Duyên hạnh ngộ của ông Simon và bà Veronica trong cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu

Angelo Trần

Giáo hội đang bước vào những ngày đặc biệt nhất của năm phụng vụ, thời khắc của đau buồn khi Con Chúa chịu chết. Nhưng liền sau đó là thời khắc đỉnh cao của hy vọng và niềm vui vì chính Ngài đã vượt thẳng sự chết mà vinh phúc khải hoàn.

Chặng đường thương khó của Chúa là chặng đường của tình yêu hòa trong đau đớn nơi thân xác với làn roi vọt của lính tráng xả xuống trên mình Ngài.

Chặng đường thương khó ấy còn là nỗi ô nhục với lời mắng nhiếc sỉ nhổ, những lời đay nghiến cay nghiệt của dân chúng bội phản.

Chặng đường thương khó ấy còn là sự trốn chui trốn lủi của các môn đệ thân tín, những người đã cùng Chúa chia cơm sẻ bánh, chia sớt cay đắng ngọt bùi trong suốt ba năm công khai rao giảng tin mừng.

Chặng đường thương khó ấy còn là nỗi chia cắt u buồn của tình mẫu tử, của người phụ nữ bạc phận mang tên Maria với người con duy nhất. Người con mà Mẹ đã chấp nhận tất cả, đánh đổi tất cả để thưa tiếng Xin vâng.

Thế nhưng cũng trên chặng đường thương khó ấy, có những người được hạnh phúc đón nhận duyên hạnh ngộ với con Vua Trời dù trong bối cảnh bi thương không ai mong muốn. Ấy vậy mà Simon xứ Kyrênê và Veronica đã may mắn có được hồng phúc với duyên hạnh ngộ này.

Theo truyền thống tốt đẹp của Giáo hội, với lòng đạo đức, chúng ta được mời gọi nhớ lại con đường thánh giá Chúa đã đi vào ngày thứ sáu trong tuần, nhất là ngày thứ sáu tuần thánh. Cho dẫu ở nơi đâu và vào thời điểm nào thì mỗi lần suy gẫm và cùng nhau đi đàng thánh giá, ắt hẳn mỗi người đều có những cảm nghiệm thiêng liêng rất riêng cho mình. Ông Simon người xứ Kyrênê và bà Veronica năm xưa cũng thế, họ là những người trong đám dân chúng đi theo để xem cuộc hành trình tang thương của một người đàn ông tên là Giêsu với cây thánh giá nặng trĩu trên vai. Có lẽ cuộc hành trình theo Chúa của họ khởi đi là vì hiếu kỳ, vì thấy dân chúng hò la đòi đóng đinh Chúa cách dữ dội quá chăng? Thế nhưng dù cho bối cảnh khởi sự ấy là gì thì kết cục cả hai đều được duyên hạnh ngộ với Chúa.

Trong khi thân xác của Đức Giêsu đang dần kiệt sức, Ngài không còn hình tượng như trước, không có chỗ nào trên thân thể Ngài còn lành lặn nên việc Ngài bị ngã liên hồi, bị sức nặng của cây thập giá đè lên người là điều dễ hiểu. Và chính trong lúc này, Thiên Chúa đã sắp đặt cơ duyên cho người đàn ông xứ Kyrênê đỡ thánh giá cho Chúa. Trái với Simon Phêrô, người môn đệ yêu quý của Chúa, anh cả của đoàn môn đệ được đích thân Thầy tuyển chọn luôn hăng say thề thốt khẳng định “ Lạy Chúa, con sẵn sàng theo Chúa, kể cả vào nhà tù và cho đến chết” (Lc 22,33). Simon Kyrênê chưa bao giờ được gặp gỡ Chúa, chưa bao giờ được trò chuyện với Chúa và ngay cả giây phút này, khi mặt đối mặt, ông cũng không có được cơ hội nói với Chúa một lời. Thế mà ông vẫn sẵn lòng đưa vai ra gánh lấy thánh giá giúp Chúa bước tiếp con đường khổ giá mà Chúa Cha muốn Ngài thực hiện để cứu nhân loại. Duyên hạnh ngộ của ông với Chúa là cuộc gặp gỡ trong thinh lặng cùng với cây thánh giá nhưng lại nói lên tất cả tình yêu của ông dành cho Chúa và tình yêu của Chúa dành cho ông.

