Những đôi mắt hiển linh (Suy niệm Tin Mừng Chúa Nhật Lễ Hiển Linh)

21020c0cLời Chúa: Mt 2,1-12

Khi Đức Giê-su ra đời tại Bê-lem, miền Giu-đê, thời vua Hê-rô-đê trị vì, có mấy nhà chiêm tinh từ Phương Đông đến Giê-ru-sa-lem, và hỏi: “Đức Vua dân Do-thái mới sinh, hiện ở đâu? Chúng tôi đã thấy ngôi sao của Người xuất hiện bên Phương Đông, nên chúng tôi đến bái lạy Người”.

Nghe tin ấy, vua Hê-rô-đê bối rối, và cả thành Giê-ru-sa-lem cũng xôn xao. Nhà vua liền triệu tập tất cả các thượng tế và kinh sư trong dân lại, rồi hỏi cho biết Đấng Ki-tô phải sinh ra ở đâu? Họ trả lời: “Tại Bê-lem, miền Giu-đê, vì trong sách ngôn sứ có chép rằng: Phần ngươi, hỡi Bê-lem, miền đất Giu-đa, ngươi đâu phải là thành nhỏ nhất của Giu-đa, vì ngươi là nơi vị lãnh tụ chăn dắt Ít-ra-en dân Ta sẽ ra đời”.

Bấy giờ vua Hê-rô-đê bí mật vời các nhà chiêm tinh đến, hỏi cặn kẽ về ngày giờ ngôi sao đã xuất hiện. Rồi vua phái các vị ấy đi Bê-lem và dặn rằng: “Xin quý ngài đi dò hỏi tường tận về Hài Nhi, và khi đã tìm thấy, xin báo lại cho tôi, để tôi cũng đến bái lạy Người”. Nghe nhà vua nói thế, họ ra đi. Bấy giờ ngôi sao họ đã thấy ở phương Đông, lại dẫn đường cho họ đến tận nơi Hài Nhi ở, mới dừng lại.

Trông thấy ngôi sao, họ mừng rỡ vô cùng. Họ vào nhà, thấy Hài Nhi với thân mẫu là bà Ma-ri-a, liền sấp mình thờ lạy Người. Rồi họ mở bảo tráp, lấy vàng, nhũ hương và mộc dược mà dâng tiến. Sau đó, họ được báo mộng là đừng trở lại gặp vua Hê-rô-đê nữa, nên đã đi lối khác mà về xứ mình.  

NHỮNG ĐÔI MẮT HIỂN LINH

“Nhà đạo sĩ khác” là một câu chuyện của văn sĩ Henry van Dyke người Mỹ (1852-1933), kể về nhân vật thứ tư mà đáng lẽ đã cùng ba nhà đạo sĩ kia đi tìm Ấu Chúa. Nhân vật này tên là Artaban. Lúc rời nhà, Artaban mang theo một túi đựng đá quý để làm lễ vật. Thế nhưng, trên đường đến gặp 3 vị kia để cùng đi, Artaban lại dừng chân để giúp một người nghèo và thế là bỏ mất cơ hội theo kịp các vị. Tuy nhiên, ông vẫn tiếp tục kiên trì dừng lại để cứu vớt những ai gặp khốn khổ. Rốt cục, ông cho đi tất cả số đá quý của mình và trở nên nghèo khổ. Và ông chẳng bao giờ thực hiện được giấc mơ bái yết Vua các vì vua để đặt túi đá quý của ông dưới chân Người.

Một ngày kia, 30 năm sau đó, Artaban đang ở tại Giê-ru-sa-lem thì thấy thành phố xôn xao vì một tội nhân nổi tiếng sắp sửa bị nhà cầm quyền hành hình. Khi nhìn thấy tội nhân, trái tim ông đập thình thịch. Linh tính báo cho ông biết đây chính là Vua các vì vua mà ông đã suốt đời tìm kiếm. Nhìn thấy cảnh tượng trước mắt, Artaban cảm thấy trái tim như tan vỡ, nhất là vì ông chẳng có thể làm gì được để giúp đỡ Người. Thế nhưng, thật lạ lùng, vị Vua ấy đã nói cùng ông: “Này Artaban, đừng buồn khổ nữa! Suốt đời ông đã từng giúp đỡ Ta. Khi Ta đói ông đã cho ăn, Ta khát ông đã cho uống, Ta trần trụi ông đã cho mặc, Ta là khách lạ ông đã đón tiếp vào nhà”.

