Paulthem, CSC
Cuộc sống con người luôn đan xen giữa niềm vui và nỗi buồn, giữa vinh quang và thử thách, giữa ánh sáng và bóng tối, …. Trong những lúc khó khăn, ai trong chúng ta cũng khao khát có được một điểm tựa, có được một niềm hy vọng để tiếp tục bước đi. Nhưng hy vọng thật sự không chỉ đơn thuần là một cảm giác lạc quan hay là một mong ước mơ hồ, mà hy vọng đích thực có nguồn gốc từ tình yêu, đó chính là tình yêu của Thiên Chúa và tình yêu giữa con người với nhau. Chính tình yêu này đã thúc đẩy chúng ta nhìn về phía trước với niềm tin, bởi khi biết mình được yêu thương, con tim của chúng ta sẽ trở nên mạnh mẽ hơn, kiên trì hơn và không dễ dàng bị đánh bại. Vì, “Đức mến tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả” (1Cr 13,7). Từ đó, tình yêu này đã làm nảy sinh và nuôi dưỡng hy vọng, và khi có tình yêu thương đích thực, chúng ta sẽ không bao giờ lâm vào ngõ cụt, nhưng luôn luôn mở ra con đường dẫn đến sự sống.
Trong hành trình đức tin, chúng ta được mời gọi không chỉ để đón nhận niềm hy vọng từ tình yêu của Thiên Chúa, mà còn trở thành chứng nhân của niềm hy vọng giữa thế giới này. Khi biết yêu thương, chia sẻ và nâng đỡ nhau, chúng ta sẽ trở thành ánh sáng cho những ai đang lạc lối, và sẽ trở thành niềm hy vọng cho những ai đang tuyệt vọng. Hy vọng cũng là ánh sáng soi đường cho chúng ta giữa những khó khăn và thử thách. Đối với người sống đời thánh hiến, hy vọng không chỉ là một cảm giác mong chờ vào một tương lai tươi đẹp, mà còn là một niềm xác tín chắc chắn được đặt trên nền tảng đó chính là tình yêu của Thiên Chúa. Và chính tình yêu này là nguồn mạch làm phát sinh và nuôi dưỡng hy vọng trong cuộc đời của mỗi người chúng ta.
Vậy, làm thế nào để tình yêu thực sự trở thành nguồn phát sinh hy vọng trong cuộc sống của chúng ta? Đâu là những dấu chỉ của một niềm hy vọng được nuôi dưỡng bằng chính tình yêu ấy?
1. Hy vọng – Nền tảng từ tình yêu Thiên Chúa
Hy vọng Kitô giáo không phải là một ý niệm trừu tượng hay một ước mơ viển vông, nhưng là một xác tín vững chắc được đặt trên nền tảng tình yêu trung tín của Thiên Chúa. Đây không phải là điều mà chúng ta tự tạo ra bằng công trạng hay nỗ lực riêng của chính mình, mà hoàn toàn là do hồng ân nhưng không của Thiên Chúa tặng ban. Do đó, hy vọng đã được phát xuất từ tình yêu nhưng không của Thiên Chúa. Thánh Phaolô trong thư Rôma khẳng định:“Vì nếu khi chúng ta còn là thù nghịch, chúng ta đã được hòa giải với Thiên Chúa nhờ cái chết của Con Ngài, thì huống chi bây giờ, khi đã được hòa giải, chúng ta sẽ được cứu nhờ sự sống của Người” (Rm 5,10). Điều này nhấn mạnh đến một chân lý quan trọng là ngay cả khi nhân loại còn xa cách, còn chìm đắm trong tình trạng tội lỗi, Thiên Chúa đã chủ động yêu thương và ban ơn cứu độ qua Đức Giêsu Kitô. Đây là một tình yêu vô điều kiện, không dựa trên sự xứng đáng của chúng ta. Nhưng chính nhờ tình yêu ấy, chúng ta có thể đặt trọn niềm hy vọng vào ơn cứu độ mà không sợ hãi hay nghi ngờ.
Như vậy, tình yêu của Thiên Chúa không chỉ là điểm khởi đầu mà còn là sự bảo đảm chắc chắn cho niềm hy vọng của chúng ta. Nếu Thiên Chúa không tiếc chính Con Một mà Ngài đã tặng ban cho nhân loại, thì còn điều gì mà Ngài không tiếp tục trao ban để dẫn dắt chúng ta đến sự sống đời đời? Chính vì thế, hy vọng của chúng ta không thể bị lung lay trước những thử thách của cuộc đời, vì nó được đặt nơi Thiên Chúa hằng sống và yêu thương.
Hơn thế nữa, hy vọng, đức tin và đức mến là mối dây liên kết không thể tách rời. Trong thư thứ nhất gửi tín hữu Côrintô, thánh Phaolô nhấn mạnh: “Hiện nay, đức tin, đức cậy, đức mến, cả ba đều tồn tại, nhưng cao trọng hơn cả là đức mến” (1Cr 13,13). Điều này giúp chúng ta hiểu rằng hy vọng không thể tồn tại độc lập, mà luôn luôn đi đôi với đức tin và đặc biệt là đức mến. Nếu đức tin giúp chúng ta nhận biết và tin tưởng vào Thiên Chúa, thì đức cậy sẽ giúp cho chúng ta kiên trì tiến bước trong niềm tin ấy, ngay cả giữa những thử thách. Tuy nhiên, đức mến mới là nền tảng nâng đỡ cả hai, bởi chính tình yêu của Thiên Chúa làm phát sinh niềm tin và nuôi dưỡng hy vọng. Khi chúng ta thực sự cảm nghiệm được tình yêu Thiên Chúa, chúng ta sẽ không còn sợ hãi hay tuyệt vọng, vì biết rằng chúng ta đã được Thiên Chúa yêu thương vô điều kiện. Và từ đó, tình yêu này sẽ mở ra cho chúng ta một chân trời mới để giúp chúng ta luôn luôn hy vọng ngay cả khi chúng ta đối diện với những nghịch cảnh của cuộc đời.
Vì vậy, chúng ta được mời gọi bước đi trong niềm hy vọng dựa trên nền tảng của tình yêu Thiên Chúa. Điều này không có nghĩa là cuộc đời của chúng ta sẽ không có những khổ đau hay thử thách, nhưng trong mọi hoàn cảnh, chúng ta luôn luôn có thể tín thác vào Đấng đã yêu thương và cứu độ chúng ta. Trong thực tế, có những lúc chúng ta cảm thấy đức tin bị lung lay, hay hy vọng bị thử thách. Những biến cố đau thương, những mất mát khôn lường hay những thất bại chán chường trong cuộc đời có thể khiến chúng ta rơi vào tình trạng chao đảo. Tuy nhiên, nếu nhìn lại lịch sử cứu độ, chúng ta sẽ thấy rằng Thiên Chúa chưa bao giờ bỏ rơi con cái mình. Ngài luôn luôn đồng hành, nâng đỡ và yêu thương ngay cả khi chúng ta yếu đuối nhất. Chính vì thế, khi đối diện với những khó khăn, chúng ta được mời gọi không ngừng chiêm ngắm tình yêu của Thiên Chúa, để từ đó chúng ta sẽ được củng cố niềm hy vọng của mình, vì rằng: “Thiên Chúa là Đấng trung tín” (1Cr 1,9). Như vậy, niềm hy vọng Kitô giáo là một niềm hy vọng chắc chắn, vì nó không dựa vào những yếu tố bất định của cuộc đời, nhưng được đặt vào trong tay của Thiên Chúa là Đấng hằng yêu thương và trung tín.
2. Hy vọng – Khơi nguồn từ thập giá của Đức Kitô
Hy vọng Kitô giáo không chỉ là một niềm mong đợi về tương lai mà còn là một xác tín được bảo đảm bằng chính tình yêu tự hiến của Đức Kitô trên thập giá. Nếu tình yêu Thiên Chúa là nền tảng của hy vọng, thì thập giá chính là nơi tình yêu ấy được bày tỏ một cách trọn vẹn nhất. Qua cái chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu, thập giá đã trở thành dấu chỉ của sự chiến thắng, của tình yêu mạnh hơn sự chết, và của niềm hy vọng không bao giờ tàn lụi. Vì vậy, hy vọng được sinh ra từ chính trái tim bị đâm thâu của Chúa Giêsu. Trong Thông điệp Spes Salvi số 3 nhấn mạnh rằng:“Niềm hy vọng nảy sinh từ tình yêu và dựa trên tình yêu tuôn chảy từ trái tim bị đâm thâu của Chúa Giêsu trên thập giá”. Điều này có nghĩa là hy vọng của chúng ta không phải là một cảm giác lạc quan hay là một sự mong chờ mơ hồ, mà là một niềm tin vững chắc được sinh ra từ tình yêu hy sinh của Chúa Giêsu. Ngài đã chịu khổ hình không phải vì Ngài bất lực, nhưng vì Ngài muốn đi đến tận cùng của tình yêu, yêu đến mức tự nguyện hiến dâng mạng sống mình để cứu chuộc nhân loại.
Trái tim bị đâm thâu của Chúa Giêsu đã tuôn trào máu và nước, đó là dấu chỉ của Bí tích Thanh Tẩy và Thánh Thể. Đây chính là nguồn suối của sự sống và hy vọng cho nhân loại. Nếu tình yêu của chúng ta là giới hạn, thì tình yêu của Thiên Chúa trên thập giá là tình yêu tròn dầy, là tình yêu vĩnh cửu, không có gì có thể hủy diệt được. Vậy, khi chiêm ngắm thập giá, chúng ta sẽ nhận thấy rằng hy vọng của mình không dựa vào những điều bất định của thế gian, mà là được đặt vào trong một tình yêu đã được chứng thực bằng sự tự hiến trọn vẹn.
Trước khi Đức Kitô chịu đóng đinh, thập giá chỉ là biểu tượng của án phạt, của sự ô nhục và là của sự thất bại nhục nhã ê chề. Nhưng kể từ khi Ngài giang tay trên thập giá, thập giá đã trở thành cây gỗ mang lại sự sống, và đó cũng chính là dấu chỉ cho sự chiến thắng và niềm hy vọng, vì rằng:“Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người hy sinh mạng sống vì bạn hữu mình” (Ga 15,13). Với cái chết trên thập giá của Đức Giêsu Kitô, đó không phải là một sự kết thúc, nhưng là khởi đầu cho một sự sống mới. Khi Ngài kêu lên: “Mọi sự đã hoàn tất!” (Ga 19,30), đó không phải là tiếng than vãn của một kẻ thất trận, mà là một lời khẳng định về một chiến thắng trọn vẹn; chiến thắng của tình yêu vượt trên mọi đau khổ; chiến thắng của một tình yêu vượt trên sự chết; và chiến thắng của một tình yêu vượt lên trên tất cả mọi tội lỗi.
Từ thập giá, Đức Kitô đã mở ra con đường hy vọng cho mỗi người chúng ta. Ngài đã mời gọi chúng ta không chỉ nhìn thập giá như một sự kiện lịch sử, mà còn là đón nhận nó như nguồn sức mạnh và niềm hy vọng trong cuộc sống hằng ngày. Vì vậy, khi gặp thử thách hay đau khổ, chúng ta được mời gọi nhìn lên thập giá và xác tín rằng Thiên Chúa luôn luôn đồng hành với chúng ta, ngay cả trong những lúc tăm tối nhất.
