Ðức Cha Ðaminh Hồ Ngọc Cẩn sinh ngày 3 tháng 12 năm 1876 tại xứ đạo Ba Châu (làng Vĩnh Lưu, xã Phú Lương, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên). Cha ngài là Giuse Hồ Ngọc Thi (làm nghề dạy học và thầy thuốc), mẹ là Anna Nguyễn Thị Ðào (người làng Trường An thuộc giáo xứ Thợ Ðúc, Huế). Ông bà sinh được hai người con trai đặt tên là Hồ Ngọc Ca và Hồ Ngọc Vịnh. Hồ Ngọc Ca về sau đổi tên là Hồ Ngọc Cẩn. Cha ngài mất sớm, mẹ ngài đưa hai anh em ngài về quê ngoại ở Trường An để sinh sống.
Về nguồn gốc của ngài, nhiều người cho biết quê nội của ngài ở làng Cổ Thành, phủ Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị, vì hoàn cảnh đặc biệt, gia đình phải vào lập nghiệp ở Thừa Thiên. Bên họ nội không theo Công Giáo. Khi ngài chịu chức Giám Mục thì người làng Cổ Thành có cử một phái đoàn vào Tòa Giám Mục Huế chúc mừng và mang theo gia phả của dòng họ để nhận bà con. Ngài vui vẻ mời tất cả mọi người vào dự tiệc mà không nhắc gì đến chuyện quá khứ.
Năm 1889, Lm. F.X Trương Văn Thường, cha xứ Trường An, là người đã giới thiệu cậu Hồ Ngọc Ca (Cẩn) dự thi tuyển vào Tiểu Chủng Viện An Ninh (Cửa Tùng, Quảng Trị). Chú Ca đã không đủ điểm thi tuyển, may nhờ Cha xứ xin với các Cha phụ trách Tiểu chủng viện cho chú vào học thử vài tháng. Không ngờ chú Ca tiến bộ vượt bậc, chỉ trong vài tháng đã theo kịp chúng bạn và những năm sau đó đều dẫn đầu lớp. Chương trình tại Tiểu Chủng Viện là 8 năm mà Hồ Ngọc Ca chỉ học trong 6 năm là xong! Các Linh Mục cùng thời với ngài đã kể lại rằng tất cả những sách vở trong thư viện, Hồ Ngọc Ca đều đọc hết. Chú Ca còn tự học thêm về sinh ngữ, cổ ngữ và các môn khoa học thường thức khác. Sau khi Cha xứ của chú qua đời (1891) thì LM Allys Lý, hồi đó đang làm cha xứ Phủ Cam, nhận chú Hồ Ngọc Ca làm nghĩa tử. Cha Allys người Pháp sau này làm Giám Mục Huế (thường gọi là Ðức Cha Lý).
Chú Ca gia nhập Ðại Chủng Viện Phú Xuân năm 1896, từng bước lãnh nhận các chức nhỏ và chức phó tế, đến ngày 21-12-1902 thầy Ca chịu chức Linh mục, lúc đó mới 26 tuổi. Trước ngày chịu chức Linh Mục, thầy Hồ Ngọc Ca xin đổi tên là Hồ Ngọc Cẩn.
Trong 8 năm đầu đời linh mục, Cha Cẩn làm Phó xứ Kẻ Văn (Quảng Trị) với hai đời Cha xứ là các cố Tây, rồi về làm cha xứ Kẻ Hạc (Vạn Lộc) thuộc tỉnh Quảng Bình.
Tháng 9-1910, Cha Cẩn được bổ nhiệm làm giáo sư Tiểu Chủng Viện An Ninh. Ngài là giáo sư người Việt đầu tiên, trước đó, các giáo sư toàn là người Âu Châu. Cha Cẩn dạy các môn La Tinh, Pháp, Toán, Việt Văn với một phương pháp sư phạm rất tiến bộ, dễ hiểu, dễ nhớ, trình bày rất rõ ràng, sáng sủa, khiến cho học trò rất thích thú.
Năm 1923 Ðức cha Allys Lý, giám mục Giáo phận Huế, được phép của Tòa Thánh ngài đã lập Dòng Thánh Tâm, đặt trụ sở tại Trường An (giáo xứ Thợ Ðúc, Huế). Vì bận cai quản Giáo phận, Đức cha Lý đã trao phó cho linh mục nghĩa tử của mình là Cha Đaminh Hồ Ngọc Cẩn có nhiệm vụ kiến thiết Hội Dòng mới do Đức cha sáng lập.
