Thứ năm đầu tháng, tuần 18 thường niên – CHÚA HIỂN DUNG năm A. Lễ kính

* Bốn mươi ngày trước lễ Suy Tôn Thánh Giá, lễ Hiển Dung nhắc cho các tín hữu nhớ rằng Chúa Kitô đã muốn ‘chuẩn bị tâm hồn các môn đệ khỏi vấp phạm vì khổ hình thập giá’. Nhưng đồng thời lễ này cũng loan báo cho mọi tín hữu biết mình được nhận làm con cái Thiên Chúa, nhờ Con Thiên Chúa là Đức Giêsu, và loan báo ánh sáng diệu kỳ một ngày kia sẽ rạng ngời trên toàn thân thể nhiệm mầu, tức là Hội Thánh.

Lời Chúa: Mt 17, 1-9

Khi ấy, Chúa Giêsu gọi Phêrô, Giacôbê và Gioan là em ông này, và Người đưa các ông tới chỗ riêng biệt trên núi cao. Người biến hình trước mặt các ông: mặt Người chiếu sáng như mặt trời, áo Người trở nên trắng như tuyết. Và đây ông Môsê và Êlia hiện ra và đàm đạo với Người.

Bấy giờ ông Phêrô lên tiếng thưa Chúa Giêsu rằng: “Lạy Thầy, chúng con được ở đây thì tốt lắm; nếu Thầy ưng, chúng con xin làm ba lều, một cho Thầy, một cho Môsê, và một cho Êlia”. Lúc ông còn đang nói, thì có một đám mây sáng bao phủ các Ngài, và có tiếng từ trong đám mây phán rằng: “Đây là Con Ta yêu dấu rất đẹp lòng Ta, các ngươi hãy nghe lời Người”. Nghe thấy vậy, các môn đệ ngã sấp xuống và hết sức sợ hãi. Bấy giờ Chúa Giêsu đến gần, động đến các ông và bảo: “Các con hãy đứng dậy, đừng sợ”. Ngước mắt lên, các ông thấy chẳng còn ai, trừ ra một mình Chúa Giêsu.

Và trong lúc từ trên núi đi xuống, Chúa Giêsu đã ra lệnh cho các ông rằng: “Các con không được nói với ai về việc đã thấy, cho tới khi Con Người từ cõi chết sống lại”.

Suy niệm: Vinh quang Phục Sinh

(‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’ – Radio Veritas Asia)

Tin Mừng được Giáo Hội cho chúng ta suy niệm hôm nay ghi lại biến cố hiển dung của Chúa Giêsu trên núi Tabo. Biến cố này diễn ra sáu ngày sau khi Chúa loan báo về cuộc tử nạn và sự phục sinh của Ngài. Các môn đệ và ngay cả những người môn đệ thân tín nhất là Phêrô, Gioan và Giacôbê, không thể hiểu và không muốn chấp nhận cuộc tử nạn của Ngài. Cho các ông chứng kiến sự hiển dung, Chúa Giêsu muốn lặp lại dưới một hình thức khác lời loan báo về cuộc tử nạn và phục sinh của Ngài. Lần này Ngài muốn xác quyết với các ông rằng để đi vào vinh quang Phục Sinh cần phải đi qua bóng tối của sự chết.

Với những ai đang trải qua bóng tối của thập giá, biến cố hiển dung của Chúa Giêsu là một nguồn nâng đỡ vô biên. Dietrick Bonhoffer, vị mục sư người Đức đã bị giam tù vì can đảm lên tiếng chống lại chủ trương dã man độc ác của Đức Quốc Xã. Trong tám tháng bị giam giữ, ông đã không ngừng suy nghĩ về biến cố hiển dung của Chúa Giêsu và tìm thấy được ánh sáng ngay giữa những đêm dài vô tận trong một nhà tù ở Berlin. Ngay chính buổi sáng bị đem ra hành quyết, ông đã thốt lên: “Thế là hết! Cuộc sống đã khởi đầu đối với tôi”. Trong bài thơ có tựa đề Những Tiếng Thì Thầm Trong Đêm Tối, ông đã kêu gọi: “Hỡi những người anh em, sau những đêm dài, bao lâu ngày của chúng ta chưa đến, chúng ta hãy chiến đấu”.

Ba người môn đệ thân tín của Chúa Giêsu đã ngây ngất khi chiêm ngắm vinh quang phục sinh của Chúa Giêsu, nhưng ánh sáng phục sinh ấy chỉ kéo dài trong giây lát; bóng đêm đã trở lại, nhìn chung quanh, họ thấy lại Chúa Giêsu cũng như mọi người và nhất là như một tên tử tội đang tiến ra pháp trường. Nhưng chắc chắn ánh sáng phục sinh ấy đang chiếu rọi trong tâm hồn các ông.

Tất cả những ai đang sống trọn cho niềm tin của mình, tất cả những ai đang thực thi cho đến cùng sứ mệnh của các ngôn sứ đều có trong mình ánh sáng phục sinh ấy. Chính ánh sáng phục sinh ấy mang lại cho họ niềm hy vọng và can đảm để tiến tới trong đêm đen của hận thù, dối trá và đặt niềm tin tưởng mãnh liệt vào Chúa, họ có đủ lý do để có thể thấy trước sự chiến thắng của ánh sáng, của chân lý và tình yêu.

Nguyện xin Chúa nâng đỡ cho tất cả những ai đang sống cho đến cùng sứ mệnh ngôn sứ cho chân lý.