Lịch sử Giáo Hội cho chúng ta thấy có rất nhiều chứng nhân của niềm hy vọng phát sinh từ thập giá. Họ là những người đã dám chấp nhận đau khổ, thậm chí hy sinh mạng sống, vì tin tưởng vào tình yêu của Đức Kitô. Một trong những minh chứng rõ ràng nhất là câu chuyện của thánh Maximilianô Kolbê. Khi bị giam cầm trong trại tập trung Auschwitz, ngài đã tự nguyện thế mạng cho một người tù nhân khác, đó là một người cha đã có vợ và con đang chờ đợi. Trong những ngày cuối đời, dù phải chịu đói khát và cái chết chậm rãi trong phòng giam, thánh Maximilianô vẫn luôn động viên và cầu nguyện cùng các bạn tù. Ngài đã không để cho sự tàn bạo của con người dập tắt niềm hy vọng, và ngài đã biến nơi đau thương nhất thành nơi sáng ngời tình yêu và niềm tin. Như vậy, qua tấm gương của thánh nhân cho chúng ta thấy được rằng hy vọng Kitô giáo không phải là một ý niệm trừu tượng, mà là một thực tại sống động có thể biến đổi thế giới, và qua đó, nó có thể giúp con người kiên vững hơn ngay cả khi trong những lúc chúng ta gặp phải những hoàn cảnh khắc nghiệt nhất, vì biết chúng ta rằng, cuối cùng, chắc chắn tình yêu sẽ chiến thắng!
Dẫu biết rằng, trong đời sống hằng ngày, mỗi người chúng ta đều có những thập giá riêng, có thể là bệnh tật, mất mát, đau khổ hay những thử thách trong đời sống đức tin, … thay vì coi đó là gánh nặng, chúng ta được mời gọi nhìn lên thập giá với một cái nhìn mới như: (1) Thập giá là nơi Thiên Chúa đang hiện diện: Khi chịu đau khổ, chúng ta không còn cảm thấy bị cô đơn nữa, vì Chúa Giêsu đã đi trước và đang đồng hành với chúng ta. (2) Thập giá là con đường dẫn đến sự sống: Vì sẽ không có phục sinh nếu không có thập giá. Vậy, những đau khổ mà chúng ta gánh chịu hôm nay có thể sẽ trở thành những hạt giống mang lại hoa trái thiêng liêng. (3) Thập giá là lời mời gọi sống yêu thương: Khi ôm lấy thập giá với tình yêu, chúng ta sẽ có thể trở thành nguồn hy vọng cho người khác, giống như Chúa Giêsu đã trở thành nguồn hy vọng cho toàn thế giới.
Như vậy, hy vọng Kitô giáo không dựa trên một tương lai vô định, nhưng được đặt nền tảng trên tình yêu của Thiên Chúa, và được biểu lộ một cách trọn vẹn nhất trên thập giá. Khi nhìn lên thập giá, chúng ta sẽ được nhìn thấy không phải là một hình ảnh của sự đau khổ, mà là một biểu tượng của tình yêu, của sự chiến thắng và của niềm hy vọng, vì rằng: “Nếu chúng ta cùng chết với Người, chúng ta cũng sẽ cùng sống với Người” (2Tm 2,11). Vì vậy, trong mọi hoàn cảnh, thập giá luôn luôn là lời nhắc nhở cho chúng rằng, Thiên Chúa không bao giờ bỏ rơi chúng ta, vì080 chính Ngài luôn yêu thương, đồng hành và ban cho chúng ta niềm hy vọng vào sự sống đời đời.
3. Hy vọng – Sống và lan tỏa qua đời sống thánh hiến
Hy vọng Kitô giáo không chỉ là một niềm tin cá nhân, mà còn là một thực tại được thể hiện qua đời sống dâng hiến. Với chúng ta, những người sống đời thánh hiến không chỉ ôm ấp niềm hy vọng nơi Thiên Chúa mà còn trở thành chứng nhân để lan tỏa niềm hy vọng đó cho thế giới. Chúng ta được chọn để từ bỏ những gì thuộc về thế gian, và những từ bỏ đó không phải làm cho chúng ta sẽ “thua thiệt”, mà qua đó sẽ làm cho chúng tìm thấy một điều quý giá hơn, đó chính là Thiên Chúa làm gia nghiệp vĩnh cửu của mình. Sách Đời Sống số 9 của Dòng Phaolô khẳng định:“Sự hiến tế khơi nguồn từ Đức Ái mà Thiên Chúa đã ban tràn ngập lòng ta: sự hiến tế buộc ta tận tình mến Chúa và yêu mọi người, sự hiến tế đó được biểu hiện qua lời khấn Khiết Tịnh, Khó Nghèo và Vâng Phục”. Như vậy, với lời khấn của đời tu không chỉ là một cam kết cá nhân mà còn là một hành động mang ý nghĩa sâu xa về niềm hy vọng. Đối với lời khấn khiết tịnh: là một lời khẳng định rằng chỉ với tình yêu Thiên Chúa là đủ, và người sống đời thánh hiến không cần tìm kiếm niềm hạnh phúc trần thế để lấp đầy trái tim của mình. Điều này diễn tả niềm hy vọng rằng, tình yêu của Thiên Chúa là vĩnh cửu và có thể làm no thỏa tâm hồn chúng ta. Với lời khấn khó nghèo: là một sự từ bỏ những giá trị vật chất và đặt trọn vẹn niềm tin vào Thiên Chúa, vì biết rằng của cải trần gian không thể mang lại hạnh phúc đích thực. Đây là một lời chứng hùng hồn về niềm hy vọng rằng, Thiên Chúa sẽ luôn luôn chăm sóc và nâng đỡ con cái của Ngài. Còn đối với lời khấn vâng phục: là một sự từ bỏ ý riêng để bước đi theo ý muốn của Thiên Chúa, vì rằng, người sống đời thánh hiến chấp nhận hành trình đức tin ngay cả khi không nhìn thấy rõ tương lai, vì chúng ta tin tưởng rằng Thiên Chúa luôn luôn hướng dẫn con đường của chúng ta. Như vậy, đời sống thánh hiến không chỉ là một sự từ bỏ mà còn là một lời tuyên xưng mạnh mẽ về niềm hy vọng vào Thiên Chúa, Đấng duy nhất có thể mang lại sự viên mãn. Khi chúng ta sống trung thành với lời khấn, chúng ta sẽ không chỉ củng cố niềm hy vọng cho chính mình mà còn trở thành dấu chỉ của niềm hy vọng cho thế giới.
Nhìn vào thế giới ngày nay, chúng ta thấy đầy những biến động, đau khổ, chiến tranh, và bất công. Trong một thực tại như vậy, sự hiện diện của chúng ta, những người sống đời thánh hiến sẽ trở thành một ánh sáng chiếu soi, và sẽ trở thành một chứng nhân cho một niềm hy vọng lớn lao hơn những gì mà con người có thể thấy trước mắt. Vì vậy, là người tu sĩ, chúng ta không sống tách biệt khỏi thế giới nhưng dấn thân vào đời với một niềm hy vọng vững chắc rằng tình yêu của Thiên Chúa có thể biến đổi con người. Chúng ta có thể dấn thân trong các lãnh vực giáo dục, y tế, bác ái, truyền giáo, và cầu nguyện, … tất cả đều hướng đến một việc, đó là mang hy vọng đến cho những người đang lạc lối hoặc đau khổ. Thánh Têrêsa Calcutta là một minh chứng sống động về điều này. Dù phục vụ những người nghèo khổ nhất, sống giữa những cảnh đời bi đát nhất, nhưng mẹ thánh không bao giờ đánh mất niềm hy vọng. Khi bế một người hấp hối trong tay, khi ôm ấp một đứa trẻ bị bỏ rơi, mẹ không chỉ trao cho họ thức ăn và chỗ ở, mà còn trao tặng họ niềm hy vọng với hy vọng rằng họ được yêu thương, hy vọng rằng họ có giá trị trong mắt Thiên Chúa, như mẹ thánh đã từng nói:“Không phải tất cả chúng ta đều có thể làm những điều vĩ đại, nhưng chúng ta có thể làm những điều nhỏ bé với tình yêu lớn lao”. Vâng, tình yêu lớn lao ấy chính là động lực để chúng ta sống với một niềm hy vọng sống động và lan tỏa.
