Bài giảng Chúa nhật Tuần III Phục sinh năm B

Chúa Phục Sinh Củng Cố Niềm Tin Cho Chúng Ta
(Lc 24, 35-48)
Ngày xưa, có một vị tu sĩ khôn ngoan sống ở trên núi. Người dân ở các làng lân cận thường đến gặp ngài để xin lời khuyên. Sau nhiều lần tham dự vào cuộc trò chuyện của vị tu sĩ với dân chúng, một trong những đệ tử trở nên thiếu kiên nhẫn, than thở với vị tu sĩ rằng, “người dân ở đây kém trình độ, họ chẳng hiểu biết gì, cái gì họ cũng đến xin lời khuyên giải.” Sau nhiều lần thấy anh than vãn và chẳng muốn làm gì để giúp người dân, vị tu sĩ thấy vậy liền khuyên đệ tử của mình không nên có hành vi coi thường người khác, vì phàn nàn sẽ chẳng giải quyết được điều gì. Rồi một ngày nọ, vị tu sĩ và người đệ tử này đi dạo, họ bước vào một hội trường lớn, nhưng vì trời tối và các cửa đều đóng kín, nên cả hội trường đều tối om. Vị tu sĩ nói với đệ tử, “Ở đây tối quá.” Người đệ tử gật đầu đồng ý, “vâng, tối thật.” Rồi vị tu sĩ lại nói với giọng đầy phàn nàn, “Hội trường tối quá.” Người đệ tử nhìn vị tu sĩ với vẻ bối rối và nói, “Vâng quả thật, ở đây quá tối.” Nhưng vị tu sĩ dường như không nghe thấy và lặp lại, “Tại sao hội trường này quá tối?” Cuối cùng, người đệ tử không kiềm chế được sự vô lý của vị tu sĩ, nên anh ta khó chịu nói, “Vâng, ở đây quả thật quá tối. Nhưng tại sao thầy lại phàn nàn về bóng tối?” Vị tu sĩ lúc này mới nói, “vì ta muốn xua đi bóng tối trong căn phòng này.” Người đệ tử đáp, “Chúng ta cần phải dùng đèn để làm cho căn phòng này sáng lên. Đứng đây phàn nàn về bóng tối sẽ chẳng xua đuổi được bóng tối.” Vị tu sĩ lúc này từ tốn mỉm cười nói, “Đúng vậy, điều này cũng đúng với sự thiếu hiểu biết của người khác.” Người đệ tử chợt hiểu ra và từ đó anh ta không bao giờ phàn nàn khi thấy người dân đến xin lời khuyên nữa, nhưng nỗ lực cùng vị tu sĩ hướng dẫn người dân một cách tận tình.
Người tu sĩ đã dùng chính câu chuyện của mình để huấn luyện người đệ tử không càm ràm và sẵn sàng giúp đỡ tha nhân. “Thà thắp lên một ngọn nến còn hơn là ngồi đó mà nguyền rủa bóng tối.” Chúng ta cũng nhìn thấy cung cách của vị tu sĩ trong đời sống của Chúa Giêsu. Khi đối diện với sự cứng lòng tin của con người, Chúa Giêsu không phàn nàn, không chán nản, và không thất vọng, nhưng Ngài đã nhẫn nại trong yêu thương, dùng chính cái chết, và sự phục sinh của mình để khai sáng và củng cố niềm tin cho chúng ta.
Các bài đọc trong Tuần Thánh vừa qua cho chúng ta thấy rất rõ nguyên nhân sâu xa khiến các nhà lãnh đạo Do Thái ngày xưa kết án tử hình Chúa Giêsu là do thiếu hiểu biết trong đức tin. Họ nghĩ rằng họ biết Thiên Chúa, nhưng sự hiểu biết đầy giới hạn của họ đã làm cho họ cứng đầu, không mở lòng để tin nhận những lời giảng dạy của Chúa Giêsu. Thánh Phêrô- trong bài đọc trích sách Công vụ Tông Đồ- cũng nhìn nhận điều đó nên ngài nói với dân Do Thái rằng, “Chính anh em đã chối bỏ Đấng Thánh, Đấng Công Chính, và xin tha tên sát nhân cho anh em, còn Ðấng ban sự sống thì anh em lại giết đi… Hỡi anh em, thế nhưng tôi biết rằng anh em đã hành động vì không biết, như các thủ lãnh anh em đã làm” (Cv 3, 12-19).
Trong thư thứ nhất của thánh Gioan khẳng định mối tương quan sâu xa giữa việc biết Thiên Chúa và hành động của đức tin, “Ai nói mình biết Người, mà không giữ giới răn Người, là kẻ nói dối, và nơi người ấy không có chân lý” (1 Ga 2, 4). Rõ ràng, các nhà lãnh đạo Do thái xưa đã không thực sự biết Thiên Chúa, vì họ không chỉ không thực hiện giới răn của Thiên Chúa mà họ còn chối bỏ và đóng đinh chính Con Một Thiên Chúa.
