Chúa Nhật 4 Phục Sinh Năm B: Mục tử đích thật

CHÚA NHẬT 4 PHỤC SINH NĂM B: GA 10,11-18

Khi ấy Đức Giê-su nói với người Do-thái rằng: “Tôi chính là Mục Tử nhân lành. Mục Tử nhân lành hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên. Người làm thuê, vì không phải là mục tử, và vì chiên không thuộc về anh, nên khii thấy sói đến, anh bỏ chiên mà chạy. Sói vồ lấy chiên và làm cho chiên tán loạn, vì anh ta là kẻ làm thuê và không thiết gì đến chiên.

Tôi chính là Mục Tử nhân lành. Tôi biết chiên của tôi, và chiên của tôi biết tôi, như Chúa Cha biết tôi, và tôi biết Chúa Cha, và tôi hy sinh mạng sống cho đoàn chiên.

Tôi còn có những chiên khác không thuộc ràn này. Tôi cũng phải đưa chúng về. Chúng sẽ nghe tiếng tôi. Và sẽ chỉ có một đoàn chiên, và một mục tử.

Sở dĩ Chúa Cha yêu mến tôi, là vì tôi hy sinh mạng sống mình để rồi lấy lại. Mạng sống của tôi, không ai lấy được, nhưng chính tôi tự ý hy sinh mạng sống mình. Tôi có quyền hy sinh và có quyền lấy lại mạng sống ấy. Đó là mệnh lệnh của Cha tôi mà tôi đã nhận được”.            

MỤC TỬ ĐÍCH THẬT

Thomas Wolsey (1475-1530) là một giáo sĩ hết lòng phò vua Henri VIII nước Anh (người sáng lập Anh giáo về sau) vì có nhiều tham vọng và ham bổng lộc. Ông sống xa hoa và trụy lạc, thậm chí còn chứa chấp một hầu thiếp tại nhà mình. Được nhà vua cất nhắc lên hàng hồng y và tể tướng (thời ấy Giáo hội còn dành cho vua chúa quyền này), Wolsey hết lòng ủng hộ Henri VIII trong vụ ly dị với hoàng hậu Catherine (để cưới cô hầu Anne Boleyn), bất chấp Giáo luật. Sau khi vụ án ly dị (5-1529) bất thành vì Catherine chống án lên ĐGH Clément VII, hồng y Wolsey bị thất sủng, mất hết mọi quyền lực. Cuối cùng, vì âm mưu chống lại nhà vua, Wolsey bị bắt và đưa đến Luân đôn để bị treo cổ. May cho ông là đã chết dọc đường nên tránh được mối ô nhục này. Ông than thở trong giờ sau hết: “Nếu tôi đã phụng sự Thiên Chúa một cách tận tụy như đối với vua, hẳn Người đã không bỏ rơi tôi lúc tuổi già”. Nếu Wolsey đã là một mục tử đích thật, chỉ biết phục vụ đàn chiên to lớn Chúa giao, đời ông hẳn không kết thúc cách đau thương ô nhục như thế.

1. Hiến mạng cho đoàn chiên

Wolsey thật khác với chân dung vị Mục Tử nhân lành đang “tự họa” trong bài Tin Mừng hôm nay. Hôm nay, Người cho ta biết thêm một nét về căn tính mình, một căn tính luôn gây nhiều câu hỏi. Quả vậy, tất cả những ai đã từng đến gần Người khi Người còn sống đều bị đánh động bởi bí ẩn bản thân Người. Người từng làm nhiều hành vi kỳ lạ, từng nói “như đã chẳng có ai từng nói”. Đôi lúc Người có vẻ chiếm chỗ Thiên Chúa nữa! Chẳng hạn Người đã nhiều lần dùng những kiểu nói chúng ta tiếc thay có thể lướt qua, mà chẳng hiểu tất cả tầm mức: “Ta là bánh ban sự sống” (Ga 6,35.48), “Ta là ánh sáng thế gian” (Ga 8,12; 9,5), “Ta là cửa đàn chiên” (Ga 10,17), “Ta là Mục Tử tốt lành” (Ga 10,11.14), “Ta là cây nho thật” (Ga 15,1.5), “Ta là con đường, là sự thật và là sự sống” (Ga 14,6), “Ta là sự sống lại và là sự sống” (Ga 11,25) (7 lời khẳng định “Ta Là…” trong Tin Mừng thứ 4). Qua các kiểu nói này, Đức Giê-su rõ ràng đã dám tuyên bố mình là ai: Đấng Cứu độ duy nhất của con người, loại trừ mọi thần giả khác, mọi cứu tinh giả khác, mọi lãnh tụ tự xưng khác của nhân loại. Người là “Mục Tử” duy nhất!

Hình ảnh biểu tượng “mục tử dẫn chiên mình” là một hình ảnh cổ điển, được sử dụng tại Đông phương xưa, để chỉ “thần minh” hay “vua chúa”. Trong Kinh Thánh cũng vậy, nó cũng áp dụng vào Đức Giavê: “Chúa là mục tử tôi, tôi chẳng thiếu gì” (Tv 22,1). “Đây chính Ta sẽ chăm sóc chiên của Ta”, Thiên Chúa phán (Ed 34,11). “Kìa Đức Chúa quang lâm hùng dũng: như mục tử, Chúa chăn giữ đoàn chiên của Chúa, tập trung cả đoàn dưới cánh tay. Lũ chiên con, Người ấp ủ vào lòng, bầy chiên mẹ, cũng tận tình dẫn dắt” (Is 40,10-11).

Chúng ta chớ bao giờ quên các tham chiếu Kinh Thánh này mà mọi con dân Do-thái đương thời, và trước tiên là Đức Giê-su, có trong tâm trí. Đối với thính giả Đức Giê-su, tuyên bố này có một ý nghĩa “thần học” chính xác: Người bảo mình là Đấng “Mê-si-a”, “Thiên sai”, được Thiên Chúa phái đến để dẫn loài người tới sự sống thật, như ý nghĩa của câu đi ngay trước câu này (mà tiếc thay bài đọc đã không lấy làm khởi điểm), câu xuất phát từ chính miệng Đức Giê-su, một trong những tóm tắt tuyệt hảo nhất của toàn thể Tin Mừng, và của tất cả sứ vụ mà Đức Giê-su đã đòi nhận: “Tôi đã đến để cho chiên (nhân loại) được sống và sống dồi dào” (Ga 10,10).

Chúng ta biết nhân loại thường tìm kiếm các lãnh tụ, các “nhân vật quan phòng”, có khả năng phân tích hoàn cảnh, chẩn đoán tương lai, khu trừ nguy hiểm, mang lại an ninh. Nhưng chúng ta cũng chán ngán những luận điệu hợm hĩnh (không thiếu trên báo chí, phát thanh, truyền hình…) của một số nhân vật nào đó, vốn cũng chỉ là “phàm nhân” tầm thường, lại tỏ ra ta đây nắm được sự thật, biết cái gì sắp xảy đến, chuyện gì cần phải làm. Họ hô hào chỉ cần loại bỏ cái này hay cái kia thì mọi chuyện sẽ êm xuôi, chỉ cần cải tổ điều này điều nọ thì xã hội sẽ tốt đẹp, hết mọi tệ nạn… Trong bối cảnh bát nháo đó, lời khẳng định sau đây của thánh Phê-rô trong bài đọc thứ nhất hôm nay vang lên như một tiếng kêu: “Đức Giê-su, tảng đá mà quý vị là thợ xây loại bỏ, đã trở nên đá tảng góc tường. Ngoài Người ra, không ai đem lại ơn cứu độ!” (Cv 4,12). Loại bỏ Thiên Chúa ra khỏi tâm hồn và cuộc sống, thì đừng trông mong xã hội sẽ hết mọi tệ nạn, con người sẽ biết thương yêu nhau!

