Tầm ảnh hưởng của Thánh Gioan Kim Khẩu đối với Giáo Hội Công Giáo

TẦM ẢNH HƯỞNG CỦA THÁNH GIOAN KIM KHẨU ĐỐI VỚI GIÁO HỘI CÔNG GIÁO

Dẫn nhập

Thánh Gioan Kim Khẩu là một trong những vị giáo phụ tiêu biểu nhất của trường phái Antiokia và cũng là giáo phụ lôi cuốn nhất của toàn thể Giáo Hội. Nhận định về ngài, Đức Bênêđictô XVI nói rằng: “Đã mười sáu thế kỷ kể từ khi thánh Gioan Kim Khẩu ly trần, có thể nói rằng vị thánh thành Antiokia vẫn sống mãi với chúng ta hôm nay qua nhiều tác phẩm ngài để lại”.[1] Lời khẳng định trên đã minh chứng vai trò cũng như tầm ảnh hưởng của Gioan Kim Khẩu đối với lịch sử Kitô giáo.

Do đó, trong bài viết này, chúng ta sẽ tìm hiểu vị thánh tiến sĩ này dưới cái nhìn của Giáo hội Công giáo khởi đi từ việc khám phá tư tưởng của thánh nhân có vị trí nào trong dòng lịch sử, từ đó rút ra những nhận định, đánh giá liên quan đến vai trò và đóng góp của ngài đối với Giáo hội Công giáo, đồng thời, cho thấy liệu rằng tư tưởng của ngài có còn phù hợp với thời đại ngày nay hay không.

I. Tư tưởng của thánh Gioan Kim Khẩu theo dòng lịch sử

1. Thời các giáo phụ

Ngay khi còn trên dương thế, Gioan Kim Khẩu đã là người xuất chúng được nhiều người biết đến. Năm 392, trước khi Gioan được chọn làm giám mục thành Constantinopolis, thánh Giêrônimô đề cập đến ngài trong tác phẩm De viris illustribus như sau: “Ông Gioan, linh mục của Giáo hội Antiokia, một người đồng hành của Eusebius Emesa và Diodorus, đã viết nhiều tác phẩm. Trong số đó, tôi đã đọc tác phẩm peri ierosynes của ông”.[2] Khoảng năm 404, người ta nhận thấy các tác phẩm của Gioan Kim Khẩu đã dần dần được chuyển dịch sang tiếng Latin.

Từ năm 415 đến 419, phó tế theo lạc giáo Pelagius là Anianus Celeda đã chuyển dịch các tác phẩm của Gioan Kim Khẩu. Ông dịch bảy bài giảng về thư thánh Phaolô, nhiều bài giảng khác và 25 bài giảng Tin Mừng theo thánh Mátthêu của Gioan Kim Khẩu.[3] Những người theo lạc giáo Pelagius nhanh chóng ủng hộ Gioan Kim Khẩu vì họ cho rằng các quan điểm của ngài về ân sủng, tội lỗi và tự do con người hợp với tư tưởng của họ. Thực ra, người ta nhận thấy tư tưởng của Gioan Kim Khẩu đã bị lạc giáo này bóp méo. Năm 415, Pelagius trích dẫn Gioan Kim Khẩu để chống lại Augustinus khi cho rằng Gioan Kim Khẩu chủ trương sự tự do ý chí là vũ khí có khả năng chống lại tội lỗi. Augustinus không đồng thuận với việc trích dẫn tư tưởng của Gioan Kim Khẩu cách sai lạc nhằm chứng tỏ thế giá cho bất cứ quan điểm nào.[4] Năm 418, Ausgustinus khẳng định rằng quan điểm của Gioan Kim Khẩu không ủng hộ Pelagiô nhưng tích cực bác bỏ học thuyết của họ. Vì thế, Augustinus chống lại quan điểm của lạc giáo này bằng cách viết một tác phẩm với tựa đề Contra Julianum. Trong đó, ngài sửa lại những lối hiểu biết sai lầm về tư tưởng Gioan Kim Khẩu.[5] Ngài cũng bác bỏ quan điểm của Julianus khi ông cho rằng Gioan không đồng thuận với việc rửa tội cho trẻ em. Ngài nói rằng: “Đừng để cho ai nói như thế với con người vĩ đại này.” Ngược lại, ngài nhắc đến Gioan Kim Khẩu cùng với một số vị thánh như Innocente, Siprianus, Basilius, Hilarius, Ambrosius là những người dạy rửa tội cho trẻ em.[6]

Thánh Gioan Cassianus là một trong số những đại sứ tiên phong của Gioan Kim Khẩu. Ông được Đức giám mục Gioan Kim Khẩu phong phó tế và cùng đi với Germanus đến Rôma bào chữa cho Gioan khi ngài bị lưu đày[7]. Trong tác phẩm De incarnatione Christi, được viết trước khi diễn ra Công đồng Êphêsô không lâu, Cassianus yêu cầu Nestorius chú tâm vào những gì Gioan đã viết về Ngôi vị Đức Kitô. ông viết rằng: “Gioan được tôn vinh trong số các giám mục Constantinopolis, cuộc sống thánh thiện của ngài đã đạt đến phần thưởng tử đạo mà không phải chịu sự bách hại của dân ngoại.”[8]

Gioan Kim Khẩu được Giáo hội cả phương Đông lẫn phương Tây công nhận vì những đóng góp của ngài. Trước khi Công đồng Constantinopolis II (năm 553) không lâu, Facundus Hermiane đã nói về Gioan như sau: “illud os aurem Constantinopolitani Joanis[9]. Không lâu sau,  Đức Giáo Hoàng Vigilius cũng viết về Gioan: “Gioan, giám mục Constantinopolis, người được gọi là miệng vàng.”[10] Năm 615, thánh Isidore Seville ám chỉ Gioan thành Constantinopolis là Chrysotomos.

2. Thời Trung cổ

Thời kỳ này, các tác phẩm của Gioan Kim Khẩu vẫn tiếp tục được nghiên cứu và sao chép. Khoảng năm 804, nhà thần học Alcuin York đã viết một tác phẩm phê bình thư Hípri chủ yếu dựa trên lối phê bình của Gioan Kim Khẩu.[11] Tiếp đó, Hincmar Rheim thường xuyên trích dẫn tư tưởng Gioan về chủ đề ý chí tự do trong khảo luận De Proedestinationes[12] (857- 858). Năm 974, Rathier Verona lấy lại tư tưởng của thánh Gioan Kim Khẩu bàn về sự nghèo khổ và giàu sang. Trong Công đồng Latêranô năm 1179, nhiều tác phẩm của Gioan Kim Khẩu được sử dụng làm tài liệu tham khảo. Các bản dịch này rất phổ biến và là nền tảng cho nhiều bản sao chép sau này liên quan đến các tác phẩm của Gioan.

Đặc biệt, thánh Tôma Aquinô là người thường xuyên trích dẫn tư tưởng của Gioan Kim Khẩu trong Catena Aurea và bộ tổng luận thần học Summa Theologiae[13]. Thánh Tôma Aquinô nói rằng ngài yêu thích tác phẩm Phê bình Tin Mừng Mátthêu của Gioan Kim Khẩu. Bên cạnh đó, Bonaventura, một tu sĩ dòng Phanxicô, cũng đặc biệt mộ mến Gioan Kim Khẩu, ông trích dẫn khoảng 362 lần trong các tác phẩm. Sau biến cố sụp đổ Constantinopolis năm 1453, tư tưởng của Gioan Kim Khẩu được đào sâu do các học giả Hi Lạp đem đến Tây phương.

3. Thời Cận đại

Thời Giáo hội Kháng cách, Martin Luther đánh giá cao và thường xuyên trích dẫn tư tưởng của Gioan Kim Khẩu. Tuy nhiên, người ta nhận thấy rằng tư tưởng của Gioan Kim Khẩu cũng bị bóp béo theo quan điểm của Luther. Ông này sẵn sàng sửa lại quan điểm của thánh Kim Khẩu khi thấy cần thiết. Về vấn nạn thẩm quyền của các giáo phụ, Luther chống lại những người cậy dựa vào lý trí của mình và vào thế giá các giáo phụ. Ông nói: cả hai đều ngăn cản chúng ta tiến đến Lời của Thiên Chúa trong Kinh thánh, vốn chứa đựng tất cả những gì thiết yếu cho ơn cứu độ. Kinh Thánh không nói rằng chúng ta phải tin vào các Giáo phụ.”[14] Trong một đoạn văn, ông nói về Kim Khẩu là một vị thánh đầy khinh bỉ và phù phiếm”.[15]

