Khi những ánh nắng cuối thu dần tắt lịm, nhường chỗ cho những cơn mưa bất chợt xối xả trắng trời trắng đất bao trùm lên mọi cảnh vật một sắc màu bàng bạc mờ mịt vấn vươn. Khi những cánh chim cuối cùng vượt qua dặm đường dài trên đôi cánh mỏng để tới được miền nắng ấm, và khi trên những con đường thưa vắng, lá vàng rơi bịn rịn dưới chân. Thời khắc ấy báo hiệu cho tiết đông giá lạnh đang về.
Bước vào tháng 11, những bài thánh ca buồn vô tận như những lời ai oán khóc than được thốt lên từ tận cõi lòng đất sâu thẳm, nơi mà con người được dựng nên từ bụi tro, để cuối đời ta trở về với tro bụi; nơi ta thân trần truồng sinh ra từ lòng mẹ, và rồi trở về đó cũng trần truồng, nơi mà sự sống thay đổi, chứ không mất đi…
Hòa trong tâm tình đó, Hội Thánh không ngừng mời gọi con cái mình hướng lòng về các linh hồn nơi luyện ngục, cùng nhắc nhớ các tín hữu sống hiệp thông với các linh hồn qua các thánh lễ, bằng lời cầu nguyện và bằng những việc lành phúc đức để cứu giúp các linh hồn…! Vì thế, mỗi khi tháng 11 đến, nhìn dòng người tấp nập viếng mộ người thân, nhìn những làn khói hương trầm mờ ảo trong làn gió, và với những khuôn mặt hiện lên bao nỗi niềm, ắt hẳn vang lên chúng ta những những thanh âm da diết khắc khoải về phận người…! Bởi đó, khi cầu nguyện cho các linh hồn, có lẽ cũng là lời cảnh tỉnh cho tôi và mỗi chúng ta ý thức cầu nguyện cho chính mình, cho những yếu đuối tội lỗi của kiếp tro bụi, rồi một mai cũng trở về bụi tro…
Các bạn thân mến!
Nhạc sĩ Dấu Chân đã viết nên những lời ca, giai điệu thật sâu lắng chạm vào trái tim: Hỡi người, hãy nhớ chính thân phận mình Chỉ là bụi đất, trong bàn tay Chúa tình yêu Ngài dựng nên con, ban cho con xác thân, linh hồn, để rồi một mai, con sẽ trở về với cát bụi…”
Chất chứa trong những ca từ đó là một thông điệp xoáy sâu vào lòng người, bởi nó gợi lên những dòng suy tư về kiếp người mỏng manh. Hơn nữa, trong niềm tin vào Mầu Nhiệm Hiệp Thông của Giáo Hội, chúng ta thấy rằng, đó không chỉ là lời kêu van thống thiết của những linh hồn đang ở luyện ngục, mà còn là lời khóc thương cho bạn, cho tôi và cho mỗi chúng ta, vì những tháng năm “chạy tìm lạc thú, đắm chìm trong những lợi danh…” và cũng lấm lem bụi đời chất chứa những lỗi lầm…
Thật vậy, đời sống con người “ví tựa hạt cát giữa nơi biển đời”, như cánh bèo trôi, như bông hoa nở trên cánh đồng, để rồi chỉ một cơn gió thoảng cũng đủ cho nó sắc hương nhạt nhoà…Tuy nhiên, sống ở đời, con người vẫn cứ mãi mê rong ruổi với đường trần bơ vơ nơi dòng đời xuôi ngược, bôn ba với cuộc sống mưu sinh thường ngày… để rồi, bi đát thay: “Ba tấc đất mới thật là nhà”… hay cũng chỉ là “bụi tro mong manh bé nhỏ”. Đó là quy luật nghiệt ngã của phận người không loại trừ một ai.
Thế nhưng, nhân loại này không phải là bài ca bi thảm của cuộc đời chóng qua, nhưng là bản trường ca tình yêu và niềm hy vọng hồng phúc của Thiên Chúa với con người. Quả thật, con người sinh ra với quy luật thân xác trở về bụi tro, trở về với nguồn gốc nơi mình sinh ra, nhưng không có nghĩa chết là hết, mà là trông đợi vào sự tái sinh trong Ngày Cánh Chung.
Thiết nghĩ, nếu con người chết là hết mà không mang một ý nghĩa gì, thì “nó chẳng khác chi con vật một ngày kia phải chết”(Tv 49,13), như bông hoa ngọn cỏ chỉ một làn gió làm tan biến, để rồi nơi nó mọc không còn mang vết tích. Dù mang thân phận hư vô chóng qua, nhưng mỗi chúng ta được “Chúa Trời sẽ chuộc mạng tôi, gỡ tôi ra khỏi quyền lực âm phủ”(Tv 49,16). Chính nhờ lòng từ bi thương xót của Thiên Chúa, thân xác tro bụi của chúng ta sẽ phục sinh để được chiêm ngưỡng vinh quang Ngài, và cùng với các Thánh, các thiên thần ca vang tình Chúa yêu.
Quả vậy, một vĩ nhân nào đó đã từng nhận định: Chúng ta không thể thay đổi được hướng gió, nhưng có thể thay đổi được cột buồm. Cũng vậy, chúng ta không thể thay đổi được quy luật nghiệt ngã của phận người là bụi tro phải trở về tro bụi, nhưng chúng ta có thể thay đổi được lối sống để khỏi chết đời đời. Như xưa tác giả sách Thánh Vịnh đã diễn tả niềm cậy trông nơi Thiên Chúa để kêu xin ơn cứu độ của Ngài với lời nguyện xin tha thiết: Từ vực thẳm, con kêu lên Ngài, Lạy Chúa, Muôn lạy Chúa, xin Ngài nghe tiếng con.
Đó là tiếng kêu “từ vực thẳm” của những người cảm nhận rõ thân phận hèn yếu tội lỗi của mình trước mặt Chúa để nài xin Ngài đoái thương cứu vớt. Nhưng đó không phải là tiếng van xin trong vô vọng mà là một lời cầu nguyện với niềm xác tín cậy trông vào lòng Chúa xót thương. Thì nay, mỗi người hãy tự vấn đời mình bằng cách biết khiêm tốn nhìn nhận thân phận yếu đuối của phận người, để trở về và cậy trông vào ơn Chúa cứu chuộc. Từ đó hy vọng rằng, mỗi lần viếng mộ cầu nguyện cho người quá cố, và mỗi dịp tháng 11 quay về, chúng ta cũng biết soi lại thân phận bụi tro của mình để trở về bên Chúa, trở về với Đấng ban sự sống đời đời: “Ta là Sự Sống lại và là Sự Sống. Ai tin vào Ta , dù có chết sẽ được sống” (Ga 11,25). Đó là lời chứng đảm bảo cho những ai tin Ngài, ngõ hầu ngày tận thế thân xác bụi đất của mỗi chúng ta sẽ sống lại để được chiêm ngưỡng vinh quang của Chúa trên nơi vinh phúc đời đời.
Bài viết: Anh Tài, CSC