Đức Cha Allys- Mẫu gương của “kẻ tin”, nhà truyền giáo và đào tạo

Đức Cha Eugène Marie Joseph Allys sinh ngày 12 tháng 2 năm 1852, tại xóm đạo Paimpont, thuộc giáo phận Rennes nước Pháp. Ngài được sinh ra trong một gia đình hạ lưu, gồm 8 người con, nhưng sống rất thánh thiện, hiền hòa, và đạo đức. Hoa trái của gia đình sống đạo hạnh ấy sinh ra hai linh mục và một nữ tu. Sau nhiều năm được huấn luyện dưới mái trường Chủng Viện Thừa Sai Hải Ngoại Paris, thầy Allys được thụ phong linh mục tại Nhà thờ Hội Thừa Sai Paris. Chỉ hai tháng sau ngày truyền chức linh mục, ngày 16 tháng 12 năm 1872, Tân linh mục Allys lên đường đi truyền giáo tại Việt Nam khi mới được 23 tuổi.[1] Đến Huế, Đức Cha Sohier đặt ngài ở Viện Dục Anh coi sóc các trẻ mồ côi, làm cha phó ở Kim Long, và học tiếng Việt. Đức Cha Sohier ca ngợi những đức tính cao đẹp, trí thông minh, và nói với các linh mục Việt nam: “Người bạn mới này sẽ là bề trên vùng truyền giáo.” Lời này đã thành hiện thực sau 32 năm. Sau khi Đức Cha Caspar từ chức về nghỉ hưu tại Pháp, cha Izarn tạm điều hành Giáo phận trong vòng một năm, cha Allys vẫn tiếp tục mục vụ giáo xứ Phủ Cam. Rồi tin vui đã đến Giáo phận Huế khi Tòa Thánh bổ nhiệm cha Allys làm Giám mục Giáo phận Huế. Ngày 24 tháng 5 năm 1908, Lễ tấn phong Giám mục được cử hành tại nhà thờ Chính tòa Phủ Cam do Đức Cha Mossard, Giám mục Giáo phận Sài Gòn chủ phong.[2] Đức Cha Allys là Giám mục Tông tòa Giáo phận Huế thứ năm kể từ ngày Giáo phận biệt lập. Ngài có nhiều điểm nổi bật trong sứ vụ Tông đồ, nhưng trong sự giới hạn của bài viết này, tác giả chỉ tìm hiểu đâu là nguồn động lực thúc đẩy Đức Cha trở thành gương mẫu cho kẻ tin, nhà truyền giáo, và đào tạo trong suốt thế kỷ qua.dc allysĐức Cha Allys mẫu gương của “kẻ tin”

Được hấp thụ gia sản quý giá là đức tin từ gia đình, cậu Allys được lớn lên với một một niềm tin sắc son, không chia sẻ, và mạnh mẽ của người con Chúa. Lòng tin ấy đã thúc đẩy cậu hiến dâng trọn cuộc đời cho Chúa và phục vụ tha nhân. Thầy được nhận vào tu học tại Tiểu Chủng Viện Saint Meen, rồi vào Đại Chủng Viện giáo phận Rennes, và cuối cùng là Đại Chủng Viện Thừa Sai Hải Ngoại Paris. Sau khi hoàn thành chương trình đào tạo linh mục, thầy đã được Bề trên Giáo phận tuyển chọn và đặt tay truyền chức linh mục vào ngày 10 tháng 10 năm 1875. Có lẽ những ngày vui tạ ơn hồng ân linh mục đang còn diễn tiến, nhưng Cha mới đã bỏ lại tất cả đàng sau, lên đường đến Việt Nam truyền giáo khi mới 23 tuổi đời, và chưa một lần trở về thăm cố hương. Ngài đã sống “bốn cùng” với người dân Việt Nam cho đến hơi thở cuối cùng: cùng ăn, cùng ở, cùng làm việc, và cùng chết trên mảnh đất thân yêu hình chữ S xinh đẹp.

Với niềm tin sẵn có và được Thần Khí Chúa hướng dẫn cho hành trình đức tin của mình, Cha Allys đến miền truyền giáo như Tổ phụ Abraham năm xưa đi trong đức tin. Abraham đã sống niềm tin của mình nhờ vâng phục Thiên Chúa. Nhờ đó, ông được Thiên Chúa ân thưởng miêu duệ đông như sao trên trời và được Đất Hứa làm sản nghiệp. Abraham từ giã tất cả để lên đường, đi trong dòng người di cư, nhưng trên hết tiếng Chúa gọi là động lực duy nhất thúc đẩy. Cũng vậy, chỉ vì tin vào Thiên Chúa kêu gọi mà Đức Cha Allys đã rời bỏ quê hương, gia đình, người thân thương, bạn bè, và văn hóa kinh đô tráng lệ để đến vùng đất Đông Dương, tại Miền Trung Việt Nam nghèo đói, thiên nhiên không ưu đãi, và đất đai cằn cỗi. Ngoài ra, tình hình xã hội chính trị bất ổn, kinh tế lạc hậu, văn ngôn[3] mới mẻ, và biết bao trở ngại khác nữa. Tuy nhiên, những khó khăn, những vất vả, và những trở ngại ấy không làm Đức Cha chùn bước ngã lòng. Đúng hơn, Đức Cha đã cùng bước đi với Chúa, với sự tin tưởng, lòng cậy trông, và tâm tình phó thác vào sự quan phòng của Thiên Chúa. Đúng như Thánh Vinh 22 đã thốt lên: “Chúa dẫn tôi bước trên đường lành, uy danh Ngài là sức mạnh. Tôi chẳng lo lắng gì, vì có Chúa ở cùng tôi. Cho dù thung lũng tối tăm, thì Chúa chính là niềm an bình cho hồn tôi”[4] (TV 22). Như thế, Đức Cha đến Việt Nam với niềm tin yêu, sự phó thác, lòng yêu mến, và mong muốn chia sẻ niềm tin của mình cho mọi người, để nhờ tin vào Con Một Thiên Chúa mà con người được hưởng nguồn ơn cứu độ.

Đức Cha Allys mẫu gương của nhà truyền giáo

Như đã nói ở trên, Đức Cha Allys là người đã đặt trọn niềm tin yêu phó thác vào sự quan phòng của Thiên Chúa nên Ngài không thể không nói về Chúa, không thể không sống chết cho Chúa, và không thể không rao giảng về những gì ngài đã hiểu biết về Chúa cho tha nhân. Đức Cha đã bắt chước Chúa Kitô, mẫu gương loan báo Tin Mừng lý tưởng cho con người. Chúa Kitô đã nhận thức mình là người được Thiên Chúa sai đi loan báo Tin Mừng: “Thần khí Đức Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã sức dầu cho tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn” (Lc 4:18). Tin Mừng mà Chúa Giêsu loan báo cho muôn dân là: “Thiên Chúa yêu mến thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để phàm ai tin vào Con của Người thì khỏi phải diệt vong, nhưng có được sự sống đời đời” (Ga 3:16). Chắc chắn Đức Cha đã cảm nghiệm và vui sướng vì biết Thiên Chúa yêu mến loài người và muốn cho mọi người được hưởng sự sống vĩnh cửu nhờ tin vào Con Một Ngài. Vì thế, Đức Cha không giữ niềm vui ấy cho riêng mình. Đức Cha muốn nối gót Chúa Giêsu đi loan báo Tin Mừng cho con người hôm nay, đặc biệt cho những người chưa tin vào Chúa Giêsu là Đấng cứu độ nhân loại. Loan báo Tin Mừng cho muôn dân là mệnh lệnh của Chúa Giêsu Phục Sinh: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, rao giảng Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo” (Mc 16:15).

Chúa Giêsu là mẫu người loan báo Tin Mừng đầu tiên để con người học hỏi, yêu mến, và bắt chước Ngài trong sứ mạng cao cả này. Loan báo Tin Mừng là gì? Nếu không phải là đưa Chúa Kitô đến với tha nhân và đưa tha nhân đến với Chúa Kitô. Nếu không phải là ở lại với Chúa, nghiền gẫm Chúa, và có chất Chúa trong mình để có thể trở thành mẫu gương của kẻ tin. Một trong những nét nổi bật của Đức Cha Allys là rao giảng Tin Mừng cho tha nhân mà không biết mỏi mệt. Như châm ngôn đời giám mục của ngài, “Tôi yêu thương mọi người,” Đức Cha đã trở thành hạt lúa mì bị mục nát, đón nhận mọi hy sinh, và vui tươi phục vụ hết mình trong mọi cương vị được giao từ cha phó, cha xứ, cha quản hạt, Bề trên Đại Chủng Viện, và giám mục với mục đích duy nhất là làm vinh danh Chúa và mang lại sự sống vĩnh cửu cho con người. Đức Cha Allys là hạt lúa mì đã để Thiên Chúa gieo vãi trong cánh đồng truyền giáo tại Việt Nam. Hạt lúa Allys ấy đã chịu thối rữa, mục nát, và chôn vùi trong lòng đất để trổ sinh những Kitô hữu cho Chúa từ con số hàng trăm lên đến hàng chục nghìn, từ người ở xa đến người ở gần, và từ người Kitô hữu trở thành người tu sĩ linh mục của Chúa cho cánh đồng truyền giáo.

Thật vậy, dù là vai trò người mục tử hay Chủ chăn Giáo phận, Đức Cha luôn luôn ưu tiên cho sứ vụ truyền giáo tại vùng đất Cố Đô Huế. “Đây là một sứ vụ mà ngài thao thức và dồn mọi tâm huyết để đầu tư suốt cả một đời Linh mục, rồi Giám mục, ngay cả khi về hưu dưỡng, ngày ngày vẫn chuyên chăm chầu Mình Thánh Chúa để cầu nguyện cho đại cuộc Loan báo Tin Mừng trên mảnh đất Việt Nam mà ngài hiến thân.” Với mục đích và kế hoạch rõ ràng như thế nên tất cả mọi sinh hoạt tôn giáo, mục vụ, và xây dựng đều quy về sứ mạng chính yếu này. Thao thức cho mọi người được biết Chúa như ngọn lửa thiêu đốt ruột gan Đức Cha. Do đó, ngài thúc giục mọi thành phần dân Chúa từ giáo dân, tu sĩ, và linh mục “đi ra vùng ngoại biên” đến với những người, những vùng, và những nơi chưa biết Chúa. Những nhà truyền giáo dưới sự hướng dẫn của Đức Cha đã mau mắn đáp lời đến địa bàn mới cùng sinh hoạt với dân chúng, dạy giáo lý, làm mục vụ, cử hành Bí tích Rửa Tội, quy tụ họ thành giáo điểm, rồi dần dần trở thành giáo xứ. Tất cả đều in đậm sự sáng kiến mục vụ, tinh thần dấn thân, và sự yêu mến sứ vụ của Đức Cha. Vì thế, trong 23 năm làm Chủ chăn Giáo phận, Đức Cha đã nhìn thấy đông đảo 37.000 người lớn và trẻ em được rửa tội. Con số 37.000 người Kitô hữu này không chỉ có những người nghèo mà còn có cả những người trong hàng ngũ cao cấp xã hội Việt Nam thời bấy giờ, nhiều phần tử của hoàng gia như các cháu nội Vua Minh Mạng và một số người khác trong hoàng tộc, như các ông Hường Chức, Hường Tế, và Hường Thuyền.[5] Các hoàng tộc theo đạo làm cho Tôn Nhân Phủ và các quan Nam triều lo ngại. Với tinh thân hăng say phục vụ và truyền giáo của Đức Cha Allys, anh chị em lương dân cũng yêu mến ngài và gọi ngài bằng những từ thân thương “ông tiên bên đạo,” hay “Giám mục mỉm cười.” Quả thât, người truyền giáo mà không thương người và không có nụ cười trong sứ vụ thì người ấy sẽ chẳng thuyết phục được ai và chẳng làm chứng nhân được cho người nào. Trong ngày mừng Ngân Khánh Giám mục của ngài, Thánh Bộ Truyền Giáo đã viết cho Đức Cha Allys như sau: “Quả thực, không người nào mà không biết Đức Cha đã miệt mài trong công việc tông đồ với lòng nhiệt thành và hăng say thế nào.” Với triều đại giám mục của ngài, Đức Cha đã đưa Giáo phận vào giai đoạn phát triển cao, có thể nói là cao nhất so với trước kia, và có thể nói là phát triển toàn toàn diện về đạo đức, tri thức, nhân bản, và mục vụ. Ngài đáng được gọi là “Đức Cha 3 T” có tài, có tầm, và có tâm; xứng đáng là mẫu gương truyền giáo cho hậu duệ nói theo.DSC09622Đức Cha Allys mẫu gương của nhà đào tạo

Đức Cha Allys là gương mẫu của kẻ tin, nhà truyền giáo đầy cảm hứng cho bao con người, và nhà đào tạo tài tình nên ngài không thể không nói đến giáo dục. Ngài muốn mọi người, đặc biệt là những người trẻ được giáo dục trong đức tin, văn hóa, và được học hỏi về đạo đời một cách tốt nhất. Khi văn hóa Việt Nam chuyển mình từ chữ Nôm sang chữ Quốc ngữ vào đầu thế kỷ XX, Giáo phận Huế có nhiều trường dạy chữ Quốc ngữ, nhưng lại thiếu giáo viên được đào tạo chuyên nghiệp để đáp ứng nhu cầu của học sinh, trẻ em sống ở vùng quê thất học, không được ai dạy, và không được đến trường lớp. Một số con em nhà khá giả thì được học trường công, nhưng được giáo dục dưới mái trường thuần túy đời, kỳ thị tôn giáo, hay bài trừ tôn giáo.

