Thánh Tâm Chúa Giêsu trong Kinh Thánh và Truyền Thống của Giáo Hội (IV)

THÁNH TÂM CHÚA GIÊ-SU TRONG THÁNH KINH

VÀ TRUYỀN THỐNG GIÁO HỘI (IV)

 Thông điệp Haurietis Aquas (1956) của Đức GH. Pio XII[1]

Thông điệp Haurietis Aquas in Gaudio (sẽ hoan vui múc nước) được ban hành ngày 15/05/1956. Thông điệp này giải thích bản chất của lòng sùng kính theo như nó đã từng được hiểu. Nhưng tài liệu này thuộc về giai đoạn đổi mới này vì nó mở ra nhiều cánh cửa.

Trước hết, thông điệp giải thích đối tượng của lòng sùng kính trong cách đầy đủ nhất. Thánh Tâm được trình bày với tư cách là biểu hiện của tình yêu có ba chiều kích của Chúa Giê-su. Tình yêu Thiên Chúa, tình yêu con người của Ngài đối với Chúa Cha và chúng ta, và cũng biểu hiện cho những tình cảm, cảm xúc tế nhị của Ngài nữa.

Khi mô tả các hành động yêu thương của Chúa Giê-su, thông điệp nói rằng chúng ta được hướng dẫn bởi sự hiểu biết hoàn hảo của Chúa. Các cảm xúc của Chúa được mô tả trong các số 25 và 26. Như vậy, tất cả cốt lõi của Ngôi Vị Chúa Giê-su đã được tỏ lộ. Khi thông điệp mô tả tình yêu của Chúa Ki-tô, các món quà của Thánh Tâm cũng được bao gồm trong đó : bí tích Thánh Thể và chức linh mục (số 36); Mẹ Maria (số 37); sự sống của Chúa (số 38); Giáo hội (số 39); Chúa Thánh Thần (số 41); Chúa tiếp tục cầu nguyện cho chúng ta (số 44). Như thế, thông điệp bao gồm thần học khách quan của các giáo phụ, nhưng các món quà được trình bày với tính cách là các quà tặng của tình yêu.

Thứ hai, thông điệp đặt lòng sùng kính dưới ánh sáng của Thánh Kinh và Thánh Truyền : “vì chúng ta tin rằng giá như các yếu tố nền tảng của hình thức đạo đức này được nhìn trong ánh sáng Kinh Thánh và Thánh Truyền, thì các tín hữu sẽ sốt sắng hơn đến “kín múc trong niềm vui” từ nguồn mạch của Đấng Cứu Thế”[2]. Cựu Ước, Tân Ước và các giáo phụ đã được trích dẫn rộng rãi; các vị đại thánh của Thánh Tâm được đề cập đến.[3] Chỗ quan trong trọng nhất được dành cho thánh nữ Magarita Maria. Bằng việc mở ra các nguồn mạch mặc khải Ki-tô giáo chân chính, lòng sùng kính đã ở mức trưởng thành.

Cũng vậy, có những điều được nhấn mạnh là : việc qui chiếu đến vị trí của Chúa Thánh Thần trong lòng sùng kính này[4]; Chúa Ba Ngôi[5]; và cho rằng : lòng sùng kính này được trình bày như đáp ứng lại chủ nghĩa duy vật của thời đại chúng ta, một thời đại trong đó “lòng mến đã nguội lạnh trong trái tim của nhiều người”[6]; qui chiếu đến vương quyền Chúa Ki-tô[7]; qui chiếu đến Trái Tim Vô Nhiễm Mẹ Maria, chính Đức Giáo Hoàng Pio XII đã dâng hiến cả thế giới cho Mẹ năm 1942[8].

