CHÚA NHẬT 17 THƯỜNG NIÊN năm B. Phép lạ Bánh hóa nhiều

Lời Chúa: Ga 6,1-15
Khi ấy, Đức Giê-su sang bên kia biển hồ Ga-li-lê, cũng gọi là biển hồ Ti-bê-ri-a. Có đông đảo dân chúng đi theo Người, bởi họ từng được chứng kiến những dấu lạ Người đã làm cho những kẻ đau ốm. Đức Giê-su lên núi và ngồi đó với các môn đệ. Lúc ấy, sắp đến lễ Vượt Qua là đại lễ của người Do-thái.
Ngước mắt lên, Đức Giê-su nhìn thấy đông đảo dân chúng đến với mình. Người hỏi ông Phi-líp-phê: “Ta mua đâu ra bánh cho họ ăn đây?”. Người nói thế là để thử ông, chứ Người đã biết mình sắp làm gì rồi. Ông Phi-líp-phê đáp: “Thưa, có mua đến hai trăm quan tiền bánh cũng chẳng đủ cho mỗi người một chút!”. Một người trong các môn đệ là ông An-rê, anh ông Si-môn Phê-rô, thưa với Người: “Ở đây có một em bé có năm chiếc bánh lúa mạch và hai con cá, nhưng với ngần ấy người thì thấm vào đâu!”
Đức Giê-su nói: “Anh em cứ bảo người ta ngồi xuống đi”. Chỗ ấy có nhiều cỏ. Người ta ngồi xuống, nguyên số đàn ông đã tới khoảng năm ngàn. Vậy, Đức Giê-su cầm lấy bánh, dâng lời tạ ơn, rồi phân phát cho những người ngồi đó. Cá nhỏ, Người cũng phân phát như vậy, ai muốn ăn bao nhiêu tùy ý. Khi họ đã no nê rồi, Người bảo các môn đệ: “Anh em thu lại những miếng thừa kẻo phí đi”. Họ liền đi thu những miếng thừa của năm chiếc bánh lúa mạch người ta ăn còn lại, và chất đầy được mười hai thúng.
Dân chúng thấy dấu lạ Đức Giê-su làm thì nói: “Hẳn ông này là vị Ngôn sứ, Đấng phải đến thế gian!” Nhưng Đức Giê-su biết họ sắp đến bắt mình đem đi mà tôn làm vua, nên Người lại lánh mặt, đi lên núi một mình.               
SUY NIỆM: HAI THỨ BÁNH
Ngày nọ, có một phụ nữ trung niên đến với những người nghèo khổ trong một thành phố nọ. Thấy tình cảnh bi đát của họ là có khi phải cướp giật nhau để sống còn, bà tự nhủ: “Ta phải làm một điều gì mới được”. Thế rồi bà dồn tất cả tiền bạc của mình thuê một căn nhà cũ với sàn nhà bẩn thỉu dơ dáy. Ngày hôm sau, bà đi khắp vùng lân cận tìm lũ con nít lang thang đem về dạy dỗ. Bà biến căn nhà làm phòng học dù không có cả một chiếc ghế hoặc một cái bàn. Vì thiếu bảng đen, bà dùng một tấm giẻ rách lau sạch nền nhà rồi viết chữ lên đó cho lũ trẻ học. Thế rồi điều gì đã xảy ra cho người phụ nữ và công việc cứu trợ nhỏ bé của bà ấy? Vào thời điểm bà qua đời, bà đã có hơn 100 trường học trang bị đầy đủ, 350 nhà phát chẩn lưu động hiện đại, 70 bệnh viện cho người cùi, 30 trung tâm săn sóc cho người hấp hối, 40 nhà chăm sóc trẻ em bị bỏ rơi và bệnh nhân liệt kháng, hơn 4000 nhân viên dưới quyền và 100.000 tình nguyện viên khăp thế giới sẵn lòng giúp đỡ. Người phụ nữ đó không ai khác chính là Mẹ Thánh Têrêxa thành Calcutta (1910-1997) (theo Wikipedia).
Nhưng chưa hết, với tư cách là một nữ tu Công giáo, Mẹ đã đem biết bao con người trở về với Thiên Chúa nhờ tình thương và niềm tin cao hơn Hy Mã Lạp Sơn của Mẹ. Nổi bật nhất là phóng viên truyền hình vô thần người Anh tên Malcolm Muggeridge, người sau khi trở lại đã viết một tiểu sử giới thiệu Mẹ và công trình của Mẹ cho thế giới. Mẹ chính là mẫu tông đồ tiêu biểu cho thời đại chúng ta: cộng tác với Thiên Chúa vừa qua việc đáp ứng các nhu cầu vật chất cần thiết, vừa qua việc đem lại cho con người lương thực họ cần hơn cả là Thiên Chúa, là sự sống yêu thương, như ý nghĩa của bài Tin Mừng Chúa nhật ta đang đọc.
