Kính gửi các Thượng phụ, Giáo trưởng,
Tổng Giám mục và Giám mục của thế giới Công giáo
trong ân sủng và hiệp thông với Tòa Thánh
Chư huynh khả kính, Tôi kính chào và ban phép lành Tòa Thánh
1. Trước đây, như chư huynh biết rõ chúng tôi bằng các tông thư và noi theo phong tục và huấn lệnh của các vị tiền nhiệm đã truyền phải cử hành Năm Thánh trong thành phố này vào một ngày gần nhất. Bây giờ đây, trong niềm hy vọng và với chủ đích rằng việc cử hành sự thờ phượng này sẽ được thực hiện cách chu đáo, Chúng tôi đã truy tìm và đề xuất một kế hoạch đặc biệt mà từ đó, nếu tất cả chúng ta tuân theo với thiện chí chân thành sẽ đem lại nhiều lợi ích phi thường và lâu dài trước hết cho Thế giới Kitô giáo và cũng như cho toàn nhân loại, như chúng tôi đã mong chờ bấy lâu.
2. Thật vậy, thưa chư huynh noi gương các vị tiền nhiệm như Đức Innôcentê XII, Đức Bênêdictô XIII, Đức Clêmentê XIII, Đức Piô VI và Đức Piô IX, Chúng tôi đã nhiều lần cố gắng và hết lòng cổ vũ cũng như đem ra ánh sáng để làm rõ hơn hình thức sùng kính tuyệt vời này mà đối tượng là Thánh Tâm Chúa Giêsu; Để thực hiện điều này chúng tôi đã nâng đại lễ này lên Đại lễ bậc nhất bằng sắc lệnh được ban hành ngày 28 tháng 6 năm 1889. Bây giờ, chúng tôi nghĩ đến một hình thức sùng kính hữu hiệu hơn sẽ là đỉnh cao hoàn hảo của tất cả những vinh dự mà loài người đã quen dành cho Thánh Tâm Chúa, và cũng chính là điều mà Chúng tôi thâm tín rằng sẽ làm hài lòng Chúa Giêsu Kitô Đấng Cứu Chuộc của chúng ta. Tuy nhiên, đây không phải là lần đầu tiên ý định này được đưa ra bàn luận. Cách đây 25 năm, khi sắp đến các lễ trọng kỷ niệm 100 năm ngày Chân Phước Margarita Maria Alacoque nhận lệnh từ Chúa Giê-su để truyền bá việc tôn sùng Thánh Tâm, rất nhiều lá thư thỉnh cầu, không chỉ từ các cá nhân mà còn từ các Giám mục cũng được gửi đến Đức Piô IX để xin ngài bằng lòng thánh hiến toàn thể nhân loại cho Thánh Tâm Chúa Giê-su. Vào thời điểm đó, người ta cho rằng tốt nhất là nên hoãn lại vấn đề này, để có thể đưa ra quyết định được cân nhắc kỹ lưỡng. Trong khi đó, một số thành phố với sự sùng kính đặc biệt đã được phép để dâng hiến các thành phố đó với công thức thánh hiến đã được soạn thảo. Giờ đây, vì những lý do mới được bổ sung, chúng tôi cho rằng ý định đã chín muồi để thực hiện.
3. Lời chứng công khai và trang trọng về lòng sùng kính và lòng đạo đức này hoàn toàn phù hợp để dành cho Chúa Giê-su Ki-tô, vì Ngài là Trưởng Tử và là Đấng Tối Cao của nhân loại. Vương quyền của Ngài không chỉ lan rộng nơi các quốc gia Công giáo và những người đã chịu phép Thánh Tẩy, tức là thuộc quyền của Giáo hội, mặc dù có những thành phần với những quan điểm sai lầm khiến họ bị lạc lối, hoặc vì bất đồng với giáo huấn của Giáo hội khiến họ xa rời vòng tay yêu thương của Giáo hội; Vương quyền này cũng bao gồm những người đã mất đức tin Kitô giáo, hiểu như vậy toàn thể nhân loại thực sự đều quy phục quyền năng của Chúa Giê-su Ki-tô. Ngài là Con Một của Chúa Cha, có cùng bản thể với Cha và là Đấng “phản ánh vẻ huy hoàng, là hình ảnh trung thực của bản thể Thiên Chúa.” (Hr 1,3). Cho nên, Người nhất thiết phải thừa hưởng chung mọi sự với Chúa Cha và do đó Người có quyền cai trị mọi sự. Đây là lý do tại sao Con Thiên Chúa đã nói về chính Người qua các ngôn sứ:
“Chính Ta đã đặt vị quân vương Ta tuyển chọn,
lên trị vì Xi-on, núi thánh của Ta…
Con là con của Cha,
ngày hôm nay Cha đã sinh ra con
Con cứ xin, rồi Cha ban tặng
muôn dân nước làm sản nghiệp riêng,
toàn cõi đất làm phần lãnh địa.”
(Tv 2, 7-8)
Bằng những lời này Chúa Giê-su xác nhận rằng quyền năng của Người đến từ Thiên Chúa và Người có quyền trên Hội Thánh được tượng trưng là Núi Xi-on và cũng bao gồm những phần còn lại của thế giới cho đến tận cùng. Nền tảng của quyền tối thượng này đã được xác nhận rõ ràng qua những lời “Con là con của Cha”. Bởi vì, chính Người là Con của Vua muôn loài, Người cũng là Đấng thừa hưởng quyền năng của Chúa Cha, do đó mới có lời này: “Cha sẽ ban tặng muôn dân nước làm sản nghiệp riêng” tương tự thế thánh Phao-lô tông đồ cũng có lời rằng: “Thiên Chúa đã đặt Người làm Đấng thừa hưởng muôn vật muôn loài” (Hr 1,2).
4. Tuy nhiên, lúc này đây chúng ta nên chú ý xem xét đến những lời tuyên bố của Chúa Giê-su Ki-tô về vương quyền của Người, không phải qua các tông đồ hay các ngôn sứ nhưng là bởi chính miệng Người. Khi tổng trấn Rôma hỏi người “Vậy ông là vua sao?” Người trả lời không chút do dự “Chính ngài nói rằng tôi là vua” (Ga 18, 37). Quyền năng vĩ đại và vương quốc vô tận của Người được xác nhận rõ ràng qua lời Người nói với các tông đồ; “Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất” (Mt 28,18). Nếu tất cả quyền năng đã được trao cho Chúa Ki-tô, thì điều nhất thiết là vương quyền của Người phải là tối cao, tuyệt đối, độc lập với ý chí của bất kỳ ai khác, để không có quyền lực nào ngang bằng hoặc tương tự như quyền lực của Người. Và vì vương quyền này đã được ban trên trời và dưới đất nên trời và đất phải vâng nghe vương quyền này (Chúa Giê-su). Thực vậy, Người đã thi hành quyền đặc biệt này vốn thuộc về Người, khi Người truyền lệnh cho các tông đồ rao giảng giáo lý của Người khắp mọi nơi, để hiệp nhất loài người thành một Giáo hội duy nhất nhờ Phép Rửa cứu độ. Và ràng buộc bởi những lề luật mà không ai có thể từ chối mà không nguy hại đến phần rỗi đời đời của mình.
5. Nhưng điều đó không phải là tất cả. Chúa Ki-tô trị vì không chỉ tự bản tính là Con Thiên Chúa, nhưng còn từ quyền năng mà Người đạt được. Vì Người đã cứu chúng ta “ khỏi quyền lực của bóng tối” (Cl 1,13) và “ đã hiến mình làm giá chuộc muôn người” ( 1Tm 2,6). Do đó, không chỉ người Công giáo và những người đã chịu phép rửa Kitô giáo cách hợp pháp, mà tất cả mọi người, cả cá nhân và tập thể đã trở thành “ dân được chuộc về[1]” ( 1 Pr 2, 9). Vì vậy những lời sau đây của thánh Augustinô rất ý nghĩa, khi ngài nói: “Bạn hỏi cái giá nào mà Chúa Giê-su phải trả? Hãy nhìn xem, Người đã cho bạn điều gì thì bạn sẽ hiểu cái giá Người đã trả lớn lao như thế nào. Giá này là Máu của Đức Ki-tô. Đối tượng nào có thể có giá trị như vậy, nếu không phải là toàn thế giới, và tất cả nhân loại? Chính vì toàn thể vũ trụ mà Chúa đã trả giá lớn lao như vậy”. (T. 120 on St. John).
6. Vậy tại sao đến chính những người không tin phải quy phục quyền năng và sự thống trị của Chúa Giê-su Ki-tô? Thánh Tô-ma đã có những diễn giải rõ ràng cho lý do về điều này. Thật vậy, khi ngài đặt câu hỏi liệu pháp quyền của Đức Giê-su có mở rộng cho tất cả mọi người hay không, và khi tuyên bố rằng pháp quyền bắt nguồn tự nhiên từ chính vương quyền, ngài kết luận một cách dứt khoát như sau: “Tất cả mọi vật đều suy phục Chúa Ki-tô xét theo mức độ liên quan của quyền năng Ngài, mặc dù không phải tất cả chúng đều phục tùng Ngài khi thực thi quyền lực đó” (ST3a. q.59, a. 4, ad.2 ). Quyền năng tối cao này của Chúa Ki-tô đối với con người được thực hiện bằng sự thật, công bình và trên hết là bằng bác ái.
