Niềm vui trong Mùa Vọng: Tình yêu và sự chia sẻ

VNE0434 1 1 scaled

Dưới tiết trời se lạnh, những cơn mưa phùn lấm tấm của Huế nhẹ nhàng rơi, như những hạt ngọc vỡ, lặng lẽ đậu trên  những tán lá. Mưa không lớn, chỉ rơi tí tách nhưng đủ để tạo nên một không gian mờ ảo, khiến mọi thứ như chìm vào một làn sương mỏng. Tiếng mưa rơi và những thanh âm xào xạc của lá cây hòa quyện vào nhau, tạo nên một bản nhạc du dương, trầm bổng như lời thì thầm của đất trời, vỗ về những tâm hồn trong khoảnh khắc tĩnh lặng. Không gian ấy mang vẻ đẹp man mác buồn, như một bức tranh sống động, vừa dịu dàng, vừa u hoài. Giữa những con đường mưa, những chiếc lá vàng rụng và dòng người vội vã bước đi như đang chạy đua với thời gian,  dường như ta vẫn cảm nhận được những khoảnh khắc lắng đọng. Những điều giản dị nhưng đầy ý nghĩa hiện lên qua từng bước chân, từng ánh mắt lướt qua. Dù phố xá đông đúc, người người qua lại, nhưng không gian ấy vẫn giữ lại chút tĩnh lặng, như một phần riêng biệt giữa cuộc sống hối hả. Mưa, dù không vỗ về như một cái ôm ấm áp, nhưng lại mang đến một không gian để mỗi người có thể dừng lại, cảm nhận những điều nhỏ bé nhưng quý giá trong cuộc sống.

VNE0612 1 scaled

Trong tâm tình đón chờ Chúa đến, Chúa Nhật III Mùa Vọng là một dịp đặc biệt để chúng con dừng lại và suy niệm sâu sắc về mầu nhiệm Nhập Thể, mang niềm vui và ơn cứu độ cho tất cả chúng con. Niềm vui ấy không phải là niềm vui tạm bợ, mà là niềm vui đích thực, được nuôi dưỡng qua mỗi hành động yêu thương, mỗi cử chỉ bác ái và chia sẻ với những người xung quanh. Khi chúng con chuẩn bị đón  chờ Chúa đến, niềm vui ấy không chỉ dừng lại trong lòng mỗi tín hữu mà được mời gọi lan tỏa, để làm ánh sáng và niềm hy vọng cho tất cả những ai đang cần được chạm đến tình yêu của Chúa. Chính trong việc mang niềm vui ấy đến cho mọi người, chúng con mới thật sự sống trọn vẹn ý nghĩa của Mùa Vọng, đón nhận Chúa trong sự yêu thương và sẻ chia.Mặc cho cái lạnh của đất trời, ta vẫn cảm nhận được những cái bắt tay thân tình và những cái ôm ấm áp. Tình người trong những khoảnh khắc ấy như ngọn lửa nhỏ, ấm áp và dịu dàng, lan tỏa sức mạnh kỳ diệu, vượt qua mọi thử thách, xóa nhòa mọi khoảng cách giữa người với người. Và trong từng khoảnh khắc ấy, tình Chúa cũng luôn ở đó, âm thầm nhưng đầy mạnh mẽ. Không cần phải nói ra, nhưng qua mỗi cử chỉ giúp đỡ, ta cảm nhận được sự yêu thương của Ngài.

5Z4A0543 1 scaled

Dù mưa vẫn rơi, và bầu trời vẫn u ám, nhưng tình cảm ấy như một nguồn năng lượng mạnh mẽ, giúp ta xua tan đi nỗi cô đơn. Tại một góc nhỏ của Nhà Chúa – Dòng Thánh Tâm Huế, nơi những con người nghèo khó tìm đến, họ không chỉ đơn thuần đến để đón nhận những thứ nuôi dưỡng thể xác, mà còn là sự ưu ái đáp lại lời mời của Dòng, để hành hương về đây trong dịp mừng năm Thánh kỷ niệm 100 năm khai sinh Dòng trên mảnh đất Tổng Giáo Phận  Huế thân yêu này. Họ đến không chỉ để lãnh nhận ơn đại xá mà còn để cảm nghiệm sâu sắc ân sủng Chúa đổ tràn vào cuộc sống của mỗi người, để cùng nhau chia sẻ niềm vui và sự bình an trong tình yêu thương của Chúa. Mỗi vị khách là một hồng ân – là những nhân chứng của niềm vui và sự hiệp nhất. Như lời nhắc nhở trong chiều thứ Sáu tuần 3: “Tình huynh đệ như men nồng rượu mới, dân Thánh Ngài cùng chia sẻ an vui.” Tình huynh đệ ấy, như một thức uống quý giá, không ngừng nở rộ và lan tỏa, nâng đỡ nhau trong niềm hy vọng và lòng kính trọng. Những người hành hương  đến đây, không chỉ để đón nhận mà còn để cho đi, để cùng nhau tạ ơn Chúa, cùng  tiến bước trong tình yêu bao la của Ngài, và mở ra một kho tàng ân sủng, đổ tràn an sủng xuống trên dòng và trên mỗi người . Mỗi bước đi trên hành trình này là một lời mời gọi sống trọn vẹn trong tình huynh đệ và tình yêu thương, để tình yêu của Chúa làm bừng sáng trong mọi trái tim. Đây là lúc để chúng ta sống lại với những ân huệ mà Chúa đã ban tặng, để cùng nhau vươn lên trong sự thánh thiện, để mỗi khoảnh khắc chúng ta sống đều là một lời ca ngợi ân sủng và tình yêu của Chúa.  

5Z4A0389 1

Chúng ta, những người may mắn hơn trong cuộc sống này, có thể làm cho thế giới này tốt đẹp hơn không phải bằng những món quà vật chất to lớn, mà chính bằng sự quan tâm, sự chia sẻ và tình yêu thương vô điều kiện. Mỗi hành động dù nhỏ bé nhưng đầy ý nghĩa ấy sẽ trở thành ngọn đuốc soi sáng con đường cho những người đang lạc lối, giúp họ vượt qua những khó khăn, thử thách trong cuộc sống. Chúng con thật sự cảm thấy  biết ơn vì được trao cho cơ hội không chỉ mang đến cho họ những phần quà vật chất, mà còn là những giá trị tinh thần vô giá. Chính ngọn lửa đức tin ấy thắp sáng niềm hy vọng trong trái tim họ, giúp họ nhận ra rằng, dù trong mắt xã hội, họ có thể cảm thấy như bị lãng quên, nhưng tại đây, họ không chỉ được nhìn nhận mà còn được yêu thương và trân trọng. Họ không phải là những người bên lề của xã hội hay bị loại bỏ, mà là những con người quý giá, là những người con của Chúa, xứng đáng được yêu thương và kính trọng. Mỗi người trong họ đều mang trong mình một giá trị bất diệt, xứng đáng có được tình yêu và sự tôn trọng không chỉ từ Chúa mà từ tất cả chúng ta.

“Hãy kiên trì cho đi cho đến khi không còn gì để cho, vì trong mỗi hành động bác ái, bạn sẽ tìm thấy niềm vui và sự bình an thật sự.” Câu nói của Mẹ Têrêsa không chỉ đơn thuần là một lời khuyên, mà là một lời mời gọi chân thành từ trái tim, khơi gợi một con đường sống trọn vẹn với tình yêu và sự sẻ chia. Bác ái, trong ánh sáng của Mẹ Têrêsa, không phải là hành động khi chúng ta đã có dư thừa, mà là cho đi từ những gì quý giá nhất, ngay cả khi bản thân vẫn còn thiếu thốn. Đó là sự sẻ chia không đòi hỏi gì đáp lại, là yêu thương vô điều kiện, là hành động xuất phát từ trái tim rộng mở, không bận tâm đến khó khăn, thử thách.Lòng bác ái không phải là một nghĩa vụ hay trách nhiệm phải làm cho xong, mà là một ơn gọi thiêng liêng, một con đường dẫn lối chúng ta đến với Chúa, đến với những người nghèo khó, thiếu thốn. Đó không chỉ là hành động giúp đỡ bên ngoài, mà là sự liên đới sâu sắc trong tình yêu thương, khi ta không chỉ cho đi những thứ mình có, mà còn là chính bản thân mình, là tâm hồn mình. Mỗi món quà ta cho đi không phải là để nhận lại, mà là để tình yêu ấy được nhân lên, để xoa dịu nỗi đau, để mang lại niềm hy vọng cho những ai đang sống trong bóng tối của sự tuyệt vọng.

 

DDUO9322 1 scaled

Giáo hội dạy chúng ta rằng bác ái là cốt lõi của học thuyết xã hội, là phản ánh tình yêu thương vô điều kiện mà Chúa dành cho tất cả nhân loại. Đức Giáo Hoàng Benedict XVI đã nói: “Trước mặt Thiên Chúa, người nghèo luôn được coi trọng hơn tất cả.” Lời này nhấn mạnh rằng trong mắt Thiên Chúa, người nghèo không phải là những người bị bỏ rơi hay bị xã hội coi thường, mà là những người cần nhất sự quan tâm, yêu thương và nâng đỡ. Thiên Chúa nhìn nhận họ không phải qua những điều kiện vật chất hay xã hội, mà qua trái tim, tâm hồn và nhu cầu sâu sắc của họ. Trong cái nghèo, họ là những người nhận được sự chú ý đặc biệt từ Thiên Chúa, và qua đó, Giáo Hội được mời gọi để thực thi tình yêu và sự bác ái, sẻ chia và giúp đỡ những người nghèo khổ, để họ cảm nhận được tình yêu vô điều kiện của Thiên Chúa. Và Tin Mừng, với tất cả sự thương xót và yêu thương vô biên, được rao giảng trước tiên cho họ. Điều này không chỉ là lời giảng của các Đức Giáo Hoàng, mà còn là lời mời gọi từ chính cuộc sống của Mẹ Teresa. Mẹ cho đi không phải vì dư thừa, mà vì Mẹ hiểu rằng mỗi hành động bác ái chính là cách để sống trọn vẹn tình yêu Thiên Chúa, là cách để trở thành hình ảnh của Chúa trong thế giới này.

Khi chúng ta mở lòng và cho đi, không chỉ là chúng ta thực hiện bác ái, mà chúng ta đang sống trọn vẹn tình yêu của Thiên Chúa. Mỗi hành động bác ái là một sự thay đổi trong nội tâm, là một sự kết nối sâu sắc giữa con người với nhau, giữa con người với Thiên Chúa. Khi cho đi, chúng ta nhận lại sự bình an vô giá, một niềm vui sâu sắc mà chỉ những ai đã thực sự sống bác ái mới có thể hiểu được. Bác ái là con đường dẫn đến sự hoàn thiện, không chỉ là hành động, mà là một lối sống, một thái độ sống tràn đầy yêu thương, để ánh sáng của tình yêu Thiên Chúa chiếu rọi vào những góc tối của thế gian.Đó chính là thông điệp của tình yêu thương, của đức tin và của niềm hy vọng. Như lời Chúa đã nói: “Vì xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước”.

Người Hành Hương