Lời Chúa: Mt 23, 1-12 “Họ nói mà không làm”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng dân chúng và các môn đệ rằng: “Các Luật sĩ và các người biệt phái ngồi trên toà Môsê: vậy những gì họ nói với các ngươi, các ngươi hãy làm và tuân giữ, nhưng đừng noi theo hành vi của họ: vì họ nói mà không làm. Họ buộc những bó nặng và chất lên vai người ta, còn chính họ lại không muốn giơ ngón tay lay thử. Mọi công việc họ làm đều có ý cho người ta thấy: vì thế họ nới rộng thẻ kinh, may dài tua áo. Họ muốn được chỗ nhất trong đám tiệc và ghế đầu trong hội đường, ưa được bái chào nơi đường phố và được người ta xưng hô là “Thầy”.
Phần các ngươi, các ngươi đừng muốn được người ta gọi là Thầy, vì các ngươi chỉ có một Thầy, còn tất cả các ngươi đều là anh em với nhau. Và các ngươi cũng đừng gọi ai dưới đất là cha: vì các ngươi chỉ có một Cha, Người ngự trên trời. Các ngươi cũng đừng bắt người ta gọi là người chỉ đạo: vì các ngươi có một người chỉ đạo, đó là Ðức Kitô. Trong các ngươi ai quyền thế hơn sẽ là người phục vụ các ngươi.
“Hễ ai tự nhắc mình lên, sẽ bị hạ xuống, và ai tự hạ mình xuống, sẽ được nâng lên”.
Suy niệm: Sống chân thành và khiêm tốn
Sống chân thành và khiêm tốn cũng là chủ đề chính của bài Phúc Âm hôm nay. Người chân thành là người sống những gì họ nói và chỉ nói những gì họ đã làm. Có thể nói người sống chân thành thì Lời nói và hành động là một. Có nói có, không nói không. Đó là những chứng nhân của Chúa mà xã hội ngày hôm nay cần đến, như Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã nói: “Con người ngày nay không cần những thầy dạy nói suông, nhưng cần những kẻ dám chứng thực những điều họ nói, cần những chứng nhân. Người chân thành không nói láo, không giả hình, không tự kiêu cho mình hơn kẻ khác, không phê bình chỉ trích. Thái độ phê bình chỉ trích đôi khi chỉ là cách thức để che giấu những tật xấu nơi chính mình, ta phê bình chỉ trích kẻ khác chỉ vì ta không dám đối diện với sự thật nơi chính mình, bởi vì sự thật đó buộc ta phải canh tân liên lỉ”. Vì lẽ đó, chúng ta thấy Chúa Giêsu không chấp nhận lối sống của Biệt phái. Trong Phúc Âm hôm nay họ có thể được coi là những kẻ không dám nhìn thẳng, nhìn thật vào chính mình. Họ có lòng đạo đức, nhưng đạo đức của kẻ khoe khoang, muốn cho người khác biết mình đạo đức, họ nói nhiều hơn điều mình đã sống….Họ may dài tua áo, nới rộng thẻ kinh bên ngoài để chứng tỏ cho người khác thấy họ là kẻ đạo đức. Họ có làm nhiều việc thật, bình thường thì đó là những việc tốt đáng được ca tụng, nhưng đối với Chúa thì chẳng nghĩa lý gì, vì thái độ giả hình, giả dối của họ. Lòng đạo đức của họ chỉ có tính cách giả dối, một thứ đạo đức chỉ có cái vỏ bên ngoài. Hơn nữa, đáng trách hơn nữa, ngôn ngữ và hành vi của họ mâu thuẫn nhau, lý thuyết và thực hành của họ bất nhất. Họ rao truyền Lời Chúa, nhưng thực ra họ lạm dụng uy tín làm thầy và địa vị làm thủ lãnh của họ. Cho nên, trong con người họ như có hai phương diện, hai nếp sống: một nếp sống giả hình trong bổn phận; còn với chính mình lại buông xuôi, buông thả. Cuộc sống nước đôi như vậy thật là phiền phức: cái đúng trở thành cái sai, và cái sai mới là đúng. Chúa Giêsu không bao giờ có thể chấp nhận được cái thói giả hình và thái độ kiêu căng tự phụ của họ. Hãy sống thành thực, nói và làm đi đôi với nhau và trước sau như một.
Trước mặt Chúa Giêsu, chúng ta cần sống chân thành và khiêm tốn. Chúng ta cần can đảm nhìn nhận thân phận con người yếu đuối của mình, con người gắn liền với đầy khiếm khuyết và tội lỗi, mỏng giòn và yếu đuối. Chắc chắn Chúa biết rõ, Chúa biết tường tận con người chúng ta. Chúa biết chúng ta hơn “chúng ta biết ta”. Cho nên hãy sống đơn sơ, chân thành và khiêm tốn trước mặt Chúa và anh em. Ý thức được như vậy chúng ta càng trông cậy vào tình thương của Chúa, trông cậy vào sự tha thứ của Chúa, biết đặt trọn niềm “phó thác cuộc đời mình trong tay Cha.”
Nhìn nhận thân phận yếu đuối để biết kêu cầu và cậy dựa vào Chúa, xin ơn sám hối và canh tân đời sống mình. Chúng ta cần sám hối vì trong quá khứ chúng ta đã sai phạm nhiều. Phạm tội còn là thái độ chống lại ơn Chúa, cản trở tình thương và chương trình của Chúa. Có những lầm lỗi trở thành vật cản ơn thánh, để lỡ cơ hội đón nhận ơn Chúa cho bản thân chúng ta và cho người khác. Sám hối là trở về với Chúa nhưng cũng là trở về với anh chị em. Phải hòa giải với anh em, vì chính ta đã góp phần gây ra bất công, chia rẽ, bất hòa khiến anh em xa Chúa. Hòa giải với tha nhân là hòa giải với Chúa. Vì thế, sám hối sẽ dẫn đến đổi mới con người, đổi mới cuộc sống và sám hối càng sâu xa thì đổi mới càng mãnh liệt.
Trong con người mới chúng ta hân hoan hướng trọn niềm vui với tình nghĩa Thiên Chúa là Cha và với tha nhân, chúng ta trút bỏ được gánh nặng quá khứ để sống cho tình yêu thương của Chúa, chúng ta hân hoan bước vào cuộc sống mới, cuộc sống không ngừng đổi mới ơn thánh với tình bác ái huynh đệ, với lòng khiêm tốn, với tinh thần dấn thân phục vụ. Để sống chân thành với chính mình, chúng ta cần phải sám hối. Sám hối, hòa giải và đổi mới. Để làm tất cả những điều này chúng ta cần có lòng khiêm nhường. Người khiêm nhường biết rõ mình là ai: với những điểm tốt cũng như với những điểm xấu, những điểm tiêu cực cũng như tích cực và trông chờ ơn Chúa ban để canh tân đời sống của mình.
Bài Phúc Âm hôm nay nhắc nhở chúng ta hãy trở về với nguồn mạch ơn Thánh Chúa để canh tân đời sống mình với hết lòng khiêm tốn, để sống chân thật và trở nên nhân chứng cho tình yêu thương của Thiên Chúa.
Lạy Chúa Giêsu, xin cho con sống chân thành và khiêm tốn với Chúa và tha nhân. Nhờ đó, chúng con tìm được ơn tha thứ, tình yêu và nguồn bình an để sống trọn vẹn vai trò làm con Chúa. Amen.