Năm 1924, sau khi cơ sở vật chất nhà Dòng được xây cất xong, Cha Hồ Ngọc Cẩn được Đức cha Allys Lý cử làm Bề Trên tiên khởi của Dòng này. Trên 10 năm điều hành Hội Dòng Thánh Tâm, Cha Hồ Ngọc Cẩn đã đào tạo nhiều lớp tu sĩ, xây dựng 4 trường tiểu học (Trường An, Phủ Cam, Kim Long, Lại Ân) và mở nhà in “Thánh Tâm” (lúc đầu gọi là Trường An ấn quán) để in sách báo, tài liệu Công Giáo cho Giáo Phận Huế.
Ngày 02-3-1935 Tòa Thánh bổ nhiệm Lm Đaminh Hồ Ngọc Cẩn làm Giám Mục Phó Tông Tòa Bùi Chu hiệu tòa Zenobis. Lễ tấn phong được cử hành ngày 29-3-1935 tại nhà thờ Phú Cam Huế do Ðức Khâm Sứ Columban Dreyer chủ phong với sự phụ phong của hai Ðức cha Chabanon Giáo của Huế và GB Nguyễn Bá Tòng của Phát Diệm. Đức Tân Giám Mục Ðaminh Hồ Ngọc Cẩn chọn khẩu hiệu: “Hết tình nhẫn nhục và tận tâm giáo huấn”, trên huy hiệu của ngài có hình Thánh Tâm Chúa Giêsu chiếu ánh sáng ra hai bên, một bên là sông Hương núi Ngự, một bên là nhà thờ Bùi Chu, phía dưới huy hiệu là cuốn sách với tràng hạt mân Côi.
Theo Sắc Lệnh của Tòa Thánh ngày 9-3-1936, hai tỉnh Thái Bình và Hưng Yên được tách ra để thành lập giáo phận mới Thái Bình, nên giáo phận Bùi Chu chỉ còn lại phần đất thuộc tỉnh Bùi Chu và một phần của tỉnh Nam Ðịnh. Ngày 17-5-1936, Ðức Giám Mục Pedro Munagorri xin từ chức và chính thức trao quyền cai quản giáo phận Bùi Chu cho Ðức cha phó Ðaminh Hồ Ngọc Cẩn.
Sau khi nhận giáo phận, Đức cha Hồ cải tổ lại các chủng viện, dân chủ hóa bằng cách tham khảo ý kiến các Linh Mục bằng thư từ, trước khi bổ nhiệm hoặc thuyên chuyển. Ngài thường nói với các Cha: “Linh Mục và Giám Mục là anh em như thể tay chân”. Ngài đích thân giảng cấm phòng hàng năm cho các Linh Mục trong giáo phận suốt 12 năm. Ngài chú trọng đào tạo nhân tài cho tương lai, gửi một số thầy đi du học. Ngài xin phép Tòa Thánh lập Ðại Chủng Viện Quần Phương riêng cho giáo phận Bùi Chu để chủng sinh khỏi phải qua Nam Ðịnh học… và đã được Tòa Thánh chấp thuận (khai giảng 1940). Ngài là Đấng sáng lập Dòng Con Ðức Mẹ Mân Côi Trung Linh Bùi Chu (vận động từ năm 1940 đến 1946 mới được Tòa Thánh chấp thuận). Ngài lập ra trường Trung Linh, mời các Sư huynh Dòng La San về dạy. Ngài thành lập bệnh viện Thánh Tâm Bùi Chu, cô nhi viện ở Bùi Chu. Ngài thân hành chăm sóc tận tay cơm nước cho các cô nhi. Nạn đói năm 1945, những vùng hỏa hoạn, thiên tai, bão lụt như Kiên Chính, Quần Liêu, Trung Lao, Bắc Ninh, ngài đem hết lúa gạo của Nhà Chung ra giúp cho dân. Ngài hô hào bài trừ tệ đoan xã hội, bãi bỏ những hủ tục, cờ bạc rượu chè… Ngài thành lập các hội đoàn thiếu nhi, thanh niên và người lớn tuổi, hội Tông Ðồ Cầu Nguyện (1938), Thanh Niên Công Giáo Nước Nam (họp đại hội tại Phú Nhai năm 1938 quy tụ trên 10,000 đoàn viên), Dòng Ba Ða Minh, Ban Truyền Giáo Ðịa Phận…
Ở Việt Nam thời bấy giờ người ta thích nói tiếng Pháp hoặc tiếng Latinh, ngay cả khi không có sự hiện diện của người ngoại quốc. Tuyên nhiên, Ðức cha Ðaminh Hồ Ngọc Cẩn thì lại chủ trương nói tiếng Việt, đi đâu cũng nói tiếng Việt, ngay cả khi phát biểu trong các hội nghị quốc tế, mặc dù ngài rất thông thạo tiếng Pháp và tiếng Latinh.