Tuy nhiên, dù mang trong mình niềm hy vọng lớn lao đó, chúng ta, những người sống đời thánh hiến cũng không tránh khỏi những thử thách. Có những lúc chúng ta cũng phải trải qua sự khô khan thiêng liêng, những giai đoạn tối tăm, những hoài nghi về ơn gọi của mình, …. như thánh Têrêsa Calcutta cũng từng có thời gian kéo dài hơn 50 năm cảm thấy sự im lặng của Thiên Chúa, nhưng mẹ vẫn trung thành với sứ mạng của mình. Những lúc như thế, chính sự trung tín với lời khấn giúp cho chúng ta vẫn tiếp tục bước đi. Vì chúng ta nhận biết rằng niềm hy vọng của chúng ta không dựa trên cảm xúc nhất thời, mà được đặt trên nền tảng đó chính là tình yêu vĩnh cửu của Thiên Chúa. Do đó, chúng ta vẫn phải tiếp tục cầu nguyện, tiếp tục phục vụ, ngay cả khi chúng ta không cảm nhận được rõ ràng sự hiện diện của Thiên Chúa, bởi chúng ta tin rằng hy vọng không chỉ là một cảm xúc, mà là một sự tín thác, như thánh Gioan Phaolô II đã từng nói:“Hỡi những người tận hiến, đừng sợ! Hãy tin tưởng vào Chúa, Đấng đã kêu gọi các con. Hãy để cho niềm hy vọng hướng dẫn các con, ngay cả trong những thời khắc tối tăm nhất”. Vâng, điều này cho thấy rằng đời sống thánh hiến của chúng ta là một hành trình hy vọng liên tục, ngay cả khi phải đi qua những sa mạc thiêng liêng của cuộc đời mình.
Một trong những khía cạnh quan trọng nhất của đời sống thánh hiến là chúng ta sẽ trở thành dấu chỉ của Nước Trời ngay tại trần gian. Do đó, là người tu sĩ, chúng ta được mời gọi từ bỏ đời sống gia đình, từ bỏ của cải vật chất, từ bỏ ý riêng, … không phải vì coi thường những điều ấy, mà là vì chúng ta muốn sống trước thực tại của Nước Trời, nơi có Thiên Chúa là tất cả! Vì vậy, chúng ta sống như những người hành hương, luôn hướng về quê hương vĩnh cửu, và trong chính cách sống đó, chúng ta được mời gọi để kêu gọi mọi người cùng đặt niềm hy vọng vào Thiên Chúa. Khi nhìn vào một người tu sĩ sống tràn đầy niềm vui và bình an, người ta có thể tự hỏi: “Điều gì làm cho họ hạnh phúc như vậy?” Và câu trả lời đó chính là: “Họ đã tìm thấy Thiên Chúa, và đó là đủ!”
Như vậy, đời sống thánh hiến không chỉ là một hành trình cá nhân, mà còn là một lời chứng mạnh mẽ về sự hy vọng giữa thế giới hôm nay. Khi sống trung thành với lời khấn, chúng ta, là những người tu sĩ không chỉ củng cố niềm hy vọng cho chính bản thân mình mà còn làm lan tỏa điều đó đến với những người xung quanh. Mặc dù đối diện với những thử thách, nhưng chúng ta vẫn phải bước đi trong niềm tin chắc chắn rằng Thiên Chúa là gia nghiệp vĩnh cửu, và rằng, chính tình yêu của Ngài đủ để lấp đầy trái tim của chúng ta. Và chính sự tín thác ấy làm cho chúng ta sẽ trở thành ánh sáng hy vọng giữa thế giới đầy bất ổn này, như Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói: “Người sống đời thánh hiến được mời gọi trở thành những con người của hy vọng: họ biết rằng Thiên Chúa là Chúa của lịch sử, và dù có những đêm tối, bình minh mới chắc chắn sẽ đến”. Do đó, nhờ đời sống thánh hiến, hy vọng sẽ không còn chỉ là một điều để tin tưởng nữa, mà là một điều để được sống và để được lan tỏa mỗi ngày.
4. Nên chứng nhân cho niềm hy vọng
Ngày nay, thế giới chứng kiến biết bao là biến động: chiến tranh, thiên tai, đói nghèo, dịch bệnh, khủng hoảng, suy đồi đạo đức, … Trong bối cảnh đó, nhiều người đã đánh mất phương hướng, rơi vào trình trạng thất vọng và lo sợ trước một tương lai bất định. Tuy nhiên, chính trong những lúc đen tối nhất, sứ mạng của người Kitô hữu (nói chung) và người tu sĩ (nói riêng) càng trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết để trở thành những chứng nhân của niềm hy vọng.
Với hy vọng Kitô giáo, đây không phải là một thứ ảo tưởng hay lạc quan mù quáng, mà là một niềm xác tín vững chắc được đặt trên nền tảng tình yêu của Thiên Chúa. Chính Chúa Giêsu đã nói với các môn đệ của mình trước khi chịu khổ hình: “Trong thế gian, anh em sẽ gian nan khốn khó. Nhưng can đảm lên, Thầy đã thắng thế gian!” (Ga 16,33). Những lời này nhắc nhở chúng ta rằng, giữa những thử thách của cuộc sống, chúng ta không đơn độc, mà luôn luôn có Chúa đồng hành. Đức Giáo hoàng Phanxicô trong Tông huấn Evangelii Gaudium đã nhấn mạnh:“Chúng ta hãy là những người mang hy vọng, ngay cả trong những hoàn cảnh dường như không có lối thoát” (EG 86). Vì vậy, niềm hy vọng Kitô giáo không chỉ là một cảm xúc cá nhân, mà là phải được thể hiện ra bên ngoài qua đời sống chứng tá. Khi chúng ta sống với niềm xác tín rằng Thiên Chúa yêu thương và quan phòng, thì chính đời sống của mình sẽ lan tỏa ánh sáng và niềm hy vọng đó đến với những người xung quanh. Niềm hy vọng này cũng không thể chỉ dừng lại ở lý thuyết hay lời nói, mà cần được hiện thực hóa bằng chính hành động cụ thể như (1) An ủi người đau khổ: Trong thế giới đầy những “vết thương” này, mỗi cử chỉ yêu thương, nâng đỡ đều là một tia sáng của niềm hy vọng. Một lời động viên, một hành động sẻ chia có thể làm dịu bớt nỗi đau và khơi lên niềm hy vọng cho những ai đang cảm thấy bị bỏ rơi. (2) Phục vụ người nghèo: Thánh Têrêsa Calcutta là một mẫu gương điển hình. Giữa lòng xã hội đầy rẫy sự thờ ơ, mẹ đã mang hy vọng đến cho những người nghèo khổ nhất bằng những hành động bác ái đơn sơ nhưng đầy yêu thương. Chính mẹ đã nói: “Không phải tất cả chúng ta đều có thể làm những điều vĩ đại, nhưng chúng ta có thể làm những điều nhỏ bé với tình yêu lớn lao”. (3) Dấn thân vì công lý và hòa bình: Những bất công và xung đột trên thế giới là một trong những nguyên nhân chính khiến nhiều người mất niềm tin và không còn hy vọng. Do đó, chúng ta là những người sống đời thánh hiến được mời gọi để trở thành khí cụ hòa bình, đấu tranh cho công lý, bảo vệ sự sống và phẩm giá con người.
Hơn thế nữa, để làm chứng cho niềm hy vọng không chỉ là những hoạt động bề ngoài, mà trước hết, phải bắt nguồn từ mối tương quan thân tình với Thiên Chúa. Cầu nguyện là nguồn mạch giúp chúng ta vững tin, ngay cả khi đối diện với những gian nan và thử thách. Đây là một lời mời gọi mạnh mẽ để chúng ta luôn luôn biết đặt trọn niềm tín thác vào Thiên Chúa.
Cuối cùng, làm chứng cho niềm hy vọng là sống sao cho cuộc đời của mình sẽ trở thành một dấu chỉ của Nước Trời ngay giữa lòng trần thế. Đó là một niềm hy vọng không dựa trên sự an toàn vật chất hay thành công thế gian, mà đặt trọn nơi Chúa Kitô, như thánh Phaolô trong thư gửi tín hữu Rôma đã khẳng định: “Chúng ta vui mừng trong niềm hy vọng, kiên nhẫn trong gian truân, bền bỉ trong cầu nguyện” (Rm 12,12). Vì vậy, sống niềm hy vọng trong thế giới hôm nay không phải là chối bỏ thực tại đau khổ, mà là biết nhìn xa hơn, sâu hơn, rộng hơn và cao hơn để khám ra phá rằng, ngay giữa những khó khăn, Thiên Chúa vẫn đang hoạt động và mời gọi chúng ta trở thành dấu chỉ tình yêu và ánh sáng của Ngài.
Thơ rằng:
Đời người vướng những gian lao,
Nhưng luôn có Chúa dạt dào tình thương.
Dẫu cho gian khó, đoạn trường
Vẫn luôn hy vọng, dẫn đường bước đi.
Thiên Chúa trung tín khắc ghi,
Dẫu bao thử thách vẫn thì cậy trông.
Dẫu cho thập giá nhuốm hồng,
Nhưng luôn hy vọng vào lòng xót thương.
Yêu thương không có đoạn trường,
Mà luôn nâng đỡ, mở đường phục sinh.
Ai yêu sẽ thấy an bình,
Hy vọng thắp sáng, tâm linh vững vàng.
Người tu dâng hiến trọn đàng,
Vững tin vào Chúa, chứa chan nghĩa tình.
Vâng lời, khiết tịnh, trung trinh,
Để tình yêu Chúa “xâm mình” trần gian.
Dẫu đời sóng gió ngập tràn,
Hy vọng vững bước, chứa chan ơn lành.
Tình yêu Thiên Chúa ngọt lành,
Cho ta sức mạnh, lòng thành chẳng lay!
Bài viết liên quan
Bước đi trong hy vọng và tình yêu qua sắc chỉ “Spes Non Confundit” và thông điệp “Dilexit Nos”
BƯỚC ĐI TRONG HY VỌNG VÀ TÌNH YÊU QUA SẮC CHỈ “Spes Non Confundit” VÀ...
Th3
Ngày đó, các Anh hy vọng gì?
Anh em Dòng Thánh Tâm Huế vui mừng vì được sống trong thời gian ân...
Th3
Trend hy vọng
Trong những năm gần đây, chúng ta thường được nghe các thuật ngữ mới lạ...
Th3
Dòng Thánh Tâm Huế – Niềm hy vọng từ những vụ mùa bội thu ơn gọi
Vỏn Vẹn, CSC Năm Thánh “Hy Vọng” của Giáo hội được mở ra trùng với...
Th3
Xây dựng mái ấm gia đình trong niềm hy vọng
“Gia đình là đôi tai để lắng nghe, bờ vai để khóc và trái tim...
Th3
Đức Kitô là con đường hy vọng
Giữa nhịp sống hối hả, giữa những muộn phiền và lo toan của cuộc sống...
Th3