Như thế, Thông Điệp mang ý nghĩa là hướng suy tư về Chúa Giêsu : (a) với lòng tin vào Chúa Giêsu: Lòng sùng kính Thánh Tâm kết hợp chúng ta với chính Con Chúa nhập thể làm người. Đức Giáo Hoàng Lêô XIII (1878-1903) đã khẳng định đó là phương thức đạo đức nhất hảo, và Đức Giáo Hoàng Piô XI (1922-1939), phát triển việc tôn vinh Thánh Tâm một cách sốt sắng dựa vào nền tảng giáo huấn của Kinh Thánh[9]. (b) Sống với Chúa Giêsu: Lòng sùng kính Thánh Tâm giúp chúng ta kết hợp với Chúa Giêsu trong cuộc sống của Ngài dưới thế và trong Bí tích Thánh Thể. Ngôi Lời nhập thể là con người thật với trái tim yêu thương loài người, như lời Ngài: “Thầy chạnh lòng thương đám đông, vì họ ở luôn với Thầy đã ba ngày rồi mà không có gì ăn!”(Mc 8, 2). (c) Suy gẫm Mầu nhiệm ơn cứu chuộc: Lòng sùng kính Thánh Tâm giúp chúng ta học hỏi về công bình của Thiên Chúa đối với con người là tội nhân. Thánh Phaolô nói: “Thiên Chúa giàu lòng thương xót và rất mực yêu thương chúng ta, nên dù chúng ta đã chết vì sa ngã, Người cũng đã cho chúng ta được cùng sống với Đức Kitô”(Ep 2,4-5). (d) Suy tư về Mầu nhiệm Giáo Hội[10]. Thánh Tâm hướng chúng ta đến Giáo Hội: “Từ trái tim bị đâm thâu, Giáo Hội, kết hợp với Đức Kitô, được sinh ra, được múc lấy tràn đầy ơn thánh từ Trái Tim Chúa”[11]. Ngài luôn ở với Giáo hội và thánh hóa Giáo Hội vượt mọi quyền lực ma quỉ, thế gian.

  • Công đồng Vatican II[12]

Công đồng Vatican II ít nói đến Thánh Tâm. Công đồng chỉ đề cập một cách rõ ràng trong Hiến Chế Gaudium et Spes : “Con Thiên Chúa Khi nhập thể … đã yêu mến bằng quả tim con người”[13]. Công đồng cũng đề cập đến việc Chúa Giê-su đã yêu với trái tim con người trong Tuyên ngôn về Tự do Tôn giáo : “Quả thật, Chúa Ki-tô là Thầy và Chúa chúng ta, chính Người là Đấng hiền lành và khiêm nhượng trong lòng, nên Người đã kiên nhẫn lôi kéo và mời gọi các môn đệ”[14], và trong Sắc lệnh Đến Với Muôn Dân (số 24). Trong cả hai trường hợp Mt 11,29 được đề cập đến.

Hai lần Công đồng qui chiếu đến vết thương nơi cạnh sườn Chúa Ki-tô : trong Hiến Chế về Phụng vụ[15] và trong Hiến Chế Tín Lý về Giáo hội[16]. Cả hai bản văn đều qui chiếu đến nguồn gốc của Giáo hội. Năm bản văn này diễn tả giáo lý truyền thống.

Nhưng điều mới trong các tài liệu Công đồng là nói đến trái tim của chúng ta, nhu cầu “một trái tim mới”. Từ “trái tim” được đề cập 119 lần : 5 lần khi nói về Trái Tim Chúa Ki-tô, 114 lần nói đến trái tim của chúng ta. Nhiều bản văn Thánh Kinh nói về trái tim con người được trích dẫn: Rm 5,5 về tình yêu Thiên Chúa được đổ vào trái tim chúng ta bởi việc ở trong Chúa Thánh Thần (5 lần); Is 61,1 “để chữa lành những trái tim tan vỡ” (3 lần); Cv 4,32 “một trái tim và một linh hồn” (3 lần).[17]

Công đồng đã đưa ra một bản văn tuyệt đẹp nói về việc con người trở về với trái tim : “Bởi vì nhờ nội giới, con người vượt trên mọi vật. Khi con người quay về với trái tim mình tức là họ trở về với nội giới thâm sâu này, ở đó Thiên Chúa, Đấng thấu suốt tâm hồn, đang chờ đợi họ, và cũng nơi đó, chính con người tự định đoạt về vận mệnh riêng của mình dưới con mắt của Thiên Chúa”[18].

Quả vậy, Gaudium et Spes đề cập đến trái tim con người 34 lần; Hiến chế đã cho chúng ta một sứ điệp quan trọng về trái tim con người. Trong số 10, hiến chế nói “Thực vậy, những chênh lệch dày vò thế giới ngày nay được nối liền với một chênh lệch căn bản hơn phát xuất từ đáy trái tim con người.” Và số 10 này cũng mô tả những bất hoà trong xã hội đâm rễ sâu vào trong trái tim con người. Như thế, để chữa lành xã hội, một sự chữa lành cho trái tim là cần thiết. Điều này chỉ có thể thực hiện nhờ ân huệ của Thánh Thần. “Nhờ ân huệ Thánh Thần, con người, qua đức tin, tiến tới sự chiêm ngưỡng và nếm hưởng mầu nhiệm thánh ý Thiên Chúa”[19]. “Thánh Thần Chúa, Đấng điều khiển những biến chuyển thời gian và canh tân bộ mặt trái đất với sự quan phòng kỳ diệu, đang hiện diện trong cuộc tiến hoá này. Men Phúc Âm đã và đang làm dậy lên trong lòng con người sự đòi hỏi phải có nhân phảm, một đòi hỏi không thể cưỡng chế được”.[20]

Công đồng khám phá ra một nhu cầu khẩn thiết về các nhân đức xã hội ở thời này, trong đó thế giới đang trở nên ngày càng thống nhất hơn bao giờ hết. Để khám phá ra đổi mới trái tim nghĩa là gì, chúng ta phải nhìn vào nhu cầu của hoàn cảnh : một trái tim mới cho một thế giới mới! Chúng ta phải học lắng nghe trái tim của thế giới. Trong chiều hướng đó, Công đồng mời gọi hoán cải trái tim. Nhu cầu đặc biệt của thời đại chúng ta và tình huynh đệ quốc tế đòi hỏi điều này. Đây là khía cạnh quan trọng nhất của sự cập nhật hoá, của việc đổi mới mà Công đồng cổ võ: đổi mới trái tim. Các cơ cấu trong Giáo hội đang thay đổi; phụng vụ đang đổi mới; đời tu đang được canh tân thích nghi. Nhưng mọi thay đổi này đều nhắm đến thay đổi sâu xa nhất : thay đổi trái tim. Lời hứa của Thiên Chúa ban cho chúng ta một trái tim mới trở nên một nhu cầu khẩn thiết nhất.

Sắc lệnh về phong trào đại kết cũng đi đến cùng một kết luận : sự hoán cải trái tim là linh hồn của phong trào đại kết. Hiệp nhất và tình huynh đệ trong Giáo hội đòi hỏi tình yêu, sự thông cảm và sự hiệp thông lớn hơn.

Ở đây cũng nên nói thêm là Chân Phước Giáo hoàng Gioan XXIII[21] (1958-1963), vị Giáo hoàng đã có công triệu tập Công đồng Vaticanô II, tâm sự trong Tâm Hồn Nhật Ký của ngài: “Mỗi lần tôi nghe ai nói về Thánh Tâm Chúa Giêsu hay về Bí Tích Thánh Thể, tôi cảm thấy một niềm vui khôn tả. Ðấy là những lời gọi mời yêu thương của Chúa Giêsu Ðấng hết lòng muốn tôi ở đó tại nguồn của mọi sự thiện hảo, Thánh Tâm của Ngài, đang đập một cách mầu nhiệm sau tấm màn Thánh Thể. Lòng sùng kính Thánh Tâm Chúa Giêsu đã lớn lên với tôi trong suốt cuộc đời tôi. Tôi muốn phụng sự Thánh Tâm hôm nay và mãi mãi. Chính Trái Tim Chúa Giêsu là nơi tôi phải hướng đến để tìm ra giải đáp cho mọi vấn nạn của tôi. Tôi muốn lòng sùng kính Trái Tim Người, ẩn dấu trong Bí Tích Tình Yêu, là thước đo tất cả sự tiến bộ tâm linh của tôi. Tôi quyết tâm không để mình ngơi nghỉ cho đến khi tôi có thể thực sự nói rằng tôi đã được tan hòa trong Trái Tim Chúa Giêsu.” [22]

Trong khi đó, Ðức Phaolô VI[23] (1963-1978), vị Giáo hoàng đã được đắc cử đúng vào Lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu ngày 21/06/1963 và đã góp phần hoàn tất Công đồng Vaticanô II cách tốt đẹp, nêu lên tính cách hợp thời của lòng sùng kính Thánh Tâm như sau: “Lòng sùng kính Thánh Tâm là phương thế hữu hiệu nhất để đóng góp vào việc canh tân tâm linh và luân lý của thế giới như Công Ðồng Vaticanô II đã kêu gọi”[24].

