Chúa Nhật 15 Thường Niên B: Lên đường truyền giáo

Lời Chúa: Mc 6,7-13
Khi ấy, Đức Giê-su gọi Nhóm Mười hai lại và bắt đầu sai đi từng hai người một. Người ban cho các ông quyền trên các thần ô uế! Người chỉ thị cho các ông không được mang gì đi đường, chỉ trừ cây gậy; không được mang lương thực, bao bị, tiền giắt lưng; được đi dép, nhưng không được mặc hai áo.
Người bảo các ông: “Bất cứ ở đâu, khi anh em đã vào nhà nào, thì hãy ở lại đó cho đến lúc ra đi. Còn nơi nào người ta không đón tiếp và không nghe anh em, thì khi ra khỏi đó, hãy giữ bụi đất dưới chân để tỏ ý cảnh cáo họ”.
Các ông đi rao giảng, kêu gọi người ta ăn năn sám hối. Các ông trừ được nhiều quỷ, xức dầu cho nhiều người đau ốm và chữa họ khỏi bệnh.
LÊN ĐƯỜNG TRUYỀN GIÁO
Thánh Valentinô Berrio-Ochoa Vinh (1827-1861, Thừa sai Tử đạo) quả là một vị Giám mục có một không hai trong lịch sử Giáo hội Việt Nam. Đêm 13 rạng ngày 14-6-1858, lễ nghi tấn phong Giám mục cho ngài được cử hành âm thầm bởi Đức Cha Sampedro Xuyên tại ông Trùm Chi ở Ninh Cường, không một tiếng hát, chẳng người tham dự. Bao tay, bít tất (như đòi hỏi của phụng vụ thời ấy) không có; “mũ ngọc” của tân Giám mục làm bằng bìa cứng phủ giấy trang kim, “gậy vàng” là một cây nứa, đầu gậy cuốn bằng rơm cũng được giấy trang kim bọc lại. Việc chuẩn bị cho ngày lễ được ngài tường thuật trong một lá thư gửi bề trên như sau: “Sau ngày được tuyển chọn, con chỉ còn vừa đủ thì giờ để cấm phòng… Không có lấy một cuốn sách nào giúp tĩnh tâm, mà có tìm cũng không kiếm ra được… Ngoài ra, chiều ngày áp lễ tấn phong, mới thấy rằng chỉ có một độ nửa khăn áo cần dùng trong nghi lễ. Đức Giám mục Đại diện Tông tòa và con phải vội vàng hai tay kim chỉ đóng vai thợ may…”.
Sau ngày tấn phong, vị tân Giám mục “gậy tre mũ giấy” trẻ trung này (31 tuổi) lại phải bỏ Giáo phận Nam Định của mình mà trốn sang tỉnh Hải Dương, là nơi cuộc bách hại còn lắng dịu. Ngài trú trong vườn nhà của một giáo dân, dưới một căn hầm mà gia chủ đã đào và ngụy trang thật kỹ. Chính tại hầm này, vị “Giám mục hầm trú” đã thành lập Tòa Giám mục và điều khiển Giáo phận từ xa cho đến khi bị bắt. Tất cả đều ở dưới hầm, trừ những lần giữa đêm, ngài ra khỏi đó để thăm Đức cha Hermosilla Liêm (về sau tử đạo cùng với ĐC Vinh) và xưng tội, hoặc đi giúp các bệnh nhân. Ngài mô tả chuyện này như sau trong một lá thư gởi cho mẹ: “Mẹ tưởng hễ làm Giám mục là phải ngồi ngựa à? Không, chúng con tuột giày ra giữa đêm hôm tối tăm tối, nhoài hết quãng lội này đến quãng lội khác… Một hôm, lội sáu dặm trường, trên mưa trút, dưới bùn trơn, con ngã xoành xoạch không biết bao nhiêu lần. Tuy là Giám mục, con cũng ướt như chuột và lấm bùn be bét…”. Sau ba năm gian khổ như vậy, cuối cùng thì không phải bùn nhưng là máu đã lấm be bét thân thể vị Thừa sai.
1. Bằng cuộc sống huynh đệ, nghèo khó và kiên nhẫn.
Thánh Valentinô Vinh có thể nói đã thực hiện gần như từng chữ các chỉ thị truyền giáo Đức Giê-su dạy cho các Tông đồ trong đoạn Tin Mừng hôm nay sau khi đã chọn các ngài (x. Mc 1,16) và cho “ở với Người” (Mc 3,14). Hôm nay, có thể nói Đức Giê-su sắp xóa mình và giao sứ mạng vào tay họ. Lần đầu tiên họ sắp ở một mình, chẳng có Thầy, lo nhiệm vụ rao giảng. Thời của Giáo hội đã bắt đầu. Thiên Chúa không muốn làm tất cả, có thể nói thế. Người chờ đợi chúng ta, Người giao cho chúng ta nhiều nhiệm vụ quan trọng, Người không lèo lái chúng ta như điều khiển các con rối.
Vào lúc các Tông đồ được kêu gọi (Mc 3,13-14), Mc ghi chú rằng Đức Giê-su đã “lập họ thành Nhóm Mười Hai để ở với Người và để được Người sai đi rao giảng”. Đây là chuyển động tự nhiên của trái tim: tâm trương-tâm thu: máu đến trái tim rồi được gởi đi khắp cơ thể. Đây là chuyển động bình thường của việc tông đồ: sống thân mật với Đức Ki-tô rồi đến với loài người để mang Đức Ki-tô tới cho họ. Đây là chuyển động đặc trưng của mọi cuộc sống Ki-tô hữu: quy tụ bên Đức Giê-su ngày Chúa nhật rồi phân tán trong đời thường để sống sự sống Đức Giê-su ở đó.
“Đức Giê-su sai họ đi từng hai người một”. Phải là hai để lời chứng có giá trị (x. Đnl 17,6; 19,15). Khôn ngoan của các dân tộc đã đưa ra đủ loại ngạn ngữ bình dân theo nghĩa này: “Hai thì hơn một, vì chưng có lao nhọc cũng sẽ bõ công. Vì kẻ này ngã, thì người kia nâng. Nhưng khốn cho kẻ chỉ có một mình” (Gv 4,9), “Cả bè hơn cây nứa“, “Ngựa chạy có bầy, chim bay có bạn” (Tục ngữ Việt Nam). Quy luật đầu tiên của việc tông đồ, chính là “làm nhóm”: nếp sống huynh đệ đã là một bài giảng hùng hồn về tình yêu. “Hãy xem họ thương nhau biết là chừng nào”. Chứng từ Ki-tô giáo phải mặc một hình thức cộng đồng, trong Giáo hội. Đây là một ý muốn minh nhiên của Đức Giê-su. Thành thử phải luôn tự vấn về các thái độ của mình, vì chủ nghĩa cá nhân có nhiều hình thức tinh tế và đáng sợ: ví dụ không mấy thích anh em kiểm soát các cách cư xử của ta.
Tuy nhiên, có điểm đáng lưu ý là ta không thấy Đức Giê-su căn dặn các Tông đồ về nội dung giáo thuyết của “sứ vụ”. Người chẳng nói “họ sẽ phải giảng những gì”, mà chỉ đi vào chi tiết sự việc “họ sẽ phải sống ra sao”. Đối với Đức Giê-su, “chứng sinh” quan trọng hơn “chứng từ”. Lời khuyên duy nhất của Thầy trong thực tế liên hệ tới đòi hỏi nghèo khó. Các đại diện của Người phải tỏ ra thiếu hết mọi trợ lực và mọi uy thế phàm trần, không có sự nâng đỡ nào khác ngoài đức tin vào “Đấng đã sai phán họ”. Thánh Phao-lô sẽ khai triển đòi hỏi này lúc quả quyết: “Khi đến với anh em, tôi đã chẳng sử dụng lời lẽ hùng hồn hoặc triết lý cao siêu… nhưng trong yếu đuối, sợ sệt và run rẩy… để đức tin của anh em mới không dựa vào lẽ khôn ngoan người phàm, nhưng dựa vào quyền năng Thiên Chúa” (1Cr 2,1-5; x. 2Cr 4,6-7). Vâng, điều Đức Giê-su muốn, đó là có những nhóm trang bị nhẹ, không đồ đạc cồng kềnh, sẵn sàng đi chỗ khác, những con người luôn cơ động. Giáo hội sẽ phải không ngừng “làm cho mình nhẹ đi” để sẵn sàng theo những thúc đẩy của Thần Khí. Đức Giê-su nói rõ với bạn hữu Người là chỉ vướng những gì cần thiết tối thiểu. Chiến thắng cám dỗ tiền bạc, đó là chiến thắng đầu tiên của Tin Mừng, là lời rao giảng đầu tiên rất cần thiết cho thế giới hám của, là trận chiến đầu tiên (trước hết trong chính mình) chống lại kẻ thù lớn lao nhất của nhân loại. Việc chiếm hữu của cải là cội nguồn chia rẽ, tranh chấp và kiêu căng!
“Nơi nào người ta không đón tiếp và không nghe anh em, thì khi ra khỏi đó, hãy giữ bụi đất dưới chân để tỏ ý cảnh cáo họ”. Lời cảnh giác tỉ mỉ này khiến ta ngạc nhiên. Phải chăng các môn đệ đã không thành công mấy? Đúng thế! Chẳng cần suy nghĩ cũng đoán được các phản ứng của kẻ đương thời: “Các ông yêu cầu chúng tôi hoán cải ư? Nhưng phần chúng tôi, chúng tôi thấy mọi sự rất tốt đẹp! Chúng tôi giữ đạo Do-thái lâu đời rồi mà! Tại sao phải thay đổi bất cứ cái gì trong thói quen của chúng tôi? Xin mời đi giảng chỗ khác!”. Những khó khăn Ki-tô hữu gặp trong việc trình bày Tin Mừng không phải chỉ có thời nay. Đức Giê-su vừa bảo chúng ta: “Đừng lo lắng! Chuyện ấy đã được dự kiến. Thầy đã nói với anh em rồi”. Chớ ảo tưởng, sứ điệp đích thật của Tin Mừng bị nhiều người từ chối hôm nay cũng như vào thời Đức Giê-su. Do đó, điều Người yêu cầu chúng ta, ấy là vẫn luôn đứng thẳng, không thất vọng: “Nếu thiên hạ từ chối anh em, hãy đi chỗ khác”. Thấy mình đứng trước thái độ không tin, dửng dưng, từ khước, điều đó xem ra rất bình thường đối với Đức Giê-su. “Sứ vụ” bao giờ cũng gian khó. Đức Giê-su đã cảnh giác trước như thế cho những ai Người sai đi rao giảng Tin Mừng.          
2. Bằng hoạt động rao giảng, trừ quỷ và chữa lành.
“Các ông đi rao giảng, kêu gọi sám hối… trừ được nhiều quỷ, xức dầu kẻ đau ốm và chữa họ khỏi bệnh”. Các Tông đồ làm đúng những gì đã thấy Đức Giê-su làm từ khi “ở với Người”. Như vậy, nội dung của nỗ lực “truyền giáo” có ba điểm: 1- Công bố Lời Chúa, đòi hỏi một cuộc đổi đời, một sự hoán cải…; 2- Chiến đấu chống sự dữ, xua trừ ma quỷ khỏi con người để giải phóng họ…; 3- Hoạt động cứu giúp kẻ nghèo, cải thiện cuộc sống và chữa lành bệnh nhân.
Nội dung đầu tiên của lời rao giảng là hãy “sám hối”! Ta hiểu tại sao các tông đồ đã ít được nghe, tại sao người ta đã từ chối tiếp họ. Loài người xét chung ít thích “thay đổi” cuộc sống. Xin cho chúng tôi hai chữ bình yên! Song Thiên Chúa là một kẻ quấy rầy, luôn yêu cầu chúng ta dấn thân vào cuộc sống hoàn toàn mới mẻ. “Hoán cải” chính là “đảo ngược tinh thần”, là thay đổi hướng đi. Điều này không phải là không quan trọng. Tin Mừng rất ác liệt! Chúng ta đã làm gì với nó? coi nó như một cái gì? Một mớ giáo thuyết ủy mị? Một thứ á phiện mê dân? Một loại thuốc ngủ dịu dàng? Một biện minh cho các hèn yếu? Một bảo đảm khỏi mọi rủi ro? Một hỗ trợ cho trật tự có sẵn? “Phải thay đổi cuộc sống!”. Tin Mừng là thuốc nổ!
Nội dung thứ hai là “trừ quỷ”. Mác-cô chắc hẳn nói theo kiểu người đương thời… nhưng hiển nhiên sứ vụ tông đồ luôn mang tính chất bi thảm. Đây là một cuộc chiến đấu! Chiến đấu chống lại ách thống trị của sự dữ trong thế gian! Các “sứ giả của Đức Giê-su” không quảng cáo một sản phẩm để bán cho được (!)… họ ra đi để đương đầu với một kẻ thù khủng khiếp. Sự chống đối họ gặp không chỉ đến từ những kẻ từ chối vì đã không hiểu. Có một sức mạnh thù nghịch, chống cưỡng Tin Mừng đến từ xa hơn mà ta gọi là “tội thế gian”, là “tà thần”, hiện thân trong những chế độ phỉ báng Thiên Chúa và đàn áp con người.
Nội dung thứ ba là “chữa lành bệnh tật”. Kéo loài người ra khỏi mọi tà lực đang làm hại họ, đó cũng là hành động để thăng tiến, để chữa lành. Việc ấy nằm trong những đòi hỏi minh nhiên của Đức Giê-su. Chỉ thị này vẫn giữ tất cả giá trị của nó, cho dẫu trong bối cảnh văn minh chúng ta, nó mang một hình thức cụ thể khác hẳn (hoạt động xã hội). Tóm lại, Phúc âm hóa không chỉ là “giảng dạy” nhưng còn là “giải thoát”, là “cứu trợ” (Xin lưu ý : bác ái Ki-tô giáo có hai hình thức : bác ái cứu trợ và bác ái giải thoát). Vậy theo bạn, việc loan báo Tin Mừng hôm nay phải mặc những hình thức mới mẻ và thích ứng nào? Chúng ta phải chiến đấu chống lại những sự dữ nào? Xã hội chúng ta cần sự chữa lành nào?
Lm. Phêrô Phan Văn Lợi, TGP Huế