Bài chia sẻ tĩnh tâm tháng 7/2025: Sống tinh thần Hiệp hành của Chúa Giêsu và Hội Thánh

Lời Chúa:” Người nói với họ: “Tôi còn phải loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa cho các thành khác nữa, vì tôi được sai đi cốt để làm việc đó.” Lc 4,43)

Xin ơn: Mọi thành phần Dân Chúa “đi với nhau” như giấc mơ “hiệp hành” của Đức Giêsu cách nay hai ngàn năm.

***********

Theo Đức giáo hoàng Phanxicô, tính hiệp hành (synodality) là một “chiều kích cấu thành” của Hội Thánh, được Công đồng Vaticanô II tái khởi động.

Mọi thành phần Dân Chúa “đi với nhau” hay “hiệp hành” là giấc mơ của Đức Giêsu cách nay hai ngàn năm. Ngài không chỉ mơ, nhưng đã bắt đầu thực hiện giấc mơ đó, dù phải trả giá bằng mạng sống của mình. Ngài đón nhận những kẻ bị tôn giáo và xã hội thời đó loại trừ, Ngài nhìn nhận và trả lại cho họ phẩm giá trước mặt Thiên Chúa và con người. Ngài lắng nghe, tôn trọng, quý mến, đối thoại và mời họ cộng tác với Ngài. Nước Trời có chỗ cho trẻ em và những người bé mọn, cho phụ nữ và dân ngoại, cho người thu thuế và các cô gái điếm (Mt 21,31-32).

1. Một tầm nhìn hiệp hành nơi Đức Giêsu

Do-thái giáo thời của Đức Giêsu  không dành chỗ cho một số thành phần, không coi trọng phụ nữ, trẻ em, người nghèo.  Có những người bị loại trừ như các tội nhân, người thu thuế, dân ngoại, người phung cùi. Có những bệnh nhân, người bại liệt,  tật nguyền cũng bị coi là do Thiên Chúa phạt. Như thế Do-thái giáo dường như chỉ gồm những người công chính, chu toàn Luật Môsê một cách trọn vẹn, trong đó phải kể các thành phần ưu tuyển là thượng tế, luật sĩ, kỳ mục và các người Biệt phái.

Đức Giêsu đến và mở ra một tầm nhìn mới về đạo Yêu Thương của một Thiên Chúa từ trời xuống, khác hẳn, một Thiên Chúa không loại trừ ai, một Thiên Chúa thương người tội lỗi và đứng về phía những kẻ bị loại ra bên lề. Chính vì rao giảng một Thiên Chúa như thế và sống như Thiên Chúa ấy mà Đức Giêsu đã chịu đóng đinh.

Để có thể yêu con người hết tình, Chúa Giêsu yêu Cha hết lòng:

a) Đức Giêsu liên lỉ sống tình con thảo với Chúa Cha

Đúng vậy cảm nghiệm tình Cha yêu mình, và mình cũng yêu Cha hết lòng, dẫn đến một tình yêu trao ban, sẻ chia cho tha nhân. Suốt đời làm người, Đức Giêsu đã không một giây phút ở ngoài tình yêu của  người con thảo đối với Thiên Chúa, Cha mình.

Người kết hợp mật thiết với Chúa Cha bằng tin tưởng đợi chờ, khiêm hạ và chăm chú lắng nghe tiếng Chúa Cha, hết lòng tôn trọng Chúa Cha và những gì thuộc về Chúa Cha, (Tôn trọng chính là việc bạn đánh giá đúng mực, coi trọng danh dự, lợi ích và phẩm giá của người khác)   đồng thời sẵn sàng đón nhận mọi khó nhọc, vất vả, kể cả mất mạng sống vì sứ vụ cứu thế trong niềm tín thác tuyệt đối ở Cha mình “Ápba, Cha ơi, Cha làm được mọi sự, xin cất chén này xa con. Nhưng xin đừng làm điều con muốn” (Mc 15,34.36). “Lạy Thiên Chúa, Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con?” (Mc 15,34. “Ta và Cha là một” (Ga.10, 30)

“Tôi có quyền hy sinh và có quyền lấy lại mạng sống ấy. Đó là mệnh lệnh của Cha tôi mà tôi đã nhận được.”(Ga 10,17-18)

b) Đức Giêsu tìm mọi cách tiếp cận, gần gũi con người:

Ngài mở lời trước với  người Ngài gặp như “đang đi dọc theo biển hồ Galilê, thì thấy hai anh em kia, là ông Simôn cũng gọi là Phêrô, và người anh là Anrê, đang quăng chài xuống biển… Người bảo các ông: “Các ông hãy theo tôi …”. Lập tức hai ông bỏ chài lưới mà đi theo Người” (Mt 4,18-20);  Ngài lên tiếng dậy dỗ  đám đông “Tám Mối Phúc Thật” khi thấy họ kéo đến tìm Ngài (x. Mt 5,1(12); Ngài ân cần trả lời và chữa lành những người xin Ngài cứu giúp như với người bị phong hủi: “Tôi muốn, anh sạch đi” (Mt 8, 2);

Ngài không hà tiện lời khen ngợi, khuyến khích như với ông đại đội trưởng ngoại đạo có lòng tin mạnh: “Tôi không thấy một người Ítraen nào có lòng tin như thế” (Mt 8, 10). Ngay cả với những người chống Ngài, tìm  hại Ngài, Ngài cũng không ngại lên tiếng trả lời, giải thích như  với những người Pharisêu đã trách Ngài qua lại, “ăn uống với bọn thu thuế, và quân tội lỗi” (x. Mt 9,10-12), chất vấn Ngài về việc Ngài đã chữa người bị bại tay trong ngày Sabát là ngày cấm làm việc của người Do Thái (x. Mt 12,9-14); hoặc chụp mũ Ngài “dựa thế quỷ vương Bêendêbun mà trừ quỷ”  khi Ngài chữa “người bị quỷ ám vừa mù lại vừa câm” (x. Mt 12,22-29). Như thế, Đức Giêsu đã luôn sẵn sàng đối thoại, trò chuyện, trao đổi với mọi người, không kỳ thị phân biệt ai,ngay cả người ghét mình, chống mình.   

2. Hội thánh sống tinh thần hiệp hành của Chúa Giêsu

Tuy giấc mơ của Đức Giêsu, Con Thiên Chúa, về một Hội Thánh hiệp hành, một Hội Thánh mở ra cho mọi người, dường như vẫn là giấc mơ chưa tròn, dù hai ngàn năm đã trôi qua. Nên chúng ta được mời gọi hoàn thành giấc mơ ấy trong cộng đoàn Hội Thánh hôm nay. Hội Thánh hôm nay cũng không để một Kitô hữu nào đứng ngoài gia đình Hội Thánh, vì mỗi người đã nhận Thánh Thần từ khi chịu Phép Rửa.

Như thế, tính hiệp hành đưa đến việc chọn lựa một thái độ đối thoại với mọi người và từng người, và với tất cả thực tại của thế giới, chứ không chọn lựa thái độ chống đối, đối đầu hay không đối đầu, hay thậm chí khép kín. Tính hiệp hành còn đưa đến việc chọn lựa thái độ đối thoại giữa các kitô hữu, giữa những người công giáo, cũng như giữa các truyền thống bên trong Giáo hội, mà không nại đến phẩm trật như nguyên lý duy nhất có thẩm quyền.

Đối thoại là phong cách riêng của tính hiệp hành. Tuy nhiên, Hiệp hành không bao giờ dễ. Nếu chúng ta không hoán cải và từ bỏ chỗ đứng cũng như quan điểm của mình, thì lắng nghe, đối thoại, góp ý, cộng tác giữa những thành phần rất đa dạng và khác biệt của Hội Thánh, là những điều không thể thực hiện được. Chỉ khi Hội Thánh cùng đi với nhau như đoàn Dân Chúa trong hiệp nhất và hiệp thông, chúng ta mới có thể làm chứng về Chúa cho thế giới hôm nay.

3. Chúng ta sống tinh thần hiệp hành của Chúa Giêsu và Hội thánh

Thực vậy, không  nhắm chính xác mục tiêu, đích tới của Hiệp Hành là “nên một với Đức Giêsu”, thiết tha sống tình con thảo với Thiên Chúa là Cha, chúng ta sẽ hiệp hành với “lòng dạ nóng nẩy, bực bội, mất bình tĩnh” trước những thiếu sót, yếu đuối, lầm lỗi của Giáo Hội.

 Vì chúng ta thiếu khả năng ghìm mình thật sâu trong trái tim Chúa, và kiên trì ở lại với Chúa để “tin tưởng đợi chờ” sức mạnh đổi mới của Chúa Thánh Thần, Đấng làm “mới lại” mọi sự trong ngoài, Đấng luôn có mặt trong Hội Thánh, và hoạt động giữa dân Chúa  trên đường lữ hành.

Mt 13, 24-30: Cỏ lùng và lúa. “Cứ để cả hai cùng lớn lên cho tới mùa gặt. Đến ngày mùa, tôi sẽ bảo thợ gặt: hãy gom cỏ lùng lại, bó thành bó mà đốt đi, còn lúa, thì hãy thu vào kho lẫm cho tôi.”

Chúng ta sẽ hiệp hành cách hời hợt vì trong tâm hồn lửa nhiệt tâm lo việc nhà Chúa không đủ sức bùng cháy, lại thêm tinh thần thế gian lấn lướt, áp đảo làm chúng ta không đủ khiêm tốn để tinh tế, bén nhạy nhận ra tiếng Chúa, nhìn ra những dấu chỉ qua đó, Chúa muốn nói và nhắn gửi chúng ta Thánh Ý Ngài.

Như tảng đá lấp cửa mộ không ai cất đi được,  tính kiêu căng, hiếu thắng, thành kiến, khép kín, kỳ thị sẽ làm chúng ta trở thành những con người bất mãn, bất đắc chí kinh niên khi không “thay đổi” được Giáo Hội như mình muốn, không mau chóng cải tổ như mình lập trình, không lập tức phá bỏ cơ chế nặng nề như mình hoạch định, không hoàn thành công trình canh tân theo kiểu mẫu lý tưởng mình mơ ước. Chỉ có Chúa mới lăn tảng đá kiêu căng  ra một bên, nhờ đó ta nên một với Chúa.

Sở dĩ chúng ta dễ rơi vào tình trạng tiêu cực  trên, vì chúng ta say mê canh tân, nóng lòng cải tổ mà không tìm được câu trả lời thoả đáng cho những vấn nạn: “Tại sao Thiên Chúa không thay đổi Giáo Hội? Tại sao sau bao nhiêu năm sống đạo, người Kitô hữu vẫn không đạo đức, tử tế hơn? Tại sao Tin Mừng không đủ hấp dẫn và canh tân thế giới? Tại sao số tín hữu công giáo không tăng, có khi còn giảm sút trầm trọng? Tại sao không xóa bỏ được nạn giáo sĩ trị đang làm suy yếu Giáo Hội? Tại sao người của Giáo Hội ngày càng thoái hóa, biến chất?  Và rất nhiều tại sao, tại sao khác…

Kết : Noi gương Đức Giêsu trên đường truyền giáo, chúng ta phải can đảm mở lời, nhẫn nại lắng nghe, bình an và tin tưởng đi vào đối thoại với mọi người, vì liên lỷ chúng ta hiệp nhất với Đức Giêsu, Ngôi Lời Thiên Chúa, nên chúng ta không sợ mở lời “giao hảo”, không ngại lên tiếng “cảm thông”, không tiếc lời “ủi an, chia sẻ, nâng đỡ”, vì đó là cách thế tuyệt hảo cho chúng ta đi vào tâm hồn người khác với Hạt Giống Tin Mừng, ở lại trong trái tim anh em với Hạt Giống Đức Giêsu, Thiên Chúa cứu độ, cùng mọi người trên đường Hiệp Hành chuẩn bị đất tốt cho Hạt Giống Nước Trời nẩy mầm, lớn lên và sinh hoa kết trái xum xuê, đầy cành.

Linh mục Đaminh Phan Hưng
Tổng đại diện Tổng Giáo phận Huế

Bài viết liên quan

Chia sẻ cùng em- người say mê truyền giáo

Tôi luôn giữ trong mình sự ấn tượng về em, vì em là một người...

Phân định – cửa ngõ của sự thành bại

“Con người có nhiều kế hoạch, nhưng duy chỉ có ý định của Thiên Chúa...

Trái tim cực thánh của Chúa

Hôm nay, Giáo hội hân hoan và vui mừng trong ngày lễ kính Thánh Tâm...

Đánh thức lòng trắc ẩn trong tâm hồn

Đức Thánh Cha đã chọn ý cầu nguyện cho tháng 6- tháng kính Thánh Tâm...

Muối của niềm hy vọng

Chúng ta đang cùng nhau đi trong ân sủng và tình yêu của Thiên Chúa...

Chia sẻ niềm hy vọng cách hiền hòa để nâng đỡ và chữa lành

Trong thời đại mà lời nói có thể chạm đến muôn người chỉ trong khoảnh...