  1. Đáp ứng các nhu cầu thiết thực của anh em
Mở đầu, Gio-an cho thấy “có đông đảo dân chúng đi theo Đức Giê-su, bởi họ từng được chứng kiến những dấu lạ Người đã làm”. Đoạn kết câu chuyện (Ga 6,66) sẽ nhấn mạnh: đám đông khao khát phép lạ này là một đám “vô tín”, từ chối tin theo Đức Giê-su. Ham chuộng những điều kỳ diệu là thói thường của loài người, xưa cũng như nay. Do đó, các phép lạ, thậm chí của Đức Giê-su, có thể trở nên một cái bẫy, một con đường lầm đối với đức tin đích thật. Trong khi Người muốn chúng ta theo Người kể cả và nhất là trong cái tầm thường của mỗi ngày. Vì “ý nghĩa” các phép lạ Người làm bao giờ cũng vượt quá cái giật gân ngoạn mục. Quả thế, chi tiết “lễ Vượt Qua đã gần” cũng như công thức “tạ ơn trên bánh” mà Đức Giê-su chốc nữa sẽ sử dụng đã cho thấy điều đó: phép lạ hóa bánh ra nhiều mang ý nghĩa tiên báo phép Thánh Thể, thứ bánh đích thật thỏa mãn cơn đói xâu xa của nhân loại.
Tuy nhiên trước mắt, vẫn là mối quan tâm đối với các vấn đề thông thường của con người: “Ta mua đâu ra bánh cho họ ăn đây?”. Câu hỏi của Đức Giê-su luôn mang tính thời sự. Thiên Chúa luôn yêu cầu chúng ta nhìn cơn đói của loài người, những nhu cầu tự nhiên nhất của họ… “Cho họ ăn”, Người bảo vậy, thật đơn giản! Trong khi chúng ta thì luôn tưởng tượng Người như một Thiên Chúa xa vời, trên mây. Không! Thiên Chúa luôn đưa chúng ta về lại cuộc sống “thường ngày” của chúng ta, những chuyện “cơm bánh” của con người, mời gọi chúng ta yêu thương trước tiên trong những việc phục vụ thiết thực: “cho kẻ đói ăn, cho kẻ khát uống”.
Tuy nhiên, như Phi-líp-phê, trước các vấn đề lớn lao của loài người (nạn đói, hòa bình, công lý…), chúng ta luôn lặp lại câu hỏi: “Chúng con có thể làm được gì? Điều đó vượt quá sức chúng con”. Nhưng có phải vì không thể tự mình giải quyết toàn bộ vấn đề mà tôi được khỏi phải làm một cử chỉ dù nhỏ nhặt chăng? được miễn gia nhập các nhóm hay hội đang ra sức giải quyết các vấn đề ấy chăng? Như “em bé với năm chiếc bánh lúa mạch và hai con cá” đã chấp nhận trao cho các Tông đồ những gì em có, sự đóng góp của mỗi người chúng ta vẫn là cần. Quả thế, ngày hôm đó, Đức Giê-su đã chẳng muốn làm một hành vi sáng tạo từ “hư vô”, dẫu có khả năng làm. Người đã lấy những thức ăn con người chế tạo sẵn và hiến dâng sẵn.
Qua các chi tiết này, Thiên Chúa của Đức Giê-su Ki-tô chất vấn chúng ta hôm nay. Có khi loài người tố cáo Thiên Chúa về “nạn đói” đang giày vò hai phần ba nhân loại. Đức Giê-su nhắc ta nhớ lại trách nhiệm của mình. Vì thông thường Thiên Chúa không thay thế tạo vật của Người là chúng ta. Chúng ta biết thế giới nói chung chẳng bao giờ thiếu lương thực. Và có những nơi (Tây Âu, Bắc Mỹ chẳng hạn) người ta tiếp tục dự trữ, chất đống, đồng thời tiếp tục đòi hỏi vòng trôn ốc vô tận là gia tăng tiện nghi, gia tăng lợi tức và gia tăng thu nhập. Rồi người ta từ chối thu hẹp thang lương lại để giảm tài sản của hạng ưu đãi và gia tăng tài sản của những kẻ bị thiệt thòi. Như thể câu chuyện Tin Mừng đã được viết như sau: “Ngày xưa có cậu con trai có năm cái bánh và hai con cá, trong lúc năm ngàn người không có gì ăn. Cậu giữ riêng cho mình tất cả những thứ đó và thản nhiên đem ăn hết trước mặt mọi người. Thế rồi cậu trách là Đức Giê-su đã chẳng làm gì để giúp cho những người bên cạnh cậu”.
2. Thỏa mãn cơn đói sâu xa nhất của loài người.
“Bấy giờ, Đức Giê-su cầm lấy bánh, dâng lời tạ ơn, rồi phân phát cho những người ngồi đó. Cá nhỏ, Người cũng phân phát như vậy, ai muốn ăn bao nhiêu tùy ý”. “Tạ ơn” Cha, hướng về Cha, đó là cảm thức của Đức Giê-su lúc nầy. Diễn từ về bánh sự sống sau đó sẽ cho ta thấy Đức Giê-su nghĩ tới mầu nhiệm lạ lùng phi thường của “bữa ăn Vượt Qua” mà một ngày nào đó Người sẽ cống hiến cho nhân loại mọi thời đại. Đức Giê-su không coi thường “cơn đói thể xác”, nhưng Người đặc biệt nghĩ tới “cơn đói Thiên Chúa” vốn còn trầm trọng hơn trước mắt Người. Cơn đói này thật bao la, nhưng thứ bánh tương ứng Người tặng ban cũng sẽ thừa thãi. Đó là điều được nói lên qua chi tiết là “mười hai thúng bánh thừa còn lại”. Đây không phải là một chi tiết phụ tùy. Sự thặng dư này đã đánh dấu một bữa ăn khác rồi, tiệc cưới Cana, nơi Đức Giê-su đã hóa nước thành rượu cách dư dật. Hóa “bánh” và “rượu” ra nhiều! Chắc chắn là Đức Giê-su đã nhìn xa hơn dân chúng Ga-li-lê hay các thực khách xứ Ca-na. Thiên Chúa sẽ ban “bánh” và “rượu” thật cho mọi người và ban cách dư dật
“Thấy dấu lạ Đức Giê-su làm, dân chúng nói: “Hẳn ông này là vị Ngôn sứ, Đấng phải đến thế gian!”… và muốn bắt Người đem đi mà tôn làm vua, nên Người lánh mặt, đi lên núi một mình”. Con người mọi thời luôn luôn chờ đợi “nhân vật quan phòng”, “giải pháp phép lạ” giúp cho họ thỏa mãn được nhanh chóng và đầy đủ các nhu cầu vật chất. Chúng ta tự thâm tâm vẫn mang não trạng của người nguyên thủy luôn hy vọng giải quyết các khó khăn của mình nhờ những “công thức ma thuật phù phép”. Dẫu không còn lao mình vào các nghi thức như thế, nhưng ta nay lại để mình bị thu hút bởi các khẩu hiệu lớn lối, các lời hứa điên khùng, các hệ thức hệ mỵ dân chuyên duy trì ma thuật của “tiến bộ”, của “khoa học vạn năng”, của những “ngày mai ca hát”: hãy thay đổi cơ cấu và tất cả sẽ được giải quyết… các tay phù thủy thời nay bảo vậy. Hãy thay đổi tâm hồn, Đức Giê-su nói. Lúc đó, các thay đổi cơ cấu sẽ khác hơn là một thay đổi ách nô lệ.
Cám dỗ “chính trị” của kẻ đương thời Đức Giê-su chẳng có gì lỗi thời, nó không phải là một hiện tượng của quá khứ. Khi nào chúng ta được chữa khỏi các “cơn sốt Cứu tinh” giả tạo của chúng ta? Bao giờ chúng ta thật sự hiểu rằng Đức Giê-su đã luôn từ chối để mình bị “khép” trong các viễn ảnh “trần thế”… chẳng phải vì trần thế vô giá trị, nhưng vì không thể giản lược con người vào chiều kích ấy? Thiên Chúa không ngừng la lớn với chúng ta, như triết gia Diogène ngày xưa nói với dân Hy-lạp: “Nếu chỉ làm loài heo kềnh bụng, các ngươi chẳng bao giờ hạnh phúc đâu”. Cái đói chủ yếu của con người không phải là đói bánh. Dĩ nhiên chớ bỏ qua các bổn phận con người, các quyết định chính trị, xã hội, kinh tế, mà bạn cần phải có. Nhưng xin làm ơn đừng quên rằng phẩm giá lớn nhất của con người là khả năng mở lòng đón nhận sự siêu việt, đón nhận Thiên Chúa. Xin làm ơn giúp Ta đóng vai trò của Ta, Thiên Chúa nói, vai trò mà chỉ mình Ta có thể đóng cho các con, cho cơn đói của các con. Bởi lẽ duy mình Ta mới thỏa mãn cơn đói đích thực của nhân loại. Cơn đói này mà thỏa mãn thì sẽ không còn nạn đói như chúng con đang thấy trên trần gian. Thế giới không bao giờ thiếu lương thực, nhưng chỉ vì con người thiếu tình yêu (tức thiếu Đấng Tình Yêu) nên rốt cục lương thực thiếu!