Tìm hiểu giếng rửa tội trong nguyện đường Sistina, Vatican.

Tiếp nối thói quen của các vị tiền nhiệm, hằng năm vào ngày lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ ban phép Thánh tẩy cho các em nhỏ, phần lớn là con cái của các nhân viên làm việc tại Vatican. Nghi thức này được cử hành long trọng tại nguyện đường Sistina ở dinh Tông Tòa, nơi có những bức bích họa nổi tiếng của Michelangelo và cũng là nơi diễn ra mật nghị bầu Giáo Hoàng.  Năm ngoái, do tình hình đại dịch Covid-19, Đức Thánh Cha đã không cử hành thánh lễ và ban phép Thánh tẩy cho các em như những năm trước.

Thông thường, buổi cử hành sẽ không được công bố chính thức trên hệ thống truyền thông của Vatican, nên Chúa nhật lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa năm nay, chúng ta sẽ không biết nó có diễn ra hay không? Thay vào đó, việc tìm hiểu chiếc giếng rửa tội trong nguyện đường Sistina cũng phần nào gợi nhớ cho chúng ta về hồng ân Đức Tin được lãnh nhận và là một trải nghiệm lý thú cho những ai chưa có dịp đến tham quan nơi này.

Ngược thời gian, vào những thế kỷ đầu, nghi thức Thánh tẩy được cử hành ở bất cứ nơi nào có nước như dòng sông, suối hay hồ ao. Thừa tác viên sẽ dùng một cái chén hay vỏ sò để múc nước mà đổ 3 lần trên đầu của ứng viên. 

Từ thế kỷ thứ III, người ta quen rửa tội bằng cách dìm thụ nhân xuống nước 3 lần. Vì thế, nhà rửa tội đã ra đời và được coi là tòa nhà quan trọng nhất tại các thủ phủ trong đế quốc Roma cổ. Khoảng thế kỷ thứ IV, mỗi thành phố chỉ có một nhà rửa tội. Từ thế kỷ IX trở đi, các nhà thờ giáo xứ đều có giếng rửa tội.

Giáo Hoàng danh dự Bênêdictô XVI khi mới lên ngôi Giáo Hoàng, đã chú ý đến cử hành Phụng vụ tại Vatican.  Cho nên, chúng ta sẽ ngạc nhiên và lý thú, khi chiêm ngưỡng phong cách “thời trang phụng vụ” trước Công đồng Vatican II, được Ngài sử dụng cách trang trọng nơi những cử hành phụng vụ.

Vào năm 2012, chính Giáo Hoàng danh dự Bênêdictô XVI đã cho thiết kế một giếng rửa tội, dành cho việc ban phép Thánh tẩy cho các em nhỏ. Giếng này được thực hiện bởi kiến trúc sư tài hoa Alberto Cicerone. Lấy lại ý tưởng thần học về ngôi mộ của Chúa Kitô Phục sinh mà các dự tòng đi xuống để cùng chết với Chúa Kitô và từ nơi đó họ sẽ được trỗi dậy với Người, nên giếng rửa tội được làm hình tròn như biểu trưng cho cung lòng của Hội Thánh, trong đó những cá nhân này được tái sinh trong Chúa Thánh Thần.

Một điểm thú vị ở giếng rửa tội này, là nó có thể đóng lại khi không sử dụng. Khi đó, nó giống như một mặt trời mọc lấp lánh, biểu trương cho Đức Giêsu Mặt Trời Công Chính. Phần thân và đế của giếng rửa tội được trang trí bởi cành ôliu bằng kim loại, nên tạo được một dáng đứng vừa vững chắc vừa nhẹ nhàng.

Được biết đến như một nghệ nhân tài ba của ngành mỹ thuật, Alberto Cicerone còn thiết kế hai tác phẩm khác cũng không kém phần đặc sắc, đó là: Thư đài công bố Lời Chúa và chân nến Phục Sinh. Cả hai tác phẩm này, đều được Vatican đưa vào sử dụng trong các buổi phụng vụ long trọng do Đức Giáo Hoàng cử hành.

Cũng cần nói thêm, trong truyền thống phụng vụ của Giáo Hội, giếng rửa tội có thể Giếng rửa tội được thiết kế xây dựng theo những hình dáng khác nhau, tùy theo nhu cầu và ý nghĩa của từng nơi sử dụng:

  1. Hình tròn: để diễn tả cung lòng của Giáo Hội sẽ sinh ra những người con của mình khi họ lãnh nhận Bí tích Thánh tẩy.
  2. Hình chữ nhật: vì theo nhiều văn sĩ Kitô giáo, giếng rửa tội tượng trưng cho ngôi mồ của Chúa Kitô mà từ đó thụ nhân lãnh Bí tích Rửa tội sẽ được cùng trỗi dậy với Người (x. Rm 6,4).
  3. Hình Thánh giá: vì các Kitô hữu được thanh tẩy trong cái chết và phục sinh của Chúa Kitô.
  4. Hình lục giác: để nói lên 6 ngày Thiên Chúa tác tạo thế giới từ hư vô. 
  5. Hình bát giác: nên làm theo hình dáng này hơn cả vì những lý do sau:

Thứ nhất, để diễn tả việc Chúa Kitô Phục sinh vào ngày thứ tám.

Thứ hai, số tám nói lên sự hoàn thành hay viên mãn, cũng như ám chỉ một thời gian bên ngoài thời gian, có nghĩa là diễn tả sự sống đời đời mà người lãnh nhận Bí tích Thánh tẩy sẽ tham dự vào.

Trong một ngôi thánh đường thì giếng rửa tội có tầm quan trọng chỉ sau bàn thờ vì cả chúng như quà tặng sự sống mà Chúa Kitô trao ban cho chúng ta. Giếng rửa tội và bàn thờ biểu trưng cho “nguồn mạch và chóp đỉnh đời sống Kitô hữu”. Sự sống từ giếng rửa tội và bàn thờ chính là tặng phẩm quan trọng và quý giá nhất trong tất cả những hồng ân Chúa ban cho con người.

Tổng hợp và lược dịch: Anh Tài, CSC

Bài viết liên quan

Công bố phúc trình của Cơ quan Giám sát và Thông tin Tài chính Vatican năm 2024

Ngày 09/4/2025, Cơ quan Giám sát và Thông tin Tài chính đã công bố phúc...

Nhận ra Chúa Kitô nơi người đau khổ. Một vài câu chuyện cảm động từ Ngày Năm Thánh bệnh nhân

Cuối tuần vừa qua, đã có hơn 20 ngàn bệnh nhân và các nhân viên...

Cảnh sát Ý tịch thu hơn 16,5 triệu tràng hạt ảnh tượng Năm Thánh làm giả

Tính từ khi Năm Thánh khai mạc vào tháng 12 năm ngoái đến nay, cảnh...

Thánh tích trái tim của Carlo Acutis sẽ được đưa đến Roma trong lễ tuyên thánh

Đức Cha Domenico Sorrentino, Giám mục của Assisi, thành phố nơi lưu giữ thi hài...

Toàn bộ Sách Kinh Thánh hiện đã được dịch sang 769 ngôn ngữ

Liên đoàn các Hiệp hội Kinh Thánh cho biết toàn bộ bản văn Cựu Ước...

Đức Thánh Cha bất ngờ đến Đền thờ Thánh Phêrô cầu nguyện trước mộ Thánh Piô X

Vào lúc 13 giờ ngày 10/4, trước sự ngạc nhiên của các tín hữu và...