BÀI ĐỌC I: Is 62, 1-5
“Người chồng sẽ vui mừng vì vợ”.
Trích sách Tiên tri Isaia.
Vì Sion, tôi sẽ không im tiếng, và vì Giêrusalem, tôi sẽ không nghỉ ngơi, cho đến khi Đấng công chính xuất hiện như ánh sáng, Đấng Cứu độ Sion đến như ngọn đuốc sáng ngời. Mọi dân tộc sẽ thấy Người là Đấng công chính của ngươi, và mọi đế vương sẽ thấy vinh hiển Người. Chính Chúa sẽ đặt cho ngươi một tên mới. Ngươi sẽ là triều thiên vinh hiển trong tay Chúa, và vương miện quyền bính trong tay Thiên Chúa ngươi, ngươi sẽ không còn gọi là kẻ bị ruồng bỏ, và đất ngươi sẽ không còn gọi là chốn hoang vu. Ngươi sẽ được gọi là “kẻ Ta ưa thích”, và đất ngươi sẽ được gọi là đất có dân cư, vì ngươi đẹp lòng Thiên Chúa, và đất ngươi sẽ có dân cư.
(Như) thanh niên sẽ ở cùng trinh nữ, con cái ngươi sẽ ở trong ngươi; (như) người chồng sẽ vui mừng vì vợ, Thiên Chúa ngươi sẽ vui mừng vì ngươi.
ÐÁP CA: Tv 95, 1-2a. 2b-3. 7-8a. 9-10ac
Ðáp: Hãy tường thuật phép lạ Chúa giữa chư dân
Xướng: Hãy ca mừng Thiên Chúa bài ca mới, hãy ca mừng Thiên Chúa đi, toàn thể địa cầu. Hãy ca mừng Thiên chúa, hãy chúc tụng danh Người.
Xướng: Ngày ngày hãy loan truyền ơn Người cứu độ. Hãy tường thuật vinh quang Chúa giữa chư dân, và phép lạ Người ở nơi vạn quốc.
Xướng: Hãy kính tặng Thiên Chúa, hỡi người chư dân bá tánh, hãy kính tặng Thiên Chúa quyền thế với vinh quang, hãy kính tặng Thiên Chúa vinh quang xứng với danh Người.
Xướng: Hãy mặc lễ phục, thờ lạy Thiên Chúa. Toàn thể địa cầu, hãy run sợ trước thiên nhan, hãy công bố giữa chư dân rằng Thiên Chúa ngự trị. Người cai quản chư dân theo đường đoan chính.
BÀI ĐỌC II: 1 Cr 12, 4-11
“Cùng một Thánh Thần ban phát ơn riêng cho mỗi người theo như Người quy định”.
Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Cô-rintô.
Anh em thân mến, có những hồng ân khác nhau, nhưng vẫn là một Thánh Thần; có nhiều chức vụ khác nhau, nhưng chính là một Chúa; và có những hành động khác nhau, nhưng chính là một Thiên Chúa, Người thực hiện hết mọi cái trong mọi người. Ơn Thánh Thần ban cho mỗi người mỗi khác, cốt để mưu cầu công ích. Người thì được Thánh Thần cho lời khôn ngoan, kẻ khác thì được lời thông minh, theo cùng một Thánh Thần; người khác được đức tin, trong cùng một Thánh Thần; kẻ khác nữa được ơn chữa bệnh, trong cũng một Thánh Thần đó; có người được ơn làm phép lạ, có kẻ được ơn tiên tri, người khác được ơn phân biệt các thần trí; có người được ơn nói nhiều thứ tiếng; người khác được ơn giải thích các thứ tiếng. Nhưng cùng một Thánh Thần duy nhất thực hiện tất cả những điều đó. Người ban phát ơn riêng cho mỗi người theo như Người quy định.
Tin mừng: Ga 2, 1-12
1 Khi ấy, có tiệc cưới tại Cana xứ Galilêa. Và có mẹ của Chúa Giêsu ở đó. 2 Chúa Giêsu và các môn đệ Người cũng được mời dự tiệc cưới. 3 Và bỗng thiếu rượu, mẹ Chúa Giêsu nói với Người: “Họ hết rượu rồi”. 4 Chúa Giêsu nói với mẹ: “Hỡi bà, Con với bà có can chi đâu, giờ Con chưa đến”. 5 Mẹ Người nói với những người giúp việc: “Hễ Người bảo gì, thì phải làm theo”.
6 Ở đó có sáu chum đá, dùng vào việc thanh tẩy của người Do-thái, mỗi chum đựng được hai hoặc ba thùng nước. 7 Chúa Giêsu bảo họ: “Hãy đổ nước đầy các chum”. Họ đổ đầy tới miệng. 8 Và Chúa Giêsu bảo họ: “Bây giờ hãy múc đem cho người quản tiệc!” 9 Và họ đã đem đi. Khi người quản tiệc nếm thử nước đã hoá thành rượu, ông không biết tự đâu ra, nhưng những người giúp việc đã múc nước thì biết, ông mới gọi tân lang 10 mà nói: “Ai cũng đem rượu ngon ra trước, khi khách ngà ngà thì mới đem rượu xoàng hơn. Còn ông, ông lại giữ rượu ngon tới giờ này”. 11Chúa Giêsu đã làm phép lạ đầu tiên này tại Cana xứ Galilêa, và đã tỏ vinh quang Người và các môn đệ Người tin Người.
12 Sau đó Người xuống Capharnaum làm một với mẹ Người, anh em (Người) và môn đệ của Người, nhưng các Ngài chỉ lưu lại ở đó ít ngày thôi.
Giáo lý cho bài giảng Chúa nhật 2 Thường Niên năm C
WHĐ (16/01/2025) – Để hỗ trợ các nhà giảng thuyết thuận tiện hơn trong việc thêm giáo lý vào bài giảng, Ban Biên tập xin được trích dẫn những điểm giáo lý phù hợp với các bài đọc Kinh Thánh của lễ Chúa nhật 2 Thường Niên năm C theo sự hướng dẫn của Bộ Phụng tự và Kỷ luật các Bí tích.
NỘI DUNG CHÍNH Số 528: Tại Cana, Đức Kitô tỏ mình là Đấng Messia, Con Thiên Chúa, Đấng Cứu Độ Số 796: Giáo Hội là hiền thê của Đức Kitô Số 1612-1617: Hôn nhân trong Chúa Số 2618: Lời chuyển cầu của Đức Maria tại Cana Số 799-801, 951, 2003: Các đặc sủng phục vụ Giáo hội Bài Ðọc I: Is 62, 1-5 Bài Ðọc II: 1Cr 12, 4-11 Phúc Âm: Ga 2, 1-12 |
Số 528: Tại Cana, Đức Kitô tỏ mình là Đấng Messia, Con Thiên Chúa, Đấng Cứu Độ
Số 528. Hiển Linh là sự tỏ mình ra của Chúa Giêsu, như Đấng Messia của Israel, là Con Thiên Chúa, và là Đấng Cứu Độ trần gian. Cùng với việc Chúa Giêsu chịu phép rửa ở sông Jorđanô và với tiệc cưới Cana[1], lễ này mừng kính việc “các đạo sĩ” từ phương Đông đến thờ lạy Chúa Giêsu[2]. Nơi các “đạo sĩ” này, là đại diện cho các tôn giáo lương dân lân cận, Tin Mừng nhận ra những hoa quả đầu mùa của các dân tộc sẽ đón nhận Tin Mừng cứu độ nhờ mầu nhiệm Nhập Thể. Việc các đạo sĩ đến Giêrusalem để bái lạy Vua dân Do Thái[3] cho thấy các vị ấy đến Israel, dưới ánh sáng tiên báo Đấng Messia của ngôi sao Đavid[4], để tìm kiếm Đấng sẽ là vua của các dân tộc[5]. Việc họ đến có nghĩa là các dân ngoại chỉ có thể gặp được Chúa Giêsu và thờ lạy Người là Con Thiên Chúa và là Đấng Cứu độ trần gian, bằng cách hướng về dân Do Thái[6] và nhờ dân ấy mà lãnh nhận lời hứa về Đấng Messia như đã được ghi chép trong Cựu Ước[7]. Cuộc Hiển Linh cho thấy đông đảo dân ngoại được gia nhập vào gia đình của các Tổ Phụ[8], và được hưởng “phẩm giá của Israel”[9].
Số 796: Giáo Hội là hiền thê của Đức Kitô
Số 796. Sự hợp nhất giữa Đức Kitô và Hội Thánh, giữa Đầu và các chi thể của Thân Thể, cũng bao hàm sự phân biệt giữa hai bên trong một tương quan cá vị. Khía cạnh này thường được diễn tả bằng hình ảnh phu quân và hiền thê. Đề tài Đức Kitô phu quân của Hội Thánh đã được các Tiên tri chuẩn bị và ông Gioan Tẩy Giả loan báo[10]. Chính Chúa cũng tự xưng như là “chàng rể” (Mc 2,l9)[11]. Thánh Tông Đồ trình bày Hội Thánh và mỗi tín hữu, chi thể của Thân Thể Người, như là Hiền Thê “được kết hôn” với Chúa Kitô để nên một Thần Khí với Người[12]. Hội Thánh là Hiền Thê tinh tuyền của Con Chiên tinh tuyền[13], mà Đức Kitô đã yêu thương, Người đã hiến mạng sống mình vì Hội Thánh “để thánh hoá và thanh tẩy Hội Thánh” (Ep 5,26), Người liên kết Hội Thánh với mình bằng một giao ước vĩnh cửu, và không ngừng chăm sóc Hội Thánh như thân thể riêng của Người[14]:
“Đây là Đức Kitô toàn thể, gồm Đầu và thân thể, và là một do bởi nhiều người…. Vậy hoặc là đầu nói, hoặc là các chi thể nói, thì đều là Đức Kitô nói: Người nói trong cương vị là Đầu (ex persona capitis), và Người nói trong cương vị là Thân Thể (ex persona corporis). Nhưng nói gì? ‘Cả hai sẽ thành một xương một thịt. Mầu nhiệm này thật là cao cả. Tôi muốn nói về Đức Kitô và Hội Thánh’ (Ep 5,3l-32). Và chính Chúa cũng nói trong Tin Mừng: “Như vậy, họ không còn là hai, nhưng chỉ là một xương một thịt” (Mt l9,6). Vậy như anh em đã biết, thật sự thì có hai người, nhưng cả hai đã nên một khi thành vợ thành chồng…. Với tư cách là Đầu, Người tự xưng là ‘Phu quân’; với tư cách là Thân Thể, Người tự xưng là ‘Hiền thê’”[15].
