Thánh Tâm Chúa Giêsu trong Thánh Kinh và truyền thống Giáo Hội (1)

Với đặc tính lạ lùng rất “Thánh Tâm”, Đức Giê-su đã làm biết bao trái tim rung động, thổn thức khôn nguôi.

Thánh Tâm Chúa Giêsu trong Thánh Kinh và truyền thống Giáo Hội (1)

THÁNH TÂM CHÚA GIÊ-SU
TRONG THÁNH KINH VÀ TRUYỀN THỐNG GIÁO HỘI (I) 
 
Nhập đề

1.“Trái tim” trong ngôn ngữ hằng ngày 

2.“Trái tim” trong Kinh Thánh

     Cựu Ước

     Tân Ước

              (1)   Tình yêu trung tín của Đức Giê-su 

            (2)   Tính phổ quát của tình yêu của Chúa Giê-su

            (3)   Lòng thương xót của Chúa Giê-su 

            (4)   “Tình yêu nhiệm lạ” trong “Giờ của Ngài” 

            (5)   Trái tim hiền lành và khiêm nhường của Chúa Giê-su 

            (6)   Trái tim Chúa Giê-su, mầu nhiệm vượt qua và hiện xuống

3. Thánh Tâm Chúa Giêsu trong Truyền Thống Giáo hội

     Thánh Tâm Chúa Giêsu theo các Giáo phụ

            (1)   Truyền thống Giáo phụ về Ga 7,37-39

            (2)   Truyền thống Giáo phụ về đặc quyền của Gioan.

            (3)   Truyền thống Giáo phụ : Giáo hội được hình thành từ cạnh sườn bị đâm thâu của Chúa Giê-su trên thập giá.

      Thời Trung Cổ

      Thời kỳ Thánh nữ Magarita Maria Alacoque (1647-1690).

             Thần học về Thánh Tâm trong thời kỳ này.

             Giáo huấn của Giáo hội trong thời kỳ này.

      Thông điệp Haurietis Aquas của Đức GH. Pio XII

      Công đồng Vatican II

 Thánh Tâm Chúa Giêsu theo Gioan Phaolo II và Bê-nê-đi-tô XVI

              Chân phước Giáo hoàng Gioan Phaolo II 

              Đức Nguyên Giáo Hoàng Bê-nê-đi-tô XVI

4. Thời đại của Lòng Thương Xót Chúa 

 Nhập đề

Truyện kể rằng hai ông quan bên Nhật Bản chịu trách nhiệm bắt giam những người Công Giáo cuối thế kỷ 16, khi tịch biên tài sản của họ, phát hiện trong đó có ảnh Thánh Tâm Chúa Giêsu. Một trong hai ông quan đặt tấm ảnh Thánh Tâm Chúa trên bàn làm việc và suy nghĩ suốt đêm: Tại sao người trong ảnh có trái tim ở ngoài? Hôm sau ông có kết luận và viết: “Đối ngoại hữu kỳ tâm, đối nội vô tâm giả” (Người có trái tim ở bên ngoài, bên trong lại không có tim, ám chỉ người chỉ lo và yêu thương người khác mà không lo cho chính mình). Đó chính là đặc tính của Thánh Tâm Chúa.

Với đặc tính lạ lùng rất “Thánh Tâm”, Đức Giê-su đã làm biết bao trái tim rung động, thổn thức khôn nguôi. Vì thế nhiều người đã tìm được nơi để thoả sức yêu thương, và đón nhận yêu thương; đó là chính Trái Tim Chúa Giê-su, là chính lòng Tôn Kính Thánh Tâm Chúa Giê-su.

Như thế, trong bối cảnh xã hội đang ngày càng nghèo nàn về tình yêu, tình liên đới và có thể là khủng hoảng về nền tảng của Tình Yêu, với nguồn tài liệu khá khiêm tốn, người viết mạo muội đi tìm lịch sử và nền tảng của việc sùng kính Trái Tim Chúa Giê-su trong Giáo hội dựa vào Thánh Kinh và Truyền Thống. Theo chiều hướng đó, bài viết này sẽ được trình bày (1) tìm hiểu người ta quan niệm thế nào về “trái tim” trong ngôn ngữ hằng ngày; (2) Kinh Thánh đã nói gì về Trái tim trong kho tàng Kinh Thánh Cựu Ước và Tân Ước; (3) Truyền Thống Giáo hội với lòng sùng kính Thánh Tâm Chúa qua những suy tư và hướng dẫn: thời các Giáo phụ, thời Trung Cổ, thời Thánh nữ Magarita Maria Alacoque, rồi đến đỉnh cao của lòng sùng kính với Thông điệp Haurietis Aquas, đến thời Công đồng Vatican II, và lắng nghe những giáo huấn của Chân Phước Gioan Phaolo II và vị “Giáo hoàng của Tình Yêu”, Benedito XVI. (4) Sau hết, chúng ta cũng để mắt đến phong trào Lòng Thương Xót Chúa như là một đáp trả cho nhu cầu đời sống thiêng liêng của thời đại.

1.    “Trái tim” trong ngôn ngữ hằng ngày

Trong ngôn ngữ hằng ngày, “trái tim” mang rất nhiều nghĩa. Trong từ điển Webster’s Collegiate đã liệt kê một số ý nghĩa : trái tim là ‘một bộ phận cơ bắp; thuộc về tình cảm để phân biệt với lý trí, theo lẽ thường, con tim và cái đầu thường không thuận với nhau’; lòng can đảm, dũng khí, tâm hồn; lương tâm, tính nhạy cảm về luân lý; tính tình, tính khí; một con người, một cá thể; phẩm tính từ sâu thẳm của đáy lòng; chân thành[1]. Tiếng Việt thường hiểu nghĩa “trái tim” có thể là tâm hồn, tấm lòng, đáy lòng, nơi sâu thẳm của lòng người[2] .v.v.

Những quan niệm khác, về định nghĩa : “trái tim” là một bộ phận quan trọng của cơ thể con người, nó là trung tâm cho mọi hoạt động sống, nếu không có “trái tim” thì con người không tồn tại, nếu “trái tim” không hoạt động tức là đã chết. Vậy trái tim là trung tâm của cơ thể con người. Xét về hoạt động, “trái tim” là một bộ phận hoạt động nhất trong các cơ quan của cơ thể con người, mỗi ngày trái tim của bạn có thể đập rất rất nhiều lần. Xét về dung tích, “trái tim” chứa một lượng máu lớn của cơ thể, để đảm bảo sự sống cho mỗi người. Về màu sắc, “trái tim” có màu nâu đỏ, đây cũng là bộ phận có màu đậm sắc nhất trong cơ thể con người[3].

Ngoài ra, ta thấy trái tim thường được dùng với nghĩa biểu tượng để diễn tả những tình cảm, tính tình, cảm xúc hay những thái độ, cảm giác, cảm tưởng. Vậy, biểu tượng đó là gì? – “Đó chính là những gì khác liên quan đến phản ứng về mối tương quan, sự liên đới, sự giao thiệp, những qui ước; cách đặc biệt, một ký hiệu cụ thể cho cái gì là trừu tượng, không thể thấy được.”[4]

Người ta cũng thường đặt vấn đề : “Phải chăng trái tim được cho là biểu tượng của con người?”- Quả đúng như vậy, vì như khi ta nói “một trái tim đang theo đuổi tôi”, “Tôi cho/ trao cho anh con tim của tôi”. Phải chăng trái tim bằng thịt của con người được xét như là biểu tượng cho “cái chính yếu” trong ngôi vị người (his personal ‘center’) – như là nguồn gốc và phần cốt lõi của mọi thứ khác nơi con người hay không? – Quả thật, “‘trái tim’  là một hình ảnh chung của tất cả nhân loại về nhân cách/ nhân vị, là nền tảng cho sự phát triển toàn thể con người, và từ đó phát xuất những gì con người “là” và “hành động”. Vì thế, “trái tim” biểu lộ vừa là yếu tính của con người như con người thật sự là, và cũng vừa là nguồn gốc cho những hành động, cho những thái độ chủ yếu hiện hữu nơi con người đó. Nó biểu lộ khuynh hướng của một con người: cách thức đánh giá người khác, cuộc sống và vũ trụ. Theo chiều hướng đó, một con người giàu lòng thương xót mở rộng lòng mình, mở rộng cõi sâu thẳm của nhân cách, dành cho những ai bất hạnh, túng quẫn, đau khổ, và con người biết xót thương này cũng nhất quán với sự bao dung đang có, rồi từ đó lòng thương xót sẽ trở thành thiên hướng vĩnh cữu nơi con người đó.”[5]

Một vấn đề khác cũng thường được nêu lên là : “phải chăng trái tim luôn luôn là biểu tượng của tình yêu?” – Câu trả lời là : không!, vì trái tim có thể được cho là ‘không có tình yêu’ (love-less) hay ‘gian tà’ (evil). Chính Đức Giê-su đã nói với chúng ta, “từ lòng con người phát xuất những ý định xấu…” (Mc 7,21). Mặc dù trái tim là một biểu tượng phổ thông của tình yêu, nhưng nó chỉ đầy tràn ý nghĩa chỉ khi nói về Đức Giê-su Ki-tô. Như Cha Rahner đã từng nói : “Từ sâu thẳm lòng mình, thực tại cuối cùng của con người là tình yêu, là cái gì đó mà chúng ta trải qua, chúng ta kinh nghiệm chỉ có được trong Trái Tim Chúa Giê-su”[6]. Tại sao vậy? – Vì Đức Giê-su là Thiên Chúa và “Thiên Chúa là Tình Yêu” (1Ga 4,16).
 
2.    “Trái tim” trong Kinh Thánh

Thiên Chúa cũng có một trái tim, một trái tim lớn hơn trái tim chúng ta. Trái tim của Ngài mở ra đối với chúng ta, quan tâm đến chúng ta. Ngài muốn thay đổi trái tim chúng ta và ban cho chúng ta “một trái tim biết yêu thương”. Trong bản văn của các ngôn sứ, lời hứa về một trái tim mới và một tinh thần mới như là tột đỉnh của kế hoạch Thiên Chúa. Từ “trái tim” của Cựu Ước, chúng ta hướng về Trái tim Chúa Giê-su, như được mặc khải trong Tân Ước. Chúa Giê-su, hiền lành và khiêm nhượng trong lòng, nguồn mạch nước hằng sống, mời gọi chúng ta trở nên những môn đệ của Ngài, những  môn đệ với trái tim mở rộng và lắng nghe, sẵn sàng bước theo Ngài và chia sẻ tình yêu của Ngài đối với Chúa Cha và tất cả mọi người.

Thật vậy, khi nói về tương quan giữa Đức Ki-tô và Thánh Kinh, Giáo lý Hội Thánh Công giáo đã quả quyết : “Trái tim Đức Ki-tô chỉ Thánh Kinh, và Thánh Kinh giúp ta hiểu rõ trái tim Người. Trước cuộc khổ nạn, trái tim này còn đóng kín, vì Thánh Kinh còn tối nghĩa. Nhưng sau cuộc khổ nạn, Thánh Kinh đã được mở ra, vì từ nay những ai hiểu được cuộc khổ nạn sẽ biết suy xét và hiểu được phải giải nghĩa các lời ngôn sứ như thế nào”[7].
 
(Còn nữa)
 

[1] Từ điển Webster’s Collegiate, “Heart”.

[2] GLHTCG, các số 2669,2603,112,2551,1818,1725,473,1432, …

[3] Nguyễn Thế Hiệp, Thông điệp ‘Tình Yêu từ Trái Tim’, http://blog.yume.vn/xem-blog/thong-diep-quot-tinh-yeu-tu-trai-tim-quot-.tcltyt.35A666D0.html, truy cập ngày 1 tháng 5 năm 2011.

[4] Xc. Francis Larkin, Understanding the Heart, (San Francisco : Ignatus Press, 1980), tr. 15.

[5] Ibid., tr. 17.

[6] Ibid.

[7] GLHTCG, số 112 & 2599, 2603

Tác giả bài viết: Fx. Lê Văn Cường, CSC

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *