Tuyệt đẹp: Khó có từ nào khác để diễn tả Thánh Lễ đầu tiên của Đức Thánh Cha Lêô XIV. Những gam màu sống động của các bức bích họa trong Nhà nguyện Sistina đối lập với phẩm phục trắng tinh rạng rỡ của hàng dài các Hồng y, điểm xuyết ở một số chỗ là phẩm phục rực rỡ của một vị Hồng y thuộc các Giáo hội Đông phương.
“Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống” (Mt 16,16). Trong những lời này, Phêrô, khi được Thầy cùng với các môn đệ khác hỏi về niềm tin của mình vào Ngài, đã diễn tả di sản mà Giáo hội, qua sự kế nhiệm tông truyền, đã gìn giữ, đào sâu và trao truyền suốt hai ngàn năm qua.
Chúa Giêsu là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống: Đấng Cứu Độ duy nhất, Đấng duy nhất mạc khải dung mạo của Chúa Cha.
Trong Ngài, Thiên Chúa, để đến gần và dễ tiếp cận với nam nữ, đã mạc khải chính mình cho chúng ta trong đôi mắt tin tưởng của một trẻ thơ, trong trí óc sống động của một người trẻ và trong những nét trưởng thành của một người lớn (x. Gaudium et Spes, 22), cuối cùng xuất hiện với các môn đệ sau khi phục sinh với thân thể vinh hiển của Ngài. Như vậy, Ngài đã cho chúng ta một mẫu mực thánh thiện của con người mà tất cả chúng ta đều có thể noi theo, cùng với lời hứa về một vận mệnh vĩnh cửu vượt trên mọi giới hạn và khả năng của chúng ta.
Trong câu trả lời của mình, Phêrô hiểu cả hai điều này: ơn ban của Thiên Chúa và con đường phải theo để cho phép mình được thay đổi bởi ơn ban đó. Chúng là hai khía cạnh không thể tách rời của ơn cứu độ được trao phó cho Giáo hội để được công bố vì lợi ích của nhân loại. Thực vậy, chúng được trao phó cho chúng ta, những người đã được Ngài chọn trước khi chúng ta được hình thành trong dạ mẹ (x. Gr 1,5), được tái sinh trong nước Bí tích Rửa tội và, vượt lên trên những giới hạn của chúng ta và không do công trạng của riêng mình, đã được đưa đến đây và sai đi từ đây, để Tin Mừng có thể được công bố cho mọi loài thụ tạo (x. Mc 16,15).
Một cách đặc biệt, Thiên Chúa đã gọi tôi bởi sự bầu chọn của anh em để kế vị Thủ lãnh các Tông đồ, và đã trao phó kho tàng này cho tôi để, với sự giúp đỡ của Chúa, tôi có thể là người quản lý trung tín (x. 1 Cr 4,2) vì lợi ích của toàn thể Thân Thể mầu nhiệm của Giáo hội. Ngài đã làm như vậy để Giáo hội có thể ngày càng trở nên một thành trì được xây trên núi cao (x. Kh 21,10), là chiếc tàu cứu độ lướt trên dòng nước lịch sử và một ngọn hải đăng chiếu sáng những đêm tối của thế giới này. Và điều này, không phải do sự tráng lệ của các kiến trúc hay sự vĩ đại của các tòa nhà của Người – như những tượng đài mà chúng ta đang ở giữa đây – nhưng đúng hơn là qua sự thánh thiện của các thành viên của Người. Vì chúng ta là dân mà Thiên Chúa đã chọn làm của riêng Ngài, để chúng ta có thể công bố những việc lạ lùng của Đấng đã gọi chúng ta ra khỏi bóng tối mà vào ánh sáng diệu kỳ của Ngài (x. 1 Pr 2,9).

Tuy nhiên, trước khi Phêrô tuyên xưng đức tin của mình để đáp lại một câu hỏi cụ thể: “Người ta nói Con Người là ai?” (Mt 16,13). Câu hỏi này không tầm thường mà nó liên quan đến một khía cạnh thiết yếu của thừa tác vụ của chúng ta, đó là thế giới mà chúng ta đang sống, với những giới hạn và tiềm năng, những thao thức và niềm xác tín của thời đại.
“Người ta bảo Con Người là ai?” Nếu chúng ta suy gẫm về cảnh tượng này, chúng ta có thể tìm thấy hai câu trả lời có thể có, tương ứng cho hai thái độ khác nhau. Thứ nhất, là câu trả lời của thế gian. Thánh Mátthêu nói với chúng ta rằng cuộc trò chuyện này giữa Chúa Giêsu và các môn đệ của Ngài diễn ra tại thị trấn xinh đẹp Xêdarê Philippi. Đây là một thành với những cung điện sang trọng, nằm trong một cảnh quan thiên nhiên tráng lệ dưới chân núi Hécmon, nhưng cũng là một nơi diễn ra những cuộc tranh giành quyền lực tàn nhẫn và là hiện trường của những sự phản bội và bất trung. Bối cảnh này nói với chúng ta về một thế giới xem Chúa Giêsu là một người chẳng mấy quan trọng, cùng lắm là một nhân vật lạ lẫm có cách nói và hành động khác thường và gây ấn tượng. Và vì vậy, khi sự hiện diện của Ngài làm chướng tai gai mắt vì đụng chạm đến lương tri và kêu gọi lối sống công chính thì “thế gian” này sẽ không ngần ngại từ chối và loại trừ Ngài. Thứ hai là câu trả lời của đám đông dân chúng. Đối với họ, Đức Giêsu không phải là một người lừa bịp, nhưng là một người chính trực, một người có lòng dũng cảm, nói lời chính trực, giống như các ngôn sứ vĩ đại khác trong lịch sử Israel. Đó là lý do tại sao họ theo Ngài, ít nhất là miễn là họ có thể làm như vậy mà không gặp quá nhiều rủi ro hoặc bất tiện. Tuy nhiên đối với họ, Ngài chỉ là một con người, và do đó, trong thời gian nguy hiểm, trong cuộc khổ nạn của Ngài, họ cũng bỏ rơi Ngài và thất vọng ra đi.
Điều đáng chú ý là cả hai thái độ trên vẫn còn rất thời sự trong thời đại ngày nay. Chúng thể hiện những khái niệm mà chúng ta có thể dễ dàng tìm thấy trên môi miệng của nhiều người trong thời đại chúng ta, ngay cả khi, về bản chất giống hệt nhau, chúng được thể hiện bằng ngôn ngữ khác.
Ngay cả ngày nay, có nhiều bối cảnh mà đức tin Kitô giáo bị coi là phi lý, chỉ dành cho những người yếu đuối và kém hiểu biết. Trong khi đó, họ lại đặt niềm tin vào những sự bảo đảm khác được ưu tiên, như công nghệ, tiền bạc, thành công, quyền lực, hoặc thú vui. Chính trong những bối cảnh như thế, việc rao giảng Tin Mừng và làm chứng cho chân lý của Tin Mừng gặp nhiều khó khăn. Nhiều tín hữu bị chế giễu, chống đối, khinh miệt hoặc cùng lắm là được dung thứ và thương hại. Tuy nhiên, chính vì lý do này, sứ mạng loan báo Tin mừng của chúng ta đang vô cùng cần thiết hơn bởi sự thiếu vắng đức tin thường đi kèm một cách bi kịch đánh mất đi ý nghĩa cuộc đời, quên lãng lòng thương xót, vi phạm đến những phẩm giá về con người dưới những hình thức nghiêm trọng như khủng hoảng gia đình và rất nhiều vết thương khác đang hoành hành xã hội chúng ta.
Ngày nay, cũng có nhiều bối cảnh mà Chúa Giêsu, mặc dù được đánh giá cao như một con người, lại bị giản lược thành một kiểu lãnh đạo lôi cuốn hoặc một siêu nhân. Điều này đúng không chỉ trong số những người không tin mà còn trong số nhiều Kitô hữu đã chịu phép rửa, những người trên thực tế sống như không thể không có Thiên Chúa. Đây là thế giới đã được trao phó cho chúng ta, một thế giới mà, như Đức Giáo hoàng Phanxicô đã dạy chúng ta rất nhiều lần, chúng ta được mời gọi làm chứng cho niềm tin Tin Mừng của chúng ta vào Chúa Giêsu là Đấng Cứu Thế. Do đó, điều cần thiết là chúng ta cũng lặp lại, với Phêrô: “Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống” (Mt 16,16). Điều cần thiết là phải làm điều này, trước hết, trong mối quan hệ cá nhân của chúng ta với Chúa, trong cam kết của chúng ta với một hành trình hoán cải hàng ngày. Đồng thời, như một Giáo hội hiệp nhất, chúng ta cùng nhau sống trung tín với Chúa và mang Tin Mừng đến cho mọi người (x. Lumen Gentium, 1).
Tôi muốn nói điều này trước hết với chính bản thân mình, với tư cách là Đấng Kế Vị Thánh Phêrô, khi tôi bắt đầu sứ mạng của mình với tư cách là Giám mục Rôma và theo câu nói nổi tiếng của Thánh Ignatiô thành Antiôkhia, được mời gọi chủ tọa trong tình bác ái đối với Giáo hội hoàn vũ (x. Thư gửi tín hữu Rôma, Lời nói đầu). Thánh Ignatiô, người bị xiềng xích dẫn đến thành phố này, nơi hy sinh sắp xảy ra của ngài, đã viết cho các Kitô hữu ở đó: “Khi đó tôi sẽ thực sự là một môn đệ của Chúa Giêsu Kitô, khi thế gian không còn thấy thân xác tôi nữa” (Thư gửi tín hữu Rôma, IV, 1). Ngài về việc bị thú dữ xé xác nơi đấu trường – và điều đó đã xảy ra – nhưng lời của ngài còn gợi ra một chân lý sâu xa hơn với tất cả những ai thi hành một sứ vụ trong Hội Thánh thì phải biết rằng: biến mất để Đức Kitô hiện diện, phải trở nên bé nhỏ để Ngài được biết đến và được tôn vinh (x. Ga 3,30), phải dấn thân cho đến cùng để tất cả mọi người có cơ hội nhận biết và yêu mến Ngài.
Xin Thiên Chúa ban cho tôi ân sủng này, hôm nay và mãi mãi, qua lời chuyển cầu đầy yêu thương của Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ Giáo hội.
Nguồn: Aleteia |VADITA chuyển ngữ
Bài viết liên quan
Suy niệm tin mừng thứ bảy tuần III phục sinh. Xác Tín Niềm Tin
Lời Chúa: Ga 6, 60-69 Khi ấy, có nhiều môn đệ của Chúa Giêsu nói...
Suy niệm tin mừng thứ sáu tuần III phục sinh
Lời Chúa: Ga 6, 53-60 Khi ấy, những người Do-thái tranh luận với nhau rằng:...
Nhận biết Chúa là một ơn ban (Thứ Năm Tuần III Phục Sinh)
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gio-an (Ga 6, 44-51) 44 Khi ấy, Đức...
Tại sao không buông cuộc đời cho Chúa Giêsu săn sóc? (Thứ Tư Tuần III Phục Sinh)
✠ Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gio-an (Ga 6,35-40) 35 Khi ấy, Đức Giê-su...
Bánh đích thực (06.05.2025 – Thứ Ba Tuần III Phục Sinh)
✠ Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gio-an (Ga 6,30-35) 30 Khi ấy, đám...
Suy niệm tin mừng thứ hai tuần III phục sinh
Tin Mừng (Ga 6, 22-29) 22 Hôm sau, đám đông dân chúng còn đứng ở...