Ngài đã viết cả trăm quyển sách trong đó có hơn 30 tác phẩm lớn trước tác và dịch thuật thuộc đủ mọi thể loại từ văn chương, triết học, khoa học, tôn giáo, đạo đức… sách giáo khoa, toán học, sinh ngữ, cổ ngữ v.v… đến các loại từ điển Pháp, Hán, La Tinh… Ðó là chưa kể các bài báo ngài viết dưới nhiều bút hiệu như Ngô Ký Ẩn, Ngô Tri Dược, Ngô Ký Vãng, Ngô Tri Lễ, Hồ Ngọc Cẩn v.v… đăng trên các báo xuất bản từ Bắc chí Nam. Chính vì thế Ngài được biết đến như một nhà đạo đức kiêm văn hóa giáo dục của trước giữa thế kỷ 20, một thời ngài được xem là nhà thông thái ở vùng Ðông Dương, các Linh Mục người Châu Âu đều phải kính nể ngài.
Đến khi ngoài 70 tuổi, ngài vẫn làm việc như một người sức khỏe bình thường, vẫn viết sách, soạn bài, giảng dạy, đi lại thăm viếng các nơi. Mùa Ðông năm 1948 miền Bắc rét lạnh khác thường, ngài lâm bệnh suyễn, đang thời chiến tranh nên đi lại khó khăn, phương tiện rất giới hạn, thuốc men thiếu thốn, ngài phải tự tìm cách chữa trị lấy. Ðức cha Nguyễn Bá Tòng lúc bấy giờ đã nghỉ hưu, nghe tin ngài bệnh nặng đã đến thăm ngài vào sáng 26-11-1948 và thấy ngài còn tỉnh táo. Ngài đã chịu phép Xức Dầu Thánh dọn mình chết. Đến chiều cùng ngày, ngài bị té xỉu rồi dần dần đi vào hôn mê. Gần nửa đêm thì ngài tỉnh lại và cùng các Linh mục đọc kinh “Phó thác linh hồn” bằng tiếng Latinh. Quá nửa đêm, ngài qua đời một cách nhẹ nhàng. Lúc đó là 0 giờ 27 phút khởi đầu ngày 27 tháng 11 năm 1948.
Ðức Giám Mục Ðaminh Hồ Ngọc Cẩn ra đi, chấm dứt 72 tuổi đời nơi trần thế với 46 năm Linh Mục, 10 năm làm Bề trên tiên khởi Dòng Thánh Tâm-Huế và 13 năm làm Giám Mục Việt Nam tiên khởi của Giáo phận Bùi Chu.
Sau khi ngài qua đời, chính quyền quốc gia tỉnh Bùi Chu (miền Bắc) đã lấy tên ngài đặt tên cho một trường Trung học Công lập tại Bùi Chu. Năm 1954, trường này di cư vào miền Nam và tiếp tục giữ tên ngài, đó là trường Trung học Công lập Hồ Ngọc Cẩn ở Gia Ðịnh. Sau ngày 30-4-1975, trường bị đổi tên thành trường Nguyễn Ðình Chiểu ngày nay.
Lễ an táng cho ngài được cử hành vào sáng 30-11-1948, tháng đặc biệt cầu nguyện cho các linh hồn người quá cố. Ngài được an táng bên trong nhà thờ chính tòa Bùi Chu. Ðoàn người đi theo linh cữu dài khoảng 5 kilômet, ngoài những giáo dân Công Giáo còn có rất nhiều học trò và phụ huynh người lương, đặc biệt có Thượng Tọa Thích Bảo Long đại diện Phật giáo đã đến tiễn đưa ngài về nơi an nghỉ cuối cùng.