Thứ bảy Tuần 3 Mùa Chay: “Người thu thuế ra về được khỏi tội”

Hình ảnh hai người, một người đạo đức và một người tội lỗi cùng lên đền thờ cầu nguyện, nhưng kết quả lại hoàn toàn trái ngược nhau.275919248 381940787265210 6339738723700749616 nTrước tiên, qua lời cầu nguyện của người Pharisêu, người ta có thể thấy ngay một con người được xem là công chính. Mở miệng ra, ông Pharisêu không ngớt lời ca tụng Thiên Chúa. Ông tạ ơn Chúa đã cho ông sống một đời công chính theo đúng những gì luật dạy. Có lẽ, mới nghe qua, ai cũng thán phục về sự “công chính” ấy. Tuy nhiên, những lời cầu nguyện tiếp theo dần làm lộ rõ bản chất kiêu căng, tâm hồn tự cao tự đại của ông ta: với dáng vẻ “đứng thẳng”, ông hiên ngang vỗ ngực khoe khoang: “Lạy Thiên Chúa, xin tạ ơn Chúa, vì con không như bao kẻ khác: tham lam, bất chính, ngoại tình, hoặc như tên thu thuế kia. Con ăn chay mỗi tuần hai lần, con dâng cho Chúa một phần mười thu nhập của con”. Mục đích lời cầu nguyện của ông ta không phải để ca tụng, ngợi khen và cảm tạ Chúa cho bằng huênh hoang tự đắc về chính mình.

Còn người thu thuế, một người bị người ta gán cho cái mác quân tội lỗi. Dường như công việc thu thuế có thê đem lại cho ông những của cải vật chất, nhưng xem ra ông ta cũng chẳng thể bình an. Ông luôn ý thức về việc làm của mình. Trước mặt một Thiên Chúa thánh thiện, toàn năng, người thu thuế chỉ biết đứng “từ xa”, “cúi đầu”, “đấm ngực” cầu xin lòng nhân từ của Thiên Chúa. Ông thưa với Chúa rằng: “Lạy Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi”.

Kính thưa cộng đoàn,

Hai con người – Pharisieu và người thu thuế có những cặp tính cách tương phản và khó có thể gặp nhau: Pharisieu “công chính” – người thu thuế “bất lương”; “thánh thiện” – “tội lỗi”; “đứng thẳng” – “cúi đầu”; “tự cao” – “khiêm nhường”; “kiêu căng – sám hối”. Tất cả những cặp tính từ đối nghịch nhau này dẫn kết một kết quả đảo ngược hoàn toàn. Người Pharisieu được xem là “công chính” thì lại trở thành kẻ “bất chính”, còn người thu thuế, người bị xem là “bất chính” lại trở nên “công chính” trước mặt Thiên Chúa.

Tại sao lại có sự nghịch lý này? Thiên Chúa có thiên vị khi đưa ra phán quyết vậy không? Thực ra, Thiên Chúa không phải không nhận lời cầu nguyện của người Pharisieu, mà là chính ông đã không nhận thấy mình có tội gì để xin ơn tha thứ. Kết quả, ông không được Thiên Chúa thứ tha.

Còn người thu thuế, ông ý thức mình là một tội nhân. Ông không có gì để khoe với Chúa cả. Ông chỉ biết đứng từ xa, cúi đầu, đấm ngực, ăn năn, sám hối cầu xin lòng thương xót của Thiên Chúa. Tâm hồn ông khát khao Chúa nên Chúa đã nhận lời dủ thương tâm hồn thống hối.

Như vậy, ta thấy, kết quả không phụ thuộc vào công đức cá nhân của mỗi người, mà tùy thuộc vào thái độ và tinh thần cầu nguyện trước một Thiên Chúa toàn năng ra sao.

Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã nói: “Tôi đến không phải để kêu gọi người công chính, nhưng là để kêu gọi kẻ tội lỗi” (Mc 2,13). Xin cho chúng con biết ý thức về thân phận tội lỗi của mình, để thực lòng ăn năn sám hối trở với Chúa trong Mùa Chay thánh này. Amen.

Bài viết: Jos. Tuấn Vũ, CSC.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *