Dnl 10,12-22
Giờ đây, hỡi Ít-ra-en, nào ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của anh (em), có đòi hỏi anh (em) điều gì khác đâu, ngoài việc phải kính sợ ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của anh (em), đi theo mọi đường lối của Người, yêu mến phụng thờ Người hết lòng, hết dạ, giữ các mệnh lệnh của ĐỨC CHÚA và các thánh chỉ của Người mà tôi truyền cho anh (em) hôm nay, để anh (em) được hạnh phúc ?
ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của anh (em), làm chủ cõi trời và các tầng trời cao nhất, cõi đất và muôn loài trong đó. Nhưng chỉ có cha ông của anh (em) là được ĐỨC CHÚA đem lòng quyến luyến yêu thương ; sau các ngài, giữa muôn dân, Người đã chọn dòng dõi các ngài tức là anh em, như anh em thấy ngày hôm nay. Vậy anh em hãy cắt bì tâm hồn anh em và đừng cứng cổ nữa, vì ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của anh em, là Thần các thần, là Chúa các chúa, là Thiên Chúa vĩ đại, dũng mãnh, khả uý, là Đấng không thiên vị ai và không nhận quà hối lộ, là Đấng xử công minh cho cô nhi quả phụ, và yêu thương ngoại kiều, cho họ bánh ăn áo mặc. Anh em phải yêu thương ngoại kiều, vì anh em đã từng là ngoại kiều ở đất Ai-cập. Chính ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của anh (em), là Đấng anh (em) phải kính sợ ; chính Người là Đấng anh (em) phải phụng thờ ; anh (em) phải gắn bó với Người ; anh (em) sẽ nhân danh Người mà thề; chính Người là Đấng anh (em) phải ca tụng ; chính Người là Thiên Chúa của anh (em), Đấng đã làm cho anh (em) những điều lớn lao và khủng khiếp mà chính mắt anh (em) đã thấy đó. Cha ông của anh (em) chỉ có bảy mươi người khi xuống Ai-cập, mà bây giờ ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của anh (em), đã làm cho anh (em) nên nhiều như sao trên trời.
SUY NIỆM
Con người cần phải đáp trả lại tình yêu của Thiên Chúa như thế nào? Từ trong ý nghĩa sâu xa nhất, bản văn Torah đã đúc kết và chỉ ra năm hành động căn bản nhất mà Thiên Chúa đòi hỏi mỗi người chúng ta cần phải thi hành. Đó là kính sợ Thiên Chúa; bước đi trên đường lối của Ngài; yêu mến Thiên Chúa; phục vụ Ngài; và giữ trọn giới răn của Ngài (Dnl 10, 12-13).Tất cả những điều trên được khởi đi từ hành động trung tâm: yêu mến Thiên Chúa với trọn tâm hồn và thân xác của mỗi người. Đó mới là ý nghĩa đích thực của việc sống trong mối tương quan giao ước với Thiên Chúa.
Ở đây một lần nữa, chúng ta thấy bản văn trình bày cho chúng ta thấy sự diệu kỳ của việc Thiên Chúa chọn Israel như là dân riêng. Giữa muôn dân tộc trên trái đất, “Thiên Chúa đã đem lòng quyến luyến” tổ tiên và dòng dõi của họ (c.15). Ở đoạn văn trước đó, điều tuyệt vời là Thiên Chúa đã chọn Israel vì họ là một dân nhỏ bé (Dnl 7,7). Còn ở đây, điều kỳ diệu lại được thể hiện qua việc Thiên Chúa hiện lên quá đỗi vĩ đại trước mắt Israel (c.14). Mặc dù Ngài nắm vương quyền trên toàn thể vũ trụ này, nhưng vẫn hạ cố đến với dân tộc Israel nhỏ bé. Trong cả hai đoạn văn trên, tác giả sách Đệ Nhị Luật muốn nói với mỗi người chúng ta rằng việc Thiên Chúa chọn lựa Israel không xuất phát từ bất cứ công trạng nào nơi chính họ, nhưng được khởi đi từ tình yêu nhưng không của Thiên Chúa.
Sự đáp trả xứng hợp nhất mà Israel phải thực thi để đáp lại việc Thiên Chúa chọn lựa dân của Ngài được diễn tả qua cụm từ: “Hãy cắt bì tâm hồn (trái tim) của anh em” (c.16). Sự cắt bì về thể lý nơi những người nam của dân tộc Israel là một dấu chỉ đặc biệt cho biết họ thuộc về Thiên Chúa và tuân giữ giao ước của Ngài. Dấu chỉ cắt bì bên ngoài ấy biểu thị một ý nghĩa bên trong: trao phó đời mình cho Thiên Chúa. Việc cắt bì trong tâm hồn (trái tim) là một phép ẩn dụ để qua đó nói lên sự cần thiết của việc cởi bỏ những trở ngại khiến tâm hồn không thể đón nhận những giáo huấn của Thiên Chúa, cũng như không thể bước vào sự trải nghiệm thâm sâu với Ngài. Một con tim được cắt bì thì hoàn toàn rộng mở và trao phó trọn vẹn cho Thiên Chúa. Trong mối dây liên kết giữa Israel với Thiên Chúa thì tâm tình bên trong quan trọng hơn bất kỳ một hành động bên ngoài nào được thực hiện.
Thánh Phao-lô đã diễn giải về việc cắt bì tâm hồn trong thư gửi cho tín hữu Rô-ma như sau: “Việc cắt bì thực sự là cắt bì trong tâm hồn. Nó thuộc về tinh thần chứ không đơn thuần chỉ là bề ngoài” (Rm 2,29). Thánh nhân chỉ ra rằng các dân ngoại không được cắt bì vẫn hoàn toàn có thể bước theo đường lối của Thiên Chúa. Bởi vì việc trở thành dân Thiên Chúa không lệ thuộc vào những dấu chỉ bề ngoài và có tính cách thể lý. Nhưng nó là một thực tại bên trong được thực hiện không phải bởi người phàm nhưng bởi chính Thiên Chúa.
Một con tim chai đá và cằn cỗi là trở ngại chính yếu ngăn chúng ta đến với việc cảm nếm cuộc sống cách trọn vẹn nhất mà Thiên Chúa muốn. Chúng ta có thể kể đến con tim chai đá của Pharao khi muốn giữ Israel làm nô lệ bên Ai Cập (Xh 7,13); hay như sự phản kháng của Israel đối với những chỉ dẫn của Thiên Chúa khi đi trong sa mạc (Tv 95,8). Dân Israel cũng đã được cảnh báo đừng để cho trái tim của mình trở nên chai đá: “Anh em đừng có lòng chai dạ đá, cũng đừng bo bo giữ của không giúp người anh em nghèo túng” (Dnl 15,7). Trái tim mà Thiên Chúa thực sự mong muốn nơi mỗi người chúng ta là một trái tim biết hoàn toàn mở ra với Thiên Chúa và với anh em đồng loại của mình.
Thảo luận và tự vấn
Hãy so sánh Dnl 10,12-13 với đoạn Kinh Thánh trong sách các ngôn sứ Mk 6,8 để tìm ra những điểm tương đồng và khác biệt?
Thiên Chúa yêu thương Israel đơn thuần vì Ngài đã chọn họ chứ không phải họ xứng đáng với tình yêu của Ngài. Tình yêu nhưng không ấy của Thiên Chúa vang vọng như thế nào trong những giới răn mà Thiên Chúa đã truyền cho Israel khi muốn họ phải yêu thương những khách ngoại kiều đang sống trên đất nước của họ? (c.19).
Thánh Phao-lô đã diễn giải thế nào về hình ảnh cắt bì trong tâm hồn trong Rm 2,29?
Thế nào là một trái tim chai đá? Khi nào tôi cảm thấy trái tim mình bị khô cằn, chai đá?
Cầu nguyện:
Lạy Thiên Chúa đáng tôn kính và quyền năng, Chúa đã dành cho Israel tình yêu thương cao cả và vô vị lợi từ trái tim Chúa. Xin cho con cũng biết thật sự mở lòng mình ra với anh chị em con. Xin giúp con biết quan tâm tới các cô nhi và quả phụ, biết yêu thương người xa lạ bằng một tình yêu vị tha và không mong được đáp đền. Amen.
Thành Tâm
Tuyển tập “Những Bài Suy Gẫm về Tình Yêu Thiên Chúa và Tình Yêu Thánh Tâm Chúa Giê-su Cho Nhân Loại Ngang Qua Những Trích Đoạn Kinh Thánh”
Lược dịch theo nguyên tác: The Sacred Heart of Jesus by Stephen J. Binz