7. Thật vậy, tuy Đức Giê-su có nền tảng về cả quyền năng và quyền cai trị của Người, nhưng Người nhân từ cho phép chúng ta tự nguyện dâng hiến. Chúa Giê-su Ki-tô, Thiên Chúa và Đấng Cứu Chuộc chúng ta vốn giàu sang phú quý vì nắm trọn vẹn tất cả mọi sự: Ngược lại, chúng ta nghèo nàn và thiếu thốn đến nỗi không có gì là của riêng mình để dâng cho Người như một lễ vật. Tuy nhiên, trong sự nhân lành và tình yêu thương vô biên của mình, Người không hề phản đối việc chúng ta trao tặng và dâng hiến cho Người những gì đã là của Người, như thể đó thực sự là của chúng ta, Người không những không từ chối một sự hiến dâng như vậy, mà còn khao khát và yêu cầu: “Hỡi con, hãy cho Ta trái tim của con.” Do đó, chúng ta có thể làm hài lòng Người nhờ thiện chí và tâm tình của linh hồn chúng ta. Vì bằng cách dâng hiến mình cho Người, chúng ta không chỉ tuyên bố thừa nhận và chấp nhận một cách công khai và tự do thẩm quyền của Người đối với chúng ta, mà chúng ta còn làm chứng rằng nếu những gì chúng ta tặng như một món quà thực sự là của chính chúng ta, thì chúng ta vẫn sẽ dâng nó bằng cả tấm lòng. Chúng ta cũng cầu xin Người rằng Người sẽ chiếu cố chấp nhận sự dâng hiến này từ chúng ta, mặc dù rõ ràng là của Người. Đó là hiệu quả của hành động mà chúng tôi nói, đó là ý nghĩa ẩn sau lời nói của chúng tôi.
8. Bởi vì trong Thánh Tâm Chúa có một biểu tượng và một hình ảnh có thể diễn tả được về tình yêu vô biên của Chúa Giê-su Ki-tô, thúc đẩy chúng ta yêu thương nhau, do đó, thật phù hợp và đúng đắn khi chúng ta dâng hiến mình cho Thánh Tâm Chúa – một hành động không gì khác hơn là của lễ và sự gắn kết mình với Chúa Giê-su Ki-tô, vì bất cứ sự danh dự, tôn kính và tình yêu nào được trao dâng cho Trái Tim thần linh này đều thực sự và đúng đắn là trao dâng cho chính Chúa Ki-tô.
9. Vì những lý do này, Chúng tôi kêu gọi và khuyến khích tất cả những ai hiểu biết và yêu mến Trái tim thần linh này hãy sẵn sàng thực hành việc đạo đức này; và Chúng tôi mong muốn tha thiết tất cả sẽ thực hiện điều đó trong cùng một ngày, để nguyện vọng của hàng ngàn người đang thực hành việc dâng hiến này có thể được chuyển đến Đền Thờ trên trời trong cùng một ngày. Nhưng liệu chúng ta có để tâm đến vô số những người khác mà ánh sáng chân lý Ki-tô giáo chưa chiếu rọi không? Chúng ta xác tín rằng Người là Đấng đã đến để cứu những gì đã mất, và Đấng đã đổ máu của Người để cứu rỗi toàn thể nhân loại. Và vì vậy Chúng tôi vô cùng mong muốn mang những ai đang ngồi dưới bóng chết đến với sự sống đích thực. Như chúng tôi đã gửi các sứ giả của Chúa Kitô đến khắp trái đất để hướng dẫn họ, vậy bây giờ, vì lòng thương xót cho số phận của họ, chúng tôi hết lòng phó thác và dâng hiến họ cho Thánh Tâm Chúa Giêsu. Theo đó việc sùng kính mà Chúng Tôi đề nghị này sẽ là một phúc lành cho tất cả mọi người. Vì khi thực hiện, những ai hiểu biết và yêu mến Chúa Giê-su Ki-tô sẽ cảm thấy Đức Tin và Đức Ái được gia tăng. Những ai biết Chúa Ki-tô, nhưng bỏ bê lề luật và các giới răn của Người, có thể nhận lại được từ Thánh Tâm Người ngọn lửa mến yêu. Và cuối cùng, đối với những người còn kém may hơn, còn đang vật lộn trong bóng tối mê tín dị đoan, chúng ta đồng lòng cầu xin sự trợ giúp từ trời để Chúa Giêsu Kitô, Đấng mà họ phải phục quyền, một ngày nào đó cũng có thể khiến họ phải phục tùng quyền lực này; và rằng không chỉ trong cuộc sống mai sau khi Ngài hoàn thành ý muốn của Ngài đối với mọi người, là cứu một số người và trừng phạt những người khác, (Thánh Tôma Aquinô, sđd), mà ngay trong cuộc sống trần thế này, Chúa thực thi bằng cách ban cho họ đức tin và sự thánh thiện. Mong sao, nhờ những nhân đức này, họ đạt đến việc tôn vinh Thiên Chúa như phải làm, và có được hạnh phúc vĩnh cửu trên thiên đàng.
10. Sự dâng hiến như vậy cũng mang đến cho các quốc gia hy vọng về những điều tốt đẹp hơn, bởi vì việc tôn sùng này có thể thiết lập hoặc củng cố mối quan hệ và gắn kết các vấn đề chung với Chúa một cách tự nhiên. Đặc biệt trong thời gian gần đây, người ta ra một chính sách mà hậu quả là một loại bức tường ngăn cách giữa Giáo hội và xã hội dân sự đã được dựng lên. Trong hiến pháp và chính phủ của các quốc gia, quyền uy của luật thánh Chúa hoàn toàn bị coi thường, nhằm loại trừ tôn giáo khỏi bất kỳ khía cạnh nào của đời sống công cộng. Chính sách này gần như có xu hướng loại bỏ đức tin Ki-tô giáo ra khỏi người dân, và nếu như vậy là loại bỏ chính Thiên Chúa khỏi trần gian. Quả thật khi mà tâm trí của con người được đạt đến đỉnh cao của sự kiêu ngạo xấc xược, thì người ta tự hỏi sẽ được gì khi mà phần lớn nhân loại lại rơi vào tình trạng bất an và bị vùi dập bởi những con sóng dữ dội đến mức không ai có thể thoát khỏi lo lắng và nguy hiểm? Một khi mà tôn giáo bị loại bỏ thì điều tất yếu là những nền tảng vững chắc nhất của công ích bị lung lay. Trong khi Thiên Chúa, để khiến kẻ thù của Ngài phải chịu hình phạt xứng đáng, đã để chúng làm mồi cho những ham muốn xấu xa của chính chúng, để chúng buông theo những đam mê của mình và cuối cùng kiệt sức vì sự tự do thái quá.
11. Quả vậy, từ lâu trên trái đất đã có quá nhiều tội lỗi khiến chúng ta phải cầu xin một Đấng trợ giúp, vì chỉ bằng sức mạnh của Ngài thì tội lỗi mới có thể bị xóa bỏ. Đấng đó là ai nếu không phải là Chúa Giê-su Ki-tô, con Duy Nhất của Thiên Chúa? “Vì dưới gầm trời này, không có một danh nào khác đã được ban cho nhân loại, để chúng ta phải nhờ vào danh đó mà được cứu độ” (Cv 4,12). Do đó, chúng ta phải chạy đến với Chúa Giê-su, Đấng là ‘Đường là Sự Thật và Sự Sống’. Chúng ta đã lạc lối và chúng ta phải trở lại nẻo đường ngay chính: tâm trí chúng ta đã bị bóng tối đã bao trùm và sự tối tăm phải được xua tan bằng ánh sáng của chân lý; sự chết đã bắt lấy chúng ta, và chúng ta cần nắm lấy sự sống. Về lâu dài, nhiều thương tích của chúng ta sẽ được chữa lành và tất cả công lý sẽ lại hồi sinh với niềm hy vọng quyền bính sẽ được phục hồi ; cũng như ánh huy hoàng của hòa bình sẽ được đổi mới, và mọi gươm đao vũ khí sẽ được hạ xuống khi tất cả mọi người thừa nhận vương quyền của Chúa Ki-tô và sẵn sàng tuân theo lời của Ngài, và “để tôn vinh Thiên Chúa Cha ,mọi loài phải mở miệng tuyên xưng rằng : Đức Giê-su Ki-tô là Chúa” (Pl 2,11).
12. Khi xưa, lúc mới được thiết lập, Giáo Hội chịu áp bức kìm kẹp từ các Caesar, nhưng một hoàng đế trẻ nhìn thấy trên bầu trời một dấu hiệu sau đó trở thành điềm may và nguyên do cho những thắng lợi vẻ vang tiếp theo. Hôm nay, chúng ta hãy nhìn xem có một dấu chỉ thiêng liêng và phúc lành khác được tỏ bày lên trước mắt chúng ta: Đó là Trái Tim Cực Thánh của Chúa Giê-su, trên đó có Thánh giá tỏa sáng rực rỡ giữa ngọn lửa tình yêu. Hãy đặt mọi hy vọng của chúng ta nơi Thánh Tâm Chúa, và hãy khẩn cầu Thánh Tâm ban ơn cứu độ cho con người.
13. Cuối cùng, Chúng tôi không muốn im lặng bỏ qua một lý do cụ thể, đó là sự thật, nhưng chính đáng và có sức nặng, đã thúc đẩy Chúng tôi thực hiện việc cử hành này. Thiên Chúa tác giả của mọi điều thiện hảo cách đây không lâu đã giữ gìn cuộc sống của Chúng tôi khi Ngài chữa lành Chúng tôi khỏi căn bệnh hiểm nghèo. Vì thế, giờ đây Chúng tôi muốn gợi lên ký ức về một lợi ích như vậy và làm chứng công khai cho điều lòng biết ơn của Chúng tôi bằng cách gia tăng sự tôn kính dành cho Thánh Tâm Chúa Giê-su.
14. Do đó, Chúng tôi quyết định rằng vào ngày 9, 10 và 11 tháng 6 tới, tại nhà thờ chính của mỗi địa phương, sẽ cử hành các nghi thức cầu nguyện, và trong mỗi ngày này có thể thêm những ý nguyện khác vào Kinh cầu Thánh Tâm Chúa Giê-su đã được thẩm quyền của Chúng tôi chấp thuận. Thưa chư huynh, cùng với các lá thư này, Chúng Tôi gửi công thức dâng hiến để đọc vào ngày cuối cùng.
15. Như một sự bảo đảm các ân huệ của Thiên Chúa và để làm chứng cho lòng nhân từ phụ tử của Chúng Tôi, Chúng Tôi hết sức trìu mến ban Phép Lành Tòa Thánh cho quý vị, cho hàng giáo sĩ và cho những người được trao phó cho chư huynh.
Ban hành tại Rô-ma tại đền thờ thánh Phê-rô vào ngày 25 tháng 5 năm 1899, năm thứ hai mươi hai Triều đại Giáo hoàng của tôi.
LEO XIII
Tu sĩ Mart. Nhật, CSC chuyển dịch
Linh mục Giu-se Nguyễn Duy Linh O.P hiệu đính
Nguồn: https://www.vatican.va/content/leo-xiii/en/encyclicals/documents/hf_l-xiii_enc_25051899_annum-sacrum.html.
[1] Trong Kinh Thánh Hy-lạp đoạn này có nghĩa “dân được dành riêng”. Bản La-tinh là “populus acquisitionis” nghĩa là dân được chuộc về.
Tải file PDF Thông Điệp Anum Sacrum
Tải File PDF: Kinh Dâng Hiến Cho Thánh Tâm Chúa Giêsu
Bài viết liên quan
Đức giáo hoàng đã cung hiến thế giới cho Thánh Tâm Chúa khi nào?
Vào năm 1899, Đức Giáo hoàng Lêo XIII đã cung hiến thế giới cho Thánh...
Th1
3 dòng suối chảy ra từ Thánh Tâm Chúa Giêsu
3 DÒNG SUỐI CHẢY RA TỪ THÁNH TÂM CHÚA GIÊSU Thánh Magarita Maria Alacoque...
Th12
Thánh Thể xuất phát từ Thánh Tâm Chúa Giêsu
Thánh Thể xuất phát từ Thánh Tâm Chúa Giêsu Tình yêu của Chúa Giêsu tuôn...
Th12
Việc sùng kính Thánh Tâm mở lòng ta ra với Chúa
Việc sùng kính Thánh Tâm mở lòng ta ra với Chúa Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô...
Sùng kính Thánh Tâm là yêu mến Thánh Thể
Trong một bức thư, thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã giải thích bằng cách...
Tại sao lễ kính Thánh Tâm Chúa là dịp để cầu nguyện cách đặc biệt cho các Linh mục
Thánh Giáo hoàng Gioan Phao-lô II đã ấn định ngày Lễ trọng kính Thánh Tâm...