Ngày thứ nhất: Trái tim khiêm nhường

TRÁI TIM KHIÊM NHƯỜNG
“Hãy học cùng ta, vì ta hiền lành và khiêm nhường trong lòng” (Mt 11:29)
Không có phẩm chất nào “cao quý” hơn là sự khiêm nhường của Chúa Giêsu. Chúa mời gọi tất cả mọi người “Hỡi những ai đang vất vả, mang gánh nặng nề, hãy đến cùng ta, ta sẽ nâng đỡ, bổ sức cho các ngươi. Hãy mang lấy ách của ta và học cùng ta, vì ta hiền lành và khiêm nhường trong lòng, và tâm hồn các ngươi sẽ gặp được bình an”.
Đây là những lời an ủi và vui mừng nhất trong toàn bộ Tin Mừng. Làm ta cảm thấy được nâng đỡ và ủi an. Ngài hứa cho tâm hồn ta được nghỉ ngơi, bồi dưỡng và có ai lại không cần đến điều đó?
Để đi được con đường đó không phải dễ dàng. “Mang lấy ách của ta” và học cách “Hiền lành và Khiêm nhường” có nghĩa là gì? Còn những người có tính khí “Alpha” là người mạnh mẽ, có tính thủ lĩnh thì sao? Họ có được gọi là hiền lành và khiêm nhường không?
Khi nghĩ về “sự khiêm nhường”, hình ảnh, trải nghiệm hay liên tưởng nào xuất hiện trong đầu chúng ta. Liệu nó có làm ta thích thú hay khiến ta khó chịu, tại sao?
Đọc qua Tin Mừng, chúng ta thấy rằng Chúa Giêsu không bao giờ thể hiện bản thân mình. Chúa không quan tâm ai nghĩ về Ngài như nào, cũng như để ý việc người khác có chú ý, hay lo lắng về việc phải gây ấn tượng với họ hay không. Ngài không bao giờ giờ lãng phí thời gian tranh luận với những người không muốn biết sự thật. Chúa đã đến và hoàn thành những gì Ngài được sai đến.
Trên thực tế, dường như Chúa Giêsu không dành nhiều thời gian để nghĩ về bản thân. Chúa luôn cầu nguyện, giảng dạy, giúp đỡ hoặc chữa bệnh. Và Chúa đã làm việc đó như món quà vô điều kiện.
Để nói Chúa Giêsu “hiền lành” và “khiêm nhường” không đồng nghĩa Chúa là người yếu đuối và nhu nhược. Chúa đã thực hiện các việc với sự mạnh mẽ. Ngài là người lãnh đạo thực sự, với mục tiêu và lý tưởng rõ ràng, cùng với ý chí sắt son.
Chúa còn dành thời gian cho “những người bé nhỏ”, như người ăn xin, người nghèo, trẻ em, gái điếm và những người thu thuế. Chúa không bao giờ tỏ ra vượt trội so với những người mà Ngài ở cùng nhưng luôn lắng nghe những khó khăn và giúp đỡ họ. Chúa biết Ngài là “Chúa” nhưng Chúa chưa bao giờ “thống trị” trên bất kỳ ai.
Ngay cả khi thực hiện các phép lạ, chúng ta không bao giờ nhìn thấy Chúa Giêsu với thái độ “hãy nhìn tôi”. Chúa gọi những phép lạ của mình là “dấu chỉ – Khẳng định Ngài là con Thiên Chúa, để mọi người sẽ lắng nghe sứ điệp về sự cứu rỗi. Thật vậy, khi dân chúng chứng kiến phép lạ hóa bánh ra nhiều, họ muốn tôn Người làm vua, Chúa Giêsu đã lặng lẽ bỏ đi để cầu nguyện (Ga 16:15). Chúa không bị cuốn theo những lời tán dương của dân chúng. Những gì Chúa muốn là chỉ cho họ thấy con đường dẫn tới sự cứu rỗi.
Sự khiêm nhường Chúa Giêsu thực hiện với con người cũng được biểu lộ như Ngài thực thi nơi Chúa Cha. Ngài không nhận công lao gì về mình, mà phó thác mọi sự trong tay Chúa Cha.
Chúa Giêsu đã từng nói với các tông đồ rằng khi họ đã hoàn thành mọi việc phải làm, thì nên nói: “Chúng tôi là những đầy tớ vô dụng, chúng tôi đã chỉ làm việc bổn phận đấy thôi.” (Lc17:10). Đó chính xác là những gì Chúa Giêsu đã làm.
Cũng tương tự như thế, Chúa Giêsu không tuyên bố mọi sự có “nguồn gốc” hay “sự canh tân” từ nơi Ngài nhưng nói rằng tất cả giáo huấn của Ngài đều là những gì Ngài học được nơi Chúa Cha.
 Trong một thế giới mà mọi người tranh giành nhau để đòi được ghi công cho việc họ làm thì Chúa Giêsu đã là một gương mẫu về sự phục vụ không lợi ích.
Vậy chúng ta thì sao? Làm thế nào chúng ta được kêu gọi để trở nên giống Chúa hơn?
Khiêm nhường là một đức tính tốt vì chúng ta yêu thích sự khiêm nhường nơi người khác, nhưng chính chúng ta phải mất rất nhiều thời gian để thực hành sự khiêm nhường.
Chúng ta thấy tổn thương khi bị mọi người phớt lờ các ý kiến, lãng quên hay thậm chí bị làm nhục. Ai cũng muốn, gần như cần, được coi trọng. Đôi khi chúng ta cảm thấy có lỗi với bản thân và thường so sánh mình với người khác (đôi khi cảm thấy giỏi hơn, có khi ghen tị và thấy kém cỏi)
Tôi có xu hướng “làm chủ” người khác trong những mối quan hệ nào? Tại sao?
Chúng ta tự hào về chính bản thân mình, trái lại, chúng ta không thấy điều đó nơi Chúa Giêsu và nếu chúng ta không nhận ra điều đó trong chính mình, thì chúng ta còn tồi tệ hơn. Tuy nhiên, Chúa Giêsu hứa rằng ách của sự khiêm nhường là êm ái. Khi chúng ta theo con đường đó, chúng ta thấy “tâm hồn được thảnh thơi”! 
 Lạy Chúa, xin giúp con thành thật với chính mình và trung thực với Chúa. Có rất nhiều điều con cần phải sửa chữa để được giống như Ngài. Con thực sự muốn người khác nhìn thấy Chúa trong con, và con biết nó sẽ xảy ra khi con quên đi chính mình. Con phải trở nên khiêm nhường hơn. Con thực sự muốn trở nên giống như Chúa hơn, Chúa ơi. Thật tuyệt vời biết bao khi con được trở nên đồng dạng vớiChúa.
Lạy Chúa, xin giúp con yêu mến sự khiêm nhường. Hãy để con không sợ bị nhục mạ, vì con luôn biết Chúa yêu con nhiều như thế nào. Tất cả những gì con có là Chúa ban cho, vậy con có gì để mà kiêu ngạo? Thay vào đó, hãy để con biết ơn những ân huệ Chúa ban và dùng những ân huệ đó phục vụ mọi người và nước trời.
Xin giúp con biết cách sử dụng sự khôn ngoan, sức khỏe, lời nói, sự hài hước, sức mạnh, tài năng thậm chí những khuyết điểm, thiếu sót để mang người khác đến với Chúa. Để con không tàn nhẫn hoặc khó tính với người khác; như Chúa chưa bao giờ làm vậy. Hãy để mọi người tìm thấy ở con — như họ đã tìm thấy ở Chúa — một trái tim rộng mở, sự chào đón và đôi tai biết lắng nghe.   
Lạy Chúa Giêsu, hiền lành và khiêm nhường, xin hãy làm cho trái tim con giống Chúa hơn!
Trích trong cuốn: A Heart Like His: Meditations on the Sacred Heart of Jesus 

Bài viết liên quan

Đức giáo hoàng đã cung hiến thế giới cho Thánh Tâm Chúa khi nào?

Vào năm 1899, Đức Giáo hoàng Lêo XIII đã cung hiến thế giới cho Thánh...

3 dòng suối chảy ra từ Thánh Tâm Chúa Giêsu

  3 DÒNG SUỐI CHẢY RA TỪ THÁNH TÂM CHÚA GIÊSU Thánh Magarita Maria Alacoque...

Thánh Thể xuất phát từ Thánh Tâm Chúa Giêsu

Thánh Thể xuất phát từ Thánh Tâm Chúa Giêsu Tình yêu của Chúa Giêsu tuôn...

Việc sùng kính Thánh Tâm mở lòng ta ra với Chúa

Việc sùng kính Thánh Tâm mở lòng ta ra với Chúa Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô...

Sùng kính Thánh Tâm là yêu mến Thánh Thể

Trong một bức thư, thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã giải thích bằng cách...

Tại sao lễ kính Thánh Tâm Chúa là dịp để cầu nguyện cách đặc biệt cho các Linh mục

Thánh Giáo hoàng Gioan Phao-lô II đã ấn định ngày Lễ trọng kính Thánh Tâm...