rồi vào ngày 15/8/1937, có hai khấn sinh đã hiến thân vĩnh viễn cho Thiên Chúa qua lời khấn trọn đời. Kể từ đó, Hội Dòng đã phát triển từng ngày về mọi phương diện. 

3.2. Những bước thăng trầm trước những biến chuyển của thời cuộc 

Châm ngôn của Hội Dòng là: “Hãy đi giảng dạy muôn dân” (Mt 28,19). Vì thế, trong bối cảnh nhu cầu giáo dục trở nên khẩn thiết, và được sự hậu thuẫn về phía giáo quyền lần chính quyền, Hội Dòng đã lần lượt thành lập 19 cơ sở, gồm: 15 trường học, 02 nhà in và 02 đồn điền, trải dài từ tỉnh Quảng Bình đến Sài Gòn. Việc thiết lập các cơ sở này nhằm thực hiện sứ mạng loan báo Tin mừng qua môi trường giáo dục văn hóa thanh thiếu niên theo chương trình quốc gia, đồng thời đào tạo giáo lý viên, giảng dạy giáo lý, nhằm bồi dưỡng và củng cố đời sống đức tin cho học sinh Công giáo, và giới thiệu đức tin cho học sinh lương dân. 

Sau năm 1975, với hoàn cảnh mới của đất nước, Hội Dòng không thể tiếp tục công tác giáo dục tại các trường. Biến cố đặc biệt này đã tạo nên một cuộc khủng hoảng lớn trong Hội Dòng: Hơn một nửa các tu sĩ đã rời khỏi Dòng; Các đơn vị huấn luyện trong Hội Dòng đã phải giải tán, các trường học bị quốc hữu hóa. Những ai tiếp tục dấn thân trong đời sống tu trì phải đối mặt với vô số khó khăn, thách đố. Để tự mưu sinh, các tu sĩ đã sống và làm việc với những cư dân vùng kinh tế mới nghèo khó, qua việc làm ruộng và chăn nuôi gia súc. Chính vì vô vàn trắc trở, gian nguy của thời cuộc, có lúc tưởng chừng như Hội Dòng không thể tồn tại. Tuy nhiên, sau công cuộc đổi mới của Đất Nước từ năm 1980, Hội Dòng đã từng bước tiếp nhận và đào tạo các ứng sinh. Đệ Tử viện, Thỉnh viện, Tập viện và Học viện đã lần lượt được tái lập. Từ ngày 24/11/2013, Dòng chính thức là Dòng Giáo sĩ, và hiện nay có gần 300 thành viên, trong đó có 99 Linh mục, 13 Phó tế, hơn 100 Tu sĩ đang học triết học và thần học,v.v…; việc huấn luyện trong Dòng đang rất thuận lợi và ơn gọi hàng năm vẫn còn nhiều. 

4. Sứ mạng 

Với châm ngôn “Hãy đi giảng dạy muôn dân – Euntes docete omnes gentes”, Tu sĩ Thánh Tâm mang sứ mạng loan báo Tin Mừng, đặc biệt qua việc giảng dạy đạo lý Kitô giáo  cho các tín hữu cũng như cho các anh em lương dân. 

5. Linh đạo

Tu sĩ Thánh Tâm được cung hiến cho Thánh Tâm Chúa, để mặc lấy những tâm tình của Ngài là lòng thương xót, sự hiền lành và khiêm nhường, ngõ hầu trở nên tông đồ của Tình yêu Thiên Chúa. 

6. Tước hiệu Dòng: Tước hiệu của Dòng là Thánh Tâm Chúa Giêsu.

7. Các hoạt động của Dòng

Hiện nay, Dòng đang đảm trách và cộng tác vào công tác mục vụ tại 11 giáo xứ, và hiện diện ở 11 Giáo Phận tại Việt Nam, cùng với một cơ sở ở Florida (Mỹ). 

Hàng năm, Dòng cũng phối hợp với các Giáo phận để tổ chức những khóa học: đào tạo giáo lý viên, giáo lý dự bị hôn nhân, các hội đoàn, mục vụ bệnh viện, mục vụ sinh viên,… 

Ngoài ra, Dòng cũng có những chương trình hỗ trợ người nghèo, bệnh nhân, cứu trợ các nạn nhân, tổ chức các chương trình sinh hoạt cho trẻ em nghèo, học sinh, sinh viên. 

8. Các cơ sở

Hiện nay, Dòng có 42 cơ sở, bao gồm cả các đơn vị đào tạo và nhà lưu trú. 

9. Điều kiện gia nhập Dòng

Nam thanh niên Công Giáo, thường là không quá 28 tuổi, đang học THPT, cao đẳng, trung cấp hay đại học.  

10. Địa chỉ liên lạc

Dòng Thánh Tâm Huế 

Địa chỉ: 67 Phan Đình Phùng, P. Thuận Hóa, Tp. Huế 

Điện thoại: +84 234 3825 048 

Email: [email protected]