Hàng năm, Giáo hội Công giáo cùng với nhiều Giáo hội Kitô khác tổ chức một Tuần cầu nguyện cho sự hiệp nhất các Kitô hữu. Trong tinh thần này, chúng ta cùng nhìn lại đôi nét những chặng đường đã đi qua, và hướng đến những viễn cảnh cho con đường đại kết của các Giáo hội Kitô.
1. Khởi đầu Tuần cầu nguyện cho sự hiệp nhất Kitô giáo
Năm 1908, Mục Sư Paul Wattson đang coi sóc một nhà thờ Anh giáo ở Graymoor, New York, đưa ra sáng kiến cử hành một Tuần tám ngày cầu nguyện cho sự hiệp nhất Kitô giáo với sự hỗ trợ của các Giám mục Anh giáo và Công giáo, trong đó có Đức Hồng Y William O’Connell của Boston. Tuần tám ngày này bắt đầu vào ngày 18 tháng Giêng, lúc bấy giờ là Lễ Ngai Tòa Thánh Phêrô ở Rôma, và kết thúc vào ngày 25 tháng Giêng, Lễ Thánh Phaolô Trở Lại.
Năm sau, mục sư Wattson và toàn thể cộng đoàn Anh Giáo của ngài gia nhập Giáo hội Công Giáo, và vào năm tiếp theo, tức là năm 1910, cựu mục sư Wattson đã được thụ phong linh mục. Sáng kiến cử hành một tuần tám ngày cầu nguyện cho sự hiệp nhất Kitô giáo lan tràn nhanh chóng. Vào năm 1916, Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 15 cổ vũ sáng kiến này trong toàn thể Giáo Hội và tuần tám ngày này chính thức mang tên Tuần cầu nguyện cho hiệp nhất Kitô giáo.
2. Hai văn kiện làm nền tảng của Tuần cầu nguyện cho sự hiệp nhất Kitô giáo
Năm 1964, Công Đồng Vatican II ban hành Sắc lệnh về Hiệp Nhất – Unitatis Redintegratio. Sắc Lệnh này ghi dấu một thời điểm quan trọng trong lịch sử Kitô giáo. Vì khi Ðức Giáo Hoàng Gioan XXIII loan báo triệu tập một Công đồng chung, ngài đã nhắm đến mục tiêu của việc hiệp nhất các Giáo hội Kitô giáo. Ðể đạt điều đó, ngày 05/06/1960 ngài thiếp lập Văn phòng Hiệp nhất các Kitô hữu. Một nguyên tắc căn bản để hướng đến sự hiệp nhất là: thống nhất trong những điều chính yếu, linh động trong những điều phụ thuộc, và bác ái trong mọi sự.
Ngày 30/5/1995, Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II ban hành Thông điệp Ut Unum Sint – Xin cho họ nên một, gồm có ba chương với những tựa đề: Sự dấn thân của Giáo Hội Công Giáo vào công cuộc đại kết; các kết quả của tiến trình đối thoại; và đường còn xa lắm không? Thông điệp đã điểm lại những thành quả của tiến trình đối thoại, và phác họa những bước còn phải tiếp tục.
3. Thế nào là hiệp nhất Kitô giáo?
Trong buổi tiếp kiến ngày 10/11/2016 dành cho Hội đồng Tòa Thánh hiệp nhất các tín hữu Kitô, Đức Thánh Cha Phanxicô đã minh định thế nào là hiệp nhất Kitô Giáo: Hiệp nhất không phải là kết quả những cố gắng của con người, nhưng là một hồng ân đến từ trên cao. Hiệp nhất là một hành trình được thực hiện khi đồng hành, nghĩa là khi chúng ta gặp gỡ nhau như anh chị em, cầu nguyện, cộng tác với nhau trong việc loan báo Tin Mừng và phục vụ những người khốn cùng. Hiệp nhất không phải là đồng nhất, nhưng là tôn trọng những khác biệt trong truyền thống đức tin của các Giáo hội khác nhau. Hiệp nhất không phải là gộp vào nhau, do đó cũng không chấp nhận sự chiêu dụ tín đồ của nhau, nhưng là cùng nhau làm chứng cho Tin Mừng của Đức Kitô và Nước Trời.
Cuối cùng, Đức Thánh Cha nhắn nhủ rằng: “Trước khi nhìn những điều chia cách của chúng ta, cũng cần nhận thức thiết yếu sự phong phú của những gì liên kết chúng ta, như Kinh Thánh, các bản tuyên xưng đức tin của các Công Đồng Chung đầu tiên. Làm như thế các tín hữu Kitô có thể nhìn nhận nhau là anh chị em cùng tin nơi Chúa Giêsu Kitô là Chúa và là Đấng Cứu Độ duy nhất, dấn thân tìm kiếm cách thức vâng theo Lời của Chúa ngày hôm nay, Đấng muốn hiệp nhất tất cả chúng ta”.
Lm. Gioan B. Vũ Quốc Đạt
Hình ảnh: Franciscan Friars of the Atonement
Bài viết đã được chắt lọc để phù hợp hơn với ngữ cảnh hiện tại.
Bài viết liên quan
Những lời các Giáo hoàng kêu gọi ân xá cho tù nhân trong Năm Thánh
Trong lịch sử Giáo hội, nhiều Giáo hoàng đã đưa ra lời kêu gọi các...
Th1
ĐTC Phanxicô viết thư cho Tổng thống Trump mời gọi ông thúc đẩy hoà bình
Thứ Hai ngày 20/01, ngày ông Donald Trump nhậm chức Tổng thống Hoa Kỳ, Đức...
Th1
Đức Thánh Cha: Làm chứng cho tình yêu Thiên Chúa nhập thể là ơn gọi đại kết của các Giáo hội
Sáng thứ Hai ngày 20/1/2025, trong lời chào phái đoàn đại kết đến từ Phần...
Th1
ĐHY Koch: Mục đích của đại kết là xóa bỏ sự chia rẽ giữa các Giáo hội Đông-Tây
Trong một hội nghị quốc tế cấp cao tại Vienna diễn ra trong hai ngày...
Th1
Tài liệu Tuần cầu nguyện cho các Kitô hữu hiệp nhất năm 2025
WHĐ (18/01/2025) – Bộ Cổ võ các Kitô hữu hiệp nhất đã có Tài liệu...
Th1
Đức Thánh Cha tiếp phái đoàn Quỹ Công giáo của Giáo phận Verona
Đức Thánh Cha đã tiếp phái đoàn Quỹ Công giáo của Giáo phận Verona ở...
Th1