Trong khi đó, Calvin trình bày một cách tiếp cận tác phẩm của Gioan Kim Khẩu cách sâu sắc hơn Luther. Ông cho rằng việc đọc các giáo phụ đem đến nhiều lợi ích to lớn, đặc biệt trong việc chỉ dẫn cách thức đọc Kinh thánh đúng đắn, hướng dẫn đời sống luân lý, hiểu biết hơn về đời sống của Giáo hội sơ khai. Đối với Calvin, Sola Scriptura không có nghĩa là tách biệt với truyền thống các giáo phụ. Trong số các giáo phụ, Calvin mộ mến Gioan Kim Khẩu hơn hết các nhà chú giải khác. Tiếp nối Calvin, Martin Bucer miêu tả Gioan Kim Khẩu là nhà phê bình Kinh Thánh nổi bật nhất của Giáo hội sơ khai.[16]

Trong Giáo hội Anh giáo, Tôma Cramner, Tổng Giám mục Canterbury rất thích thú với bản chép tay thư gửi đan sĩ Caesarius được gán cho thánh Gioan Kim Khẩu. Trong đó, tập sách này nói rằng bản tính của bánh vẫn còn sau khi được thánh hóa. Cramner chộp ngay lấy lời phát biểu này để chống đỡ cho khái niệm vô thực của Bí tích Thánh Thể. Ông sử dụng quan điểm này trong tác phẩm Defence của mình. Tác phẩm chứng minh rằng quan điểm của ông có nền tảng Kinh Thánh và được hậu thuẫn bởi một tiến sĩ cổ thời của Giáo hội. Một lần nữa, các giáo phụ lại bị thỏa hiệp với Cramner chứ không phải ngược lại. Tuy nhiên, bản chép tay này là giả mạo và câu lôi cuốn Cramner lại không hề có trong bản văn của những địch thủ khác của ông.

4. Thời hiện đại

Trải qua dòng lịch sử cho đến ngày nay, Giáo hội không ngừng về nguồn (ad fontes) để đào sâu kho tàng đức tin đã được chân quý ngay từ thời Giáo hội sơ khai và được truyền trao qua các vị giáo phụ. Và biến cố đỉnh cao của Giáo hội là Công đồng Vatican II, được ví như một luồng gió mới thổi vào lòng Giáo hội. Trước biến cố quan trọng ấy, thánh Giáo hoàng Gioan XXIII đã tuyên bố thánh Gioan Kim Khẩu cùng với thánh Giuse là hai Bổn Mạng của Công đồng Vatican II. Trong đó, nhiều văn kiện của Công đồng sự dụng tư tưởng của thánh Gioan Kim Khẩu[17]. Gần đây nhất, Đức giáo hoàng Phanxicô cũng đã sự dụng tư tưởng về hôn nhân gia đình của thánh Gioan Kim Khẩu trong thông điệp Laetitia Amoris.[18]

II. Một số nhận định về con người và tác phẩm của thánh Gioan Kim Khẩu

Thánh Gioan Kim Khẩu đã để lại một gia sản to lớn cho Giáo hội bao gồm nhiều lĩnh vực. Chúng ta đưa ra một số nhận định về ngài như sau:

1. Thánh Gioan Kim Khẩu, người say mê Phụng vụ và giảng thuyết.

Giáo hội biết đến danh xưng Gioan Kim Khẩu không chỉ qua những tác phẩm của ngài nhưng qua cầu nguyện phụng vụ ngài nữa. Thánh Gioan là bậc thầy về phụng vụ, xét vì những giáo huấn về phụng vụ ngài còn để lại cho Giáo hội. Trong Giáo hội Đông phương, phụng vụ của ngài đóng vai trò rất quan trọng. Bên cạnh đó, Gioan còn luôn truyền cảm hứng cho đời sống linh mục và sự cần thiết của việc giảng thuyết. Có lẽ chưa bao giờ trong lịch sử có một người hội tự đầy đủ tố chất của một người giảng thuyết như thánh Gioan Kim Khẩu. Ngài nhận thấy giảng thuyết như một chức năng của linh mục, là hoa trái của sứ vụ tông đồ. Đồng thời giảng thuyết làm thay đổi con người và là một lời sống động chứ không phải lời đã chết.[19] Các bài giảng và phê bình của ngài là thức ăn tâm linh cho các nhà giảng thuyết để nuôi dưỡng đàn chiên trong phụng vụ. Thánh Gioan Kim Khẩu luận bàn về lời giảng thuyết, ngài tin tưởng rằng lời ấy sẽ truyển trao Lời ban sức mạnh của Đức Kitô. Đồng thời ngài nhấn mạnh đến phụng vụ bàn thờ, tức là thánh lễ. Thánh Gioan Kim Khẩu cho thấy Thánh Thể là huyền nhiệm, huyền bí thâm sâu, nhưng củ thể, tình yêu và mục vụ. Vì thế, ngài được gọi là nhà thần học về bí tích Thánh Thể. Còn Đức Piô X đặt thánh Gioan Kim Khẩu là bổn mạng các nhà giảng thuyết.

2. Thánh Gioan Kim Khẩu, người ưu tư chức linh mục và mục vụ

Thánh Gioan Kim Khẩu được biết đến là một nhà thần học về mục vụ và đào tạo linh mục. Tác phẩm nổi tiếng nhất của ngài là bàn về chức linh mục (gồm 6 quyển). Trong đó, Gioan trình bày những sự cao trọng và vẻ đẹp của chức linh mục. Thánh nhân viết: “Tâm hồn người linh mục phải tỏa sáng giống như ngọn đuốc chiếu soi toàn mặt đất”.[20] Ngài đưa ra những phẩm chất mà một vị linh mục phải thủ đắc. Đồng thời, linh mục cũng phải thực thi trách nhiệm mà chức vụ linh mục đòi hỏi và xa lánh những nguy cơ cám dỗ làm hỏng đời sống linh mục. Tác phẩm này để lại nhiều dấu ấn trong quyết nghị của các công đồng (về đời sống giáo sĩ) và những quy luật đào tạo linh mục. Sự thánh thiện được quy chiếu về Đức Kitô và sự thi hành tác vụ nhân danh Người để phục vụ Giáo hội. Linh mục cần phải tập luyện các nhân đức đặc trưng của Mục tử nhân lành, nghĩa là đức ái được cụ thể hóa qua đức thanh bần, khiết tịnh, hăng say tông đồ, hiền từ, tinh thần cầu nguyện, v.v. Tác phẩm này có ảnh hưởng rất lớn đến tiến trình đào tạo linh mục trong Giáo hội, đặc biệt Sắc lệnh đào tạo linh mục Optatam Totius âm vang nhiều tư tưởng từ tác phẩm này.[21]

3. Thánh Gioan Kim Khẩu, Bổn mạng của đời sống hôn nhân

Có thể nói không có vị giáo phụ nào trong lịch sử Giáo hội lại đặc biệt quan tâm đến đời sống hôn nhân như thánh Gioan Kim Khẩu. Ngài viết nhiều tác phẩm về gia đình và vẫn còn nguyên giá trị cho đến ngay này. Trong cương vị là giám mục Constantinopolis, thánh nhân dành rất nhiều thời gian mục vụ cho những người đã kết hôn và hướng dẫn các gia đình. Ngài viết rằng: “Không có mối tương quan nào giữa người với người lại thân mật cho bằng mối tương quan giữa vợ chồng với nhau, miễn là hai vợ chồng liên kết với nhau đúng như Chúa đã dạy.” Ngài giảng thuyết và mục vụ các gia đình hướng dẫn họ để làm sống tinh thần hôn nhân Kitô giáo trong gia đình. Thánh Gioan Kim Khẩu là nhà giáo lý đại tài của “Giáo hội tại gia”. Các bài giảng của ngài triển khai giáo huấn của thánh Clêmentê thành Alexandria, người tiên phong của nền thần học các giáo phụ về các cặp vợ chồng. Ngài khuyên nhủ các người cha biến căn nhà của mình thành một ngôi nhà thờ nhỏ nơi Lời Chúa được suy gẫm: “Khi (từ nhà thờ) trở về nhà, chuẩn bị hai bàn tiệc, một bàn cho thức ăn và một bàn cho Lời Chúa, rồi người đàn ông lập lại những gì đã được nói trong nhà thờ. Người vợ hãy học và con cái hãy nghe; các tôi tớ cũng đừng bỏ qua bài đọc này. Hãy biến nhà của bạn thành Giáo hội, bởi vì bạn có trách nhiệm cứu rỗi con cái và tôi tớ của bạn.[22] “Tất cả, ngay cả những người nhỏ nhất, phải tích cực tìm kiếm sứ điệp Lời Chúa và cùng nhau sống Lời Chúa…. Hãy biến căn nhà của bạn thành nhà thờ. Vì đó là nơi chúng ta tìm thấy có thánh ca, cầu nguyện, những bài hát cảm hứng từ các ngôn sứ, chắc chắn không lầm lẫn khi gọi nơi như vậy là “Giáo hội”[23]. Thánh Gioan Kim Khẩu còn dẫn ra sự hòa hợp trong gia đình, cởi mở với khách lạ và người nghèo, tiếp đón và hiếu khách là những đức tính chủ yếu trong gia đình. Ngài là một trong nhiều giáo phụ nói về Giáo hội trong gia đình, một nguồn phong phú của linh đạo gia đình.