Đức Giê-su là Mục Tử chân chính, đối nghịch với mọi “cứu tinh” giả hiệu hứa hươu hứa vượn với loài người. Giờ nguy hiểm xảy đến là giờ thấy rõ sự thật: mục tử giả hiệu, vốn chỉ là người “chăn thuê”, hành nghề vì tiền, thật ra chỉ tìm lợi ích của mình thôi. Y coi thường bầy chiên. Đôi lúc y sẵn sàng tru lên với chó sói. Y không liều mạng vì chiên, nhưng trước hết tự cứu mình. Biết bao mục tử giả hiệu như thế qua dòng lịch sử Giáo hội, mà Wolsey tiếc thay là một ví dụ! Còn Đức Giê-su thì “hiến mạng sống mình” vì chiên (4 chỗ trong trang Tin Mừng này). Thành thử chúng ta chớ nên mảy may dừng lại với những hình ảnh mục ca, điền viên, những bài thơ đồng quê lãng mạn. Bầu khí thât ra rất bi thảm: Đức Giê-su nghĩ tới một mục tử chết để cứu đàn chiên mình! Hình ảnh lạ lùng, kỳ dị. Một mục tử chết, làm sao còn có thể bảo vệ bầy chiên nữa? Đức Giê-su chỉ muốn nói: nhờ cái chết của mình, Người sẽ cứu rỗi chúng ta.

Vì đối với Người, cái chết ấy không phải là một biến cố bất ngờ, cũng chẳng là một sự bạo hành Người phải gánh chịu hay đơn giản chấp nhận. Người đã biến cái chết của mình thành một việc dâng hiến hoàn toàn ý thức và hết sức tự do. Cái chết của Người là một hành vi yêu thương, yêu thương đến cùng! “Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì kẻ mình thương” (Ga 15,13). Phần chúng ta thì sao? Có giữ mạng sống và cái chết ta “cho ta” không? Chúng ta sẽ hiến dâng cái chết chúng ta cho người nào? Chúng ta yêu thương ai đủ để có khả năng tận hiến như vậy? Có như các Linh mục thánh Vianey, Damien, Kolbe… không?

2. Hiểu biết từng con chiên

Khác với kẻ làm thuê xem thường chiên, Đức Giê-su coi trọng con người, hết thảy loài người, biết rõ từng người, đến độ đã có khả năng thí mạng vì mỗi một người trong họ! “Ta đã nghĩ đến con trong cơn hấp hối của Ta, đã đổ cho con những giọt máu này” (Pascal)! Những lời bỏng cháy “Tôi biết chiên tôi” không đơn giản. Động từ “biết” của Thánh Kinh đây trước hết không chỉ sự lãnh hội bằng trí tuệ, nhưng chỉ cái biết của kẻ yêu một người khác đến độ “cùng sinh” (connaître = con-naître) với người ấy bằng cách dấn thân trọn vẹn vì người ấy… Như một người chồng nói với vợ mình: “Giờ đây anh biết em, nên anh là một con người mới… đây như một sự sinh lại!”. Biết này là một thứ hiện diện thân mật với nhau, một sự cảm thông tương hỗ, một thông hiệp tư tưởng và tâm tình: đó là sống với, tích cực dấn thân vì…

Theo mẫu mực nào? Sự thân mật thắm tình và sống động giữa Cha và Con trong mầu nhiệm Ba Ngôi. Sự thân mật giữa Đức Giê-su và những ai Người đã chết để cứu, những ai Người đã tái sinh nhờ cái chết của mình, chính sự thân mật ấy có giữa Ba Ngôi thần linh. Với tầm mức nào? Tầm mức hoàn vũ, Đức Giê-su quả quyết nó được mở rộng cho hết mọi người chẳng trừ ai. Đó là tầm mức “đại kết” của sứ mệnh cứu thế của Người. Một lần nữa, ngôn ngữ này của Đức Giê-su có lắm điều khó hiểu, khiến chúng ta tự hỏi: vậy thì Người là ai mà có những tham vọng ấy? Người chẳng phải chỉ là chú thợ mộc nghèo hèn thôn Na-da-rét, sắp tiêu ma trong thất bại hoàn toàn, qua một cái chết ô nhục, một cái chết “vô ích” sao?

 Không! Người “đã hy sinh mạng sống”“đã lấy lại”. “Chính Ta là Đức Ki-tô, Ta đã hủy diệt thần chết, đã chiến thắng kẻ thù, đã chà đạp âm phủ, đã cột trói kẻ mạnh, và đã đoạt lấy con người mà đưa lên trời cao thẳm” (Thánh Méliton thành Sardes).

Lm. Phêrô Phan Văn Lợi, Tổng Giáo Phận Huế