Sống với Thiên Chúa – Nghe lời Đức Kitô

CHÚA NHẬT 2 MÙA CHAY NĂM B : MC 9,2-10
Khi ấy, Đức Giê-su đem các ông Phê-rô, Gia-cô-bê và Gio-an đi theo mình. Người đưa các ông đi riêng ra một chỗ, chỉ mình các ông thôi, tới một ngọn núi cao. Rồi Người biến đổi hình dạng trước mắt các ông. Y phục Người trở nên rực rỡ, trắng tinh, không có thợ nào ở trần gian giặt trắng được như vậy. Và ba môn đệ thấy ông Ê-li-a cùng ông Mô-sê hiện ra đàm đạo với Đức Giê-su.
Bấy giờ ông Phê-rô thưa với Đức Giê-su rằng : “Thưa Thầy, chúng con ở đây, thật là hay ! Chúng con xin dựng ba cái lều, một cho Thầy, một cho ông Mô-sê và một cho ông Ê-li-a. Thật ra, ông không biết phải nói gì, vì các ông kinh hoàng. Bỗng có một đám mây bao phủ các ông. Và từ đám mây, có tiếng phán rằng : “Đây là Con Ta yêu dấu, hãy vâng nghe lời Người.” Các ông chợt nhìn quanh thì không thấy ai nữa, chỉ còn Đức Giê-su với các ông mà thôi.
Ở trên núi xuống, Đức Giê-su truyền cho các ông không được kể lại cho ai nghe những điều vừa thấy, trước khi Con Người từ cõi chết sống lại. Các ông tuân lệnh đó, nhưng vẫn bàn hỏi nhau xem câu “từ cõi chết sống lại” nghĩa là gì.
3333
Thánh Mác-cô đã đặt trình thuật Hiển dung của Đức Giê-su trong tương quan với việc Người công bố lần thứ nhất cuộc khổ nạn và giáo huấn cho các môn đệ là phải vác thánh giá theo Người (x. Mc 8,31-38). Việc này đã vấp phải sự không hiểu nơi các ông và khiến họ kinh hoảng. Thái độ ấy của các ông xuất phát từ một quan niệm mang màu sắc chính trị về Đấng Mê-si-a, cũng như từ những mơ ước quá ư trần tục của những kẻ đang mãi chôn chân trong cõi thế gian này. Để giúp họ chịu lắng nghe và chấp nhận những lời khó nuốt của Người cũng như để nâng lòng họ lên cao hơn, hướng về một thế giới siêu việt, Đức Giê-su đã thực hiện trước mắt ba chứng nhân cuộc Hiển dung (Biến hình) sáu ngày sau đó.
1. Sống đời “âm thanh nổi”
Cho tới nay, Tin Mừng vẫn dìm ta trong cuộc sống thông thường nhất. Ở đây trái lại, tất cả đều huyền hoặc. Một Đức Giê-su mặc áo vinh quang trắng tinh, sự tương nhập giữa các thời đại, đám mây thần linh tuyên phán : “Hãy vâng nghe Người”. Và cuối cùng là một chỉ thị của Đức Giê-su dìm các môn đệ vào cơn bối rối, nghĩa là lối nói “từ cõi chết sống lại.”  Mỗi lần câu chuyện này trở lại (Chúa nhật Thứ hai Mùa Chay cả ba năm A, B, C), chúng ta lại tự đặt câu hỏi : tất cả những cái đó muốn nói lên điều gì ? Chúng ta được đưa vào một thế giới khác. Nơi Mô-sê và Ê-li-a có thể trò chuyện với Đức Giê-su, nơi chúng ta tới gần Cha trên trời, nơi nhắc đến một thực tại diệu kỳ và mầu nhiệm : sự phục sinh.
Cuộc Hiển dung phải chăng là một trang để mơ mộng ? Một phụ bản lộng lẫy nằm ngoài rìa thực tế ? Không, đó cũng là thực tế của chúng ta, chúng ta thuộc về hai thế giới có thực như nhau. Chúng ta là những kẻ xuyên tường.
“Các anh, những Ki-tô hữu, một người lương từng nhận xét, các anh sống trong âm thanh nổi (stéréo)”. Gần như vậy. Lắng nghe cuộc sống dưới thế này, đôi lúc chúng ta cũng nối mình với những làn sóng khác : Kinh thánh, một sách tu đức, điều Thiên Chúa muốn nói với chúng ta trong một giờ cầu nguyện thinh lặng. Cái khó khăn là hòa hợp các thông tin ấy. Hôm nay chẳng hạn, người ta có thể nghe trình thuật Hiển dung cách khá lơ đãng : nếu thế thì đời ta thay đổi được gì ?
Vậy nếu chúng ta có đức tin khá mạnh mẽ để sống mọi chân trời của đời mình, chúng ta sẽ chẳng bao giờ để mình bị khép kín trong cuộc sống trần gian đây. “Chúng ta đã cùng chết với Đức Ki-tô, để sự sống của Đức Ki-tô cũng được biểu lộ nơi thân mình chúng ta. Chúng ta sống, nhưng không còn phải là chúng ta, mà là Đức Ki-tô sống trong chúng ta, một đời sống trong trắng, thanh tịnh, đơn sơ và đủ mọi nhân đức. Chúng ta đã sống lại với Đức Ki-tô, nên hãy sống trong Người, hãy tiến lên trong Người, để ở dưới đất này, con rắn không thể cắn vào gót chân chúng ta được nữa. Chúng ta hãy trốn khỏi nơi này. Tinh thần bạn có thể trốn xa, dù thân xác bạn bị cầm giữ. Bạn có thể vừa ở đây vừa ở trước mặt Thiên Chúa, nếu linh hồn bạn vẫn gắn bó cùng Người, nếu trong tâm tưởng, bạn vẫn tiếp bước sau Người, nếu nhờ đức tin, chứ không cần mắt thấy, bạn vẫn đi theo Người, và nếu bạn cứ ẩn thân nơi Người. Người quả là nơi nương náu, là sức mạnh như vua Đa-vít nói : Con ẩn náu nơi Ngài và con không phải thất vọng” (T hánh Ambrôsiô, Khảo luận “Xa tránh thế gian”). Chúng ta sẽ bỏ sự đơn điệu, các lo âu và thậm chí các niềm vui của cuộc sống đời này để lắng nghe tiếng nói của Mô-sê, của Chúa Cha và của Đức Giê-su.
2. Lắng nghe “Đấng duy nhất”
Nhưng dẫu là tiếng của Mô-sê, của Chúa Cha hay của Đức Giê-su, cả ba tiếng nói chỉ là một, cả ba hướng về, cô đọng, hội tụ và nên viên mãn nơi kẻ nhận được tự đám mây lời tuyên phán : “Đây là Con Ta yêu dấu, hãy vâng nghe lời Người. Ý tưởng “độc nhất vô nhị”, “một mình” này được Mác-cô diễn tả bằng nhiều cách ; trước hết nơi câu khai mở : “Đức Giê-su đem các ông Phê-rô, Gia-cô-bê và Gio-an đi theo mình… riêng ra một chỗ, rồi nơi câu kết thúc trình thuật : “Các ông chợt nhìn quanh thì không thấy ai nữa, chỉ còn Đức Giê-su với các ông mà thôi”… rồi trong nhiều chi tiết của trình thuật.
Người ta có cảm tưởng đây là một cảnh khai tâm, kết nạp, chỉ dành riêng cho ba kẻ thân tín mà Đức Giê-su cũng sẽ đem theo với mình vào vườn Ghétsêmani. Chỉ thị “giữ im lặng” thường thấy nhưng nay lại nghiêm khắc hơn nữa càng làm tăng bầu khí bí mật này : “Người truyền cho các ông không được kể lại cho ai nghe những điều vừa thấy”. Phải bảo vệ nguyên tuyền một mầu nhiệm mà người ta chỉ có thể tiếp xúc sau một cuộc leo núi vất vả : “Người đem họ… tới một ngọn núi cao”.
Mầu nhiệm được đích thân Thiên Chúa mạc khải : “Con người mà mà các ngươi sống với, nghe tiếng, cảm phục, song lại khiến các ngươi hết sức ngỡ ngàng, đó chính là Con của Ta !” Sự xuất hiện của Ê-li-a và Mô-sê nói lên một điều khác : con người ấy đúng là Đấng được đoan hứa, Đấng được đợi chờ, Điểm đến của tất cả lịch sử. Trước Người, nhiều kẻ đã nói, nhưng Người là Lời chung quyết, độc nhất vô nhị. Chính vì thế Người hoàn toàn nổi bật một mình, duy nhất trên đỉnh cao. Nhưng đồng thời nơi Người cũng có nhiều sự hiện diện. Hướng về Chúa Cha và được Thánh Thần cư ngụ, Người bày tỏ sự sống Ba Ngôi, thế giới của Thiên Chúa. Nơi Người cũng cư ngụ thế giới của Kinh Thánh nữa : “Người giải thích cho hai ông những gì liên quan đến Người trong tất cả Sách Thánh, bắt đầu từ ông Mô-sê và tất cả các ngôn sứ” (Lc 24,27).
Nơi Người rung lên các hy vọng và đau khổ của nhân loài : Người chuẩn bị đi vào biến cố sẽ cứu tất cả họ : cuộc tử nạn-phục sinh của Người. Và nếu nhìn xa hơn, cho đến tận thế, chúng ta sẽ thấy Đức Giê-su xuất hiện đầy quyền năng (Mc 9,1) như Lời Thiên Chúa, như Con Người, quy tụ hết thảy chúng sinh trước mặt các thiên thần, khai mạc trời mới và đất mới.
Chiêm ngưỡng Đức Giê-su trong sự viên mãn độc nhất vô nhị như thế, chúng ta sẽ nhận được một mệnh lệnh-lời khuyên mà có lẽ chúng ta đã không thấy là hết sức mạnh mẽ : “Hãy vâng nghe lời Người !” Chỉ thị duy nhất của Chúa Cha mà ta hầu như nhận trực tiếp. Chỉ thị đó có thể quyết định vận mạng của chúng ta.
Khi nghe Đức Giê-su thì chúng ta nghe nhân vật nào ? Hãy trở về với cuộc chiêm ngưỡng, hãy ở lại trong cuộc chiêm ngưỡng. Càng thấy Đấng chúng ta nghe, các buổi gặp gỡ của chúng ta càng trở thành niềm vui cũng như càng mở rộng cuộc sống chúng ta.
Một trong những bức họa nổi tiếng nhất của Raphel là bức “Chúa biến hình” (1518-1520) trưng bày trong viện bảo tàng Vatican. Bức họa có ba cấp. Cấp trên cùng là Đức Ki-tô đứng trên cụm mây, có Mô-sê và Ê-li-a chầu hầu. Khuôn mặt và hình dáng Người sáng chói. Ở cấp thứ hai, chúng ta thấy Phê-rô, Gia-cô-bê và Gio-an đang ngã dụi. Họ thay mặt cho những kẻ trên đường đến với Chúa. Cấp dưới cùng, tô mầu sậm, một nhóm môn đệ và một gia đình vây quanh một thiếu niên bị động kinh (x. Mc 9,14-29). Một môn đệ chỉ tay vào cậu bé bệnh hoạn, một môn đệ khác chỉ thẳng lên Chúa. Thật tương phản giữa sự tối tăm của quang cảnh ảm đạm phía dưới với sự chói sáng của Chúa Giê-su ở trên. Raphel đã muốn qua đó trình bày ý nghĩa của bài Tin Mừng : Đức Ki-tô là Đấng thuộc về hai thế giới và muốn kéo chúng ta lên thế giới sáng láng trên cao ; Người cũng là hy vọng duy nhất, là Đấng chữa lành tất cả và muốn chúng ta hãy tin tưởng vào Người.