1. Thấy Thiên Chúa tỏ mình cho nhân loại

Artaban cuối cùng đã nhận ra Thiên Chúa như ba nhà đạo sĩ (chiêm tinh), chỉ khác là trong hình hài một tội nhân. Cả hai bên đã nhờ niềm tin và đức ái mà “thấy”. Thấy ở đây là khám phá những điều bí ẩn nhờ đôi mắt, những “đôi mắt lễ Hiển linh”: “Thấy Hài Nhi với thân mẫu là bà Ma-ri-a, các đạo sĩ liền sấp mình thờ lạy Người”. Thấy tội nhân Giê-su vác thập giá, trái tim Artaban đã đập thình thịch và như tan vỡ.

“Bốn” vị đạo sĩ đã biết gì? Họ đã tưởng tượng những gì? Đã phải xuống từ độ cao nào để có thể thích ứng ngay lập tức với thực tại quá khiêm tốn như thế: một cặp vợ chồng trẻ đang bế một hài nhi? một hình hài tả tơi đang vác cây thập tự? Họ đã “thấy”.

Tiếng gọi đầu tiên của lễ Hiển linh là thấy Hài nhi. Thấy tất cả những gì có trong hữu thể nhỏ bé độc nhất vô nhị nầy, tự nhủ rằng nhờ Người chúng ta có thể thấy Thiên Chúa, như lối diễn tả tuyệt vời của phụng vụ Ác-mê-ni: “Hôm nay, Đấng vô hình đã xuất hiện. Đấng chúng ta chẳng thấy giờ tỏ mình cho thấy, để biến chúng ta thành những nhà thấu thị”. Và của thánh Gio-an Kim khẩu: “Cái gì đã bắt các đạo sĩ thờ lạy Hài nhi như thế? Đức Trinh nữ không mang dấu hiệu nào khiến người ta chú ý; chẳng có chút huy hoàng nào nơi trú ngụ; không gì có thể gây kinh ngạc hay quyến rũ. Thế nhưng chẳng những họ thờ lạy mà còn dâng nhiều lễ vật lấy từ kho tàng mình; những của lễ không như thiên hạ dâng cho một con người, mà dâng cho một Thiên Chúa; vì nhũ hương và mộc dược là những biểu tượng tuyệt hảo của Thiên Chúa. Vậy cái gì đã thuyết phục họ làm như vậy? Đó chính là cái đã khiến họ lên đường ra đi, đã khiến họ rời bỏ mái ấm để thực hiện một cuộc du hành. Tôi muốn nói là ngôi sao và sự soi sáng nội tâm mà Thiên Chúa đã đặt vào lòng họ và dần dần họ tới chỗ hiểu biết trọn vẹn hơn. Không có cái đó, thì khi thấy sự tầm thường vô nghĩa của quang cảnh, các đạo sĩ đã chẳng tỏ lòng tôn kính Hài Nhi như vậy. Nhưng tất cả những gì bày ra trước giác quan: máng cỏ, chuồng bò, bà mẹ nghèo, sở dĩ thiếu vẻ cao quý cũng chỉ để làm nổi bật sự khôn ngoan của các đạo sĩ và giúp ta hiểu rằng họ đã chẳng đến để viếng một con người, nhưng để viếng một Thiên Chúa và một Thiên Chúa giàu phúc ân”.

Làm sao không nghĩ đến câu nói thời danh của thánh I-rê-nê mà thiết tưởng phải luôn trích đầy đủ: “Vinh quang Thiên Chúa chính là sự sống của con người, và sống đối với con người chính là thấy được Thiên Chúa”.

Thấy Thiên Chúa. “Không ai, thánh Gio-an sẽ nói trong bài tựa Tin Mừng của ông, không ai đã thấy Thiên Chúa bao giờ; nhưng Con Một là Đấng hằng ở nơi cung lòng Chúa Cha, chính Người đã tỏ cho chúng ta biết” (Ga 1,18).

Nếu chúng ta đã có đôi mắt để nhìn thấy những điều nầy! Đôi mắt của đức tin, đôi mắt mà ngày xưa, tại Pa-lét-ti-na, đã biết mở ra trước mầu nhiệm Đức Giê-su, và cái nhìn nội tâm mà giờ đây khiến chúng ta quỳ xuống trước Người. “Điều gì ngăn cản bạn hướng lên Chúa cái nhìn của tâm hồn? Thánh Tê-rê-xa A-vi-la từng viết, Người chỉ chờ nơi bạn một cái nhìn thôi”.

