Các Bài Suy Niệm Trong Tuần 1 Thường Niên

thumbnail?id=1oakAHEQUTegnA4RtEaI4d dsVFpNJc8F&sz=w600

13/01/2025: THỨ HAI TUẦN 1 TN

Thánh Hi-la-ri-ô, giám mục, TSHT

Mc 1,14-20

 SÁM HỐI: ‘ĐẶC SẢN’ KI-TÔ HỮU

“Thời kỳ đã mãn và triều đại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng.” (Mc 1,15)

Suy niệm: Trong dịp hành hương Fatima năm 2010, ĐGH Bê-nê-đic-tô XVI kêu gọi mọi tín hữu phải sám hối, vì “sự bách hại ác liệt nhất đối với Giáo Hội không đến từ kẻ thù bên ngoài, mà xuất phát từ tội lỗi ngay trong lòng Giáo Hội, vì thế Giáo Hội cần khẩn thiết học lại bài học sám hối, cần chấp nhận thanh luyện.”

Như vậy, sám hối trở thành “đặc sản” của Ki-tô hữu, bởi mọi Ki-tô hữu phải từ bỏ tội lỗi, hướng lòng về với Chúa và uốn nắn đời sống của mình theo Tin Mừng. Sám hối trở thành việc thường xuyên trong đời Ki-tô hữu và là cách tiếp nhận quyền năng của lòng Chúa thương xót.

Không như một số người lầm tưởng, Chúa thương xót là Chúa cảm thông sự yếu đuối của chúng ta nhưng bất lực cứu độ; trái lại, lòng Chúa thương xót có quyền năng tha thứ và cho chúng ta một cơ hội mới sống lại tình thân với Chúa. Một lời tổng nguyện cổ xưa đã khẳng định quyền năng này của Thiên Chúa: “Lạy Thiên Chúa là Đấng cao cả vô song, Chúa đã mạc khải về quyền năng của Chúa trước hết là trong lòng thương xót và sự khoan dung.”

Mời Bạn: Có người viết rằng, xấu hổ chẳng khác gì con sư tử thu mình để phóng tới, thì đối với Ki-tô hữu, sám hối là cách thức đón nhận quyền năng tha thứ và phục hồi từ Thiên Chúa để trở nên người mới đó bạn!

Sống Lời Chúa: Dành vài phút cuối ngày để gặp gỡ Chúa, xét mình và thực hành sám hối.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa thương xót tội nhân và sẵn lòng tha thứ để cứu độ họ. Xin đừng để con hư mất vì thiếu lòng ăn năn sám hối.

14/01/2025: THỨ BA TUẦN 1 TN

Mc 1,21-28

 

NHƯ ĐẤNG CÓ UY QUYỀN

Người giảng dạy như một Đấng có uy quyền, chứ không như các kinh sư. (Mc 1,22)

Suy niệm:Các kinh sư là những người thông thạo lề luật;họ giải thích để người ta hiểu và giữ luật cho chính xác. Họ có thể trích dẫn các khoản luật hay cách diễn giải luật của các bậc thầy chứ không dám đưa ra phán đoán cá nhân của mình. Trong khi đó, khi giảng dạy, Chúa Giê-su trình bày giáo huấn riêng của Ngài. Ngài hành xử như Đấng có quyền trên cả lề luật khi đề ra những gì phải làm, phải tránh cách rành mạch và triệt để. Quả thật, Đức Giê-su luôn ý thức về uy quyền của Ngài khi giảng dạy, không bao giờ mập mờ hay tỏ ra thỏa hiệp khoan nhượng trong các giáo huấn của mình. Ngài xưng mình là “đuờng, sự thật và sự sống” (Ga 14,6), là Đấng “đến không phải để hủy bỏ nhưng là để kiện toàn lề luật” (Mt 5,17).

Mời Bạn: Trước những cảnh báo về “lạm dụng quyền bính” trong Hội Thánh, chúng ta đuợc mời gọi để hiểu, thực thi và tuân thủ quyền bính hợp pháp trong Hội Thánh đúng theo tinh thần Tin Mừng. Đối với Chúa Giê-su, quyền bính không phải là để thống trị nhưng là để phục vụ, để làm cho tình yêu đuợc bảo vệ và tăng trưởng. Quyền bính tồn tại để cho đàn chiên của Chúa đuợc “sống và sống dồi dào” (Ga 10,10).

Sống Lời Chúa: Tôi tôn trọng những vị thay quyền Chúa coi sóc đoàn chiên và sẵn sàng vâng phục với lòng yêu mến.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su là Mục tử nhân lành. Xin cho vâng phục với tinh thần siêu nhiên những vị mục tử thay quyền Chúa chăm sóc đoàn chiên. Xin ban cho con ơn sức mạnh để con can đảm nói ‘không’ với những gì trái với giới răn Chúa; và nói ‘có’ với những gì làm đẹp lòng Chúa. Amen.

15/01/2025: THỨ TƯ TUẦN 1 TN

Mc 1,29-39

 

ĐIỀU CẦN THIẾT NHẤT

Ông Si-môn và các bạn kéo nhau đi tìm Đức Giê-su. Khi gặp Người, các ông thưa: “Mọi người đang tìm Thầy!” Người bảo các ông: “Chúng ta hãy đi nơi khác, đến các làng mạc chung quanh, để Thầy còn rao giảng ở đó nữa, vì Thầy ra đi cốt để làm việc đó.”(Mc 1,36-38)

Suy niệm: Một ngày sống của Chúa Giê-su luôn tất bật: Sáng sớm, lúc trời còn tối mịt, đã có người kéo đi tìm Ngài; rồi khi chiều đến, lúc mặt trời đã lặn, người ta còn đem mọi kẻ ốm đau và những ai bị quỷ ám đến với Ngài. Nhưng, giữa muôn vàn bận rộn ấy, Ngài vẫn giữ được nhịp sống và ưu tiên cho điều cần thiết nhất: Ngài “đi ra” nơi thanh vắng cầu nguyện với Chúa Cha và cũng “đi ra những nơi khác nữa” để tiếp tục rao giảng Lời Thiên Chúa ở đó.

Đành rằng, những phép lạ luôn cần để đem niềm an ủi, và biểu dương là dấu chỉ của Triều Đại Đấng Thiên Sai (x. Is 35,5-7), nhưng cầu nguyện và rao giảng vẫn là việc cần thiết hơn cả, vì như lời Đức Giê-su khẳng định: “Ai tin vào Thầy, thì người đó cũng sẽ làm được những việc Thầy làm. Người đó còn làm những việc lớn hơn nữa” (Ga 14,12). Nhưng làm sao có thể tin, nếu không được nghe rao giảng (x. Rm 10,14)?

Bạn thân mến, Đức Giê-su đến thế gian cốt là để rao giảng, nhưng bao giờ Ngài cũng có thời gian cầu nguyện để lĩnh ý Chúa Cha. Chúng ta cũng được sai đi rao giảng, nhưng điều cần trước tiên là lắng nghe Lời Chúa, lắng nghe cả trong lúc thinh lặng, đó là hai nhịp đập của trái tim tông đồ, là ưu tiên hàng đầu trong nhịp sống hằng ngày của bạn.

Sống Lời Chúa: Dành thời gian lắng nghe Lời Chúa trước khi dấn thân trong hoạt động bên ngoài.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin hãy phán, vì tôi tớ Ngài đang lắng tai nghe.

16/01/2025: THỨ NĂM TUẦN 1 TN

Mc 1,40-45

 

CHÚA MUỐN, CHÚA CÓ THỂ !

Có người mắc bệnh phong đến gặp Đức Giê-su, anh ta quỳ xuống van xin rằng: “Nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch.” Người chạnh lòng thương, giơ tay đụng vào anh và bảo: “Tôi muốn, anh sạch đi !” (Mc 1,40-41)

Suy niệm: Những người phong hủi không được phép giao tiếp với người chung quanh, và ngược lại, những người lành sạch cũng không được phép tiếp xúc với người phong hủi; điều đó không chỉ đơn thuần vì lý do vệ sinh mà còn vì luật buộc nữa. Vậy mà đã có một sự phá lệ: người phong hủi chủ động đến gặp Chúa để van xin: “Nếu Chúa muốn, Chúa có thể”; và Đức Giê-su cũng phá lệ “giơ tay, đụng vào anh” để chữa lành, vì Chúa muốn chứ sao lại không? Một bên quá tuyệt vọng, ‘cùi’ rồi, không còn gì để mất, liều đến với Chúa như chiếc phao cứu sinh cuối cùng. Một bên luôn giàu lòng trắc ẩn, nhất là đối với những người đang lâm cảnh tuyệt vọng như anh. Quả thật, ai đặt tất cả niềm tin tưởng nơi Chúa, sẽ không phải thất vọng bao giờ.

Mời Bạn: Bạn đã bao giờ khao khát Chúa một cách mãnh liệt như thế chưa nhỉ? Nếu bạn cảm nhận sâu xa nỗi bi đát trong thân phận tội lỗi của mình, mời bạn đến với Ngài trong bí tích Hoà giải để Ngài đụng tới tâm hồn bạn và chữa cho bạn lành sạch. Hay phải chăng bạn vẫn còn quan niệm bí tích Giải tội như một thứ toà án ‘xử’ tội bạn?

Sống Lời Chúa: Đừng để gần đến ngày lễ lớn mới đi ‘xưng tội’ nhưng mời bạn đến với bí tích Giao hoà như điểm hẹn mỗi khi bạn khao khát được nối lại mối thâm tình với Chúa.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, tội lỗi của con làm con khắc khoải. Xin Chúa thanh tẩy tâm hồn con để con sống trong tình thân với Chúa.

17/01/2025: THỨ SÁU TUẦN 1 TN

Thánh An-tôn, viện phụ

Mc 2,1-12

 

TIN – YÊU ĐEM ĐẾN HY VỌNG

Thấy họ có lòng tin như vậy, Đức Giê-su bảo người bại liệt: “Này con, con đã được tha tội rồi.” (Mc 2,5)

Suy niệm: Người bại liệt không thể làm được gì để tự cứu mình, đơn giản vì… anh ta bại liệt. Nhưng anh ta may mắn có bốn người bạn hết sức tận tình. Họ không bó tay thất vọng trước đám đông chen chúc khiến họ không thể đến gần Đức Giê-su. Tình bạn giúp họ nảy sinh sáng kiến độc đáo: Họ “dỡ mái nhà” thả người bạn bại liệt của mình nằm trên chõng xuống trước mặt Chúa Giê-su. Xuyên qua tình yêu với sự nhiệt tình đó, Chúa “thấy lòng tin của họ”; và Ngài không chỉ chữa lành bệnh bại liệt mà còn tha thứ tội lỗi cho anh là căn nguyên mọi thứ bại liệt, cả về thể xác cũng như linh hồn.

Mời Bạn: Như người mẹ vì yêu con, luôn hy vọng con mình sẽ sửa đổi nên người tốt dù bây giờ anh ta tội lỗi hư hỏng, tình yêu tiếp thêm sức mạnh giúp người ta luôn hy vọng và không bao giờ thất vọng. Niềm hy vọng xuất phát từ tình yêu càng được củng cố và thêm hy vọng khi nó được đặt trên nền tảng đức tin vào quyền năng và lòng thương xót của Chúa, “nhờ công nghiệp Đức Giê-su Ki-tô”. Nhờ niềm tin – yêu – hy vọng ấy, các Ki-tô hữu, những người “lữ hành trên đường hy vọng”, có đủ sức vượt qua mọi khổ đau, bách hại và có thể an ủi nâng đỡ những ai đang đau khổ, khốn cùng.

Sống Lời Chúa:Tâm niệm và thực hành lời thư thánh Phao-lô: “rao giảng Tin Mừng dù gặp thời thuận tiện hay không”(2Tm 4,2) và “làm việc thiện không sờn lòng nản chí” (x. 2Tx 3,13).

Cầu nguyện: Đọc kinh “Đức Cậy” hoặc đọc: Lạy Chúa, xin ban ơn giúp con sống trong ơn nghĩa Chúa đời này và được hưởng hạnh phúc vĩnh cửu đời sau, nhờ công nghiệp Đức Giê-su Ki-tô. Amen.

18/01/2025: THỨ BẢY TUẦN 1 TN

Tuần lễ cầu nguyện cho các Ki-tô hữu hiệp nhất       

Mc 2,13-17

 

GẦN MỰC THÌ ĐEN ?

Những kinh sư thuộc nhóm Pha-ri-sêu thấy Chúa Giê-su ăn uống với những kẻ tội lỗi và người thu thuế thì nói với các môn đệ Người: “Sao ông y ăn uống với bọn thu thuế và quân tội lỗi?(Mc 2,16)

Suy niệm: Cha ông chúng ta đã chẳng nói rằng ‘Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng’ đó sao? Thái độ của các kinh sư thật đúng với phương châm phải cách ly với người tội lỗi để khỏi ô uế vì lây nhiễm tội lỗi của họ. Điều này đã được chứng nghiệm không ít lần trong thực tế.

Thế nhưng, giả sử ta đặt “mực đen” ở gần “đèn sáng” thì điều gì sẽ xảy ra? Đó chính là tình huống mà Chúa Giê-su đã chọn lựa khi Người “ăn uống với những kẻ tội lỗi và người thu thuế”: “Đấng Thánh của Thiên Chúa” đồng bàn với những người phàm tục, tội lỗi. Thậm chí Người còn nhận lấy tội lỗi của họ như thể đó chính là tội của Người. Nhưng không vì thế mà Người bị lây nhiễm tội lỗi; ngược lại, nhờ Người là ánh sáng, Người làm cho ‘mực đen’ nhiễm ánh sáng và cuối cùng trở thành ánh sáng.

Mời Bạn: Nối tiếp sứ mạng của Đức Ki-tô Cứu Thế, người Ki-tô hữu sống giữa thế gian như bông sen ‘gần bùn chẳng những không hôi tanh mùi bùn’ mà còn phải toả ngát hương thơm nhân đức để cho bùn lầy cũng phải thơm lừng hương sen. Muốn thế, bạn phải trở thành “chén thánh chứa đầy Đức Ki-tô” trước đã. Bạn hãy diễn dịch những hình ảnh hoa mỹ trên đây thành hành động cụ thể làm chứng nhân cho ánh sáng.

Sống Lời Chúa: Lần hạt “Năm Sự Sáng” để suy niệm về sứ mạng cứu thế của Đức Ki-tô.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa đã sai chúng con ra đi để làm chứng cho ánh sáng. Xin thức tỉnh trong chúng con ý thức làm chứng nhân cho Chúa qua việc bổn phận của chúng con. Amen.