Veronica, người phụ nữ thấp cổ bé họng, mang phận nữ nhi liễu yếu đào tơ mà lại đầy can đảm giữa sự can ngăn của quân lính, giữa những xô đẩy của dân chúng. Bà tiến lại gần trao vào tay Chúa tấm khăn nhỏ để Ngài lau mặt cho khỏi mồ hôi và những giọt máu đang trào tràn. Duyên hạnh ngộ của Chúa với bà nếu xét theo bối cảnh thông thường thì là điều không ai mong muốn. Quả vậy, ai cũng mong muốn được gặp gỡ người khác trong niềm vui, trong trò chuyện tay bắt mặt mừng. Bà Veronica đã chẳng màng đến hình thức bên ngoài lại cũng chẳng nại vào vinh quanh danh dự. Tất cả với bà bây giờ và ngay lúc này chỉ là mong muốn được chung chia đau khổ với Chúa mà thôi. Tấm lòng thương cảm và thái độ bất chấp mọi khó khăn cùng cả nguy hiểm để được giúp Chúa nơi bà Veronica đã trở nên đẹp lòng Chúa. Duyên hạnh ngộ của bà với Chúa cũng như cuộc hạnh ngộ của Chúa với Simon Kyrênê đều là cuộc hạnh ngộ của thinh lặng.

Nhìn lên hành động thân ái của hai người xa lạ là ông Simon và bà Veronica với Chúa trên đường khổ giá của Ngài, chúng ta nhận ra cho mình rất nhiều bài học đáng trân quý. Bài học ấy không phải là bài học trên giấy vở, trên trường lớp, trên công nghệ kỹ thuật sao sang. Bài học ấy chỉ diễn ra cách ngắn ngủi, trong thinh lặng nhưng lại có âm vang cho không chỉ một thế hệ mà là muôn ngàn thế hệ. Chúng ta có dám đánh đổi những sung sướng, những an nhàn, những an toàn của bản thân để đổi lấy nguy hiểm và khổ nhục vì danh Chúa hay không? Chúng ta có dám chấp nhận đưa đôi vai của mình gánh lấy đau khổ cùng tha nhân là hiện thân của hình ảnh Chúa Kitô hay không? Thiên Chúa vẫn luôn cần những tấm lòng quảng đại, sẵn sàng chia sẻ nỗi đau thương với Ngài khi chúng ta chấp nhận vác thánh giá đời mình và nâng đỡ gánh nặng cho tha nhân.

Lạy Chúa Giêsu Kitô, chúng con thật hạnh phúc vì được Chúa cứu độ. Chúng con thật hạnh phúc vì được thông phần đau khổ với Ngài qua những thử thách là bệnh tật hay những nghịch cảnh gian nan trong cuộc sống của chúng con. Chúng con cầu xin Chúa ban ơn cho chúng con được can đảm đón nhận mọi đau khổ ấy như cơ duyên hạnh ngộ với Chúa. Hầu mai này chúng con cùng được hưởng hy vọng hồng phúc với Ngài trên Nước Thiên Đàng. Amen.

Bài viết liên quan

Ẵm con trong vòng tay Mẹ

Angelo Trần Thứ bảy tuần thánh, Giáo hội không cử hành bất cứ một nghi...

Những lưỡi gươm trong trái tim Mẹ

Maria Gioan XXIII Phụng vụ Lời Chúa trong tuần thánh, từng bước cho chúng ta...

Giờ ly biệt

Thứ sáu tuần thánh, Giáo hội ở lặng cùng với Đức Giêsu Kitô trên thánh...

Sự phản bội của dân chúng

Ngay từ khi tạo dựng, Thiên Chúa đã ban cho con người được quyền hưởng...

Lặng thầm bên Thánh Thể Chúa

Theo truyền thống của Giáo Hội, vào sáng thứ năm tuần thánh, mọi thành phần...

Thiên Chúa ôm lấy gót chân con người

Trên thập giá, Đức Giêsu đã ân cần đặt “gót chân Achilles” của nhân loại...