2. Thấy nhân loại đi tìm Thiên Chúa

Tuy nhiên, cái nhìn nội tâm nầy, sức mạnh thấu thị của đức tin nầy không được làm chúng ta khép kín trong một khu biệt cư nhỏ: “Chúa và con!” Hoặc ngay cả trong một khu biệt cư lớn: “Chúng ta, các Ki-tô hữu”. Đây là lời mời gọi thứ hai của lễ Hiển linh: nhận thức được rằng Hài Nhi là để cho mọi người. Đằng sau các đạo sĩ, phải thấy được những đám đông mà họ là biểu tượng, những đám đông mà I-sai-a từng khám phá với đôi mắt Hiển linh: “Nhìn đi, Giê-ru-sa-lem hỡi! Bóng tối bao trùm chư dân nhưng trên ngươi Chúa lại chiếu tỏa. Chư dân sẽ đi về phía ánh sáng của ngươi. Nhìn đi! Họ đang tụ họp lại kìa”. (x. Is 60,1-6, bài đọc I).

Nhưng hình như có một định mệnh nào đó giới hạn tầm nhìn của chúng ta. Được tạo dựng cho những không gian bao la của một thế giới mong chờ Thiên Chúa, chúng ta lại chúi mũi vào cuộc sống của mình và vào giáo xứ của mình, cộng đoàn của mình. Thỉnh thoảng những đám đông cuồng nhiệt tung hô Đức Giáo hoàng (như trong các Ngày Quốc tế Giới trẻ tại khắp nơi) gây lại nơi ta sự rung động kiểu Công giáo, tạo lại cho ta hình ảnh đám đông bao la quy tụ để đi vào cõi đời đời. Nhưng rất nhanh chóng, chúng ta trở về lại với “nội bộ” của những nhóm nhỏ còn hành đạo.

Phải chăng chúng ta chấp nhận quá dễ dàng sự phát triển của thái độ vô tín? Phải chăng là bình thường chuyện quen sống trong các “khu bảo tồn” Ki-tô giáo, giữa những thế giới trong đó từ “Thiên Chúa” chẳng còn ý nghĩa?

Lạy Chúa, xin đánh thức trong chúng con nhiệt tình của các Ki-tô hữu đầu tiên, những người thấy lời Đức Giê-su còn sống động nóng hổi: “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ” (Mt 28,19). Ước gì Giáo Hội Chúa, Giáo Hội của thời đại vô tín ngưỡng này, không ngừng ưu tiên cho việc truyền giáo. Ước gì trên mười linh mục, người ta chẳng chỉ định chín vị để nâng niu chiều chuộng các tín hữu và một để đương đầu với những môi trường trong đó Chúa không có hay không còn hiện diện nữa.

Khi cầu nguyện Chúa như thế, con thấy phải nhớ lại chứng thiếu máu truyền giáo của con. Hay có lẽ là những nỗi sợ của con. Sống giữa những người nam nữ chẳng bao giờ thấy Chúa mà con vẫn làm như thể đã chẳng thấy Chúa bao giờ. Nhưng làm sao nói về Chúa cho đám đông của đường phố, của cửa hàng, của nhà máy, của công sở đây? Và thậm chí chỉ cho Mai, Dũng… mà con lui tới từ nhiều năm nay nhưng đã chẳng khiến họ quan tâm được một chút về Ngài? Tôn trọng tư tưởng, lương tâm họ ư? Chỉ là cái cớ! Con bĩu môi khi nghe nói đến phái Chứng nhân Giê-hô-va với những kiểu giảng đạo ồn ào dạn dĩ, nhưng phần con, đâu là các hoạt động truyền giáo của con?

Con là một chứng nhân như thế nào? Khá dễ khi lặp đi lặp lại rằng người ta làm chứng bằng cuộc sống. Con biết đôi khi việc loan báo đòi hỏi phải nói thành lời, thế mà con vẫn im lặng. Con rốt cuộc không còn thấy những kẻ có lẽ đang chờ đợi chứng từ của con. Xin ban cho con đôi mắt tông đồ, đôi mắt Hiển linh, đôi mắt của Artaban, của ba nhà đạo sĩ.

Lm. Phêrô Phan Văn Lợi, TGP Huế

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *