Chai dầu tràm của những tu sĩ Thánh Tâm

Dầu tràm Huế vốn là một trong những sản phẩm chứa đựng nhiều tinh túy, nổi tiếng từ hàng trăm năm nay với các công dụng tuyệt vời cho sức khỏe. Và Phú Lộc chính là địa phương có ưu thế thổ nhưỡng trồng loại cây tràm gió có chất lượng tinh dầu tốt nhất ở Huế. Cũng vì những điểm đó, cộng thêm ý hướng muốn làm ra những chai dầu tràm có chất lượng đảm bảo, những tu sĩ dòng Thánh Tâm Huế đã sản xuất loại dầu này, với nhiều mong muốn gởi gắm sâu xa đằng sau đó.

Cha Phero Nguyễn Thái Công là người dành nhiều tâm huyết cho sản phẩm dầu tràm đạt chất lượng tốt
Cha Phêrô Nguyễn Thái Công là người dành nhiều tâm huyết cho sản phẩm dầu tràm đạt chất lượng tốt

Từ sáng sớm, mảnh sân của cơ sở Dầu Tràm Thánh Tâm tại xã Lộc Thủy – huyện Phú Lộ – Huế đã đượm mùi đặc trưng từ cây tràm tươi đang chất đầy khắp lối. Vị linh mục phụ trách công việc ở cơ sản xuất này lẫn các thầy và một số giáo dân phụ việc đều mướt mát mồ hôi chia nhau cùng hoàn thành tất cả các khâu chưng cất, chắt lọc tinh dầu tràm.

Theo người dân địa phương truyền miệng thì chính các vị thừa sai khi đến Ðàng Trong truyền giáo đã chỉ bày cho dân bản địa trồng cây này và dạy cách nấu lấy tinh dầu. Ðể nấu lấy được dầu tràm vừa có chất lượng cao vừa thơm là một quá trình kỳ công. Nguyên liệu sau khi bỏ vào nồi lớn có sức chứa vài trăm ký sẽ đổ nước vào, trét lại bằng cám ướt để kín hơi. Lửa phải luôn đảm bảo cháy đều, không được quá lớn vì dễ làm mất mùi thơm. Sau khoảng 4 tiếng nấu trong nồi, dầu sẽ bắt đầu chảy nhỏ giọt xuống chai đã được đặt sẵn. Mất khoảng 8 tiếng, 150 – 200 kg nguyên liệu mới chảy hết dầu và được khoảng 0,5 lít tinh dầu nguyên chất. Dầu nhẹ hơn nước sẽ nổi lên trên, nên người thợ nấu sẽ chỉ cần đục thủng lỗ để tách dầu ra khỏi nước. Chai hứng dầu từ vòi được đặt trên thau nước lạnh để làm nguội dầu ngay từ thùng nóng ra ngoài, có màu vàng nhạt và trong. Phương pháp thủ công hoàn toàn trên bếp củi cùng những kinh nghiệm chưng cất truyền thống vẫn được các cha giữ nguyên. Chỉ vào phần cây mới nấu xong được bỏ ngay cạnh lò nấu, cha Phêrô Nguyễn Thái Công phụ trách việc sản xuất của nhà dòng cười nói: “Ðây cũng là một cách để nhận biết cơ sở nấu dầu tràm chính hiệu”. Có một thực tế không vui cũng vì để nấu được một lít dầu tràm tốn nhiều công sức, trong khi chi phí mua nguyên liệu hiện cũng khá cao và có khi không tìm đủ, nên nhiều nơi có pha trộn thêm làm mất tiếng thơm dầu tràm Lộc Thủy. Ðầu ra của sản phẩm ở nhiều cơ sở vẫn còn hạn chế cũng là một trong những lý do khiến nghề này mai một. Công đoạn cuối cùng của chuỗi sản xuất dầu là cho dầu vào chai nhỏ, chia theo thể tích và dán nhãn. Dầu sẽ được chiết sang các chai 30ml, 50ml, 100ml… để người tiêu dùng lựa chọn. Hiện nay sản phẩm Dầu Tràm Thánh Tâm được bày bán tại các cửa hàng của nhà dòng và bán thông qua hình thức đặt hàng online cho khách ở xa.

Hinh 3Theo cha Phêrô Công, nguyên cớ dẫn đến với công việc này bắt đầu từ vài năm trước, sau khi cha có một thời gian “đi thực tế” tìm hiểu về loại dầu mang nhiều công dụng tốt. Ấp ủ mong muốn giúp đỡ người dân trong vùng ngày càng có đời sống được cải thiện hơn nhờ vào việc trồng cây tràm nguyên liệu, cũng như muốn cho mọi người được sử dụng dầu tràm nguyên chất 100%. Vì dầu tràm nguyên chất có rất nhiều công hiệu cho sức khỏe, thường được sử dụng bằng cách hít vào mũi, pha loãng vài ba giọt vào nước để uống, xông hơi trong nhà, pha loãng ít giọt để tắm, hay xoa bóp lên chỗ đau trên cơ thể…, nên nếu gặp dầu kém chất lượng sẽ rất có hại cho sức khỏe. Ðây là một trong những lý do cơ sở sản xuất dầu tràm của dòng đặt chất lượng thật làm mục tiêu. Một trong lý do khác khiến những tu sĩ Thánh Tâm cố gắng lao động là vì mong ước xây dựng Dầu tràm Thánh Tâm thành thương hiệu uy tín, vì chỉ có một số vùng thuộc đất cố đô mới có loại dầu quý này. Ngoài ra, đây cũng là một cách tạo thêm nguồn thu để lo cho công việc đào tạo ơn gọi của nhà dòng và hỗ trợ một vài hoạt động.

Cách chưng cất lấy tinh dầu trầm bằng phương pháp thủ công truyền thống
Cách chưng cất lấy tinh dầu trầm bằng phương pháp thủ công truyền thống

Khi bắt tay vào xây dựng cơ sở dầu tràm mang thương hiệu Thánh Tâm, một số giáo dân có kinh nghiệm chưng cất dầu lâu năm đã liên kết giúp nhà dòng trong thời gian đầu. “Chất lượng và con người là hai yếu tố tâm huyết gởi gắm trong từng chai dầu tràm. Trước mắt dầu tràm của nhà dòng đã được công nhận các tiêu chí chất lượng”- cha Phêrô chia sẻ.

Nguồn nguyên liệu duy nhất trong sản xuất dầu là loại lá tràm gió mọc tự nhiên ở những vùng cát trắng. Một mẻ chưng cất lớn có thể cần đến hàng tấn lá nên các cha, các thầy phải thuê người đi bẻ lá và thuê xe chở về. Mùa nắng cây tràm lá sum suê, còn mùa mưa thì cây xơ xác hơn, lượng tinh dầu lá tràm mùa mưa cũng kém hơn mùa nắng. Mùa hè nắng khoảng 300 kg lá cho ra 1 lít dầu và mùa đông con số làm ra 1 lít dầu có khi lên đến 400 kg lá. Vì vậy, hiện việc thu mua cây tràm để nấu không chỉ giới hạn ở Phú Lộc mà còn ở các xã, huyện lân cận. Riêng mùa dịch Covid vừa qua, nguồn tràm bị đứt một thời gian vì thiếu người đi thu hái, dù nhu cầu người tìm mua tăng hơn trước dịch…, nên việc sản xuất có thất thường.

Một buổi trao đổi nhằm hỗ trợ giữa tu sĩ dòng Thánh Tâm Huế với bà con nông dân
Một buổi trao đổi giữa tu sĩ dòng Thánh Tâm Huế với bà con nông dân

Qua những khó khăn, những thử nghiệm, bằng sự am hiểu cũng như tấm lòng đối với một sản phẩm mang đậm nét riêng biệt của địa phương, những tu sĩ dòng Thánh Tâm Huế đã và đang hiện thực hóa công việc của mình, góp phần mưu ích cho cộng đồng qua sản phẩm “made in dòng tu”. Ðó cũng là một cách họ đưa đạo vào đời, qua thái độ phục vụ và phương châm làm việc : trung thực !

dautram1
Sản phẩm dầu tràm của nhà dòng hiện được bày bán tại một số quầy hàng Công giáo

Minh Minh

Nguồn tin: Công giáo và Dân tộc

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *