Ngày 10: Đức maria – Người nữ của tình yêu cứu độ

LỜI CHÚA: Gioan 3,16-21

Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời. Quả vậy, Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ. Ai tin vào Con của Người, thì không bị lên án; nhưng kẻ không tin, thì bị lên án rồi, vì đã không tin vào danh của Con Một Thiên Chúa. Và đây là bản án: ánh sáng đã đến thế gian, nhưng người ta đã chuộng bóng tối hơn ánh sáng, vì các việc họ làm đều xấu xa. Quả thật, ai làm điều ác, thì ghét ánh sáng và không đến cùng ánh sáng, để các việc họ làm khỏi bị chê trách. Nhưng kẻ sống theo sự thật, thì đến cùng ánh sáng, để thiên hạ thấy rõ: các việc của người ấy đã được thực hiện trong Thiên Chúa.

SUY NIỆM

Tình yêu thương của Mẹ Maria không chỉ là tình yêu dịu dàng, trìu mến của một người mẹ đối với con mình, mà còn là tình yêu của một tâm hồn hoàn toàn thuộc về Thiên Chúa, tình yêu của người môn đệ đầu tiên, đã dấn thân sống trọn vẹn trong kế hoạch cứu độ của Ngài. Tình yêu ấy không ngừng triển nở theo nhịp bước của mầu nhiệm Nhập Thể và Thập Giá, cho đến khi được viên mãn trong vinh quang Phục Sinh. Đó là tình yêu trọn vẹn, yêu bằng tất cả con tim, khối óc và ý chí, được thanh luyện qua đau khổ và kết tinh trong sự hiến dâng hoàn toàn.

Tình yêu ấy vượt qua cảm xúc tự nhiên, vượt lên cả sự gắn bó máu mủ, để trở thành một sự hiến tế, một sự “ở lại” trong thánh ý Thiên Chúa, dù trong ánh sáng hay trong bóng tối. Nó không phải là tình yêu cầm nắm, chiếm hữu, nhưng là tình yêu mở ra, buông bỏ, và cộng tác một cách chủ động với công trình cứu độ. Chính trong tình yêu đó, Mẹ trở thành “người nữ mới”, người đại diện cho một nhân loại mới sống trong vâng phục, đối lập với sự bất tuân ban đầu của bà Evà.

Ngay từ lời “xin vâng” trong biến cố Truyền Tin (x. Lc 1,38), Mẹ Maria đã tự nguyện bước vào hành trình cứu độ không lối quay lui. Câu trả lời đơn sơ ấy không phải là một phản ứng tức thì, nhưng là kết quả của một đời sống đức tin âm thầm, khiêm tốn, lắng nghe và mở lòng trước Thiên Chúa. Mẹ “xin vâng” không phải vì đã hiểu hết mọi điều, nhưng vì tin vào Đấng đã ngỏ lời với mình. Mẹ chọn một con đường không dễ dàng con đường của người nữ bị hiểu lầm, của người mẹ không biết rõ tương lai của Con mình, của người môn đệ đồng hành đến tận thập giá. Nhưng trong tất cả, Mẹ vẫn trung tín, vẫn yêu.

Tình yêu của Mẹ là tình yêu cứu độ, gắn chặt với sự hiện diện và hành động của Thiên Chúa nơi Chúa Giêsu. Mẹ không bao giờ đặt mình làm trung tâm, nhưng luôn hướng về Đấng Mẹ cưu mang, dạy dỗ, theo dõi, nâng đỡ và hiến dâng. Khi vội vã đi thăm bà Êlisabét (x. Lc 1, 39-45), Mẹ không chỉ mang niềm vui, mà chính là mang Đấng Cứu Thế đến, như một ngọn lửa thắp sáng thai nhi Gioan và tâm hồn bà mẹ. Khi can thiệp âm thầm ở tiệc cưới Cana (x. Ga 2,1-11), Mẹ thể hiện một tình yêu nhạy bén và nhân hậu, một tình yêu biết “thấy” những điều không ai để ý, và âm thầm đưa con người đến với quyền năng và lòng thương xót Thiên Chúa: “Người bảo gì, các anh cứ làm theo” (Ga 2,5).

Tình yêu của Mẹ đạt đến đỉnh cao dưới chân thập giá (x. Ga 19,25-27). Ở đó, Mẹ không chỉ đứng như một người mẹ chứng kiến cảnh đau lòng, nhưng như một người phụ nữ mới, cùng hiến dâng với Con mình, Mẹ không nói gì, nhưng sự thinh lặng ấy là tiếng “xin vâng” được làm mới trong đau đớn. Tại đó, khi Chúa Giêsu trao Mẹ cho Gioan, Người không chỉ tạo lập một tương quan mới giữa Mẹ và các tín hữu, mà còn công bố một vai trò cốt lõi của Mẹ trong Hội Thánh: Mẹ của ơn cứu độ, Mẹ của những kẻ tin, Mẹ của Hội Thánh.

Tình yêu cứu độ của Mẹ không phải là một cảm xúc thoáng qua theo dòng thời gian, nhưng là một tình yêu luôn hoạt động, luôn chuyển cầu. Mẹ hiện diện trong lịch sử Hội Thánh như một lời nhắc nhở về lòng trung tín của Thiên Chúa, như một người Mẹ không bao giờ quên con cái mình. Mẹ hiện diện nơi các cuộc hiện ra, trong lời kinh Mân Côi, trong các phép lạ chữa lành không để thay thế Chúa Kitô, nhưng để dẫn đưa nhân loại về với Chúa Kitô. Mẹ là “Đấng bầu cử quyền thế” (x. LG 62), nhưng đồng thời cũng là người bạn đồng hành trong những đau khổ và khắc khoải của con người hôm nay.

Là những người sống đời thánh hiến hay Kitô hữu đang khao khát nên thánh, chúng ta được mời gọi học nơi Mẹ tình yêu cứu độ, tình yêu không dừng lại ở cảm xúc hay ý định, nhưng thể hiện qua hành động cụ thể là cầu nguyện cho người khác, tha thứ không mỏi mệt, hy sinh cách kín đáo, sống sự hiện diện chữa lành và đón nhận người khác bằng ánh mắt của lòng thương xót. Và tình yêu của chúng ta chỉ thật sự mang tính cứu độ khi nó quy hướng về sự sống đời đời của người khác. Và chỉ khi đó, chúng ta mới trở nên giống Mẹ Maria, hình ảnh của Giáo Hội trong bản thể sâu xa nhất là một người mẹ sinh con trong đau khổ, nhưng cũng là người gìn giữ, dưỡng nuôi và dẫn con cái mình đến trọn vẹn trong Thiên Chúa.

SỐNG VỚI TÌNH YÊU CỨU ĐỘ NHƯ MẸ MARIA

Nếu nơi Mẹ Maria, tình yêu cứu độ không phải là một ý tưởng mơ hồ hay lý tưởng cao xa, thì cũng không bao giờ là tình cảm thoáng qua. Tình yêu cứu độ nơi Mẹ là một sự dấn thân trọn vẹn, là chọn lựa sống để cho người khác được sống, là hiến dâng chính mình cho chương trình yêu thương của Thiên Chúa. Từ giây phút thưa lời “Xin Vâng”, Mẹ đã bước vào hành trình yêu thương không lùi bước, yêu thương bằng việc chia sẻ, hy sinh, đồng hành và hiến mình. Vì vậy, chúng ta hãy:

(1) Đón nhận tình yêu cứu độ như một ân huệ: Mẹ Maria không tự chọn mình, nhưng đã được Thiên Chúa đoái nhìn và tuyển chọn. Tình yêu cứu độ mà Mẹ đón nhận không phải vì công trạng, mà vì ân sủng: “Vì Người đã đoái thương nhìn đến phận hèn tớ nữ của Người” (Lc 1,48). Cũng vậy, chúng ta hãy học nơi Mẹ tâm thế biết ơn và khiêm tốn khi được đón nhận tình yêu cứu độ của Thiên Chúa. Mỗi ngày, hãy bắt đầu với lòng cảm tạ: “Lạy Chúa, con không xứng đáng, nhưng xin cho con được sống nhờ tình yêu cứu độ của Ngài”.

(2) Yêu bằng việc sẵn sàng lên đường: Ngay sau biến cố truyền tin, Mẹ Maria đã vội vã lên đường đi thăm bà Êlisabét. Tình yêu cứu độ không bao giờ giữ lại cho riêng mình, nhưng thúc đẩy ra đi để chia sẻ niềm vui và nâng đỡ người khác. Mỗi người chúng ta cũng được mời gọi sống tình yêu cứu độ bằng sự dấn thân bằng cách đến với những người đau khổ, đồng hành với những người bị bỏ rơi, mang niềm hy vọng cho những người thất vọng. Tình yêu thật là tình yêu có bước chân.

(3) Yêu trong những mất mát và đau khổ: Tình yêu cứu độ không phải là con đường bằng phẳng. Mẹ Maria đã phải đối diện với biết bao nỗi đau, sinh con nơi chuồng súc vật, trốn chạy sang Ai Cập, mất con ba ngày trong Đền Thờ, và đau đớn nhất là đứng dưới chân thập giá. Nhưng Mẹ đã không than thân trách phận, không từ bỏ sứ mạng, mà vẫn yêu cho đến cùng. Chúng ta cũng hãy sống tình yêu cứu độ không phải chỉ khi thuận tiện, nhưng cả khi đau thương, vì chính trong thập giá, tình yêu được thanh luyện và tỏa sáng.

(4) Yêu trong sự âm thầm và trung tín: Mẹ Maria không rao giảng lớn tiếng, không hoạt động công khai như các Tông đồ, nhưng hiện diện âm thầm trong mọi giai đoạn của cuộc đời Chúa Giêsu. Tình yêu cứu độ là thế, không phô trương, không cần danh tiếng, nhưng kiên vững và trung tín. Chúng ta sống tình yêu ấy mỗi ngày bằng sự chu toàn bổn phận nhỏ, bằng một lời cầu nguyện thầm, một hy sinh lặng lẽ. Tình yêu cứu độ được dệt nên từ những điều âm thầm nhất.

(5) Yêu bằng việc trao ban Chúa Giêsu cho người khác: Mẹ Maria đã cưu mang và sinh hạ Đấng Cứu Thế không phải cho riêng mình, nhưng để Người được ban tặng cho nhân loại. Tại tiệc cưới Cana, Mẹ đã dẫn người ta đến với Con Mẹ: “Người bảo gì, các anh cứ làm theo” (Ga 2,5). Sống tình yêu cứu độ là sống như Mẹ: trở thành người mang Chúa đến cho người khác  qua lời nói khích lệ, hành động bác ái, hay chỉ đơn giản là một sự hiện diện yêu thương. Mỗi chúng ta đều có thể trở thành “khung cửa” để Chúa đi vào đời sống của người khác.

(6) Yêu với niềm hy vọng vững vàng: Khi tất cả tưởng như sụp đổ trên đồi Canvê, Mẹ Maria vẫn đứng đó, trong im lặng và hy vọng. Tình yêu cứu độ là tình yêu không bao giờ tuyệt vọng, vì đặt trọn niềm tin vào quyền năng Thiên Chúa. Dù ở trong đêm tối của thử thách, Mẹ vẫn tin vào ánh sáng phục sinh. Cũng vậy, khi chúng ta đứng trước những khổ đau của bản thân, của người thân, hay của thế giới hãy học nơi Mẹ lòng trung tín và hy vọng không ngơi nghỉ. Tình yêu cứu độ là dám tin rằng Thiên Chúa vẫn đang hành động, dù ta không nhìn thấy.

Như vậy, sống với tình yêu cứu độ như Mẹ Maria là để cho tình yêu Thiên Chúa chiếm trọn cuộc đời mình và trở thành nhịp đập cho mọi chọn lựa, mọi hành động. Đó là tình yêu biết trao ban, biết lên đường, biết chịu đau khổ và biết âm thầm hiện diện. Đó là tình yêu không chỉ để được cứu, nhưng để cộng tác vào chương trình cứu độ của Thiên Chúa cho thế giới.

Cùng với Mẹ, chúng ta hãy xin ơn được trở nên khí cụ của tình yêu cứu độ để qua lời nói, ánh mắt, hành động và sự hiện diện của chúng ta, thế giới hôm nay có thể chạm được một phần nào trái tim yêu thương và cứu độ của Thiên Chúa. Và khi đó, đời sống của chúng ta sẽ trở nên một bản Magnificat mới một bài ca cảm tạ dâng lên Thiên Chúa vì tình yêu đã cứu độ chúng ta và đang tiếp tục cứu độ thế giới qua những con người biết sống và yêu như Mẹ Maria.

NGUYỆN CẦU VỚI MẸ MARIA

Lạy Mẹ Maria, Mẹ của Tình Yêu Cứu Độ, con quỳ bên Mẹ, trong thinh lặng của tâm hồn, xin dâng lên Mẹ tất cả cuộc đời con, những niềm vui và nỗi buồn, những chiến thắng và cả những thất bại, những khát vọng thánh thiện lẫn những yếu đuối của con người. Từ giây phút đầu tiên Mẹ thưa “Xin vâng” với sứ thần, Mẹ đã trở nên cung lòng cho Tình Yêu Cứu Độ ngự vào trần gian. Qua Mẹ, Chúa Giêsu, Đấng Cứu Thế đã đến ở giữa chúng con. Từng bước Mẹ đi, từng điều Mẹ sống, đều rực sáng tình yêu trao hiến và ơn cứu độ chan chứa. Xin dạy con biết mở lòng như Mẹ, để đón nhận tình yêu ấy cách khiêm nhường và sâu xa.

Lạy Mẹ Maria đầy ơn phúc, trong những lúc con mỏi mệt và lạc hướng, xin Mẹ bồng ẵm con trên cánh tay của Mẹ, như xưa Mẹ đã ẵm Hài Nhi Giêsu trong chuồng chiên Bêlem. Khi lòng con hoang mang, sợ hãi trước những đau thương, xin Mẹ nắm tay con như đã nắm tay Con Mẹ trên đường Thập Giá. Khi con cảm thấy lòng mình khô cạn, xin Mẹ dạy con chiêm ngắm tình yêu của Chúa Giêsu, để từ đó, con lại tìm được nguồn sống mới.

Lạy Mẹ Maria của niềm hy vọng, xin Mẹ trở nên ánh sao dẫn đường cho con trên hành trình về với Chúa. Giữa những tiếng ồn ào và ngã rẽ cuộc đời, xin Mẹ gìn giữ lòng con luôn trung tín với Tin Mừng. Xin Mẹ giúp con dám sống ơn gọi yêu thương đến tận cùng, như Mẹ đã sống. Xin cho con biết cộng tác với Tình Yêu Cứu Độ, đem ánh sáng Tin Mừng đến cho những ai đang đau khổ, thất vọng và lạc mất niềm tin.

Lạy Mẹ Maria mến yêu của lòng con, xin hãy ôm con vào trái tim Mẹ, nơi đã từng rung lên với từng nhịp đập yêu thương của Con Thiên Chúa. Xin Mẹ dẫn con đến gần Giêsu hơn mỗi ngày, để trong ánh mắt Người, con nhận ra giá trị của chính mình và biết sống vì tình yêu lớn lao hơn mọi sự. Lạy Mẹ của Tình Yêu Cứu Độ, xin cầu cho chúng con. Lạy Mẹ Maria, xin ở với con hôm nay và mãi mãi. Amen.

KINH DÂNG NGÀY

Lạy Thiên Chúa là Cha yêu thương, xin cho con ý thức rằng ngày hôm nay là một ân huệ quý giá, là cơ hội để con được sống và cộng tác với Tình Yêu Cứu Độ mà Chúa đã trao ban cho nhân loại qua thập giá và phục sinh. Xin giúp con sống mỗi khoảnh khắc như một người được cứu độ, sống biết ơn và quảng đại, sống vì yêu và cho yêu.

Lạy Chúa Giêsu mến yêu, con cúi mình trước mặt Chúa, xin dâng lên Chúa tất cả những gì con là và tất cả những gì con sẽ sống, từ hơi thở đầu tiên đến từng suy nghĩ, lời nói, việc làm, niềm vui, thử thách, những chọn lựa lớn nhỏ và cả những mỏng giòn, giới hạn của con. Xin cho trái tim con đập cùng nhịp với trái tim Chúa, biết chạnh lòng thương trước đau khổ của người khác, biết thứ tha khi bị xúc phạm, biết yêu thương cả khi chẳng được đáp lại. Xin cho con biết chọn điều đúng, dù có thiệt thòi; biết âm thầm phục vụ, dù chẳng ai nhìn thấy.

Lạy Thánh Thần Tình Yêu, xin đồng hành và hướng dẫn con trong mọi suy nghĩ và hành động hôm nay. Dù con làm việc hay nghỉ ngơi, gặp gỡ hay cô tịch, xin cho con luôn đặt mình trong sự hiện diện của Chúa, để chính Chúa hành động trong con và qua con. Xin đồng hành với con trong ngày sống này. Xin dạy con biết thưa “xin vâng” như Mẹ Maria mỗi ngày theo thánh ý Chúa. Và xin gìn giữ trái tim con luôn dịu dàng, khiêm nhường và biết mở ra cho tình yêu cứu độ chảy tràn đến những người con gặp hôm nay. Con xin dâng ngày sống này như một lễ vật nhỏ bé, xin được kết hiệp với hiến lễ cứu độ của Chúa, để mỗi điều con sống hôm nay trở thành lời đáp lại tình yêu vô biên của Chúa. Amen.

Bài viết liên quan

Ngày 9: Đức Maria – Người nữ của sự bình an

Nếu nơi Mẹ Maria, bình an không phải là sự vắng bóng đau khổ, thì...

Ngày 8: Đức Maria – Người nữ của sự phục vụ

Nếu Mẹ Maria đã sống đức tin bằng cách hiến dâng cả cuộc đời mình...

Ngày 7: Đức Maria – Người Nữ Của Tình Yêu Hy Sinh

Đỉnh cao của tình yêu hy sinh nơi Mẹ Maria chính là giây phút Mẹ...

Ngày 6: Đức Maria – Người Nữ Của Sự Khó Nghèo

Mẹ Maria là người nữ tuyệt vời nhất sống trọn vẹn mối phúc đầu tiên...

Tôn kính Đức Maria trong Tháng Năm

Đức Maria giữ một vị trí đặc biệt trong chương trình cứu độ của Thiên...

Ngày 5: Mẹ Maria – Người nữ của sự đồng hành

Trong hành trình đức tin, hình ảnh Đức Maria là mẫu gương sáng ngời của...