Một danh nhân nào đó đã nói : “Người ta cần khác nhau một chút để yêu nhau và giống nhau một chút để hiểu nhau”. Trong lòng Mẹ Giáo hội, người tu sĩ có cái gì đó vừa khác vừa giống với cuộc đời. Tu sĩ luôn mang trong mình hai chiều kích : linh thánh và nhân loại. Một mặt tu sĩ dâng hiến đời mình hướng về Đấng Vô Biên, trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô, mặt khác lại là những con người mang bản tính yếu đuối tội lỗi.
1. Có ảo tưởng lắm không khi nói tu sĩ là những người khác với cuộc đời ? Khác điều gì vậy ? Phải chăng là nếp sống lối suy nghĩ và hành động. Chính lời khấn đã làm tu sĩ trở nên khác với mọi người.
Với lời khấn vâng phục, tu sĩ được mời gọi trở thành một Abraham xuất hành đi tới một trật tự mới của Tin Mừng. Họ có khả năng thống lĩnh sự chết, làm nguôi cơn giận của Thiên Chúa và đem ơn cứu độ đến mọi người. Chính vì vâng phục đã làm cháy bừng lên trong họ lời rao giảng sống động có sức thuyết phục những tâm hồn tội lỗi, chai lỳ. Họ biến cái tôi ích kỷ thành bao dung, nhân ái. Như hai môn đệ trên đường Emmaus, họ ra đi không ngần ngại vượt mọi gian khó loan báo Tin Mừng. Trong vâng phục, họ có thể đáp trả tiếng gọi tha thiết bên biển hồ Tibêria.
Con người vốn bản tính đa năng, người tu sĩ đã tự nguyện sống khó nghèo, khước từ giàu sang vật chất. Họ không còn trang sức cho dáng vẻ bên ngoài cầu kỳ, hấp dẫn. Họ mặc lấy sự đơn sơ thanh bẩn mà chinh phục cuộc đời. Họ lấy đức khiêm nhu làm điểm tựa. Có thể, dưới nhãn quan người đời, họ là người gián tiếp khinh chê của cải vật chất. Trái lại, họ không mạt sát sự giàu sang, họ thanh thoát vì có Đức Kitô làm gia nghiệp. Tu sĩ dang đôi tay nghèo xây dựng nên sự giàu sang. Lấy cái không kiến tạo cái có. Như đời sống thanh bần nơi gia đình Nazaret, tu sĩ sống nghèo, cái cảnh nghèo của những người giàu.
Sâu xa trong mỗi con người luôn ước muốn yêu và được yêu dù dấu kín hay thành thực bộc lộ. Người tu sĩ sống khiết tịnh đã xây đời mình trên tình yêu Thiên Chúa được trải rộng ra với mọi người. Họ dám hiểu và dám sống những lý lẽ riêng của con tim mà đôi lúc lý trí đã phải đầu hàng. Sống khiết tịnh, tu sĩ không khổ công tìm kiếm những cảm xúc giả mạo nhất thời. Họ trở thành những người tham lam quá đỗi khi tự nguyện yêu thương mọi người trong Thiên Chúa. Khi sống yêu thương là đã làm chứng về lời của Thánh Gioan “Thiên Chúa là tình yêu”. Càng yêu tha nhân bao nhiêu càng làm cho tình yêu Thiên Chúa phong phú và tỏa sáng lung linh. Khi sống đời thánh hiến, tu sĩ đã sống thực tại nước Trời trước ngày cánh chung.
2. Người tu sĩ sống giữa cuộc đời, chịu mọi chi phối của các định luật tự nhiên : từ những cơn nắng cháy cho đến cơn mưa rả rích và cả những thay đổi về tâm sinh lý. Từ những tiếng nấc, nụ cười, những đau khổ, khắc khoải của nhân loại đều tác động đến tu sĩ. Dù thánh thiện đến đâu tu sĩ cũng không thoát khỏi những cơn cám dỗ, tội lỗi. Bởi su sĩ là con người với hỷ, nộ, ai, cụ, ái, ố, dục… Đó là những điều người tu sĩ rất giống với mọi người.
Nhờ Giáo hội, mỗi tu sĩ chúng ta được sinh vào cuộc sống siêu nhiên qua phép Thánh Tẩy và lời khấn. Vì thế ta cần yêu mến Giáo hội như Mẹ chúng ta, bởi vì “ai không có Giáo hội là mẹ, không thể có Thiên Chúa là Cha” (Thánh Cypriano) Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolo II nhấn mạnh : “Mỗi chúng ta sống giữa Giáo hội là luôn đồng cảm với Giáo hội” (Sentire cum Ecclesia). Điều đó là một nguyên lý căn bản trường cửu và hữu hình của sự hiệp nhất Đức tin.
Công đồng Vatican II khẳng định: “Không điều gì của con người lại không mang âm hưởng trong lòng người môn đệ Chúa Kitô”. Sống giữa Giáo hội, tu sĩ luôn được mời gọi thuộc về Giáo hội để lắng nghe Lời và những đòi hỏi của con người. Thế nhưng, thuộc về Giáo hội và sống theo Giáo hội không là điều dễ dàng. Bỏ Giáo hội sống theo thế gian vẫn là cám dỗ ngọt ngào đối với tu sĩ. Chấp nhận sống cho Giáo hội là đi ngược dòng và là một chọn lựa nhiều mất mát.
Bao phủ lên màu đen khắc nghiệt của cuộc đời vẫn là 3. niềm tin và tình yêu Thiên Chúa. Niềm tin ấy có lúc mỏng manh như sương khói có lúc hừng sáng như hừng đông cũng là nhơ Giáo hội luôn tồn tại những con người dám hy sinh mạng sống. Có thể nói, lúc Giáo hội gặp nhiều khủng hoảng cũng là lúc niềm tin được tôi luyện và trưởng thành hơn. Muốn được như vậy, người tu sĩ đặt cuộc đời mình trong bàn tay mẹ Giáo hội để cùng vui, cùng chia sẻ với Giáo hội.
Giữa một Giáo hội hôm nay, sự hiện diện của tu sĩ sẽ là một lời chứng. Họ đem cái khác của mình để bù đắp cho nhân loại, biển những điều phàm trở nên vĩ đại. Họ hội nhập vào cuộc đời để sống và yêu mến con người. Như ống sáo trúc đón chờ hơi thở và môi miệng người nghệ sĩ. Cũng vậy, tâm người tu sĩ phải lặng để có thể lắng nghe Lời Thiên Chúa và đòi hỏi của nhân loại. Những giá trị đạo đức, chuẩn mực luân lý đang bị đảo lộn đó là trách nhiệm thuộc về tu sĩ làm sao để thống nhất tất cả về Đức Kitô là Đấng Cứu Độ. Ai có thể hiểu được nguồn đục nguồn trong của dòng sông mà không phải chìm sâu trong dòng nước ấy, người tu sĩ sống thuộc về Thiên Chúa mà vẫn hiệp thông sâu xa với con người để lắng nghe, cảm thông tất cả, vì thế phải luôn chim sâu trong Giáo hội.
Chân tu sĩ bước đi trên đường nhưng tim họ đập trong lòng Giáo hội. Thuộc về Giáo hội, đồng cảm lắng nghe con người là sứ điệp gởi đến cho tu sĩ. Đó là một chút gì để tu và đến được với Đấng Chân – Thiện – Mỹ.
Anh Thư, ĐMTB
Trích Nội san Liên Tu sĩ Tp. HCM, số 15