Số 1612-1617: Hôn nhân trong Chúa
Số 1612. Giao ước hôn nhân giữa Thiên Chúa và dân Israel của Ngài đã chuẩn bị cho Giao ước mới và vĩnh cửu. Trong giao ước mới này, Con Thiên Chúa, Đấng nhập thể và hiến dâng mạng sống, một cách nào đó đã liên kết Người với toàn thể nhân loại được Người cứu độ[16], như vậy Người chuẩn bị cho “tiệc cưới của Con Chiên”[17].
Số 1613. Khởi đầu đời sống công khai, Chúa Giêsu đã thực hiện dấu lạ đầu tiên của Người[18] – theo lời yêu cầu của Mẹ Người – trong một tiệc cưới. Hội Thánh coi việc Chúa Giêsu hiện diện trong tiệc cưới Cana có một tầm quan trọng đặc biệt. Hội Thánh coi đó là sự xác nhận tính thiện hảo của hôn nhân và là lời loan báo rằng hôn nhân từ đây về sau là dấu chỉ hữu hiệu về sự hiện diện của Đức Kitô.
Số 1614. Trong khi Người rao giảng, Chúa Giêsu đã dạy một cách rõ ràng về ý nghĩa nguyên thủy của sự kết hợp giữa người nam và người nữ, đúng như Đấng Tạo Hoá đã muốn ngay từ lúc khởi đầu. Việc ông Môisen cho phép rẫy vợ là một nhượng bộ trước lòng chai dạ đá[19]. Sự kết hợp hôn nhân giữa người nam và người nữ là bất khả phân ly: chính Thiên Chúa đã thực hiện sự kết hợp đó: “Sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly” (Mt 19,6).
Số 1615. Lời nhấn mạnh rõ ràng về tính bất khả phân ly của dây hôn nhân làm cho nhiều người ngỡ ngàng và coi đó là một đòi hỏi không thể thực hiện được[20]. Tuy nhiên, Chúa Giêsu đã không đặt cho các đôi phối ngẫu một gánh không thể mang nổi và quá nặng nề[21], nặng nề hơn luật Môisen. Khi đến để tái lập trật tự ban đầu của công trình tạo dựng, đã bị xáo trộn vì tội lỗi, chính Người ban sức mạnh và ân sủng để con người sống đời hôn nhân theo chiều kích mới của Nước Thiên Chúa. Khi bước theo Đức Kitô bằng cách từ bỏ mình và vác thập giá mình[22], các đôi phối ngẫu có thể “hiểu được”[23] ý nghĩa nguyên thủy của hôn nhân và sống với ý nghĩa đó nhờ sự trợ giúp của Đức Kitô. Ân sủng này của hôn nhân Kitô giáo là hoa trái của Thập Giá Đức Kitô, nguồn mạch của toàn bộ đời sống Kitô hữu.
Số 1616. Tông Đồ Phaolô làm sáng tỏ điều đó khi nói: “Người làm chồng hãy yêu thương vợ, như chính Đức Kitô yêu thương Hội Thánh và hiến mình vì Hội Thánh; như vậy, Người thánh hoá và thanh tẩy Hội Thánh” (Ep 5,25-26). Thánh nhân còn nói thêm: “Chính vì thế, người đàn ông sẽ lìa cha me mà gắn bó với vợ mình, và cả hai sẽ thành một xương một thịt. Mầu nhiệm này thật là cao cả. Tôi muốn nói về Đức Kitô và Hội Thánh” (Ep 5,31-32).
Số 1617. Toàn bộ đời sống Kitô hữu mang dấu chỉ của tình yêu phu thê giữa Đức Kitô và Hội Thánh. Bí tích Rửa Tội, cửa dẫn vào dân Thiên Chúa, đã là một mầu nhiệm hôn ước; bí tích đó có thể nói được là như một thanh tẩy chuẩn bị hôn lễ[24] diễn ra trước bữa tiệc cưới, là bí tích Thánh Thể. Hôn nhân Kitô giáo, đến lượt mình, trở thành dấu chỉ hữu hiệu, trở thành bí tích của giao ước giữa Đức Kitô và Hội Thánh. Bởi vì nó nói lên và truyền thông ân sủng của giao ước đó, nên hôn nhân giữa hai người đã được Rửa Tội là một bí tích thật sự của Giao Ước Mới[25].
Số 2618: Lời chuyển cầu của Đức Maria tại Cana
Số 2618. Tin Mừng mạc khải cho chúng ta Đức Maria cầu nguyện và chuyển cầu trong lòng tin như thế nào: tại Cana[26], Thân mẫu Chúa Giêsu cầu xin Con mình lo đến nhu cầu của bữa tiệc cưới. Bữa tiệc này là dấu chỉ của một Bữa tiệc khác, là tiệc cưới Chiên Con, Đấng ban tặng Mình Máu Người theo lời nài xin của Hội Thánh, Hiền Thê của Người. Vào giờ của Giao ước mới, gần bên thánh giá[27], Đức Maria đã được nhận lời, với tư cách là Người Nữ, tức là bà Evà mới, đích thực là “Mẹ của chúng sinh”.
Số 799-801, 951, 2003: Các đặc sủng phục vụ Giáo hội
Số 799. Các đặc sủng, hoặc ngoại thường hoặc đơn giản và khiêm tốn, là những ân sủng của Chúa Thánh Thần, đều hữu ích cho Hội Thánh cách trực tiếp hay gián tiếp, theo mức độ các đặc sủng đó quy về việc xây dựng Hội Thánh, về việc mưu ích cho con người và về những nhu cầu của trần gian.
Số 800. Các đặc sủng phải được đón nhận với lòng biết ơn, không những bởi người lãnh nhận các đặc sủng đó, mà còn bởi tất cả các phần tử của Hội Thánh. Đó là sự phong phú thật kỳ diệu của ân sủng cho sức sống tông đồ và cho sự thánh thiện của toàn Thân Thể Đức Kitô; miễn là đó phải là những hồng ân thật sự xuất phát bởi Chúa Thánh Thần, và được thực thi hoàn toàn phù hợp với những thúc đẩy đích thực của Ngài, nghĩa là theo đức mến, là thước đo thật của các đặc sủng[28].
Số 801. Theo nghĩa này, rõ ràng là sự phân định các đặc sủng luôn luôn là cần thiết. Không có đặc sủng nào được miễn khỏi tương quan với và quy phục các Mục tử của Hội Thánh. Các ngài “có thẩm quyền đặc biệt, không phải để dập tắt Thần Khí, nhưng phải thử thách tất cả và giữ lại điều gì là tốt”[29], để tất cả các đặc sủng, trong sự khác biệt và bổ sung lẫn nhau, cùng cộng tác “vì lợi ích chung” (1 Cr 12,7)30].
Số 951. Sự hiệp thông các đặc sủng: Trong sự hiệp thông của Hội Thánh, Chúa Thánh Thần “ban phát các ân sủng đặc biệt cho các tín hữu thuộc mọi bậc sống” để xây dựng Hội Thánh[31]. “Thần Khí tỏ mình ra nơi mỗi người một cách, là vì ích chung” (1 Cr 12,7).
Số 2003. Ân sủng, trước hết và đặc biệt, là hồng ân của Thần Khí, Đấng công chính hóa và thánh hóa chúng ta. Nhưng ân sủng cũng gồm các hồng ân Thần Khí rộng ban cho chúng ta để liên kết chúng ta vào công trình của Ngài, để làm cho chúng ta có khả năng cộng tác vào công trình cứu độ những người khác và làm phát triển Thân Thể Đức Kitô là Hội Thánh. Đó là các ân sủng bí tích (gratiae sacramentales), là những hồng ân riêng cho những bí tích khác nhau. Ngoài ra, còn có các ân sủng đặc biệt (gratiae speciales) gọi là các đặc sủng (charismata) theo từ Hi lạp, mà thánh Phaolô sử dụng, có nghĩa là đặc ân, hồng ân nhưng không, phúc lợi[32]. Dù có đặc tính nào đi nữa, đôi khi là ngoại thường, như ơn làm phép lạ hay ơn nói tiếng lạ, các đặc sủng đều quy hướng về ơn thánh hóa và có mục tiêu là công ích của Hội Thánh. Các đặc sủng đều phục vụ đức mến là nhân đức xây dựng Hội Thánh[33].
Bài giảng Đức Thánh Cha – Chúa nhật 2 Thường Niên năm C
Đây là những bài giảng và huấn dụ của Đức Thánh Cha trong các thánh lễ và các buổi đọc kinh Truyền tin với các tín hữu vào Chúa nhật 2 Thường Niên năm C.
NỘI DUNG CHÍNH Đức Phanxicô, Huấn dụ Chúa nhật 2 Thường Niên năm C (16/01/2022) – Một dấu lạ tỏ bày tình yêu của Thiên Chúa Đức Phanxicô, Huấn dụ Chúa nhật 2 Thường Niên năm C (20/01/2019) – Người bảo gi các anh cứ việc làm theo Đức Phanxicô, Huấn dụ Chúa nhật 2 Thường Niên năm C (17/01/2016) – Chúa Giêsu, Phu Quân của chúng ta Đức Bênêđictô XVI, Huấn dụ Chúa nhật 2 Thường Niên năm C (20/01/2013) – Rượu ám chỉ máu mà Chúa Giêsu sẽ đổ ra |
1. Suy niệm (TGM Giuse Nguyễn Năng)
Suy niệm: “Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo”
Ðức Maria, người phụ nữ nhẹ nhàng, kín đáo, tế nhị và luôn tin tưởng vào Thiên Chúa. Trong tương quan với Thiên Chúa. Mẹ luôn tôn thờ, tuân phục và thi hành Thiên Ý. Trong liên đới với anh chị em đồng loại. Mẹ luôn tỏ ra ân cần, mau mắn giúp đỡ. Nhờ sự tận tình, Mẹ đã giúp cho tình thế được biến đổi. Khó khăn đã được vượt thắng. Bình an được hiện diện giữa mọi người.
Ðức Maria đã sống đúng ơn gọi phụ nữ. Mẹ gìn giữ và làm phát triển nhân phẩm người phụ nữ. Những người phụ nữ hôm nay suy nghĩ gì trước mẫu gương của Mẹ.
Cầu nguyện: Lạy Mẹ Maria, cách sống của Mẹ đã nâng cao giá trị người phụ nữ. Người phụ nữ không phải là một móm đồ chơi để thỏa mãn dục tính, nhưng sự hiện diện của ngươì phụ nữ: nét hiền hậu, lòng nhân ái của người phụ nữ giúp cho cuộc sống được tươi mát, an hòa.
Xin Mẹ hướng dẫn các anh chị em phụ nữ. Xin Mẹ giúp các chị em phụ nữ biết thăng tiến phẩm giá của mình. Ðể từ đó, họ đem lại nét duyên dáng xin đẹp cho cuộc đời. Amen.
Ghi nhớ: “Chúa Giêsu đã làm phép lạ đầu tiên này tại Cana xứ Galilêa”.
2. Suy niệm (Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái)
SỢI CHỈ ĐỎ
Tình yêu hôn nhân rất tốt đẹp. Vì thế Chúa Giêsu đã tới Cana để dự tiệc cưới và chúc phúc cho đôi tân hôn (Bài Phúc Âm). Thiên Chúa còn dùng hình ảnh hôn nhân loài người để giúp người ta hiểu được phần nào tình yêu của Ngài đối với nhân loại (Bài đọc I)
I. DẪN VÀO THÁNH LỄ
Anh chị em thân mến
Trong phần Phụng vụ Lời Chúa hôm nay, chúng ta sẽ nghe Thiên Chúa ngỏ lời “tỏ tình” với loài người chúng ta. Qua miệng ngôn sứ Isaia, Thiên Chúa phán: “Như trai tài sánh duyên cùng thục nữ, Đấng tác tạo ngươi sẽ cưới ngươi về. Như cô dâu là niềm vui cho chú rẻ, ngươi cũng là niềm vui cho Thiên Chúa ngươi thờ”.
Xin Chúa giúp chúng ta hiểu được tình Chúa yêu thương chúng ta đến mức nào.
II. GỢI Ý SÁM HỐI
– Chúa đã yêu thương chúng con rất nhiều, nhưng đáp lại, chúng con yêu thương Chúa quá ít. Xin Chúa thương xót…
– Vì yêu thương chúng con, nên Chúa hy sinh rất nhiều cho chúng con, thậm chí Chúa đã chịu nạn chịu chết vì chúng con. Phần chúng con vì yêu thương Chúa ít nên chúng con ít khi chịu hy sinh vì Chúa. Xin Chúa Kitô thương xót…
– Yêu thương là cho đi. Chúa yêu thương chúng con vô cùng nên đã ban cho chúng con vộ vàn ơn sủng. Còn chúng con thì chẳng có gì để dâng cho Chúa. Xin Chúa thương xót…
III. PHÂN TÍCH LỜI CHÚA
1. Bài đọc I (Is 62,1-5)
Bài thơ này của Đệ Tam Isaia được sáng tác sau khi dân Do Thái được thoát cảnh lưu đày, hồi hương về cố quốc.
Khi nhìn ngược về quá khứ, tác giả hiểu rằng lưu đày là hình phạt xứng đáng đối với tội bất trung của dân. Nhưng khi nhìn vào hiện tại, tác giả cảm nhận được tình yêu nồng nàn của Chúa: dù dân đã phản bội nhưng Chúa vẫn yêu thương. Ngài đã cứu họ khỏi cảnh khốn cùng: “Chẳng còn ai réo tên ngươi là ‘đồ bị ruồng bỏ’, xứ sở ngươi hết bị tiếng là ‘phận bác duyên đơn’. Chẳng những thế, Chúa còn yêu thương họ như người chồng rất mực yêu thương người vợ mới cưới: “Như trai tài sánh duyên cùng thục nữ, Đấng tác tạo ngươi sẽ cưới ngươi về. Như cô dâu là niềm vui cho chú rẻ, ngươi cũng là niềm vui cho Thiên Chúa ngươi thờ”.
2. Đáp ca (Tv 95)
Thánh vịnh 95 là tâm tình của người ý thức tình thương Thiên Chúa: vui mừng, ca tụng và loan báo “Hãy kể cho muôn dân được biết những kỳ công Chúa đã làm”.
3. Bài đọc II (1 Cr 12,4-11) (Chủ đề phụ)
Có nhiều chia rẻ, đố kỵ và tranh chấp trong giáo đoàn Côrintô: người có tài thì khinh chê kẻ khác, kẻ bất tài thì đố kỵ, những kẻ có tài lại ganh ghét nhau.
Thánh Phaolô nhắc cho họ nhớ: (1) tất cả mọi tài năng đều là do Chúa Thánh Thần ban; (2) mà ơn Chúa Thánh Thần ban thì khác nhau nơi mỗi người; (3) và tất cả những ơn ban đó đều nhằm phục vụ lợi ích chug của Giáo Hội.
4. Phúc Âm (Ga 2,1-12)
Tường thuật này không phải đơn giản nói về một bữa tiệc cưới, nhưng còn là “dấu chỉ đầu tiên” qua đó Chúa Giêsu “bày tỏ vinh quang của Ngài” để cho “các môn đệ tin vào Ngài” (câu 11). Chúa bày tỏ những gì?
1. Trước hết Ngài cho thấy Ngài là Đấng khai mở một thời kỳ hoan lạc mới. Thánh Kinh thường dùng hình ảnh tiệc cưới để chỉ thời hoan lạc Messia, và hình ảnh chú rể để chỉ Đấng Messia. Trong đám cưới ở Cana, lẽ ra chú rể phải cung cấp đủ rượu cho khách dự tiệc, và như thế bữa tiệc mới vui mừng trọn vẹn. Thế nhưng chú rể ấy đã không chu toàn. Kẻ cung cấp rượu và làm cho bữa tiệc vui mừng trọn vẹn lại chính là Chúa Giêsu.
2. Ngài còn cho thấy Ngài đến để thiết lập một tín ngưỡng mới thay thế tín ngưỡng đã quá lỗi thời của người Do Thái: bài tường thuật có nhắc đến những chum đựng nước để cho người ta thanh tẩy trước khi dự tiệc. Đấy là một tục lệ tiêu biểu của đạo cũ. Hôm nay những chum ấy đã được Chúa Giêsu cho tràn ngập rượu mới, lại là thứ rượu ngon vượt sức tưởng tượng của người ta. Nghĩa là tín ngưỡng mới mà Chúa Giêsu thiết lập vượt xa tín ngưỡng cũ quá bám víu vào hình thức bề ngoài.
3. Bài tường thuật cũng nói tới “giờ” (Chúa Giêsu nói với mẹ: “Giờ con chưa đến”). “Giờ” là lúc Chúa Giêsu được vinh quang khi chịu chết trên Thập giá để tuôn ơn cứu độ cho loài người. Hôm nay ở Cana, tuy chưa tới “giờ” ấy, nhưng Ngài cũng tỏ chút vinh quang cho các môn đệ và người ta thấy trước qua việc Ngài làm phép lạ cho nước hóa thành rượu.
4. Vinh quang Chúa đã được hé lộ trước cũng do công của Đức Maria, kẻ đã tế nhị thấy hoàn cảnh khó khăn của chủ nhà và chủ động đến xin Chúa Giêsu can thiệp.
IV. GỢI Ý SUY GẪM
1. Tình yêu của Chúa
Trong các thứ tình yêu, tình yêu nào nồng nàn tha thiết nhất? Thưa là tình cha mẹ dành cho con cái, và tình vợ chồng đối với nhau. Nếu so sánh hai thứ tình đó với nhau thì tình yêu hôn nhân chắc là mạnh hơn. Bởi đó sách Sáng thế đã viết “Người nam sẽ lìa bỏ cha mẹ và khắn khít với vợ mình” (St 2,24). Chúa Giêsu cũng đồng ý như thế nên đã trích dẫn lại câu ấy khi tranh luận với các người biệt phái (Mt 19,5). Cũng vì lý do đó nên khi muốn tỏ cho loài người biết Thiên Chúa yêu thương loài người đến mức nào, Thiên Chúa đã dùng hình ảnh tình yêu vợ chồng để minh họa.
Trong tình yêu vợ chồng, điều gì đáng quý nhất? Thưa đó là sự hy sinh cho nhau và chung thuỷ với nhau. Hy sinh cho nhau nhiều chừng nào thì đó là bằng chứng yêu thương nhau nhiều chừng ấy. Dù gặp phải bao sóng gió, dù những khuyết điểm lỗi lầm thường xuyên đe dọa, nhưng vợ chồng vẫn yêu thương nhau đến chết, đó mới là tình yêu chân thật vững bền.
Thế nhưng, trong một trăm đôi vợ chồng, có bao nhiêu đôi hy sinh và chung thuỷ được như thế.
Rốt cuộc, dù con người được nếm vị ngọt của nhiều loại tình yêu, nhưng rất nhiều lần cũng phải thất vọng với những tình yêu nhân loại, cho dù đó là tình vợ chồng tha thiết nhất.
Chỉ có tình yêu Thiên Chúa mới là tình yêu chân thật và cao cả nhất: vì yêu thương chúng ta, Chúa Cha đã hy sinh ban chính Con Một của Ngài cho chúng ta; vì yêu thương chúng ta, Chúa Giêsu đã hy sinh đến nỗi chịu chết vì chúng ta: “Không có tình yêu nào cao trọng bằng tình yêu của người dám thí mạng vì người mình yêu”. Mặt khác, dù loài người luôn phản bội, Thiên Chúa vẫn tha thứ và vẫn cứ yêu. Loài người đã nhiều lần bỏ Chúa, nhưng Chúa không bao giờ bỏ loài người.
Con người là một sinh vật yêu thương: con người cần yêu thương và cần được yêu thương. Chúng ta hãy tìm đến tình yêu Thiên Chúa. Chắc chắn chúng ta sẽ chẳng phải thất vọng bao giờ.
2. Phép lạ ở Cana
Thời nay đang có một cuộc khủng hoảng về gia đình: số người lập gia đình rồi li dị càng ngày càng nhiều; nhiều người trẻ không muốn lập gia đình; một số người chủ trương nếu thích nhau thì cứ sống chung với nhau, đến khi nào không thích nhau nữa thì chia tay, cần gì mà phải cam kết sống chung suốt đời.
Cuộc sống gia đình quả là rất khó khăn: Ngày mới cưới, tình yêu vợ chồng thắm nồng như ly rượu tân hôn. Nhưng chẳng bao lâu sau, rượu nhạt tình phai, thậm chí còn thiếu rượu. Tình yêu thủy chung, luôn cho đi mà không hề mệt mõi, không ngừng nhường nhịn nhau và tha thứ cho nhau. Một tình yêu như thế ở thời nay quả là một phép lạ.
Ở Cana, Chúa Giêsu đã làm phép lạ như thế: khi người ta thiếu rượu, Ngài đã làm cho có rượu dồi dào; và rượu ấy Ngài đã làm ra từ những chum nước lã. Phép lạ này ngày nay Chúa vẫn tiếp tục làm, cho những ai thực lòng cầu xin Ngài. Tại sao những đôi vợ chồng đang gặp khó khăn không cầu xin phép lạ ấy? Tại sao anh chị em không nhờ Đức Mẹ chuyển lời cầu xin?
3. Ý nghĩa sâu xa của phép lạ hóa nước thành rượu
Phúc Âm theo Thánh Gioan thường có ý nghĩa rất sâu xa. Chẳng hạn đoạn Phúc Âm này, tuy nói về một đám cưới nhưng ý nghĩa không chỉ gói gọn trong đời sống hôn nhân mà bao trùm cả đời sống mọi người; tuy nói về nước hóa thành rượu nhưng chỉ đến tất cả những thứ mà quyền năng Chúa Giêsu có thể biến đổi.
Việc Chúa Giêsu hóa nước thành rượu được Thánh Gioan gọi là “dấu chỉ” và còn là “dấu chỉ đầu tiên để bày tỏ vinh quang của Ngài”. Dấu chỉ là cái gì đó trước mắt chỉ tới cái khác. Cái trước mắt ở Cana là nước thành rượu. Cái khác mà nước thành rượu chỉ tới là gì? Thưa là điều được ngôn sứ Isaia tiên báo trong bài đọc I: đó là ngày mà Thiên Chúa biến đổi cuộc sống con người thành hoan lạc như tiệc cưới: “Như trai tài sánh duyên cùng thục nữ, Đấng tác tạo ngươi sẽ cưới ngươi về. Như cô dâu là niềm vui cho chú rẻ, ngươi cũng là niềm vui cho Thiên Chúa ngươi thờ”.
Chúa Giêsu đã đến khai mạc ngày hoan lạc ấy. Ở Naim, Ngài đã biến đổi những giọt nước mắt đau thương của người mẹ khóc con thành những giọt lệ vui mừng khi con mình sống lại. Ở Giêricô, Ngài đã biến đổi cõi lòng héo úa vì ích kỷ của ông Dakêu thành một tâm hồn tươi tốt quãng đại. Cho tới lúc đã bị đóng đinh trên thập giá, Ngài vẫn tiếp tục biến đổi người trộm lành đang tuyệt vọng thành người khách mời đầu tiên dự tiệc thiên quốc. Và nhất là trong biến cố phục sinh, Ngài đã biến đổi sự chết thành sự sống.Nếu đời bạn đang tẻ nhạt như nước lã. Hãy đến với Chúa Giêsu. Ngài sẽ biến đổi cho nước lã ấy thành rượu ngon tuyệt vời.
4.Hạnh phúc mong manh
Ở đất Vũ Bình có giống vượn đỏ như vang, nõn nà như tơ, trông xa lấp lánh rất là đẹp mắt. Có hai mẹ con vượn, mẹ thì khôn ngoan, tinh anh, con thì ngây ngô, nhẹ dạ, nhưng lúc nào mẹ con cũng đi bên nhau. Người đi săn không thể nào nhử mồi đánh bẫy được, mới lấy thuốc độc sát vào đầu mũi tên, rình lúc vượn mẹ vô ý thì bắn. Khi vượn mẹ bị trúng tên, biết mình không thể sống được, liền vắt sữa ra cho con uống, xong rồi lăn ra chết.
Người đi săn quay về phía vượn con, cầm roi quất vào xác vượn mẹ. Vượn con trông thấy kêu gào thương xót chạy lại gần, người đi săn liền vồ lấy mà bắt sống. Lúc về nhà, cứ đêm đêm, vượn con nằm phục bên xác mẹ thì mới yên, đôi khi lại ôm lấy mẹ kêu gào thảm thiết. Không được mấy hôm vượn con cũng lăn ra chết.
Tình mẫu tử của giống vượn lông đỏ làm cho chúng ta vô cùng xúc động: Tuy nhiên, chúng ta cũng có một người mẹ, hết lòng chăm lo cho từng đứa con còn lớn lao hơn gấp bội. Đó chính là Mẹ Maria.
Có thể nói, một trong những trang đẹp nhất của sách Phúc Âm Gioan, chính là bài tường thuật về “Tiệc cưới Cana”. Chính nơi tiệc cưới này, Mẹ đã bày tỏ thật sâu sắc tình mẫu tử của người.
Theo tập tục Do Thái, đám cưới kéo dài suốt bảy ngày, nhưng mới đến “ngày thứ ba” thì tiệc cưới Cana đã hết rượu. Thật là một tai hoạ bất ngờ, chủ tiệc vô cùng bối rối khó xử. Duy chỉ có Mẹ Maria nhận ra được tình thế gay go ấy. Sự nhạy cảm và lòng thương yêu của tình mẫu tử đã khiến Mẹ mạnh dạn thưa với Chúa Giêsu: “Họ hết rượu rồi” (Ga 2,3). Một câu nói ngụ ý nài xin kín đáo.
Nhưng lời đáp trả của Chúa Giêsu mới làm cho chúng ta thật sửng sốt: “Tôi với bà có can chi? Giờ tôi chưa đến” (Ga 2,4). Qua câu này Chúa Giêsu chỉ muốn xác quyết tính siêu việt của Người: Hoàn toàn lệ thuộc Chúa Cha. Chắc Mẹ cũng không hiểu rõ chữ “Giờ” tức là giờ vinh quang của Chúa Giêsu sau cuộc tử nạn và phục sinh. Nhưng Mẹ vẫn một mực hoàn toàn tin tưởng vào Con của Mẹ, Mẹ mong Con làm một điều gì đó: “Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo” (Ga 2,5). Quả thật, Chúa Giêsu có bảo và các người giúp việc đã làm.
Thế là Chúa Giêsu quyết định thực hiện một phép lạ đầu tiên trong cuộc đời công khai rao giảng, một phép lạ kiểu mẫu của các phép lạ kế tiếp. Tuy “Giờ” tôn vinh chưa đến, nhưng ngay lúc này, Người muốn biểu lộ giờ vinh quang ấy qua phép lạ Người sắp thực hiện để “Các môn đệ tin vào Người” (Ga 2,11). Nh
ờ sự can thiệp của Mẹ mà phép lạ Cana đã được thực hiện, để đức tin của các môn đệ được củng cố và triển nở.
Nhờ sự đóng góp của Mẹ mà sáu chum nước lã đã biến thành 700 lít rượu ngon, để niềm vui của đôi tân hôn và khách dự tiệc được trọn vẹn. Ngày
nay, Mẹ vẫn nói nhỏ bên tai Chúa: “Họ hết rượu rồi”.
Để cho bao mối tình đang nhạt phai được trở nên nồng thắm và tràn đầy tin yêu.
Để cho bao gia đình thiếu vắng tình yêu được củng cố và thuận hoà yêu thương.
Để cho bao tâm hồn đang chao đảo giữ vững được niềm tin và hy vọng.
Nếu ngày xưa Chúa Giêsu đã biến nước lã của Cựu ước thành rượu ngon của Tân ước, để mở ra một thời đại mới, thời đại thiên sai; thì ngày nay, Người cũng muốn chúng ta biến cuộc đời lạt lẽo của mình thành rượu nồng tình yêu: yêu Chúa và yêu tha nhân, để mọi người được chan chứa niềm vui cứu độ. Nếu Chúa Giêsu đã biến thứ nước tẩy uế của Do Thái giáo thành rượu ngon hảo hạng, để thiết lập một trật tự mới; thì Người cũng mời gọi chúng ta hãy biến đổi trái đất này thành m
ột thế giới mới: chân thật, công bằng và yêu thương.
5. Đức Maria, gương mẫu của sứ vụ
Phúc Âm thánh Gioan chỉ nhắc tới Đức Maria có hai lần: một lần ở Cana lúc Chúa Giêsu mới bắt đầu sứ vụ, và một lần dưới chân thập giá lúc Ngài hoàn thành sứ vụ. Hai lần ở đầu và cuối, ngụ ý bao hàm tất cả. Các Phúc Âm nhất lãm nói rõ hơn về điều này.
Trong biến cố Truyền tin, khi được hỏi có muốn làm mẹ Đấng Cứu Thế hay không, Người đã bỏ ý riêng sang một bên để quảng đại “Xin Vâng” theo thánh ý Chúa. Sứ vụ đôi khi có nghĩa là sẵn sàng gác sang một bên những chương trình riêng của mình, để đáp lại lời Chúa mời hợp tác trong chương trình của Ngài.
Trong biến cố Thăm viếng, khi vừa hay tin người chị họ của mình đã mang thai 6 tháng và đang cần người giúp đỡ, Đức Maria đã vội vã đến nơi. Sứ vụ đôi khi có nghĩa là phải có sáng kiến: thấy nhu cầu, và mau mắn phục vụ.
Trong biến cố Cana, Đức Mẹ thoáng nhận ra vẻ bối rối của nhà chủ, Người hiểu ngay là họ thiếu rượu, và Người đã xin Con giúp đỡ. Sứ vụ đôi khi cần phải tế nhị: nhận ra điều người ta đang cần, nhưng ý thức rằng bản thân mình không làm gì được, nên giới thiệu cho kẻ có khả năng giúp đỡ.
Trên đồi Golgotha, Đức Mẹ đứng dưới chân thập giá nhìn con yêu dấu đang hấp hối, rất đau lòng nhưng chỉ biết lặng thinh. Sứ vụ có khi còn có nghĩa là chấp nhận bất lực không làm gì được, chỉ biết phó thác.
Tất cả chúng ta đều được Chúa trao sứ vụ: sứ vụ đối với gia đình, sứ vụ với Giáo Hội, sứ vụ với xã hội, sứ vụ với tất cả mọi người. Chúng ta hãy nhìn gương Đức Mẹ và bắt chước Người. (FM)
6. Chuyện minh họa
a/ Con sâu trong tảng đá
Một hôm Thượng Đế gọi một Thiên sứ đến và truyền lệnh: “Ngươi hãy xuống trần gian để đưa về đây người đàn bà góa có 4 đứa con thơ”. Thiên sứ ra đi, gặp ngay người đàn bà góa đang cho đứa con nhỏ nhất bú. Ngài nhìn người đàn bà với 4 đứa con dại, rồi lại lên Thượng Đế để tha thiết nài xin rút lại lệnh truyền. Làm sao có thể nhẫn tâm tách lìa người mẹ khỏi những đứa con thơ ấy? Nhưng lời van xin của Sứ thần chẳng mảy may đánh động được Thượng Đế. Cuối cùng Sứ thần đành phải vâng lệnh Thượng Đế mà cướp người mẹ góa khỏi bầy con thơ và đưa về trời.
Hoàn thành công tác, nhưng xem chừng vị thiên sứ lại có vẻ buồn. Phải, làm sao vui được trước cảnh chia ly giữa mẹ và con? Thấy sứ thần buồn, Thượng Đế gọi đến và đưa vào sa mạc. Ngài chỉ cho sứ thần thấy một tảng đá lớn và bảo đập nó ra. Tảng đá vừa vỡ đôi, sứ thần ngạc nhiên vô cùng, vì từ trong tảng đá một con sâu nhỏ từ từ bò ra. Chợt hiểu được ý nghĩa của sự kiện ấy, sứ thần bỗng thốt lên: “Ôi lạy Đấng tối cao, mầu nhiệm thay công cuộc sáng tạo của Ngài. Với sự khôn ngoan thượng trí và tình yêu vô biên, Ngài đã không bỏ mặc một tạo vật bé nhỏ như con sâu kia, thì hẳn Ngài cũng sẽ không quên được 4 đứa trẻ mồ côi là con cái của Ngài.” (Trích “Món quà giáng sinh”)
b/ Cái nhìn của bậc thánh nhân
Một buổi trưa hè nóng bức, Thánh Phanxicô Assisi sau khi đi đường mệt nhọc đã tìm được một chỗ nghỉ chân rất thoải mái. Chỗ đó là dưới một gốc cây có tàng lá che mát, bên dưới là một dòng nước trong lành mát rượi. Thánh nhân rửa tay rửa mặt xong xuôi rồi ngả mình dưới tàng lá. Bỗng dưng người bật khóc. Vì người nghĩ: từ không biết bao đời, Chúa đã biết hôm nay mình đến đây, Chúa biết mình mệt, cho nên Chúa đã đặt sẵn ở đây một bóng mát và một dòng suối để cho mình nghỉ ngơi.
Cái nhìn của bậc thánh nhân đã nhận ra những điều mà người phàm không bao giờ thấy được.
3. Suy niệm (Lm. Giuse Đinh Lập Liễm)
TIỆC CƯỚI CANA
+++
A. DẪN NHẬP
Chúa nhật hôm nay có liên quan đến lễ Hiển linh và lễ Đức Giêsu chịu phép rửa vì trong cả ba lễ đó, Đức Giêsu đều tỏ vinh quang của mình ra dưới nhiều khía cạnh khác nhau.
Chúa nhật 2 thường niên hôm nay thuật lại việc Đức Giêsu làm phép lạ biến nước thành rượu là có ý hé mở cho các môn đệ một chút vinh quang của Ngài, mặc dầu giờ của Ngài chưa tới, để củng cố niềm tin cho những môn đệ mới được kêu gọi. Đồng thời cũng loan báo cho mọi người biết, qua việc thiếu rượu và biến nước thành rượu, Ngài sẽ lập một đạo mới thay thế cho đạo cũ không còn hợp thời.
Ngoài ra, việc Đức Giêsu đến dự tiệc cưới vào những ngày đầu sứ vụ công khai minh chứng rằng Ngài rất quan tâm đến đời sống hôn nhân gia đình và Ngài sẽ lập bí tích hôn phối. Sự hiện diện của Đức Mẹ trong tiệc cưới này cũng nói lên vai trò rất đắc lực trong việc cầu bầu cho chúng ta trước mặt Thiên Chúa. Hãy sống theo phương châm: “Per Mariam ad Jesum”: qua Mẹ Maria đến với Chúa Giêsu.
B. TÌM HIỂU LỜI CHÚA
+ Bài đọc 1: Is 62,1-5
Sau khi đi lưu đày về, tiên tri Isaia ca ngợi vinh quang của Giêrusalem và đất thánh. Nhìn ngược về quá khứ, ta thấy Israel đã được Thiên Chúa yêu thương, được coi như hôn thê của Ngài, nhưng Israel đã bất trung, phải đi lưu đày vì những lầm lỗi, Giêrusalem trở nên hoang tàn. Tuy vậy, Thiên Chúa vẫn không ngớt yêu thương và tha thứ. Nay Thiên Chúa đưa Israel trở về, không còn bị người ta chế giễu là “đồ bị ruồng bỏ” và xứ sở không còn mang tiếng là “phận bạc duyên đơn”.
Bây giờ Giêrusalem hoan hỉ tưng bừng vì được thay đổi số phận, được Chúa yêu thương như người chồng rất mực yêu thương người vợ mới cưới, như tiên tri Isaia mô tả: “Như trai tài sánh duyên cùng thục nữ, Đấng tác tạo nên ngươi sẽ cưới ngươi về. Như cô dâu là niềm vui của chú rể, ngươi cũng là niềm vui của Thiên Chúa ngươi thờ” (Is 62,5).
Lời tiên tri ấy đã được hoàn thành trong Đức Giêsu, Đấng đã thay thế trật tự cũ bằng trật tự mới. Điều này được tượng trưng bằng sự biến đổi nước thành rượu (Tin mừng).
+ Bài đọc 2: 1Cr 12,7-11
Thánh Phaolô thấy giáo đoàn Côrintô có sự chia rẽ, Ngài phải viết thư nhắc nhở họ. Trong đoạn thư hôm nay, thánh Phaolô nhắc lại cho họ ba điểm:
1) Những ân huệ, những tài năng, những chức vụ thì đa dạng, nhưng tất cả đều do Chúa Thánh Thần ban.
2) Những ân huệ do Thánh Thần ban thì khác nhau nơi từng người, người được ơn này, người được ơn khác.
3) Nhưng tất cả những ân ban đó đều nhằm mục đích chung của Hội thánh là để phục vụ. Việc Chúa ban cho Hội thánh nhiều ân sủng chứng tỏ rằng Chúa hằng trung tín với Hội thánh, là hiền thê của Ngài.
+ Bài Tin mừng: Ga 2,1-11
Bài Tin mừng hôm nay thuật lại việc Đức Giêsu làm nước hoá thành rượu tại tiệc cưới Cana. Bài tường thuật này không nhằm mô tả phép lạ hoá nước thành rượu mà nói lên “một dấu chỉ đầu tiên” qua đó, Đức Giêsu bày tỏ vinh quang của Ngài để các môn đệ tin vào Ngài.
a) Đức Giêsu cho thấy Ngài là Đấng Thiên sai khai mở một thời kỳ hoan lạc mới cho nhân loại. Thánh kinh thường hay dùng hình ảnh tiệc cưới để chỉ thời hoan lạc Messia, và hình ảnh chú rể để chỉ Đấng Cứu thế, và hình ảnh chú rể để chỉ Đấng Messia. Theo nghi lễ, hôn phu phải cung cấp rượu (c.10), trong trường hợp này, hôn phu bước đi và Đức Giêsu một cách kín đáo để thay thế ông. Với tư cách là hôn phu của nhân loại, chính Ngài cung cấp rượu.
b) Đạo cũ của người Do thái đã lỗi thời không còn thích hợp, Ngài đến thiết lập một đạo mới thay thế cho đạo cũ. Việc thiết lập đạo mới này được tượng trưng bằng việc biến sáu chum nước thành sáu chum rượu ngon. Rượu ngon mới này ám chỉ rằng tín ngưỡng cũ quá bám víu vào hình thức bề ngoài, nay không thích hợp nữa.
c) Tuy giờ vinh quang của Đức Giêsu chưa tới, nghĩa là vinh quang ấy chỉ được biểu lộ trên thập giá, nhưng vì có lời yêu cầu của Đức Maria, nên Ngài đã tỏ chút vinh quang cho các môn đệ thấy và người ta thấy trước qua việc Ngài làm phép lạ cho nước hóa thành rượu.
C. THỰC HÀNH LỜI CHÚA: Tiệc cưới tình thương
I. TIỆC CƯỚI TẠI CANA
1. Diễn tiến tiệc cưới
Vào ngày thứ ba tính từ khi rời Nazareth đến Galilê, tức là vào tuần đầu đời công khai của Đức Giêsu, có một tiệc cưới ở Cana. Có lẽ tiệc cưới này là của bà con thân thuộc gì đó. Mẹ Đức Giêsu cũng được mời và đã đến đó trước rồi. Đức Giêsu và các môn đệ đầu tiên cũng được mời dự tiệc cưới đó.
Theo phong tục của người Do thái, có rất nhiều nghi lễ và cuộc vui kéo dài từ 3 ngày đến một tuần lễ, tuỳ theo tài sản của đôi bên, và cuộc lễ thường được tổ chức vào ban đêm. Trường hợp của bà goá tái giá thì chỉ trong ba ngày. Đám cưới này chắc hẳn của đôi tân hôn còn trẻ.
Đám cưới mà Đức Giêsu đến dự có lẽ là của một bậc khá giả, vì cần nhiều nước dự trữ để làm lễ tẩy, lại thêm một viên quản tiệc tức là người đứng đầu trông nom cỗ bàn. Thường thường thì người Do thái rất tiết kiệm, nhưng trong những dịp vui này người ta không ngại tốn kém, tổ chức cho linh đình, để lấy tiếng cho gia đình mình. Trong tiệc vui như thế này người ta không ăn uống bình thường như mọi ngày, mà có thể nói được người ta “nhậu nhẹt”, chén tạc chén thù, có thể đi đến say sưa. Có lẽ chính vì đó mà xảy ra cảnh “hết rượu”. Chủ nhà đó đã tính hụt. Điều này làm cho gia chủ và những người phục vụ rất lo lắng, vì đang bữa tiệc mà hết rượu thì cả là một sự xấu hổ và nhục nhã cho gia đình.
Đứng trước cảnh lúng túng của gia chủ, Đức Maria đã có cách tháo gỡ thế bí cho gia chủ: Ngài nhờ Đức Giêsu giúp đỡ. Ngài âm thầm từ dưới bếp đi lên, ghé vào tai Đức Giêsu mà nói nhỏ: “Họ hết rượu rồi”. Một lời gợi ý có tính cách van xin và đầy tin tưởng.
Đức Giêsu có phản ứng ngay và có tính cách lạnh nhạt: “Tôi với bà có can chi đâu, giờ tôi chưa đến”. Tiếng Việt Nam và thói tục Việt Nam nói như thế không có gì khó nghe cả. Những chàng thanh niên nhất là có địa vị, hay khi đã có gia đình và có con, khi nói với mẹ mình trước mặt một số người thường cũng hay dùng chữ “bà” với chữ “tôi”. Đối với người Việt Nam, dùng chữ “bà” và “tôi” cũng vẫn thân mật. Tuy câu trả lời của Đức Giêsu có vẻ từ chối, nhưng thực tế ai cũng hiểu lời ấy vẫn ngầm chứa sự đồng ý.
Giờ của Chúa tuy chưa tới, nhưng trước lời cầu xin của Đức Mẹ thì việc làm phép lạ phải đến trước “giờ”: 6 chum nước chứa được từ 800 đến 1200 lít đã biến thành rượu ngon. Đức Giêsu đã làm phép lạ đầu tiên để cứu đôi tân hôn khỏi khổ nguy trong ngày đầu hết đời sống hôn nhân, dầu chưa đến giờ của Ngài. Điều đó chứng tỏ Đức Giêsu rất quan tâm đến đời sống hạnh phúc của hôn nhân.
2. Ý nghĩa tiệc cưới
Phép lạ ở Cana liên kết Chúa nhật này với ngày lễ Hiển linh và lễ Đức Giêsu chịu phép rửa – tất cả là sự biểu lộ vinh quang của Ngài. Nếu chúng ta hiểu phép lạ ở Cana theo nghĩa đen, chúng ta sẽ giản lược nó thành một điều kỳ diệu chỉ trong nháy mắt là xong và giới hạn ý nghĩa của nó.
Thánh Gioan đã có dụng ý dùng từ “dấu lạ đầu tiên” để chỉ ý nghĩa sâu xa của nó và nó có giá trị trong mọi thời đại. Trong nỗ lực mô tả mối quan hệ giữa Thiên Chúa với dân Người, Kinh thánh dùng hình ảnh của hôn phu và hôn thê. Và để mô tả niềm vui mà Thiên Chúa tìm thấy ở giữa dân Người, Thiên Chúa dùng hình ảnh tiệc cưới.
Bài đọc 1 gợi lên cho chúng ta ý tưởng: dân Israel là hôn thê của Thiên Chúa đã bất trung, phải bị lưu đày, nhưng hôn phu của nàng là Thiên Chúa đã không quên nàng. Sẽ có một tiệc cưới mới. Thiên Chúa sẽ phục hưng dân Ngài. Lời hứa này đã được thực hiện khi dân chúng trở về từ chốn lưu đày, nhưng đặc biệt hơn khi Đức Giêsu đến.
Người ta không ngạc nhiên khi thấy Đức Giêsu khởi đầu sứ vụ công khai ở một tiệc cưới. Ở tiệc cưới ấy, người ta thiếu rượu. Cách nói này muốn ám chỉ tôn giáo cũ, giao ước cũ vẫn còn thiếu sót. Đã đến lúc mọi lời hứa phải được thực hiện, cũng là thời kỳ của luật mới và tinh thần mới. Điều Đức Giêsu đã thực hiện ở Cana không phải là một việc làm hời hợt, nó nói lên điều phải xảy ra trong suốt sứ vụ của Ngài. Hoá nước thành rượu là một biểu tượng của việc Ngài cần phải thực hiện. Bất cứ nơi nào Ngài đến, cái cũ được trở thành cái mới (McCarthy).
Đức Giêsu hiện diện trong tiệc cưới để cùng cảm thông niềm vui của con người, đồng thời cũng là dịp để Chúa thu phục niềm tin của các môn đệ mới theo Ngài.
Đối với việc Đức Giêsu và Đức Maria đi ăn cưới thì điều này rất bình thường trong cuộc sống của con người. Nhưng lần này khi đến tham dự tiệc cưới và thực hiện phép lạ hoá nước thành rượu, Đức Giêsu muốn nói lên mối quan tâm của Ngài đối với gia đình. Trong tiệc cưới này Ngài đã cứu cho gia đình nhà chủ tiệc một bàn thua hết rượu và để cho cuộc vui không bị gián đoạn. Như vậy, Đức Giêsu đặc biệt quan tâm đến đời sống gia đình. Ngài muốn làm nổi bật về vai trò của gia đình, nhất là tính bền vững của gia đình Công giáo. Đứng trước những khó khăn của cuộc sống gia đình, Chúa vạch ra một đường lối để cho gia đình luôn được êm ấm, hạnh phúc.
II. TIỆC CƯỚI VÀ HÔN NHÂN
1. Đức Giêsu lập bí tích hôn nhân
Đức Giêsu đến dự tiệc cưới Cana là dấu chỉ Ngài sẽ lập bí tích hôn nhân sau này, Ngài quan tâm đến đời sống gia đình và chúc phúc cho hôn nhân.
Tại sao lại có hôn nhân? Thánh Gioan Tông đồ nói: “Thiên Chúa là tình yêu”. Ngài là nguồn gốc của tình yêu, Ngài san sẻ tình yêu cho con người để họ yêu Ngài và yêu nhau. Vì thế ai cũng có tình yêu: trẻ con thì yêu cha mẹ, anh chị em, lớn lên thì có tình yêu nam nữ. Tình yêu luôn hướng đến sự kết hợp. Do đó, tình yêu nam nữ dẫn đến hôn nhân.
Hôn nhân là một hành vi tự nhiên và có tính cách nhân linh. Sở dĩ nói hôn nhân có tính cách nhân linh là vì con người không chỉ đến kết hợp với nhau do bản năng mà còn do sự suy nghĩ lựa chọn, tự do: tự đặt câu hỏi có nên kết hôn chăng, kết hôn với ai, vào lúc nào…
Mọi cuộc hôn nhân không phải phát xuất từ con người mà từ Thiên Chúa. Nói cách khác, Thiên Chúa đã tạo dựng con người có nam có nữ và cho họ kết hợp với nhau. Chính Đức Giêsu đã nói: “Vì thế, người đàn ông sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai sẽ thành một xương một thịt. Như vậy, họ không còn là hai, nhưng chỉ là một xương một thịt. Vậy sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly” (Mc 10,8-9).
Ta cần phân biệt hai loại hôn nhân: hôn nhân tự nhiên và hôn nhân theo bí tích. Những người ngoại giáo lấy nhau theo hôn nhân tự nhiên, đó là điều tốt và Chúa chúc lành cho họ. Chúng ta là những người công giáo, phải ý thức rằng Đức Kitô đã thiết lập bí tích hôn nhân, nên ngoài hôn nhân tự nhiên ra, chúng ta còn phải cử hành hôn phối theo bí tích để chính thức nên vợ nên chồng.
Hôn nhân theo bí tích có hai đặc tính: đơn hôn và vĩnh hôn. Đơn hôn là hôn phối một vợ một chồng, không chấp nhận chế độ đa thê hay đa phu. Còn vĩnh hôn là không được ly dị. Hai đặc tính này được trích ra từ Lời Chúa: “Cả hai sẽ thành một xương một thịt” (Mc 10,8) và “Sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly” (Mc 10,9)
2. Nền tảng của hôn nhân
Chúng ta phải khẳng định rằng tình yêu là nền tảng của hôn nhân. Chúng ta không thể xây dựng hôn nhân trên nền tảng khác như chức quyền, danh vọng, tiền của, sắc dục, những thứ đó dễ bị mai một và nếu không còn những thứ đó thì hôn nhân sẽ ra sao? Vì thế, muốn đi đến hôn nhân phải có tình yêu trước đã.
Đây là điều kiện tiên quyết “sine qua non” (không có không được), đúng như ông Alphonse Karr nói: “Hôn nhân không có tình yêu là ngày không có rạng đông”. Nếu mới gặp nhau lần đầu, anh A đã yêu chị B một cách say đắm. Anh không còn tìm hiểu làm gì, anh nói với cha mẹ cho cưới chị B. Anh cho là hai người tâm đầu ý hợp. Đấy chưa hẳn là tình yêu có nền tảng mà chỉ là “tiếng sét ái tình”.
Hoặc một anh tỷ phú muốn chọn cho mình một người vợ lý tưởng. Anh ta dùng máy móc để đo vòng một vòng hai vòng ba đúng tiêu chuẩn. Thêm vào một chút là cái mũi dọc dừa hơi cao, tóc màu hung, con mắt lá răm, lông mày lá liễu… Anh coi vậy là người yêu lý tưởng! Nhưng đấy đâu phải là người yêu mà chỉ là một con “robot”.
Muốn trở thành người yêu còn phải tìm hiểu tính tình, ước vọng, nghề nghiệp, sở trường sở đoản, gia đình của cô ta vì “Con nhà tông không giống lông cũng giống cánh”. Sau đó, anh còn phải quyết định xem có nên lấy cô ấy không, vì chưa nắm vững tương lai. Khi đã có một quyết định đứng đắn và dứt khoát thì phải nói đến sự “dấn thân” (engagement). Khi đã nói đến dấn thân thì luôn ngầm chứa một chút “liều” trong đó:
Một liều ba bảy cũng liều
Cầm bằng con trẻ chơi diều đứt dây. (Ca dao)
Khi đã kết hôn thì vợ chồng phải thương yêu nhau tha thiết. Tình yêu vợ chồng phải noi theo và nắm giữ là theo mô hình của tình yêu giữa Chúa Giêsu và Hội thánh: “Người làm chồng, hãy yêu thương vợ, như chính Đức Kitô thương yêu Hội thánh và hiến mình vì Hội thánh” (Ep 5,25).
3. Hạnh phúc của hôn nhân
Con người từ bẩm sinh, ai cũng muốn được hạnh phúc, kể cả người tự tử (theo Pascal). Nhưng hạnh phúc không phải là một cái gì tiền chế có sẵn đấy, muốn chọn bao nhiêu hay muốn mua bao nhiêu thì mua, nhưng hạnh phúc phải là cái gì do con người tạo ra. Hôn nhân thực ra chỉ là một cái hộp rỗng, chưa có hạnh phúc, phải bỏ gì vào đấy rồi mới lấy ra được, vì nếu không bỏ hạnh phúc vào thì có gì mà lấy ra? Hạnh phúc không phải tự nhiên mà có hay do người khác tặng cho, mà hạnh phúc phải được trả bằng giá đắt, do mình tạo ra.
Có nhiều cách để đạt tới hạnh phúc. Ở đây chúng ta chỉ đề cập đến 3 phương cách tạo ra hạnh phúc: hy sinh, nhẫn nhục và thánh thiện.
a) Tinh thần hy sinh
Không có tình yêu nào chỉ toàn màu hồng, bay lượn trên không, mà tình yêu phải được dệt bằng hy sinh, đau khổ, gian nan, thử thách, vì không có hoa hồng nào mà không có gai. Càng hy sinh nhiều, tình yêu càng sâu đậm, và hy sinh tỷ lệ thuận với hạnh phúc.
Ông Pierre l’Ermite nói: “Muốn thử nghiệm tình yêu, hãy bỏ tình yêu vào máy ép, nếu nó tiết ra chất nước hy sinh vô vị lợi, thì đó là tình yêu thật”.
b) Nhẫn nhục chịu đựng
Bà De Scudéry nói: “Bắt đầu yêu là bắt đầu sống”, nhưng có người nói ngược lại: Bắt đầu yêu là bắt đầu chết. Vậy yêu là sống hay là chết. Có lẽ chúng ta phải nói: yêu vừa là sống vừa là chết. Nhưng muốn cho tình yêu được trọn vẹn, bao giờ cũng phải nhịn nhục chịu đựng. Tại sao?
* Đã yêu thì phải chết:
“Yêu là chết trong lòng một ít” (Xuân Diệu). Đã yêu thì phải chết, không chết trước thì chết sau:
– Chết trước: chết trước là phải nhẫn nại chờ đợi cho đến ngày kết hôn, phải giữ mình được trinh tiết:
Mẫu đơn nở cạnh nhà thờ,
Đôi ta trinh tiết để chờ lấy nhau. (Ca dao)
– Chết sau: Trong cuộc sống gia đình sẽ có sự lộn xộn, xích mích, va chạm, bất hoà, không thể nào tránh được cảnh “cơm chẳng lành canh chẳng ngọt”. Bao nhiêu sự khó khăn xảy đến cho gia đình mà hai người phải kiên trì chịu đựng.
* Đã yêu thì phải nhẫn nhục: Chúng ta có thể nói về tình yêu thật:
Đã yêu thì nhẫn
Đã nhẫn thì nhục
Vì thế mới có nhẫn nhục.
Chữ nhẫn ở đây không phải là nhẫn vàng hay kim cương, mà là nhẫn nại chịu đựng. Chúng ta phải chấp nhận sự nhẫn nại, đã nhẫn thì phải nhục, nhưng chắc chắn sẽ đi đến kết quả tốt: “Ai kiên nhẫn đến cùng thì sẽ được rỗi” (Mt 10,22).
Vì thế văn hào Hypolite Taine nói một cách mỉa mai:
“Người ta tìm hiểu nhau ba tuần
Yêu nhau ba tháng
Cãi nhau ba năm
Rồi chịu đựng 30 năm… để con cái lại trở về cái vòng luẩn quẩn”.
c) Đời sống thánh thiện
Chìa khoá mở cửa vào chốn hạnh phúc là sự thánh thiện. Nếu vợ chồng yêu thương nhau như mối tình giữa Chúa Kitô và Hội thánh thì chắc chắn phải có đời sống thánh thiện. Phải rước Chúa vào trong đời sống gia đình. Bài Tin mừng hôm nay chứng tỏ chính nhờ Chúa mà gia đình ở Cana này không vỡ mộng hạnh phúc. Không có Chúa, làm sao gia đình tránh khỏi sự đau khổ phiền muộn lúc ban đầu.
Nhà nào có Chúa ngự trong gia đình thì nhà ấy có hạnh phúc. Kinh nghiệm cho hay những gia đình nào hay đi dự lễ, buổi tối đọc kinh trong gia đình thì gia đình ấy thường là sống yêu thương, nhường nhịn, thuận hoà, giúp đỡ nhau, họ vẫn cảm thấy hạnh phúc ngay khi gặp những khó khăn trong gia đình. Một trong các tiêu chuẩn hàng đầu phải có trong khi chọn người yêu để lập gia đình là sự thánh thiện, hay ít ra có đời sống đạo đức bình thường.
Truyện: Sẩy hết
Có một chị kia muốn lập gia đình với một anh thanh niên trong xứ. Muốn hỏi ý kiến cha xứ xem chị ta có nên lấy anh ấy không. Cha hỏi:
– Anh ấy thế nào?
Chị thưa:
– Anh ấy có bằng Thạc sĩ, cha ạ.
Cha xứ trả lời:
– Hết sẩy. Còn gì nữa?
– Anh ấy chơi dương cầm hay lắm.
– Hết sẩy.
– Anh ấy là hoạ sĩ nữa.
– Hết sẩy!
– Anh ấy lại có tài ngoại giao nữa.
– Hết sẩy!
– Anh ấy lại là con nhà giàu nữa.
– Hết sẩy.
– Nhưng còn một điều con hơi thắc mắc, đó là anh ta khô khan, không xưng tội rước lễ!
Cha xứ trợn mắt, lắc đầu:
– Ồ! SẨY HẾT.
III. TIỆC CƯỚI VÀ ĐỨC MARIA
“Người bảo gì thì cứ làm theo”. Mặc dầu câu trả lời của Đức Giêsu có vẻ từ chối: “Giờ con chưa đến”, nhưng Mẹ Maria cứ tin rằng, Con mình sẽ thực hiện theo lời yêu cầu của mình nên đã nói với gia nhân: “Người bảo gì cứ làm theo”. Đức Mẹ biết Con mình rất hiếu thảo, không bao giờ làm buồn lòng cha mẹ. Do đó, khi đề xuất việc hết rượu với Con mình, Đức Mẹ tin chắc Con mình sẽ can thiệp, dĩ nhiên bằng phép lạ, dù trước đó Ngài chưa từng làm.
Điều này cũng nói lên giá trị thật sự trong lời bầu cử của Đức Mẹ đối với Con mình. Nói đến việc con cái hiếu thảo đối với cha mẹ, chúng ta liên tưởng đến một người con rất hiếu thảo, quý trọng mẹ mình, không bao giờ muốn làm buồn lòng mẹ mình, đó là vua Salomôn trong Cựu ước. Trong sách Các vua có thuật lại khi mẹ của Salomon đi gặp ông, ông đi ra đón và sấp mình chào bà; đoạn ông ngồi trên ngai, đồng thời truyền đặt một ngai cho bà ngồi bên hữu, và nói: “Thưa mẹ, mẹ cần gì cứ nói, con không từ chối mẹ điều gì” (1V 2,19-20).
Mẹ Maria có mặt trong tiệc cưới không phải là sự ngẫu nhiên, mà do sự quan phòng của Thiên Chúa. Ngày nay Mẹ đang có mặt trong cuộc sống gia đình chúng ta. Mẹ cùng chia sẻ nỗi lo với mọi người chúng ta. Mẹ biết những khó khăn mà gia đình chúng ta đang gặp phải. Mẹ hiểu gia đình chúng ta đang thiếu những gì và cần gì. Mẹ đón nhận cái khổ của các gia đình như là cái khổ của mình. Chính vì thế khi cuộc sống gia đình gặp sóng gió, chúng ta tìm đến với Mẹ Maria. Mẹ sẵn sàng làm những gì có thể để giúp gia đình chúng ta như năm xưa Mẹ đã báo cho Chúa biết việc hết rượu. Nhờ Mẹ cầu bầu, Chúa lại sẽ làm phép lạ để cho rượu yêu thương trong hũ của gia đình chúng ta được đầy tràn.
Truyện: Xin tài trợ
Linh mục Sylvano và mục sư Tin lành Henri cùng nhau đến lâu đài Pa-xi-an để xin hoàng tử trợ giúp tài chính cho dự án của mình. Linh mục Sylvano có ý định xin tiền để xây nhà thờ. Còn mục sư Henri thì xin tiền để xây trường học.
Đến nơi, họ được hoàng tử Auguste tiếp kiến riêng từng người một. Người được vào trước là mục sư Henri. Nhưng chỉ vài phút sau người ta thấy mục sự bước ra với vẻ mặt buồn thiu, vì dự án không được hoàng tử chấp nhận.
Mục sư ngồi lại chờ linh mục Sylvano để cùng về chung. Ông hết sức ngạc nhiên khi thấy linh mục bước ra khỏi phòng tiếp kiến của hoàng tử, vẻ mặt hớn hở, tay xách một túi tiền khá nặng. Mục sự Henri liền thắc mắc hỏi:
– Tại sao linh mục lại được tài trợ như thế?
Linh mục Sylvano trả lời:
– Dĩ nhiên đúng như vậy. Thoạt đầu hoàng tử chối từ lời xin của tôi. Nhưng khi nhìn qua bên cạnh thấy có hoàng thái hậu, tôi liền đến trước hoàng thái hậu để xin ngài bầu cử cho. Và hoàng tử đã đổi ý kiến, nghe lời khẩn cầu của hoàng thái hậu mà tài trợ cho dự án của tôi. Hoàng tử đã thưa với mẹ: “Mẹ đồng ý thì con cũng đồng ý” (D. Wahrheit, Món quà giáng sinh, 79-80).
“Mẹ đồng ý thì con cũng đồng ý”. Đó là điều mà câu chuyện trên đây muốn nhắc nhở.
Người công giáo chúng ta có lòng tôn sùng Đức Mẹ Maria. Chúng ta đến với Chúa Giêsu qua Mẹ Maria. Mẹ khẩn cầu cho chúng ta và cùng với chúng ta thì làm sao Chúa Giêsu có thể từ chối.
4. Suy niệm (Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.)
NƯỚC HÓA THÀNH RƯỢU
Tâm sự của Mẹ Maria.
Tôi được mời đi ăn cưới ở Cana, nơi nhà người quen.
Tiệc cưới kéo dài cả tuần, trong bầu khí tưng bừng.
Dân trong làng đều đến dự để chúc mừng cô dâu chú rể.
Có chuyện không ngờ là tôi gặp lại Giêsu, con trai tôi.
Con tôi đã chia tay tôi được một thời gian.
Bây giờ tôi không ngờ con tôi đã trở nên một vị thầy,
có một số môn đệ tháp tùng, thầy trò cùng dự tiệc cưới.
Dĩ nhiên là tôi rất vui khi gặp lại con, ngồi gần con.
Tiệc cưới diễn ra suôn sẻ, cho đến lúc tôi biết có chuyện.
Chuyện này có thể ảnh hưởng đến danh giá nhà trai,
vì họ đã hết rượu để đãi khách.
Tôi quay qua nói với con: “Họ hết rượu rồi.”
Tôi cũng chẳng biết con mình sẽ làm gì trong tình thế đó.
Nhưng tôi nghĩ mình cứ nói, và cứ để con tự lo liệu.
Dù sao tôi tin con sẽ tìm ra cách giải quyết ổn thỏa.
Tâm sự của Đức Giêsu.
Tôi và các môn đệ của tôi được mời đi ăn cưới.
Đám cưới là một lễ hội, nơi người ta ăn uống, hát hò.
Tôi không lập gia đình, nhưng tôi quý hôn nhân.
Tôi đi ăn cưới để chung vui với đôi vợ chồng trẻ.
Tình cờ gặp lại Mẹ tôi trong tiệc cưới ở đây.
Có nhiều điều để hỏi thăm và chuyện vui để kể cho Mẹ.
Nhưng khi Mẹ nói với tôi: “Họ hết rượu rồi”
tôi cảm thấy như Mẹ muốn tôi làm một điều gì đó,
để tiệc cưới được kết thúc êm đẹp.
Tôi biết mình có quyền năng do Cha ban,
nhưng tôi chưa rõ khi nào nên dùng quyền năng đó.
Tôi biết mình lệ thuộc vào Cha trong mọi quyết định
nên mới nói: “Thưa bà, chuyện đó can gì đến bà và con?”
Và tôi đưa ra lý do: “Giờ của con chưa đến.”
Khi nói câu đó, tôi có ý tạo ra một khoảng cách với Mẹ.
Không hẳn là tôi từ chối, nhưng tôi muốn cho Mẹ biết
tôi chỉ làm những gì Thiên Chúa muốn tôi làm.
Bởi đó tôi cần đắn đo cân nhắc để biết rõ ý Đấng sai tôi.
Chẳng ai hiểu con bằng mẹ, chính khi tôi có vẻ từ chối,
thì Mẹ tôi đã nói một câu bất ngờ với gia nhân:
“Người bảo gì, các anh cứ làm.”
Câu nói này vừa đầy tin tưởng vào lời uy quyền của tôi,
vừa để cho tôi được tự do làm điều Cha muốn.
Câu nói này cũng nhắc cho họ biết họ cần vâng phục tôi,
một sự vâng phục triệt để, dù tôi có bảo họ làm gì đi nữa.
Tâm sự của những người hầu bàn.
Chúng tôi rất lo khi thấy hết rượu lúc tiệc chưa tàn.
Chúng tôi thực sự không biết làm sao để có rượu,
nhưng nhất trí Ông Giêsu bảo làm gì, mình cũng làm,
Ông bảo chúng tôi làm hai điều.
Thứ nhất là đổ nước đầy tới miệng sáu chum đá,
dùng để đựng nước thanh tẩy chân tay trước khi vào nhà.
Đổ mấy trăm lít nước vào chum là công việc vất vả,
và chúng tôi thật sự không biết mục đích của việc này.
Thứ hai là lấy nước trong chum cho người quản tiệc nếm.
Chuyện này thì không khó, nhưng khá liều lĩnh!
Lấy nước rửa chân cho ông ấy uống thì kỳ quá.
Tuy vậy chúng tôi cũng đã làm, dù chẳng hiểu gì.
Nhờ ông ấy, chúng tôi biết nước đã thành rượu ngon.
Mọi người kinh ngạc khi thấy rượu ngon còn tới sáu chum!
Chưa khi nào có lượng rượu ngon nhiều đến thế.
Gia đình nào cũng có lúc thiếu rượu, hay rượu nhạt.
Cần có Đức Mẹ để nhắc nhở, cần có Chúa Giêsu để dạy dỗ,
và cần có những gia nhân dám vâng phục, dù không hiểu.
LỜI NGUYỆN
Lạy Thiên Chúa,
xin ban cho con sự thanh thản
để chấp nhận những điều con không thể đổi,
lòng can đảm
để đổi những điều con có thể đổi,
và óc khôn ngoan
để phân biệt đôi bên.
Con sống từng ngày một,
thưởng thức từng giây một;
chấp nhận đau khổ như con đường dẫn đến bình an.
Thế giới tội lỗi này như thế nào,
con đón nhận nó như vậy,
không đòi nó phải theo ý mình.
Con tin rằng nếu con lụy phục ý Chúa,
thì Chúa sẽ làm cho mọi sự được ổn thỏa.
Con tin rằng con có thể khá hạnh phúc ở đời này,
và vô cùng hạnh phúc với Chúa mãi mãi ở đời sau.
Reinhold Niebuhr