Khi ấy, Đức Giê-su và các môn đệ Bết-xai-đa để đi tới các làng xã vùng Xê-da-rê Phi-líp-phê. Dọc đường, Người hỏi các môn đệ: “Người ta nói Thầy là ai?”. Các ông đáp: “Họ bảo Thầy là ông Gio-an Tẩy Giả; có kẻ thì bảo là ông Ê-li-a; kẻ khác lại cho là một ngôn sứ nào đó”. Người lại hỏi các ông: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?”. Ông Phê-rô trả lời: “Thầy là Đấng Ki-tô”. Đức GS liền cấm ngặt các ông không được nói với ai về Người.
Rồi Người bắt đầu dạy cho các ông biết: Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết, và sau ba ngày sẽ sống lại. Người nói rõ điều đó, không úp mở. Ông Phê-rô liền kéo riêng Người ra và bắt đầu trách Người. Nhưng khi Đức Giê-su quay lại, nhìn thấy các môn đệ, Người trách ông Phê-rô: “Xa-tan! Lui lại đằng sau Thầy! Vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người”.
Rồi Đức Giê-su gọi đám đông dân chúng và các môn đệ lại. Người nói với họ rằng: “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo. Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi và vì Tin Mừng, thì sẽ cứu được mạng sống ấy”.
NHẬN BIẾT ĐỂ BƯỚC THEO
Có lần đến thăm lãnh tụ cộng sản Liên xô Nikita Khrouchtchev (1894-1971), thấy trên bàn làm việc của ông có cuốn Thánh Kinh, người ta hỏi: “Ngài mà cũng đọc tác phẩm này à?” – “Sao lại không? Đức Ki-tô là một nhà cách mạng giải phóng dân nghèo thứ thiệt đấy!” Mahatma Gandhi (1869-1948), vị thánh của dân Ấn Độ, cũng năng đọc Tin Mừng và tôn sùng Đức Giê-su như mẫu gương về bất bạo động (nhưng không tin Người là Thiên Chúa nhập thể). Phong trào Hippie của những thập niên 60-70 tại Âu Mỹ, vốn có thái độ chống đối cơ cấu và tập tục xã hội đồng thời đề cao mọi thứ tự do, kể cả tự do tình dục, thì đã coi Đức Giê-su như thần tượng của mình. Họ sáng tác nhiều bài hát vở diễn nhan đề “Jesus Superstar” (Giê-su Siêu Sao) cũng như tung ra “mốt” in tên của Người trên y phục… Nhưng Đức Giê-su thật sự là ai, mục tiêu và phương pháp hành động của Người là gì? Ta hãy lắng nghe các Tông đồ và nhất là chính miệng Đức Giê-su.
- Đức Giê-su là ai?
Các nhà chú giải Mác-cô đều nhất trí nhận xét rằng trang chúng ta sắp suy niệm là “đỉnh cao” của cuốn Tin Mừng. Cho tới đây, Mác-cô đã dẫn dắt trình thuật của mình sao cho độc giả thấy tất cả mọi người đều lưỡng lự trước nhân cách đích thực của Đức Giê-su, vị ngôn sứ làng Na-da-rét: “Thế nghĩa là gì?” (Mc 1,27) – “Chúng ta chưa thấy vậy bao giờ” (2,12) – “Người đã mất trí” (3,21) – “Vậy Người là ai?” (4,41) – “Ai nấy đều kinh ngạc” (5,20) – “Bởi đâu ông ta được như thế?” (6,2) – “Ma đấy!” (6,49) – “Ông ấy làm việc gì cũng tốt đẹp” (7,37). Vâng, việc nhận ra Thiên Chúa nơi Đức Giê-su tiến triển chậm rãi trong tâm trí của những kẻ sống với Người và quan sát Người. Con đường đức tin bao giờ cũng từng bước như vậy.
Hôm nay, sự hiểu biết đó đạt tới một cao điểm, khi “Đức Giê-su và các môn đệ rời Bết-xai-đa để đi tới các làng xã vùng Xê-da-rê Phi-líp-phê”. Vùng này, nằm dưới chân núi Khéc-mon, là một nơi xanh tươi mát mẻ, có những con suối chảy đầm đìa từ những triền dốc phủ tuyết để rồi tụ lại thành sông Gio-đan. Đức Giê-su kéo bạn hữu mình tới đây, trong khung cảnh thiên nhiên, xa cách quần chúng, để làm điều muốn làm: trắc nghiệm đức tin của môn đệ. Và khi đang bước trên đường mòn chạy gần một con suối, dưới chân núi, Người bất ngờ đặt câu hỏi: Theo dư luận quần chúng, thì Thầy là ai?
Dư luận khá nhất trí: họ coi Đức Giê-su như một đại nhân vật: nào là Gio-an Tẩy Giả sống lại, nào là Ê-li-a, kẻ đi trước mở đường cho Đấng Mê-si-a … Người thành thử được xem như một “phát ngôn nhân của Thiên Chúa”. Ngày nay cũng thế, phần lớn loài người đều thật sự xem Đức Giê-su như một nhân vật ngoại hạng. Phải là một kẻ ngu dốt mới quả quyết điều trái ngược hay tỏ ra coi thường Người. Không một nhà nghiên cứu thông minh nào có thể chối bỏ việc Đức Giê-su thành Na-da-rét đã ghi dấu lịch sử hành tinh chúng ta.
“Người lại hỏi các ông: Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?”. Câu hỏi kép này cũng được đặt ra cho ta hôm nay: thiên hạ nói gì về Đức Giê-su quanh ta? Không có những câu trả lời làm sẵn. Hãy nhớ những gì bạn đã sống tuần rồi, những tháng hè qua, trong khu phố, nơi làm việc, tại địa điểm du lịch… “Đức Giê-su hả? Tôi chưa bao giờ nghe nói đến…” “Thây kệ ông Giê-su! Trong một sân chơi hoàn toàn vắng bóng đạo đức sơ đẳng nhất, tôi tự hỏi phải chăng mình là tên bất thường khi không làm như họ”… Nhưng hỡi bạn, bạn nói gì về Người? Phải chăng đã có lần bạn bị chất vấn về nội dung niềm tin mình trong một nhóm bằng hữu, nhóm giải trí, nhóm làm việc? Phải chăng bạn đã không thiết tha tới niềm tin ấy vì nó quá đòi hỏi? Phải chăng bạn thường sống cách nào đó đến nỗi chẳng ai có ý tưởng đặt cho bạn câu hỏi này?… Điều đó không đáng lo sao? Đức tin của ta vào Đức Giê-su chẳng lẽ không thay đổi được gì cuộc sống ta, như thánh Gia-cô-bê gay gắt nhắc lại ta trong thư của ngài (2,14-18)?
“Ông Phê-rô trả lời: Thầy là Đấng Ki-tô”. Thuật lại lập trường kẻ khác không đủ. Mỗi một cá nhân phải trả lời. Chúng ta tuyên tín thế nào đây? Nhóm Mười Hai, với Phê-rô làm thủ lãnh, vượt lên các câu đáp thông thường của quần chúng. Chẳng ai nghĩ tới một chuyện như thế, ngoại trừ nhúm người này. Tước hiệu “Christos” trong tiếng Hy-lạp, “Mashiah” trong tiếng Hip-ri, “Ki-tô” (hay Mê-si-a) trong tiếng Việt, chất chứa một ý nghĩa gần như chấn động trong Ít-ra-en: đó là người được Thiên Chúa xức dầu, người được chờ đợi đến “kết thúc lịch sử”, người mà mọi ngôn sứ từng tiên báo, người sẽ phải mang lại “ý nghĩa cho cuộc nhân sinh”…
Thế nhưng “Đức Giê-su liền cấm ngặt các ông không được nói với ai về Người”. “Bí mật Đấng Mê-si-a” là một trong các chủ đề của Mc. Đức Giê-su thường xuyên yêu cầu thiên hạ chớ đem các “tước hiệu” của mình công bố rộng rãi (Mc 1,34.44.45; 3,11; 5,43; 7,33.36; 8,26.30). Đây chẳng phải là phủ nhận tước hiệu “Ki-tô” Phê-rô mới gán cho Người, song là đề phòng nó được tiết lộ quá sớm. Nỗi chờ mong Đấng Mê-si-a trong các giới Do-thái quá ư hàm hồ… chúng ta sẽ thấy điều này chốc nữa khi nghe chính Phê-rô. Thiên Chúa không như ta có khuynh hướng chờ đợi! Người đâu tìm sự hào nhoáng, quyền lực, thành công theo nghĩa loài người! Thiên Chúa luôn mai ẩn, luôn thinh lặng, luôn xóa mình sau tạo vật! Thánh Phao-lô sẽ nói Người là “Mầu nhiệm giữ kín tự ngàn xưa” (Rm 16,25).
- Là Đấng Mê-si-a đau khổ.
“Rồi Người bắt đầu dạy cho các ông biết Con Người chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết, và sau ba ngày sẽ sống lại”. Đây là khúc quanh lớn của Tin Mừng Mc. Rời Ga-li-lê, Đức Giê-su từ nay sẽ “lên Giê-ru-sa-lem” với tất cả ý thức, để bị giết chết ở nơi này! Thập giá hiện ra trước Đấng Mê-si-a như một điều bắt buộc (“Con Người phải…”), vì nằm trong “ý định muôn thưở và khôn dò” của Thiên Chúa. Thành thử Đức Giê-su đã nhìn cái chết và sự phục sinh của bản thân không như một biến cố bất ngờ, nhưng như kế hoạch nhiệm mầu của Cha. Mc sắp ghi lại cho chúng ta, ba lần, những lời loan báo ngày càng chính xác hơn về cuộc Khổ nạn (Mc 8,31; 9,31; 10,33).
Trên phương diện lịch sử, chắc chắn Đức Giê-su đã phân tích rất kỹ các phản ứng bất thuận lợi đối với lời mình rao giảng, đã thấy trước kết cục bi thảm của đời mình, và Người tiến đến một cuộc đối đầu với các nhà cầm quyền Do-thái cách ý thức: ở đây Người kể ra ba nhóm làm nên Thượng Hội Đồng, thẩm cấp tôn giáo cao nhất thời ấy. Tuy nhiên, cứ mỗi lần nói với môn đệ về kết cục bi thảm sắp xảy đến này, Người cũng loan báo mình sẽ sống lại… nhưng lạ lùng thay, các Tông đồ xem ra chẳng bao giờ nghe tiếng sau hết đó. Chúng ta cũng vậy, không khi nào nghe Thiên Chúa cho đến cùng. Và chúng ta tiếp tục dừng lại nơi sự dữ của thế gian, nơi các thử thách riêng chúng ta chịu, như thể thế gian này, các thử thách là chung quyết, như thể cuộc phục sinh, “sự sống đời đời” chẳng hiện hữu…
Chính vì thế, “Phê-rô liền kéo riêng Người ra và bắt đầu trách Người. Nhưng khi quay lại, nhìn thấy các môn đệ, Người trách ông: “Xa-tan! Lui lại đằng sau Thầy! Vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người”. Chỉ thị giữ bí mật thành thử đã không vô ích. Dẫu vừa gán cho thầy mình một tước hiệu đẹp, Phê-rô vẫn chưa hiểu gì hết: ông cũng chờ đợi một Đấng Ki-tô vinh quang, hiển thắng theo các tiêu chuẩn nhân loại, một Mê-si-a chính trị, một nhà giải phóng đời này… Phần chúng ta thì sao? Đọc các kinh “tin kính” thật chính xác vẫn không đủ. Những từ chính xác nhất vẫn có thể chất chứa sai lầm, cũng như những từ kém chính xác vẫn nói lên sự thật. Bạn tin vào Đấng Mê-si-a nào? Phải chăng là “Mê-si-a” của Phê-rô ngày ấy, nhân vật quan phòng sẽ tái lập trật tự dưới thế cách kỳ diệu, nhân vật mà chúng ta có thể trút mọi trách nhiệm con người của chúng ta vào trong tay ông?
Không! Đó là Đấng Mê-si-a vác thập giá. Và ai tin Đấng Mê-si-a ấy cũng phải vác thập giá theo Người: “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo”. Vừa loan báo với lòng tự tin thập giá “cho mình”, Đức Giê-su cũng lập tức loan báo thập giá “cho chúng ta”, cho các môn đệ Người nữa. Sau khi hỏi: “Anh em bảo Thầy là ai?”, Người hỏi tiếp: “Anh em nói mình là ai?” Anh em gán ý nghĩa nào cho đời mình? Cuộc sống anh em được dựng nên để làm gì? Để giữ lấy? để vui hưởng? Hay để yêu mến? để trao tặng?
Lm. Phêrô Phan Văn Lợi, TGP Huế