Để kết luận phần nói về Công đồng Vatican II, xin mượn ý tưởng của Đức Giáo Hoàng Phaolo VI: “… Trái tim đảm nhận nhiều chiều kích thế giới; ước gì nó có thể đảm nhận các chiều kích vô biên của Trái Tim Chúa Ki-tô… Một trái tim công giáo có nghĩa là một trái tim có những chiều kích phổ quát. Một trái tim đã vượt thắng sự ích kỷ, sự hẹp hòi của tính ích kỷ đã ngăn cản con người lắng nghe lời mời gọi hướng đến Tình Yêu tối thượng. Nó có nghĩa là một trái tim cao thượng, một trái tim đại kết, một trái tim có khả năng ôm ấp cả thế giới. Điều này không làm cho nó thành một trái tim lãnh đạm với sự thật về các sự vật, hay sự thành thật trong ngôn từ; nó không biện hộ cho tính yếu đuối; nó không lẫn lộn sự bình an với tính nhát gan hay lãnh đạm. Nó sống theo châm ngôn của thánh Phaolo: “Sống theo sự thật trong tình bác ái” (Ep 4,15). Hơn thế nữa, trái tim chúng ta phải mở rộng cho tất cả. Tính phổ quát của Nước Thiên Chúa mà Chúa Giê-su rao giảng, tính phổ quát của giới luật yêu thương của Chúa đòi hỏi điều đó. Thế giới cần đến nó. Sự hiệp nhất của các giáo hội đòi hỏi điều đó. Trái tim chúng ta phải trở nên “công giáo”, như Giáo hội sinh ra từ Trái Tim Chúa Giê-su có ý nghĩa như thế.” [25]

 

 

 

(xin xem tiếp)

[1] Xc. Pio XII, Thông điệp Haurietis Aquas, tại www.gdpttt.org; Xc. Jan G. Bovenmars, Linh Đạo Trái Tim theo Thánh Kinh, tr. 219.

[2] Pio XII, Thông điệp Haurietis Aquas, số 11.

[3] Xc. Pio XII, Thông điệp Haurietis Aquas, số 51.

[4] Ibid., số 41.

[5] Ibid., số 11.

[6] Ibid., số 68.

[7] Ibid., số 72.75.

[8] Ibid., số 73.

[9] Ibid., số 13.14.21.

[10] Ibid., số 60-70.

[11] CGKPV, Kinh Chiều Lễ Thánh Tâm.

[12] Timothy Terrance O’Donnell, Heart of the Redeemer, tr. 213-217; Xc. Jan G. Bovenmars, Linh Đạo Trái Tim theo Thánh Kinh, tr. 225-228.

[13] CĐ. Vatican II, Hiến Chế Mục vụ về Giáo hội trong thế giới ngày nay, số 22.

[14] CĐ. Vatican II, Tuyên ngôn về Tự do Tôn giáo, số 11.

[15] CĐ. Vatican II, Hiến Chế về Phụng vụ, số 5.

[16] CĐ. Vatican II, Hiến Chế Tín Lý về Giáo hội, số 3.

[17] Xc. Jan G. Bovenmars, Linh Đạo Trái Tim theo Thánh Kinh, tr. 221.

[18] CĐ. Vatican II, Hiến Chế Mục vụ về Giáo hội trong thế giới ngày nay, số 14.

[19] CĐ. Vatican II, Hiến Chế Mục vụ về Giáo hội trong thế giới ngày nay, số 15.

[20] Ibid., số 26.

[21]Xc. Timothy Terrance O’Donnell, Heart of the Redeemer, tr. 211.

[22] Ibid.

[23] Ibid., tr. 217-225.

[24] Phaolo VI, Diễn văn trước Tổng Công Nghị Lần 31 của Dòng Tên, trích trong Phạm Quốc Hưng, Sùng Kính Thánh Tâm – Căn bản Tín Lý, (do Ban Tuyên Huấn GĐPTTT/ TGP Sài gòn tổng hợp năm 2008), http://gdpttt.com/bth/index.htm, truy cập ngày 1 tháng 5 năm 2011.

[25] Jan G. Bovenmars, Linh Đạo Trái Tim theo Thánh Kinh, tr. 227-228.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *