CÁC YẾU TỐ CHÍNH YẾU CỦA CÁC TU HỘI THÁNH HIẾN
Tuấn Vũ, CSC
Phần III trong quyển II của bộ Giáo luật 1983 ngay sau tựa đề: “các tu hội thánh hiến và các tu đoàn tông đồ”, thiên I, đề mục I trình bày những quy tắc chung cho tất cả các tu hội thánh hiến, điều 573 đã lấy lại giáo huấn của Công Đồng Vaticano II trong Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội – Lumen Gentium số 42-45 trình bày như sau:
Điều 573 – §1. Đời sống thánh hiến qua việc tuyên khấn các lời khuyên phúc âm là một lối sống bền vững, nhờ đó, các tín hữu theo sát Đức Kitô hơn, dưới tác động của Chúa Thánh Thần, tự hiến hoàn toàn cho Thiên Chúa mà họ yêu mến trên hết mọi sự, để một khi đã hiến thân cho việc tôn vinh Thiên Chúa, cho việc xây dựng Giáo Hội và cho phần rỗi thế giới, với một danh nghĩa mới mẻ và đặc biệt, họ đạt tới sự hoàn hảo của đức ái trong việc phụng sự Nước Chúa, và một khi đã trở nên dấu chỉ rực rỡ trong Giáo Hội, họ tiên báo vinh quang thiên quốc (LG 42-44; CD 33; PC 1).
§2. Các Kitô hữu được tự do đảm nhận lối sống ấy trong các tu hội thánh hiến đã được nhà chức trách có thẩm quyền của Giáo Hội thiết lập theo Giáo luật, bằng những lời khấn hoặc bằng những mối ràng buộc thánh khác theo luật riêng của tu hội, họ tuyên khấn các lời khuyên phúc âm về đức khiết tịnh, nghèo khó và vâng phục, và họ được kết hợp cách đặc biệt với Giáo Hội và với mầu nhiệm Giáo Hội nhờ đức ái mà các lời khuyên này dẫn tới (LG 43-45; PC 5; AGD 18; AGD 1; CIO 410).
Câu định nghĩa trên xem ra có vẻ dài dòng, chúng ta có thể tóm lại trong các yếu tố chính yếu của tu hội thánh hiến qua ba điểm sau: 1) Một lối sống bền vững (Forma stabile di vita); 2) Nguồn gốc đặc sủng (Origine carismatica) và 3) Sự thánh hiến qua việc tuyên giữ các lời khuyên phúc âm (Consacrazione mediante la professione dei consigli evangelici).
1. Một hình thức sống bền vững – Forma stabile di vita
Đời sống thánh hiến được Giáo Hội chấp nhận và được quy định bởi luật pháp có những hình thức cụ thể được thể chế hóa. Hiện nay, luật của Giáo Hội gọi những hình thức được thế chế hóa này là những tu hội thánh hiến – (Istituti di Vita Consacrata). Giáo Hội chỉ công nhận và chấp thuận các hình thức liên quan đến việc tuyên khấn các lời khuyên phúc âm, thuật ngữ Tu Hội – (Istituti) muốn nhấn mạnh đến chiều kích này. Giáo Hội chỉ giới hạn những nguyên tắc vào những hình thức liên quan này, nghĩa là các tu hội thánh hiến.
Giáo Hội không thể thiết lập một tu hội thánh hiến khi nó thiếu các yếu tố cấu thành thiết yếu của đời sống thánh hiến theo điều 573§1. Tu hội thánh hiến là một hình thức được thẩm quyền Giáo Hội thành lập hoặc phê chuẩn với một quy chế hay hiến pháp riêng và cụ thể của tu hội (x. đ. 576). Đây là một hình thức được thẩm quyền Giáo Hội thành lập qua một “sắc lệnh” thành lập bằng văn bản, làm phát sinh một địa vị pháp lý được thêm vào địa vị chung của tất cả các tín hữu. Hình thức sống này được cụ thể hóa trong một tu hội được thành lập “hợp pháp” bởi thẩm quyền của Giáo Hội.
Điểm đặc biệt là hình thức sống ổn định này diễn ra trong một tu hội có tính chất công. Các thực thể này có mối quan hệ đặc biệt với thẩm quyền phẩm trật của Giáo hội. Khi được thành lập cách hữu hiệu, các tu hội này là những pháp nhân công, tức là họ hành động nhân danh Giáo Hội (x. đ.116§1) và có thể đảm nhận những nhiệm vụ riêng của cơ cấu phẩm trật. Các tu hội đảm nhận các mục đích riêng hoặc cộng tác với hàng giáo phẩm. Trên hết, các tu hội thánh hiến được giao phó sứ mạng làm cho sự thánh thiện của Giáo hội trở nên hữu hình và bảo toàn các lời nguyên phúc âm, cùng với gia sản thiêng liêng theo tinh thần của vị sáng lập.
Như thế, một tu hội được gọi là “công” phải có những yếu tố chính yếu sau: được thành lập hoặc chuẩn nhận của cơ quan có thẩm quyền hợp pháp của Giáo Hội (x. đ. 579) qua một sắc lệnh thành lập bằng văn bản; hành động nhân danh Giáo Hội và theo mục đích của Giáo Hội được cụ thể hóa theo mục tiêu và tinh thần của tu hội[1].
2. Nguồn gốc đặc sủng – Origine carismatica.
Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội số 12 (LG 12) trình bày những cảm thức đức tin và đoàn sủng trong Dân Thiên Chúa. Thánh Thần không chỉ thánh hóa và hướng dẫn Dân Thiên Chúa bằng các bí tích, các chức vụ, và trang điểm họ bằng các nhân đức, nhưng Ngài còn ban phát các ân sủng đặc biệt cho mọi cấp bậc các tín hữu “phân chia ân huệ cho mỗi người theo ý Ngài” (1Cor 12,11), khiến người lãnh nhận các ân sủng ấy có đủ khả năng và sẵn lòng đảm nhận các công việc và nhiệm vụ khác nhau mưu ích cho việc canh tân, xây dựng và phát triển Giáo Hội như lời chép rằng: “Thánh Thần hiển hiện trong mỗi người hầu mang lại lợi ích” (1Cor 12,7). Những vị thủ lãnh trong Giáo Hội có thẩm quyền phán quyết về tính cách chân chính và sự xử dụng hợp lý các ơn lạ ấy; các ngài có nhiệm vụ đặc biệt phải khảo sát tất cả, không phải để dập tắt Thánh Thần, nhưng để giữ lại những điều thiện hảo (x. 1Th 5,12 và 19-21).
Như thế, Giáo Hội nhìn nhận những đặc sủng mà Thánh Thần ban cho mỗi người rất phong phú, đa dạng nhưng những đặc sủng ấy phải mang lại lợi ích trong việc canh tân, xây dựng và phát triển Giáo Hội, chứ không phải đặc sủng nào cũng được nhìn nhận. Đặc sủng được đón nhận vì lợi ích của cả Giáo Hội, vì thế nó là tài sản của Giáo Hội cần được bảo vệ. Việc công nhận những đặc sủng này là bổn phận của nhà chức trách có thẩm quyền Giáo Hội, các ngài phải bảo vệ và thúc đẩy các đặc sủng ấy.
Điều 578[2] xác định bản chất của một tu hội, người ta sử dụng từ gia sản[3] (patrimonio), trước kia người ta dùng từ đặc sủng (carisma), nhưng thuật ngữ này rất chung chung, thuật ngữ đặc sủng không có đủ nghĩa chính xác trong ngôn ngữ pháp lý, đó là lý do tại sao nó bị bỏ và được thay thế bằng thuật ngữ “gia sản”.
Mỗi tu hội có một gia sản và căn tính riêng phải được gìn giữ, bởi vì căn tính này được được thể hiện bởi Chúa Thánh Thần và bởi mục đích của đấng sáng lập. Ở đây, không bàn bàn về gia sản vật chất, nhưng gia sản tinh thần. Gia sản này là một thực tại sống động, bắt nguồn từ Chúa Thánh Thần ngang qua vị sáng lập.
Gia sản có hai nguồn: một mặt là tư tưởng/ ý định (mens) và kế hoạch (progetti) của đấng sáng lập hoặc của những đấng sáng lập và mặt khác là các truyền thống lành mạnh của tu hội (x. đ. 578). Tu Hội là một món quà thiêng liêng được ban tặng cho Giáo Hội ngang qua các vị sáng lập. Những tư tưởng và các kế hoạch mà các vị sáng lập muốn thành lập tu hội phải được Giáo Hội thẩm định, do đó cần có sự đối thoại giữa các vị sáng lập với thẩm quyền Giáo Hội. Không phải tất cả ý định và kế hoạch của các vị sáng lập đều là gia sản của Tu Hội, nhưng chỉ những điều đã được nhà chức trách có thẩm quyền của Giáo Hội thừa nhận. Như thế, chỉ có những đặc sủng đã được nhà chức trách có thẩm của Giáo Hội mới là những gia sản chính thức của Tu Hội.
Cũng cần lưu ý rằng đối tượng của gia sản của Tu Hội là ý định và các kế hoạch của những người sáng lập liên quan đến bản chất (natura), mục đích (fine), tinh thần (spirito) và đặc tính (indole) của Tu Hội.
Bản chất (natura) là những gì đặc trưng cho nó theo quan điểm luật học như một tu hội giáo sĩ hay giáo dân hoặc gồm cả giáo sĩ và giáo dân v.v.
Mục đích (fine): mục đích là gì, đó là mục đích của Giáo hội. Ví dụ: đào tạo, cầu nguyện, truyền giáo, v.v.
Tinh thần (spirito) mỗi viện đều có một tinh thần, không dễ xác định, nhưng chắc chắn tồn tại. Nó giống như linh hồn thống nhất mọi thứ, ngay cả khi rất khó để xác định nó một cách chính xác.
Đặc tính (indole): cách thức tu hội thể hiện liên quan đến mục đích của nó: đời sống chiêm niệm, đời sống hoạt động, đời sống hỗn hợp, v.v.
Bên cạnh đó, các truyền thống lành mạnh của tu hội không phải là tất cả các phong tục tập quán, nhưng chỉ những thuần phong mỹ tục liên quan đến bản chất, mục đích, tinh thần và đặc tính đã được cơ quan có thẩm quyền của Giáo Hội chuẩn nhận. Chúng là những yếu tố đổi mới cùng với gia sản mà không phá vỡ tính liên tục với cội nguồn thì nó mới có thể được gọi là lành mạnh. Sắc Lệnh về Canh Tân Thích Nghi Ðời Sống Dòng Tu Perfectae Caritatis, số 2 đã đưa ra những nguyên tắc của sự đổi mới qua việc trở về nguồn mạch của đời sống Kitô hữu và ơn linh ứng nguyên thủy của tu hội cũng như sự thích nghi tu hội với những hoàn cảnh đổi thay qua các thời đại[4].
Vì thế, mỗi thành viên trong tu hội phải luôn duy trì, gìn giữ và trung thành với ý định và những đường hướng của vị sáng lập liên quan đến bản chất, mục đích, tinh thần, đặc tính cũng như những truyền thống lành mạnh đã được ghi trong luật riêng hay hiến pháp của mỗi tu hội. Hiến pháp đó phải được cơ quan có thẩm quyền Giáo Hội phê chuẩn. Tu hội không được tự ý thay đổi những gì liên quan đến nguồn gốc đặc sủng của mình nếu không có phép của cơ quan có thẩm quyền của Giáo Hội (x. đ. 583; 587).
3. Sự thánh hiến qua việc tuyên khấn các lời khuyên phúc âm – Consacrazione mediante la professione dei consigli evangelici.
Một đặc tính chính yếu không thể thiếu trong bất kỳ tu hội thánh hiến nào và làm cho các thành viên trong các tu hội ấy có một sự khác biệt với những pháp nhân khác trong Giáo Hội đó là sự thánh hiến của họ được thể hiện qua việc tuyên giữ các lời khuyên Phúc Âm.
Đây không phải là một sự thánh hiến mang tính bí tích nhưng bậc sống của những người tuyên khấn những lời khuyên Phúc âm trong tu hội thánh hiến thuộc về đời sống và sự thánh thiện của Giáo Hội (x. đ.574). Việc tuyên khấn các lời khuyên Phúc âm chỉ được coi là công trong những tu hội thánh hiến được thẩm quyền của Giáo Hội thiết lập theo giáo luật, vì thế lời khấn mang đặc tính công, tức là lời khấn nhân danh Giáo Hội. Cần lưu ý rằng, lời khấn công khai không theo nghĩa được mọi người nhìn thấy, cũng như lời khấn tư không có nghĩa là riêng tư. Lời khấn được tuyên xưng trong một tu hội thánh hiến được Giáo Hội thiết lập là một lời khấn với những mối dây ràng buộc thánh và công khai bởi vì nó được Giáo Hội phê chuẩn và đón nhận.
Vì thế, lời khấn phải có hình thức cụ thể trong việc tuyên khấn ba lời khuyên Phúc âm: khiết tịnh, khó nghèo và vâng lời. Cách thức đảm nhiệm ba lời khấn phải được thực hiện thông qua lời khấn hoặc các mối dây ràng buộc thánh khác (lời hứa, lời cam kết), theo luật riêng của tu hội. Giáo luật hợp nhất việc tuyên xưng những lời khuyên Phúc âm với sự hoàn hảo của đức ái, mà các lời khuyên Phúc âm này chứa đựng. Còn mối dây ràng buộc thánh với tu hội thì sẽ tùy thuộc vào luật riêng của tu hội.
Tóm kết, bậc sống thánh hiến của các tu sĩ trong các tu hội thánh hiến, theo khía cạnh của giáo luật, tự bản chất không thuộc hàng giáo sĩ, cũng chẳng thuộc hàng giáo dân[5]. Nhưng Giáo Hội nhìn nhận đời sống thánh hiến thuộc về sự thánh thiện của Giáo Hội. Đây là một ơn gọi đặc biệt, Thiên Chúa kêu gọi một số người dâng hiến cho Thiên Chúa qua một lối sống đặc biệt. Các tu sĩ tham gia vào sứ mạng của Giáo Hội qua việc thánh hiến chính mình qua việc tuyên xưng các lời khuyên Phúc âm một cách công khai một tu hội cụ thể. Giáo Hội luôn ghi nhận sự bền vững của đời sống thánh hiến qua việc thiết lập, chuẩn nhận luật riêng hay hiến pháp để bảo vệ, thúc đẩy gia sản thiêng liêng mà Chúa Thánh Thần đã trao ban qua tư tưởng/ ý định và các dự án/ kế hoạch của vị sáng lập hay các vị sáng lập.
[1] X. LG 43; PC 2; CIO 410; CIO 411.
[2] Điều 578 – Mọi người phải trung thành duy trì tư tưởng và chủ trương của các vị sáng lập liên quan đến bản chất, mục đích, tinh thần và đặc tính của tu hội mà nhà chức trách có thẩm quyền của Giáo Hội đã thừa nhận, cũng như liên quan đến những truyền thống lành mạnh của tu hội, tất cả những điều ấy tạo thành gia sản của tu hội.
[3] X. LG 45; PC 2 ; CIO 426
[4] Sắc Lệnh về Canh Tân Thích Nghi Ðời Sống Dòng Tu Perfectae Caritatis, số 2.
[5] X. LG 43; PC 10; PC 15
Bài viết liên quan
Con Đường: Hành Hương Theo Quan Điểm Kinh Thánh
Những lý do đầu tiên để bắt đầu một cuộc hành hương là thực hiện...
Th1
Ý nghĩa của động từ “đi ra” trong Tin Mừng
“Chúa Giêsu đi ra”, đó là cụm từ thường được lặp lại trong các Tin...
Th1
Câu chuyện Sáng thế bác bỏ các huyền thoại và trở về với thực tại
Alejandro Terán-Somohano Trong loạt bài giảng về những chương đầu sách Sáng thế thực hiện...
Th1
Vai trò của truyền thông trong giảng thuyết
Ngày nay, hơn bao giờ hết, người ta nói nhiều đến truyền thông. Chẳng hạn...
Th4
Loạt ảnh quý giá lưu giữ “hồn xưa nét cũ” về các Bậc Tiền nhân thuở ban đầu
Những thành quả, hoa trái mà anh em Thánh Tâm thừa hưởng ngày hôm nay...
Th12
Thơ: Hoa lòng dâng Mẹ
Tháng Hoa lại đến Mẹ ơi ! Chúng con hợp tiếng vang lời tụng ca...
Th5