4. Thánh Gioan Kim Khẩu, nhà hoạt động xã hội

Nơi thánh Gioan Kim Khẩu, ta nhân thấy một trái tim thấy thương cảm của vị mục tử săn sóc đàn chiên. Vì lo lắng cho người nghèo, nên Gioan cũng được gọi là ”người làm phúc”. Thánh Gioan Kim Khẩu đối xử với tất cả mọi người một cách rất thân ái và đầy tình phụ tử. Người dùng tài sáng tạo của mình để khiến cho phụng vụ trở thành hấp dẫn và mời gọi tín hữu tham dự cuộc sống phụng tự. Thánh Gioan Kim khẩu đề xuất một phương tiện hữu hiệu để chia sẻ tài sản cho người nghèo là lập ra những quỹ dành cho người nghèo. Quỹ này có thể đặt ngay tại chỗ cầu nguyện, để các tín hữu vào nhà thờ cầu nguyện, thì trước hết họ hãy làm việc bác ái cho người nghèo rồi sau đó mới dâng lên Chúa lời cầu nguyện. Ngài viết rằng: “Chúa Kitô không tự giới hạn ở cái chết và thập giá, nhưng Ngài đã hạ cố trở thành nghèo khổ, lang thang, không chỗ trú thân, trần trụi, bị cầm tù, đau yếu, để ít là qua đó lôi kéo bạn đến với Ngài. Ngài nói, nếu ngươi không bị xiêu lòng trước những gì Ta đã chịu đựng vì ngươi, thì ít ra hãy xót thương sự cùng khốn của Ta, hãy cúi mình trên tật bệnh của Ta, hãy oằn lưng vì xiềng xích của Ta, mà nếu ngay cả điều đó cũng chẳng làm ngươi động lòng xót thương, thì hãy chú ý đến sự dễ dàng của lời kêu xin. Ta đâu có xin điều chi đắt đỏ nhưng là bánh mì, một chỗ trú thân và một lời an ủi.”[24] Thánh Gioan Kim Khẩu đã hiểu rằng làm phúc bố thí không thôi thì chưa đủ, cần phải tạo ra một cơ cấu mới, một kiểu mẫu xã hội mới dựa trên viễn tượng Tân Ước. Thánh nhân sửa sai quan niệm truyền thống hy lạp về thành phố, trong đó đa số các giai tầng xã hội bị tước đoạt quyền công dân; trong khi trong thành phố Kitô tất cả đều là anh chi em với nhau và có các quyền bình đẳng như nhau.

Chính vì những đóng góp to lớn cho xã hội mà Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI nói rằng thánh Gioan Kim Khẩu một Phaolô thứ II, một trong các người cha của học thuyết xã hội của Hội Thánh và là một mục tử chăm lo thăng tiến nữ giới, hôn nhân và gia đình.

III. Liệu rằng tư tưởng của thánh Gioan Kim Khẩu có còn phù hợp với thế kỷ XXI?

Khi tìm hiểu về thánh Gioan Kim Khẩu, chúng ta tự hỏi liệu rằng tư tưởng của vị thánh cách chúng ta hơn 15 thế kỷ có còn phù hợp với con người ngày nay, đặc biệt trong thế kỷ XXI. Trước những khó khăn thử thách của thời đại, tư tưởng của vị tiến sĩ vẫn là một lời giải đáp cho những vấn đề của thời đại ngày nay.

1. Đời sống thành thị trong một kỷ nguyên đô thị hóa toàn cầu

Chúng ta đang sống trong một thời đại với sự phát triển không ngừng của khoa học kỹ thuật. Các nhà nhân khẩu học dự đoán trong một vài năm sắp tới, hơn 50% dân số thế giới sống trong các thành thị. Quá trình đô thị hóa đã dẫn đến những vấn đề nan giải về đời sống con người và nhân quyền. Tình trạng nghèo đói, bất công, phân biệt giàu nghèo, vấn đề y tế sức khỏe, sự xuống cấp của các giá trị đạo đức… đang gióng lên những hồi chuông cảnh báo về thực trạng của con người ngày nay. Thế nên, đô thị hóa là một trong những vấn đề then chốt của thế kỷ XXI. Đây cũng chính là trách nhiệm mà Giáo hội gánh vác và giải quyết.

Sinh ra và lớn lên ở thành phố Antiôkia, sinh sống ở Constantinopolis rồi trở thành giám mục, thánh Gioan Kim Khẩu nhận thấy thực trạng của đời sống thành thị. Ngài yêu mến và muốn cứu vớt nó. Ngài xem các Kitô hữu là những người cứu vớt, bảo vệ và thầy dạy của thành phố.[25] Thánh Gioan tin rằng Giáo hội có thể thánh hóa tất cả. Ngài cho rằng người Kitô thành thị phải thường xuyên tham dự phụng vụ thánh của Giáo hội. Tình trạng mất trật tự và tội lỗi của thành thị sẽ được điều khiển, thánh hóa bằng cách những lời cầu nguyện sáng tối từ các Kitô hữu. Đặc biệt, Gioan tin rằng chìa khóa để thánh hóa thành thị là thánh hóa các gia đình. Chất lượng của đời sống gia đình sẽ quyết định chất lượng của đời sống thành phố. Các công việc hợp pháp phải xứng hợp với nhân phẩm con người. Nhiệm vụ của hàng giáo sỹ là giúp các tín hữu biện phân công việc của họ như phương tiện để phụng vụ Thiên Chúa. Ngài lên án những cuộc vui chơi sa đọa bất hợp pháp làm sao nhãng đời sống tâm linh.

Như vậy, không có một vị giáo phụ nào để lại cho chúng ta tầm nhìn sâu rộng về việc thánh hóa thành phố hơn thánh Gioan Kim Khẩu. Nhiệm vụ của các Kitô hữu là đào sâu những suy tư của ngài để áp dụng vào trong môi trường đô thị hóa của thời đại mình.

2. Quyền bính Giáo hội trong một kỷ nguyên đề cao chủ nghĩa cá nhân.

Thánh Gioan Kim Khẩu dạy rằng koinonia của Giáo hội là một mầu nhiệm thâm sâu. Nguồn gốc của Giáo hội từ đâu? Phải chăng Giáo hội là một cơ cấu, tổ chức của những người tin vào Đức Kitô? Theo thánh Gioan Kim Khẩu, nguồn gốc siêu nhiên của Giáo hội được chứng tỏ bằng phép lạ diễn ra trên Thập giá ban sự sống, nơi Đức Kitô bị lưỡi đòng đâm thâu, máu cùng nước chảy ra. Máu và nước ấy là bí tích Thanh Tẩy cho chúng ta được tháp nhập vào Giáo hội, và Thánh Thể nuôi dưỡng ta trong Giáo hội. Giáo hội là hiền thê của Đức Kitô, là công trình sáng tạo mới.

Theo thánh tiến sĩ, sự hiệp nhất của Giáo hội là một kỳ công siêu nhiên. Trong đó, chúng ta trải nghiệm sự hiệp nhất với Đức Giêsu Kitô, trở nên đồng hình đồng dạng với Người. Đời sống Kitô hữu là đời sống của Giáo hội vì nhờ đó chúng ta được tháp nhập vào. Không có gì quý giá, cao trọng và có sức biến đổi trong cuộc sống con người hơn là đời sống trong Giáo hội.[26] Do đó, thánh Gioan dạy rằng trách nhiệm cộng đoàn của các Kitô hữu là trở thành những người tham dự trung tín vào phụng vụ thánh. Ngài kêu gọi họ gánh vác và liên đới trách nhiệm cho nhau, đồng thời, thực thị chức năng của mình như là thành viên trong một gia đình đích thực.

Đức tin dạy chúng ta rằng không có một sự phân tách giữa Đức Kitô và Giáo hội. Người là Đầu không thể tách rời với Nhiệm thể, cũng như các chi thể không thể loại trừ, nhưng luôn luôn cần tương quan và bổ túc cho nhau. Quan điểm của Gioan Kim Khẩu giúp chúng ta ý thức vai trò hỗ tương của mình trong Giáo hội và cứu chúng ta khỏi cái chết của việc tôn thờ chính mình.