Ngay cả các môn đệ, những người cận kề với Chúa Giêsu, được nghe Người giảng dạy, thấy các phép lạ Người làm, và được nghe hai môn đệ trên đường Emmaus kể lại việc hai ông đã nhận ra Chúa lúc bẻ bánh, nhưng các ông vẫn chưa thực sự hiểu được những gì Chúa Giêsu đã nói và đã làm. Thậm chí, ngay cả khi Chúa Phục sinh hiện ra giữa các ông và nói, “Bình an cho các con! Thầy đây, đừng sợ!” nhưng các ông “bối rối tưởng mình thấy ma.” Thấu hiểu những nghi ngờ trong lòng các môn đệ, Chúa Giêsu đã tìm cách để thuyết phục các ông. Chúa không những đích thân đến gặp các môn đệ, chỉ cho họ xem những vết thương trên tay chân mình, mà Người còn cùng ăn uống với họ. Chính sự hiện diện thân tình và những hành động rất con người của Chúa Giêsu đã xóa tan những ngờ vực và củng cố niềm tin cho các môn đệ. Chúa Phục Sinh còn mong muốn sự bình an và niềm tin mà các môn đệ đã lãnh nhận cũng phải được chia sẻ cho mọi người xung quanh. Vì thế, Người sai các môn đệ đi “rao giảng sự thống hối và ăn năn để lãnh nhận ơn tha tội;” đồng thời, Người mời gọi, “còn các con, các con sẽ làm chứng nhân” cho Thầy về những điều mình đã chứng kiến. Đây cũng là lời mời gọi Chúa Giêsu Phục sinh nhắn gửi tới mỗi người chúng ta.
Chúng ta cần phải sống khác với các nhà lãnh đạo Do Thái năm xưa nhờ sự phục sinh của Chúa Giêsu, Đấng đã khai sáng và củng cố niềm tin cho mỗi người chúng ta qua gương sáng đức tin của các Tông đồ. Tuy nhiên, không ít lần chúng ta vẫn còn bước đi trong tăm tối ích kỷ cá nhân và lôi cuốn của thế gian. Mỗi khi chúng ta để cho những thói hư nết xấu kéo chúng ta sai lạc đường lối của Thiên Chúa, mỗi khi chúng ta sống bất công, hoặc mỗi khi chúng ta sống thiếu bác ái với tha nhân là mỗi lần chúng ta lại giống như các nhà lãnh đạo Do Thái xưa chối bỏ và đóng đinh Con Thiên Chúa vào thập giá.
Sở dĩ thế gian còn đầy bất công, sợ hãi, đau khổ, hận thù, chiến tranh, bạo loạn, và thậm chí bạo lực gia đình là vì nhiều người chưa sống theo giáo huấn của Chúa hoặc chưa biết tới Thiên Chúa. Người ta chỉ ngồi đó để phàn nàn và kêu trách thì những bất công tội ác sẽ mãi tồn tại và thậm chí còn trở nên tệ hại hơn. Vì yêu nhân loại, Chúa Giêsu đã chấp nhận dùng cái chết và sự phục sinh của mình để xua tan bóng tối và giải thoát con người khỏi xiềng xích của tội lỗi. Là những người môn đệ của Chúa, chúng ta được mời gọi chiếu tỏa ánh sáng của Chúa Phục Sinh qua đời sống thánh thiện, yêu thương, và bác ái của mình với mọi người; chỉ có như vậy chúng ta mới có thể góp phần xóa tan những bóng tối bất công, sợ hãi, loại trừ, và chia rẽ với những người chung quanh chúng ta. Cuộc sống ngày hôm nay có biết bao điều làm chúng ta lo sợ, nhưng Chúa Phục Sinh mời gọi chúng ta đừng sợ. Hãy tin tưởng vào sự hiện diện quyền năng và đầy yêu thương của Người, mọi sợ hãi sẽ được tan biến. Với sức mạnh của Chúa Phục Sinh, mỗi người chúng ta hãy trở nên khí cụ bình an, xua tan sợ hãi, và lan tỏa yêu thương đến mọi người. Nguyện xin niềm vui, bình an, và ánh sáng của Chúa Phục sinh củng cố niềm tin cho chúng ta để mỗi người chúng ta trở thành cây nến phục sinh mang lại ánh sáng tin yêu, bình an, và niềm hy vọng cho những người chúng ta gặp gỡ trong cuộc đời. Amen
Vincent Pham, CSC