ĐHY Koch: Mục đích của đại kết là xóa bỏ sự chia rẽ giữa các Giáo hội Đông-Tây

Trong một hội nghị quốc tế cấp cao tại Vienna diễn ra trong hai ngày 16 và 17/1/2025, nhắm đánh giá lại các sự kiện năm 1054 tại Constantinople, năm được coi là thời điểm chia cắt giữa các Giáo hội ở phương Đông và phương Tây – giữa Công giáo và Chính Thống giáo, Đức Hồng y Kurt Koch giải thích rằng để vượt qua sự chia rẽ của các Giáo hội Đông-Tây, bước đầu tiên là các Giáo hội Công giáo và Chính Thống giáo phải nhìn nhận nhau là một Giáo hội. Bước thứ hai sẽ là nối lại sự hiệp thông.

Vatican News

Hội nghị được tổ chức bởi Hiệp hội các nhà sử học Giáo hội Công giáo Áo, hợp tác với Viện Thần học Lịch sử tại Đại học Vienna và tổ chức “Pro Oriente”. Trong hội nghị, Đức Hồng y Koch, Tổng trưởng Bộ Cổ võ sự Hiệp nhất các Kitô hữu, nhấn mạnh: “Chỉ với việc nối lại sự hiệp thông Thánh Thể, Giáo hội không chia rẽ ở phương Đông và phương Tây mới được khôi phục, đó là mục tiêu thực sự của mọi nỗ lực đại kết”.

Tuyên bố chung năm 1965

Gần 60 năm trước, các giáo hội chia rẽ đã tiến đến với nhau: vào ngày 7/12/1965, một ngày trước phiên họp bế mạc của Công đồng Vatican II, Đức Phaolô VI ở Roma và Đức Thượng Phụ Athenagoras ở Istanbul đã đọc một tuyên bố chung, cùng một lúc xóa bỏ án tuyệt thông lẫn nhau, chấm dứt cuộc ly khai từ năm 1054.

Theo Đức Hồng y Koch, công lao to lớn của “Tuyên bố chung” năm 1965 là “những sắc lệnh tuyệt thông năm 1054 không còn có thể có sức nặng mà chúng đã gây ra trong một thời gian dài trong lịch sử và từ đó đã đầu độc mối quan hệ giữa các Kitô hữu Đông và Tây phương”.

Một số lý do dẫn đến sự chia cắt giữa Đông và Tây

Đức Hồng y giải thích rằng Kitô giáo đã phát triển tách biệt qua nhiều thế kỷ. Các linh đạo khác nhau đã dẫn đến những hiểu lầm. Cũng có những lý do chính trị, ví dụ như nỗi kinh hoàng của các cuộc Thập tự chinh và sự tồn tại của hai hoàng đế ở phương Đông và phương Tây kể từ khi hoàng đế Charlemagne lên ngôi. Ngài nhận định: “Vì không còn một thẩm quyền nào được cả hai bên công nhận, nên không ai có thể gửi lời mời đến một công đồng chung cho các giám mục của cả hai bên, và kết quả là không có công đồng chung nào được cả hai bên công nhận diễn ra sau khi Charlemagne lên ngôi”.

Sự chia rẽ của Giáo hội vào thế kỷ 18 đã diễn ra dưới những hình thức kịch tính. Các Kitô hữu theo nghi lễ Latinh ngày càng tin rằng Giáo hội của Chúa Giêsu Kitô chỉ có thể tồn tại ở nơi mà người kế vị Thánh Phêrô lãnh đạo cộng đồng tín đồ, và do đó các bí tích được cử hành bên ngoài thẩm quyền mục vụ của Giáo hoàng không thể hợp pháp.

Theo Đức Hồng y Koch, lý do sâu xa hơn cho sự lên án lẫn nhau là “cả hai bên đều coi mình là Giáo hội duy nhất của Chúa Giêsu Kitô và không còn sẵn sàng công nhận bên kia là Giáo hội của Chúa Giêsu Kitô nữa”. (KNA)

Bài viết liên quan

Đức Thánh Cha: Làm chứng cho tình yêu Thiên Chúa nhập thể là ơn gọi đại kết của các Giáo hội

Sáng thứ Hai ngày 20/1/2025, trong lời chào phái đoàn đại kết đến từ Phần...

Tài liệu Tuần cầu nguyện cho các Kitô hữu hiệp nhất năm 2025

WHĐ (18/01/2025) – Bộ Cổ võ các Kitô hữu hiệp nhất đã có Tài liệu...

Đức Thánh Cha tiếp phái đoàn Quỹ Công giáo của Giáo phận Verona

Đức Thánh Cha đã tiếp phái đoàn Quỹ Công giáo của Giáo phận Verona ở...

Đức Thánh Cha: Ơn gọi linh mục không phải là phương tiện để đạt những mục đích khác

Sáng thứ Năm, ngày 16/01, Đức Thánh Cha tiếp ban giám đốc, giáo sư và...

Đức Thánh Cha: Hy vọng là những dấu chỉ đường trong hành trình cuộc sống

Sáng thứ Sáu ngày 17/01, Đức Thánh Cha tiếp ban giám đốc và các chủng...

Đức Thánh Cha bị ngã và bị bầm ở cẳng tay phải

Văn phòng Báo chí Tòa thánh cho biết Đức Thánh Cha đã bị ngã tại...