Trước hoàn cảnh xã hội như thế, Đức Cha Allys trăn trở, thao thức, và được thúc đẩy bởi quyền năng Chúa Thánh Thần. Vào năm 1920, Đức Cha đã lập Dòng Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội để các sơ giáo dục thiếu nữ được lớn lên trong đức tin, văn hóa, và nhân bản. Sau đó 5 năm, vào năm 1925, Đức Cha sáng lập Dòng Tiểu Đệ Trái Tim Chúa Giêsu, nay gọi là Dòng Thánh Tâm Huế để truyền giáo qua việc chăm lo giáo dục cho thanh thiếu niên nam. Nếu Đức Cha Allys không canh cánh trong lòng ước mơ giáo dục đức tin, văn hóa, và nhân bản cho tha nhân, thì có lẽ Giáo Hội không có hai Hội Dòng tại dải đất Cố Đô như hôm nay. Hai Hội Dòng đã và đang làm biết bao việc tốt đẹp cho con người như phục vụ y tế, giáo dục, và mục vụ, không chỉ ở Huế mà còn trải dài trên toàn lãnh thổi Việt Nam cũng như ở Hải Ngoại. Tất cả cho vinh danh Chúa hơn và mưu cầu hạnh phúc cho con người, ngõ hầu tất cả đều được hưởng một nền giáo dục Kitô giáo mà Chúa Giêsu là khuôn mẫu của mọi nhà đào tạo, để con người được thăng tiến về nhiều mặt như: trí dục, mỹ dục, và đức dục. Trí dục là nghiền ngẫm những điều đã học và học thêm những tri thức mới tốt đẹp. Mỹ dục là giúp phân biệt những gì là cao đẹp và những gì là ngược lại. Đức dục là giúp con người yêu mến Giáo Hội, yêu thương tha nhân, yêu thương bản thân, và yêu mến hết mọi người.

Quả thật, khi càng yêu Chúa, thì Đức Cha càng yêu mến tha nhân, yêu mến những người không được học, và yêu mến những người kém may mắn không phân biệt tôn giáo, sắc tộc, và màu da, vì tất cả chúng ta là anh em với nhau. Rõ ràng, khi sống yêu thương, không làm cho Đức Cha nghèo đi, nhưng làm cho ngài trở nên giàu có hơn: giàu tình Chúa, giàu tình người, và giàu niềm vui hy vọng.Anh 3Viết về Đức Cha Allys, nói về ngài, và sống theo ngài là dịp để chúng ta tưởng nhớ công ơn Khai Sinh Dòng Thánh Tâm Huế mà mỗi thành viên trong Dòng là những người được thụ hưởng. Vì thế, mỗi thành viên được mời gọi nối tiếp bước chân của ngài trên con đường sứ vụ tông đồ trong ơn gọi chuyên biệt của mình và làm vinh danh Chúa qua sứ vụ. Đấng Sáng Lập Dòng đã sống cuộc đời rất giản dị, chân thành, vui tươi, và yêu thương hết mọi người, nên ngài cũng muốn con cái mình trở nên những hạt lúa mì nhỏ bé, chịu thối rữa, và mục nát hầu trổ sinh những bông hạt thánh thiện, bình an, đạo đức, và nhiệt thành trong cánh đồng truyền giáo. Là gương mẫu cho kẻ tin, chúng ta hãy can đảm để cho Chúa hướng dẫn, dám sống theo sứ điệp của Ngài cách trọn hảo, và mong được hưởng vinh quang phục sinh với Chúa mai sau. Là mẫu gương của nhà truyền giáo, chúng ta sẵn sàng dấn thân phục vụ tha nhân bất cứ nơi đâu, đến với những con người ở “vùng ngoại biên,” và xây dựng đức tin qua việc chia sẻ cuộc sống huynh đệ yêu thương. Là mẫu gương của nhà đào tạo, chúng ta cố gắng tu học đạo hạnh, thông truyền những kiến thức đạo đời cho mọi người, và cùng nhau bước đi trong tinh thần, chân lý, và sự thật để tất cả được hiệp nhất, được yêu thương, và được ủ ấp trong một Chủ Chăn và một đoàn chiên như lòng Chúa mong ước.

Bài viết: Lm. Vinhsơn Phạm Văn Nghiệp, CSC

[1] Dòng Thánh Tâm Huế, Đức Cha Eugène-Marie-Joseph- Allys, Đấng Sáng Lập Dòng Thánh Tâm, x.2.

[2] Ibid. x.2-6.

[3] Văn hóa và Ngôn ngữ

[4] Thánh Vịnh 22- Lời bài hát của Thái Nguyên.

[5] Ibid. 109.