3. Lời mời gọi tín thác vào Thiên Chúa trong một kỷ nguyên đầy lo lắng

Bên cạnh vấn đề độ thị hóa và chủ nghĩa cá nhân, cuộc sống ngày này là một kỷ nguyên đầy lo lắng.  Con người đang sống vào một giai đoạn mới trong lịch sử. Chưa bao giờ nhân loại dồi dào của cải, khả năng và quyền lực kinh tế như ngày nay, vậy mà tới nay, một phần rất lớn nhân loại trên thế giới đang quằn quại vì đói ăn và thiếu thốn, rồi không biết bao nhiêu người đang chịu cảnh mù chữ. Trong gia đình cũng xuất hiện nhiều mâu thuẫn, hoặc do những hoàn cảnh ngột ngạt về dân số, kinh tế, xã hội, hoặc do những khó khăn phát xuất giữa những thế hệ tiếp nối nhau, hoặc do những xã giao mới giữa người nam và nữ. Ngoài ra còn có những sự khác biệt lớn lao giữa các chủng tộc và kể cả giữa những giai cấp xã hội khác nhau, giữa những quốc gia cường thịnh và những quốc gia nghèo nàn yếu kém, sau hết giữa những tổ chức quốc tế đã được thiết lập vì sự mong mỏi hòa bình của các dân tộc và tham vọng gieo rắc ý thức hệ riêng cùng những ham hố tập thể hiện hữu trong các quốc gia hoặc các tập thể khác.Từ đó, phát sinh ngờ vực và thù nghịch nhau, xung đột và thống khổ mà chính con người là nguyên nhân và nạn nhân.[27]

 Chúng ta, những người Kitô hữu, được mời gọi sống tín thác vào Thiên Chúa trong một kỷ nguyên đầy lo lắng. Cuộc đời của thánh Gioan Kim Khẩu sẽ giúp chúng ta đáp lại lời mời gọi này. Khi còn trên dương thế, ngài phải nếm trải đầy những đau khổ: thân phụ mất sớm, sau đó thân mẫu và chị cũng lần lượt qua đời, bệnh tật, bị bắt cóc, bị lừa đảo, bị vu khống và chống đối, bị trục xuất và chết trên đường lưu đày. Giữa những đau buồn này, Kim Khẩu đã tìm thấy niềm vui lớn lao và vượt qua bằng cách tín thác vào thánh ý Thiên Chúa. Trong tác phẩm Không ai có thể làm hại kẻ không tự làm hại mình, ngài dạy rằng trong cuộc sống chỉ có một điều để lo sợ, chỉ có một điều cần lo lắng. Đó là tội lỗi. Và trong tác phẩm bàn về sự quan phòng, ngài nhắc nhở chúng ta hay tin tưởng phó thác vào Thiên Chúa. Ngài nói rằng chính sự thinh lặng tín thác là câu trả lời ưu việt nhất cho những gì mà chúng ta không thể hiểu thấu.[28] Chính niềm tin và Chúa Giêsu như vậy mà thánh Gioan Kim Khẩu đã đi đến đích điểm, ngã xuống, đón nhận ân sủng thiên quốc và thốt lên lời cuối: “Xin tôn vinh Thiên Chúa trong mọi sự.”Kết luậnGioan Kim Khẩu đã có những đóng góp to lớn cho Giáo hội. Ngài đã hy sinh cả đời vì sự phát triển của Giáo hội. Vị đại thánh này để lại một kho tàng thánh khoa với nhiều lĩnh vực khác nhau như: Kinh thánh, giảng thuyết, phụng vụ, tín lý, mục vụ… Trong vai trò là giám mục, thánh nhân đã tận tình lo lắng và chăm sóc cho đàn chiên. Với những đóng góp to lớn ấy, Gioan Kim Khẩu xứng đáng được Giáo Hội tuyên dương và thán phục.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Kinh Thánh

 Kinh Thánh. Bản dịch của nhóm CGKPV. Hà Nội: Tôn giáo, 2011.

2. Tài liệu huấn quyền

 Công đồng Vaticanô II. Bản dịch của UBGLĐT-HDDGMVN. Hà Nội: Tôn Giáo,  2012.

Sách Giáo lý của Hội thánh Công giáo. Bản dịch của UBGLĐT-HĐGMVN. Hà Nội: Tôn giáo, 2010.

3. Sách

John Chrysotom, On the incomprehensible nature of God. Trans. Harkin. Washington: catholic University of America Press, 1982.

John Chrysotom. Homilies. Trans. Harkin. Washington: catholic University of America Press, 1982.

John Chrysotom, On the prieshood. Trans. Harkin. Washington: catholic University of America Press, 1982.

John Chrysotom, On Marriage and Family. Trans. Catharine P. Roth and David Anderson.New York: St Vladimir’s Seminary Press, 1986.

John Chrysotom, On Wealth and poverty. Trans. Catharine P. Roth.New York: St Vladimir’s Seminary Press, 1986.

Lactantius. On the Deaths of the Persecutors. Trans. by J.L. Creed. Oxford: Oxford University Press, 1984.

Adabert-G. Hamman. Để đọc các Giáo phụ. Tp.HCM: Tôn Giáo, 2014.

Aquilla, Mike. the Fathers of the Church. Huntington: Our Sunday Visitor Publishing Division, 2006.

Brobner H. R. The fathers of the Church, a comprehensive introduction. Massachusette: Hendrickson Publisher, 2007.

Enrico Mazza. Cử hành Thánh Thể, tập 1, bd. Lm Vincent Nguyễn Xuân Tuấn. Tp.HCM: Tôn giáo, 2016.

Hugo Rahner. Church and State in Early Christianity. trans. Leo Donald Davis. San Francisco: Ignatius Press, 1992), p. 44.

Kelly J. N.D. Golden Mouth: the story of John Chrysotom; Ascetic, Preacher, Bishop . New York: Cornell University Press, 1995.

Kelly J.N.D. Early Christian Doctrines. San Fransico: Harper Press, 1978.

Marcus. The influence of Saint John Chrysostom in the West. Constantinople, 2017.

Maxwell J. N. Christianization and and commucation in late antiquity. New York: Cambridge University Press, 2006.

McGrath. Historical Theology, 2nd Ed. India: Blackwell Publisher, 2013.

Parry Ken. The Wiley Blackwell companion to patristics. Oxford: Library of Congress Catalogin, 2015.

Quasten Johannes, Patrology: Volume III—The Golden Age of Greek Patristic Literature. Maryland: Christian classic, 1986.

Thành, Phan Tấn. Về Nguồn. Tập II: Thời các giáo phụ. Tp. HCM: Nhà sách Đức Bà Hòa Bình, 2016.

[1] Bênêđictô  XVI dành hai buổi tiếp kiến chung về thánh Gioan Kim Khẩu ngày 19 và 26 tháng 09 năm 2007. Xem http://w2.vatican.va/content/benedict-xvi/en.html

[2] PL 23, 754.

[3] Marcus, The influence of Saint John Chrysostom in the West (Constantinople, 20017) p. 2.

[4] De natura et gratia, ed. C. F. Urba and J. Zycha, CSEL 60, (Vienna: F. Tempsky, Leipzig:
G. Freytag, 1913) p. 34.

[5] Quasten Johannes, Patrology: Volume III—The Golden Age of Greek Patristic Literature (Maryland: Christian classic, 1986), p.474

[6],Contra Iulianum, ed. J.-P. Migne, PL 44, 654- 665, Paris: In Via Dicta D’Amboise, Près la Barrière D’Enfer, 1845.

[7] Palladius, Dialogue, 3.

[8] De incarnatione Christi, 7. 30-31.

[9] Pro defensione trium caitulorum 1.4.2 (PL 67 615)

[10] Constitutum de tribus capitulis 60.217

[11] PL 100 1031- 1084.

[12] PL 125 217.

[13] E. J. Gratsch, Tổng quát về Summa Theologiae, Bd. Fr. Tôma Trần Ngọc Túy, O.P. (Tp.HCM: Học viện Đa Minh, 2009-2010), tr. 22

[14] Answer to Latomus, 8. 98. 27.

[15] Luther’s Works 54 34 (cited Mitchell, ‘The Archetypal Image’, Journal of Religion 75
(1995), 15-43.

[16] Metaphrasis.

[17] Xem Sắc lệnh về đào tạo linh mục Optatam Totius, Hiến chế tín lý về Mạc Khải Dei Verbum, Sắc lệnh Truyền giáo Ad Gentes…

[18] Aquilla, Mike, the Fathers of the Church, (Huntington: Our Sunday Visitor Publishing Division, 2006) p. 162

[19] Chrystomus Baur, John Chrysotom and his time, (Maryland: the Newman Press, 1960) p. 72.

[20] Sur le Sacrcedoce, VI, 5,

[21] Xem Sắc lệnh về đào tạo linh mục Optatam Totius.

[22] Homilies on Genesis 6.2, Patrologia Graeca 54 607.

[23] Exp. In Ps 41,1, PG 55 158

[24] Sur lEp. Rom ; Hom. 15, 6. PG 60, 547 – 548.

[25] Bài giảng thứ I về ảnh tượng.

[26] Homily 12 On the Incomprehensible Nature of God.

[27] x. Vatican II, Hiến chế mục vụ trong thế giới ngày nay Gaudium et Spes, số 1-8.

[28] Joshiah Trenham, Saint John Chrysotom for 21st century (Los Angeles: Saint Sophia, 2007), p.12.

Tác giả: Trịnh Thiên Phú, OP