CHÚA NHẬT 16 THƯỜNG NIÊN năm B. Đời Tông Đồ

Lời Chúa: Mc 6, 30-34
Khi ấy, các Tông Đồ tụ họp chung quanh Đức Giê-su, và kể lại cho Người biết mọi việc các ông đã làm, và mọi điều các ông đã dạy. Người bảo các ông: “Anh em hãy lánh riêng ra đến một nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi đôi chút”. Quả thế, kẻ lui người tới quá đông, nên các ông chẳng có thì giờ ăn uống nữa.
Vậy, thầy trò xuống thuyền đi lánh riêng ra một nơi hoang vắng. Thấy các ngài ra đi, nhiều người hiểu ý, nên từ khắp các thành, họ cùng nhau theo đường bộ, chạy đến nơi, trước cả các ngài. Ra khỏi thuyền, Đức Giê-su thấy một đám người rất đông thì chạnh lòng thương, vì họ như bầy chiên không người chăn dắt. Và Người bắt đầu dạy dỗ họ nhiều điều.      
ĐỜI TÔNG ĐỒ
Thánh Gio-an XXIII (1881-1963) là một trong những vị Giáo hoàng vĩ đại của Giáo hội trong thế kỷ 20. Ngài được mang danh là “Giáo hoàng tĩnh tâm” vì ngay khi ở trên ngai thánh Phê-rô, dù bận trăm công nghìn việc, ngài vẫn không bao giờ quên tĩnh tâm tháng và đặc biệt là tĩnh tâm năm. Chính từ triều đại của ngài mà tại Vatican, năm nào, vào mùa Chay, cũng có tuần tĩnh tâm dành cho Đức Giáo hoàng và mọi nhân viên Tòa thánh. Cuốn “Tâm hồn nhật ký” của ngài, một trong những best-seller (tác phẩm bán chạy) của nền tu đức hiện tại, ghi lại những suy niệm và dốc quyết của ngài trong các cuộc tĩnh tâm từ năm 1896 đến 1962.
Ngoài ra, Đức Gio-an XXIII còn là một trong những nhà lãnh đạo uy tín của thế giới. Nhờ kinh nghiệm của 27 năm làm Khâm sứ và Sứ thần tại Bungari, Thổ Nhĩ Kỳ, Hy Lạp và Pháp (1925-1952), ngài nắm rõ tình hình thế giới, khát vọng của các dân tộc. Vì thế, sau khi lên ngai giáo hoàng, ngài đã công bố hai thông điệp quan trọng: “Mẹ và Thầy” (1961) và “Hòa bình trên trái đất” (1963) cũng như triệu tập Công đồng chung Vatican II (1962) để canh tân và làm cho Giáo hội trở thành “ánh sáng mọi dân tộc”. Mà ngài làm việc đó lúc 81 tuổi, khi đời đã xế bóng và sức đã kiệt tàn.
1. Làm tông đồ phải biết “nghỉ ngơi”
Câu chuyện Thánh Giáo hoàng Gio-an XXIII là một thí dụ giúp ta hiểu bài Tin Mừng hôm nay, một bản văn nêu lên hai chủ điểm có vẻ tương nghịch: làm tông đồ cần phải biết nghỉ ngơi nhưng tông đồ cũng là người hoạt động không ngơi nghỉ.
Chúa nhật tuần trước, chúng ta đã nghe các chỉ thị Đức Giê-su ban cho các Tông Đồ khi “sai phái” họ. Họ đã sống một số ngày thành nhóm hai người, nhưng không có Đức Giê-su. Nay trở về từ chuyến truyền giáo, họ đã có kinh nghiệm về sức mạnh Tin Mừng, nhưng nhất là đã kinh nghiệm những sự chống đối, từ khước, dửng dưng… Và bản văn sẽ nói với chúng ta rằng họ mệt nhoài, cần được ngơi nghỉ. Ở thời đại người ta phải đi bộ từ cây số này đến cây số khác, thì điều này chẳng có gì là lạ.
Nhưng trước hết, các Tông Đồ “kể lại cho Người biết mọi việc các ông đã làm, và mọi điều các ông đã dạy”. Đây là giờ báo cáo. Các ông hoạt động, rồi “nhìn lại” hoạt động để hiểu rõ nó hơn trong đức tin và hoàn thiện nó trong những lần kế tiếp. Ngày nay, con người thường tập họp với nhau, làm việc thành nhóm trong đời sống học đường, nghề nghiệp, trong công trình nghiên cứu: hiệp hội, nghiệp đoàn, ủy ban đủ loại triệu tập các thành viên hầu để chung các ý tưởng, các dự định với nhau… Ngày nay, thiên hạ nói nhiều đến sự “ăn ý”, đến việc “đối thoại”. Điều đó nằm trong bản tính con người. Nhiều Ki-tô hữu hôm nay cũng hiểu đức tin của họ sẽ mạnh hơn biết bao nếu họ quy tụ cùng với các anh em khác để thảo luận, chia sẻ Tin Mừng. Đó là mục đích của cuộc họp Thánh Thể ngày Chúa nhật: sau sứ vụ trong tuần, các Ki-tô hữu trở về với Đức Giê-su. Tôi có điều chi để nói với Người hôm ấy? Phải chăng tôi mang cuộc sống suốt tuần của tôi vào trong lời cầu nguyện?
Nghe báo cáo xong, Đức Giê-su bảo các Tông Đồ: “Anh em hãy lánh riêng ra đến một nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi đôi chút”. Người đề nghị một thời gian thư giãn nghỉ ngơi cho các bạn hữu mệt nhoài vì công việc. Có một mức độ quá tải, căng thẳng thần kinh, “stress” như ta nói hiện nay, trở nên tai hại cho việc tông đồ, y như mọi hoạt động khác. Đức Giê-su muốn có những tay thợ quân bình, thanh thản. Nhu cầu im lặng, cô tịch, xa cách quần chúng là thiết yếu đối với con người mọi thời… nhưng đặc biệt cần cho con người hiện nay, vốn bị chứng nhồi máu rình rập vì phải sống trong cảnh náo nhiệt sôi động của các thành phố.
Mà đây không phải là trường hợp duy nhất Mc cho ta thấy Đức Giê-su yêu thích cô tịch và xa lánh đám đông. Ngoài ra Người còn khéo chọn chỗ: một ngọn núi cao hẻo lánh (x. Mc 9,2), vách đá dựng đứng bên hồ (x. Mc 5,1), các bãi biển miền duyên hải phía Bắc (x. Mc 7,24-31), bờ thác núi, gần nguồn sông Gio-đa-nô, dưới chân núi Khéc-mon (x. Mc 8,27).
Lời Đức Giê-su khuyến khích đi vào nơi thanh vắng chắc chắn vượt quá hoàn cảnh cụ thể trong đó nó đã được áp dụng. Cuộc sống sâu xa đòi hỏi sự tĩnh tâm. Náo động bên ngoài chỉ sinh ra hời hợt: không một công cuộc lớn lao nào của con người đã không thực hiện với một cường độ tập trung, yên tĩnh, tự chủ. «Mọi công trình vĩ đại đều đã được cưu mang và phát sinh từ im lặng». Mọi cuộc sống nghiêm túc đều đã lắc lư giữa thời gian hoạt động “bên ngoài” và những thời khắc suy tư “bên trong” rồi: xem-xét-làm; xem lại-xét lại-làm lại. Huống hồ là cuộc sống Ki-tô giáo: không có cuộc sống Ki-tô giáo vững chắc và sâu xa nếu không có nhịp điệu kép này: “đời sống nội tâm” – “hoạt động bên ngoài”. Phải chăng bạn đã có lúc mất giờ để suy niệm? Đâu là thời gian tôi dành cho việc cầu nguyện trong một ngày 24 giờ? Phải chăng tôi sợ thinh lặng, cô đơn? Phải chăng tôi nhảy bổ vào máy thu thanh, truyền hình, vi tính để lấp đầy mọi khoảng trống xảy đến? Còn các Chúa nhật của tôi, phải chăng chúng là một ngày “sa-bát”, một ngày “ngơi nghỉ”, nghĩa là một ngày để gặp gỡ Thiên Chúa, gặp gỡ tâm linh mình và gặp gỡ anh chị em trong tình bằng hữu?
2. Nhưng tông đồ “làm việc” không ngơi nghỉ.
“Thấy các ngài ra đi, nhiều người hiểu ý, nên từ khắp các thành, họ cùng nhau theo đường bộ, chạy đến nơi, trước cả các ngài”. Ở đây Đức Giê-su cùng các môn đệ chơi trò ú tim với dân chúng. Nhưng không có cách nào trốn được. Người ta muốn thoát khỏi đám đông, nhưng lại buộc phải lo đến họ. Người ta muốn chạy trốn, muốn nghỉ ngơi để tránh sự quá tải khiến thậm chí chẳng còn thời giờ để ăn. Người ta thu xếp để chuồn êm, nhưng quần chúng đã có đó, trước bạn! Vậy đâu là phản ứng của Đức Giê-su trước sự bất trắc làm xáo trộn chương trình của Người? Thay vì bực dọc, Người đón tiếp họ. Cô tịch, nghỉ ngơi, thôi để lần khác! Thấy mình đứng trước một trường hợp khẩn cấp, Đức Giê-su đã phải để các dự định của mình bị xáo trộn. Người đã chịu thua tiếng gọi thống thiết của con người. Làm “cái mình không muốn làm”, “cái bó buộc”, “cái có đó”, ấy cũng là tình yêu! “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình…” (Mc 8,34). “Ai liều mất mạng sống mình thì sẽ cứu được mạng sống ấy” (Mc 8,35). Mất! Đức Giê-su đã mất! Và Người yêu cầu chúng ta cũng hãy làm như Người: liều mất vì yêu thương.
Điều đó không muốn nói: nếu quá bận công việc tông đồ, thì có thể rút ngắn giờ cầu nguyện. Như vậy thì lấy đâu nguồn lực, sinh khí để đem Chúa đến cho tha nhân? Như vậy thì làm sao để thanh lọc ý hướng, định lại mục tiêu của đời tông đồ? Liều mất đây là liều mất sức khỏe, tiện nghi, bảo đảm và nếu cần, cả mạng sống. Tông đồ không phải là một nhân viên hành chánh của đạo, luôn luôn phải đúng giấc đúng giờ, đúng chương trình đã vạch sẵn, chẳng đổi được. Cứu hồn đôi khi như cứu hỏa! Cũng chẳng có loại tông đồ về hưu. Không thể vùng vẫy trên cánh đồng truyền giáo, thì vẫn có thể đóng góp bằng cầu nguyện, hy sinh, trên giường bệnh, trong nhà tù, trong tu viện kín, trong hoàn cảnh bị thế gian bắt phải bó tay. 13 năm bị giam giữ và quản thúc của Đức cố Hồng y Phanxicô Xavie Nguyễn Văn Thuận là một ví dụ.
Vì sao? Vì nhân loại “như bầy chiên không người chăn dắt”. Đám đông mà Đức Giê-su đã nhìn với lòng chạnh thương như thế, là hình ảnh của thế giới, thế giới mọi thời, hình ảnh của thời đại chúng ta. Phải chăng như thế là bảo trần gian lâm vào cảnh hỗn loạn? Chúng ta chẳng nghe rằng hàng lãnh đạo các quốc gia dân tộc đều nói mình đang dẫn dắt quần chúng, đều tự cho là những lãnh tụ thích hợp với hoàn cảnh sao? Nhưng thông thường, sau một thời gian hy vọng, thì áp bức, tham nhũng lại bắt đầu. Biết mấy quốc gia hôm nay, trên hành tinh này, có một chế độ thực sự tự do dân chủ? Hay chúng ta vẫn phải tiếp tục chứng kiến những chế độ độc tài chỉ biết bảo đảm kỷ luật chặt chẽ và «ổn định xã hội» bằng cách nô lệ hóa các lương tâm và bịt miệng những đầu óc độc lập? Những nhà lãnh đạo thế giới họp nhau trong bao hội nghị quốc tế về môi trường mấy thập niên nay, đã đem lại được đổi thay tốt đẹp nào cho sinh thái? Đại dịch Covid đang hoành hành khắp thế giới, phải chăng các chính phủ sẽ dễ dàng trừ diệt? Các thủ lãnh quốc gia tại Liên Hiệp Quốc trong hơn 75 năm tồn tại (từ 1945) phải chăng đã luôn giải quyết được mọi xung đột trên trái đất?
Chính trong một thế giới “không người chăn dắt” như thế mà Đức Giê-su đã đến và còn phải đến! Nhân loại đang bị lạc hướng, chẳng biết tìm đâu một ý nghĩa cho cuộc sống của mình. Văn hào André Malraux (Pháp, 1901-1976) từng nói: “Nếu trong thế kỷ tới, nhân loại không trở về với Ki-tô giáo thì sẽ chẳng tồn tại”. Vì loài người đang thiếu những nguyên tắc chung để giải quyết những vấn đề của toàn thế giới, mà các nguyên tắc này chỉ tìm được trong lời Thiên Chúa thôi. Chính vì thế, “chạnh lòng thương quần chúng như bầy chiên không người chăn dắt, Đức Giê-su bắt đầu dạy dỗ họ nhiều điều”. Và tông đồ chính là người làm vang vọng những lời dạy dỗ ấy, những lời dạy dỗ của vị Tôn sư số một, Thủ lãnh đích thật của trần gian. Làm tông đồ chính là tận lực hoạt động để quyền bá chủ của Vua Tình yêu bao phủ toàn thế giới. Mà việc ấy có bao giờ ngưng nổi bao lâu chưa đến ngày cuối cùng?

Lm. Phêrô Phan Văn Lợi, TGP Huế

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *